Tỉ lệ phụ nữ và trẻ em bị bạo hành tăng do “giãn cách xã hội”

Giãn cách xã hội có thể khiến tất cả mọi người bị căng thẳng, nhất là những người mất việc hoặc đứng trước nguy cơ mất việc. Những căng thẳng tài chính có thể phần nào bị che mờ trong cuộc sống thường nhật, nhưng rồi chúng sẽ hiện lên đậm nét khi những không gian xã hội của mỗi người bị lấy đi, chỉ còn lại bạn với một đối tác có xu hướng bạo lực.

Thêm một tuần nữa kể từ khi thủ tướng Anh Boris Johnson ban hành lệnh phong tỏa trên khắp đất nước, các chuyên gia phân tích ngày càng tập trung vào những hậu quả không lường trước được trong việc thay đổi lối sống một cách đột ngột – nhằm tìm hiểu và tìm ra phương án giảm thiểu một số tác động của Covid-19. Nguy cơ bị bạo hành gia tăng đối với phụ nữ và trẻ em là một trong những hậu quả như vậy. Trong hai tuần đầu phong tỏa, có ít nhất 9 trường hợp tử vong được ghi nhận ở Anh như một hệ quả của chính sách ở nhà để “giãn cách xã hội”. Thêm vào đó, các cuộc gọi đến đường dây trợ giúp nạn nhân bị bạo hành nước này đã tăng 25% so với giai đoạn trước đó. 

Không chỉ ở Anh, trong tuần đầu phong tỏa, “số trường hợp bạo lực gia đình trên khắp nước Pháp đã tăng hơn 30%” – Bộ trưởng Bộ Nội vụ Pháp Barshe Castaner cho biết. Chỉ riêng ở Paris, con số này là 36%. Ông nói thêm, chính phủ nước này sẽ đưa ra các biện pháp mới để những nạn nhân của nạn bạo hành có thể tiếp cận, cầu cứu sự giúp đỡ trong thời gian phong tỏa. Họ có thể kêu gọi sự giúp đỡ tại các hiệu thuốc. “Nếu người chồng không đi theo đến đó, người vợ có thể gọi giúp đỡ”, chính quyền sẽ phát triển thêm một hệ thống mật mã riêng dành cho các nạn nhân có người chồng bạo lực đi theo kèm. 

Ở Tây Ban Nha, các cuộc gọi qua đường dây nóng của chính phủ liên quan đến bạo lực giới đã tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái trong hai tuần đầu tiên phong tỏa. Tại Trung Quốc, Feng Yuan, giám đốc tổ chức bảo vệ phụ nữ Weiping, chia sẻ với tờ Sixth Tone rằng họ cũng đã nhận được một số lượng lớn các báo cáo liên quan đến bạo lực gia đình kể từ kỳ nghỉ Tết Nguyên đán – khoảng thời gian một số thành phố tại nước này bắt đầu ban hành lệnh giãn cách xã hội.


Các nhà hoạt động vì quyền phụ nữ cầm ảnh nạn nhân của bạo lực gia đình trong một cuộc biểu tình ở Bucharest hôm 4/3. Ảnh: Daniel Mihailescu

Giãn cách xã hội có thể khiến tất cả mọi người bị căng thẳng, nhất là những người mất việc hoặc đứng trước nguy cơ mất việc. Những căng thẳng tài chính có thể phần nào bị che mờ trong cuộc sống thường nhật, nhưng rồi chúng sẽ hiện lên đậm nét khi những không gian xã hội của mỗi người bị lấy đi, chỉ còn lại bạn với một đối tác có xu hướng bạo lực. Tất cả những nỗi bất an giờ đây đổ dồn vào cuộc sống của chúng ta; tiền bạc, công việc, sức khỏe và thực phẩm là những nỗi lo thường trực của phụ nữ và trẻ em, khi mà họ phải sống với một người có xu hướng bạo lực. Và rồi, nó đã nhân lên gấp bội khi mà những không gian như công sở, trường học, những nơi tụ tập cùng bạn bè,… đều biến mất. 

Covid-19 đã tước đi 69.756 sinh mạng trên khắp thế giới vào cuối tháng 3 (Worldometer 06/04/20). Đây là một con số bi thảm, vì dù cho đã được chăm sóc dưới những điều kiện thuận lợi, nhiều người vẫn ra đi. Thêm vào đó, số người chết còn bao gồm các chuyên gia thâm niên chuyên phụ trách người bệnh và người có hoàn cảnh khó khăn. Hoa Kỳ cho biết nước này đã ban hành gói cứu trợ 2 nghìn tỷ USD nhằm cứu nguy cho nền kinh tế toàn cầu. Trên bình diện quốc tế, các chính phủ đã có những động thái khác nhau nhằm ban hành các gói hỗ trợ tài chính, giúp người dân chống chọi với những khó khăn trong bối cảnh hiện nay.

Mặt khác, năm 2019, Văn phòng Liên Hiệp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm báo cáo rằng trong năm 2017, trên toàn thế giới có khoảng 87.000 phụ nữ và trẻ em gái đã bị giết hại, với hơn 50% số ca tử vong là do người chồng hoặc chồng cũ gây ra. Báo cáo kết luận rằng ‘nhà’ vẫn là nơi nguy hiểm nhất đối với phụ nữ (và trẻ em). Hãy nhớ rằng đây là số liệu hằng năm. Những cái chết này xảy ra mỗi năm, Hoeffler và Fearon (2014) ước tính rằng bạo lực trong mối quan hệ tình yêu và hôn nhân gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 4,4 nghìn tỷ USD mỗi năm, tương đương với hơn 5% GDP toàn cầu.

Khi đặt cạnh nhau, những con số như vậy hiện lên vô cùng rõ ràng. Nếu chúng ta thêm vào các chi phí do bạo lực gia đình, các chi phí phải trả như cơm bữa do các hành vi bạo lực mà một người đàn ông gây nên; các vấn đề về thể chất, tâm lý và tài chính, bao trùm lên cuộc sống của hàng ngàn người phụ nữ và trẻ em mỗi ngày – cũng góp phần gây ra cái chết sớm của họ, và những chi phí này tiếp tục được dồn lại. Chúng tôi đã gọi đây là ‘hành vi giết hại phụ nữ từ từ’.

Bất kể chúng ta có gọi hành vi này bằng một thuật ngữ nào đi nữa, thì những con số này cũng không phải là một trò đùa. Covid-19 không phải là một trò đùa. Thời gian dịch bệnh vừa qua giúp chúng ta hiểu rõ hơn về một cuộc sống luôn chìm trong sợ hãi sẽ như thế nào. Sau đó, có thể có một đánh giá rộng hơn về việc làm thế nào mà những người phụ nữ và trẻ nhỏ có thể sống một cuộc sống như thế mỗi ngày – mà thậm chí sẽ còn khó khăn hơn trong hoàn cảnh đất nước đang bị phong tỏa. 

Có lẽ, chúng ta nên hy vọng vào việc rút ra được những bài học sau dịch bệnh này.

Anh Thư dịch

Nguồn: 
COVID-19 lockdown: Home is ‘the most dangerous place’ for women and children
Domestic violence cases jump 30% during lockdown in France 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)