Tính hài hòa, sáng tạo có trách nhiệm và một tinh thần cà phê toàn cầu*

Đây là giai đoạn mà sự phát triển đơn phương và đa phương của rất nhiều nguồn lực chính trị, kinh tế, xã hội của thế giới đã tạo ra cho thế giới này quá nhiều xung đột và mâu thuẫn, tạo ra sức ép mạnh mẽ lên không gian sinh tồn chung của nhân loại; diễn trình này cần được hài hòa hóa lại với nhau để có thể tiếp tục ổn định và phát triển bền vững.

Toàn thể xã hội loài người chúng ta hiện được dẫn dắt bởi ba lực lượng chính là chính trị, kinh tế, và tôn giáo – văn hóa; tương ứng với ba dạng thức quyền lực: quyền lực cứng, quyền lực kinh tế, và quyền lực mềm. Diễn trình toàn cầu hóa cho đến hiện nay đã ghi nhận sự phát triển đến cực điểm của hai yếu tố kinh tế và chính trị, và nguyên nhân dẫn đến tính bất hiệu lực của các nỗ lực đối phó với các khủng hoảng toàn cầu cũng nằm ở chỗ giới tinh hoa hiện nay thực chất vẫn chỉ dùng nhãn quan chính trị và kinh tế, tức là sử dụng quyền lực cứng và quyền lực kinh tế để giải quyết vấn đề mà thiếu đi sự bổ sung, thậm chí còn phải là vai trò chủ đạo của nhãn quan tôn giáo và hiệu lực của các giải pháp quyền lực mềm.

Tình hình hiện nay vừa phức tạp, vừa cấp thiết đến nỗi chúng ta cần có cả ba yếu tố sau cùng một lúc thay vì có thể kiến tạo tuần tự và lần lượt như những thời kỳ trước: cần có một hệ thống lý luận, hệ giá trị, và tinh thần mới cho sự phát triển; cần có những dạng thức định chế toàn cầu mới cho việc triển khai hệ giá trị và tinh thần nêu trên; cần có các sáng kiến đột phá, các dự án tiên phong, các địa bàn mang tính hình mẫu và biểu tượng cho mô hình phát triển mới.

Lý thuyết phát triển mới chính là cốt lõi của quá trình tư duy lại thế giới; trong đó theo tôi có ba nội dung quan trọng chúng ta cần thống nhất: nhận định quy luật và xu hướng vận động của thế giới hiện nay; đưa ra hệ giá trị phát triển mới; xác định tinh thần, động lực và lực lượng nòng cốt cho sự phát triển. Tất cả các nội dung trên càng cốt lõi, càng đơn giản càng tốt, nó phải các sợi chỉ đỏ xuyên qua mọi khác biệt, kết nối những điểm chung quan trọng nhất của nhân loại. Với tinh thần đó, chúng tôi cho rằng, bối cảnh hiện nay của thế giới toàn cầu hóa đang là giai đoạn hài hòa hóa. Đây là giai đoạn mà sự phát triển đơn phương và đa phương của rất nhiều nguồn lực chính trị, kinh tế, xã hội của thế giới đã tạo ra cho thế giới này quá nhiều xung đột và mâu thuẫn (mâu thuẫn giữa con người với con người), tạo ra sức ép mạnh mẽ lên không gian sinh tồn chung của nhân loại (mâu thuẫn giữa con người và tự nhiên); diễn trình này cần được hài hòa hóa lại với nhau để có thể tiếp tục ổn định và phát triển bền vững. Nếu không, với diễn trình biến động ngày càng phức tạp của hàng loạt các khủng hoảng toàn cầu như hiện nay, chắc chắn, toàn thể nhân loại sẽ sớm đi đến bền bờ diệt vong. Và tương ứng với niềm tin mới này, chúng ta cần một hệ giá trị mới tương ứng, theo đó, giá trị cốt lõi trung tâm chính là tính hài hòa và tinh thần chủ đạo sẽ là sáng tạo có trách nhiệm.

