Tiếng ồn giao thông ảnh hưởng đến hành vi của động vật

Nghiên cứu cho thấy, âm thanh từ các phương tiện giao thông ảnh hưởng đến thói quen kiếm ăn của chim sẻ vằn và quá trình giao phối của dế mèn


Tiếng ồn do giao thông khiến dế cái phân tâm khi lắng nghe ca khúc tán tỉnh của dế đực, và điều này có thể dẫn đến việc chúng chọn một con đực chất lượng thấp hơn để giao phối. Ảnh: Dr Adam Bent/PA

Trong suốt giai đoạn phong tỏa vì Covid-19, mọi người phải làm việc tại nhà, và kéo theo đó bạn cũng mang theo ô nhiễm tiếng ồn về ngôi nhà của bạn – dù cho đó chỉ là khung cảnh vợ bạn đang nói chuyện điện thoại hoặc đang xay cà phê trong lúc bạn thực hiện một cuộc phỏng vấn qua Zoom. Một nghiên cứu mới đây cho thấy không chỉ loài người, mà vương quốc động vật cũng bị xáo trộn bởi tiếng ồn của con người và các thiết bị của chúng ta. 

Khi dân số con người càng tăng lên, chúng ta càng thâm nhập sâu hơn vào môi trường sống của các loài động vật hoang dã, khiến âm thanh liên tục lan tỏa trong môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến không chỉ khả năng nghe mà còn khả năng giao tiếp của động vật. Nghiên cứu này cho thấy ô nhiễm tiếng ồn, chẳng hạn do giao thông gây ra, cản trở hành vi của động vật, bao gồm cả nhận thức và giao phối.  

Nhằm tìm hiểu tác động của tiếng ồn giao thông đối với hoạt động nhận thức, các nhà khoa học đã giao cho chim sẻ vằn trưởng thành – một loài chim nhỏ bé biết hót có nguồn gốc từ Úc – thực hiện một loạt các nhiệm vụ kiếm ăn. Những con chim ở trong môi trường phòng thí nghiệm tương đối yên tĩnh, hoặc đôi lúc các nhà khoa học sẽ tạo ra âm thanh trong căn phòng này bằng cách mô phỏng một loạt ô tô chạy qua cách đó 20 đến 30 mét tương tự với tiếng ồn giao thông. 

Để kiểm tra khả năng kiểm soát sự ức chế – một kỹ năng hữu ích để duy trì sự chú ý cần thiết khi giải quyết một vấn đề, các nhà khoa học sẽ để những con chim tiếp cận với một vật hình trụ trong suốt đặt nằm ngang, bên trong là thức ăn. Họ muốn đánh giá xem liệu những con chim sẽ cứ thế mà nhào đến hay sẽ đi qua hai bên để tới được lối đi mở. 

Nhiệm vụ tiếp theo là lật nắp để lấy thức ăn. Các nhà khoa học thiết kế nhiệm vụ này nhằm đo lường các kỹ năng vận động và thao tác, những yếu tố cần thiết để kiếm ăn. Sau đó, những con chim chuyển sang nhiệm vụ về hiểu biết kết hợp màu sắc – nhiệm vụ này hướng đến khả năng phân biệt giữa các nắp có màu khác nhau nhằm xác định cái nào chứa thức ăn. Các nhà khoa học còn kiểm tra trí nhớ không gian, vốn rất quan trọng trong việc ghi nhớ vị trí nguồn thức ăn, ranh giới lãnh thổ và bạn tình tiềm năng. 

Cuối cùng, họ đánh giá kỹ năng học hỏi lẫn nhau của những chú chim. Một số con “làm mẫu” cách kéo các nút thắt để lấy thức ăn được giấu trong các khối gỗ, các nhà khoa học sẽ đánh giá các con khác dựa trên khả năng thực thi nhiệm vụ của chúng. 

Tiếng ồn giao thông đã ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả những nhiệm vụ, ngoại trừ nhiệm vụ liên kết màu sắc, các nhà nghiên cứu viết trên tạp chí Proceedings of the Royal Society B.

 “Chúng tôi không nghĩ mình sẽ thấy một hiệu ứng mạnh mẽ đến như vậy”, tác giả nghiên cứu Christopher Templeton, trợ lý giáo sư tại Đại học Thái Bình Dương, Oregon, Hoa Kỳ, cho biết. “Đây là những chú chim sống theo đàn, chúng thường trao đổi với nhau, tạo nên những âm thanh khá lớn. Vì vậy, việc chỉ cần nghe thấy tiếng ô tô ngang qua là đủ để chúng không thể thực hiện được các bài kiểm tra này thực sự là một điều khá ngạc nhiên”. 

Ảnh hưởng đến quá trình tiến hóa

Một nghiên cứu riêng biệt, được công bố trên tạp chí Behavioral Ecology, đã xem xét cách thức những con dế than cái (Gryllus bimaculatus), thực hiện các lựa chọn giao phối trong các điều kiện âm thanh khác nhau.

Con đực thu hút con cái thông qua việc cọ xát cánh của chúng với nhau – đây là cách chúng biểu diễn một ca khúc tán tỉnh. 

“Đặc biệt, ở loài dế này, chúng tôi biết rằng khúc ca tán tỉnh của con đực có liên quan đến khả năng miễn dịch, vì vậy chúng [con cái] biết rằng nếu chúng có một bài hát chất lượng thì con cái của chúng sẽ có khả năng sống sót cao hơn”, tác giả chính, TS Adam Bent thuộc Đại học Cambridge, giải thích. Nghiên cứu này là một phần trong chương trình Tiến sĩ của ông tại Đại học Anglia Ruskin.

Để kiểm tra tác động dưới các điều kiện tiếng ồn khác nhau, các nhà nghiên cứu đã ghép những con dế cái với những con dế đực đã bị cắt đôi cánh để không thể tạo nên ca khúc tán tỉnh được nữa. Sau đó, họ để những con dế tương tác với nhau trong điều kiện tiếng ồn ở môi trường xung quanh, điều kiện tiếng ồn nhân tạo hoặc điều kiện tiếng ồn do giao thông. 

Tiếp đến, họ phát một ca khúc tán tỉnh nhân tạo trong khi những con đực đang cố gắng tán tỉnh những con cái. Con cái có xu hướng săn lùng những con đực chất lượng, vì vậy chúng có thể giao phối càng nhanh càng tốt, rồi chúng có thể tiếp tục tìm kiếm một người bạn đời khác. Con cái càng có nhiều bạn tình, chúng càng sinh sản nhiều và khả năng con cái của chúng sống sót càng cao. 

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng trong bối cảnh tiếng ồn do môi trường xung quanh, khi họ mở ca khúc tán tỉnh nhân tạo nhưng có chất lượng cao, những con cái giao phối với con đực sớm hơn và thường xuyên hơn.

Những bài hát chất lượng cao không hiệu quả trong điều kiện tiếng ồn nhân tạo (nhiễu trắng) và tiếng ồn giao thông. “Dữ liệu cho thấy những con cái không thể phát hiện ra sự khác biệt trong bài hát, và điều đó có nghĩa là hai loại âm thanh này khiến chúng không thể phân biệt được đó là một bài hát chất lượng cao hay chất lượng thấp”, Bent nói.

“Điều này có khả năng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến con cái của chúng. Nhưng nhìn rộng ra, lựa chọn bạn đời là một cơ chế thực sự mạnh mẽ trong chọn lọc giới tính, và chọn lọc giới tính thúc đẩy sự tiến hóa”, ông cho biết. “Vì vậy, nếu điều này gián đoạn quá trình lựa chọn bạn đời, nó cũng sẽ thay đổi đáng kể quá trình tiến hóa của loài.” 

Anh Thư dịch

Nguồn: https://www.theguardian.com/science/2021/feb/03/human-noise-affects-animal-behaviour-studies-show

 

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)