Xét cho cùng, lịch sử của nhân loại là lịch sử sáng tạo, chính sáng tạo làm nên sự phát triển. Nhưng nếu như trước đây và một thói quen không còn thích hợp cho hiện tại là sự sáng tạo của chúng ta là sáng tạo vì lòng tham, vì lợi ích mang tính cục bộ của cá nhân, nhóm, hay quốc gia; thì giờ đây, tương ứng với giai đoạn hài hòa hóa của tiến trình toàn cầu hóa, chúng ta cần dịch chuyển sang một tinh thần phát triển mới, tinh thần sáng tạo có trách nhiệm. Trách nhiệm đối với môi sinh chung của nhân loại, trách nhiệm đối với toàn nhân loại phải được đặt trước và ưu tiên hơn các lợi ích cục bộ của nhóm, của quốc gia, của từng cá nhân. Một trách nhiệm toàn diện tinh thần trách nhiệm ngày càng toàn diện, kết nối không chỉ chiều ngang của xã hội loài người mà còn cả chiều dọc, giữ còn người với đất trời, thiên nhiên, vũ trụ. Như vậy, chúng ta đang sống trong một thời kỳ mang tính chuyển đổi lịch sử của nhân loại.

Đồng hành với tiến trình tìm ra và truyền bá hệ giá trị và tinh thần phát triển mới cho diễn trình hài hòa hóa thế giới, chúng ta cần phải được tư duy lại một cách nghiêm khắc và triệt để các lý thuyết về thuật chiến thắng theo tinh thần được mất. Đó là các lý thuyết dẫn dắt thế giới hiện nay vẫn nằm trong trạng thái cạnh tranh, giành đoạt và thắng thua, tiếp tục tạo ra khủng khoảng không thể tìm lối ra. Về kinh tế vẫn là dòng ảnh hưởng của cạnh tranh tự do từ Adam Smith, Keynes, cho đến Marshall; về chính trị các học thuyết quyền mưu của Tôn Tử, Clausewitz, Machiavelli, các học thuyết mang tính cạnh tranh và xung đột đối kháng về địa chính trị và ý thức hệ, học thuyết cạnh tranh sinh tồn Darwin, dân số của Malthus vẫn tiếp tục là cội rễ để tạo thành các phân cực cạnh tranh và đe dọa lẫn nhau trên trái đất. Vượt trên tất cả, chúng ta cần có niềm tin rằng với sức sáng tạo to lớn của loài người kết hợp với sự vĩ đại đến kỳ diệu của thiên nhiên, toàn thể nhân loại hoàn toàn có thể tạo ra một thế giới hài hòa, ổn định và cùng phát triển bền vững với những lợi ích mang tính tổng hợp và không loại trừ nhau. Cuộc chuyển đổi lịch sử kể trên sẽ diễn ra trước hết ở lĩnh vực lý luận và lý thuyết về động lực và mô hình phát triển cho con người, một mô hình đảm bảo tính hài hòa và bền vững.

Để tạo ra sự chuyển đổi lịch sử này, tôi cho rằng có ba tác nhân chính tương ứng với ba nhóm lực lượng nòng cốt. Tác nhân đầu tiên chính là sự phát triển của khoa học công nghệ, trong đó đặc biệt là công nghệ thông tin đã và đang nhanh chóng hình thành các mạng lưới xã hội kết nối toàn cầu. Cần phải dựa trên nền tảng này để tạo ra một mạng xã hội tri thức toàn cầu hướng đến hệ giá trị mới. Giới truyền thông hiện đại và tiến bộ có thể đóng vai trò tiên phong và trung tâm trong sự biến đổi này. Tác nhân thứ hai là nguy cơ mang tính hủy diệt đối với nhân loại từ sự biến đổi khí hậu. Trước đây, các chính phủ đóng vai trò chủ đạo trong diễn trình này, nhưng theo tôi, chính các nhà lãnh tụ tôn giáo và văn hóa mới có hiệu lực chính để thay đổi ý thức và hành xử của con người đối với thiên nhiên như một nền đạo đức chung, một hệ thống các tín điều mang tính chất tôn giáo và văn hóa. Tác nhân thứ ba là diễn trình phát triển của nền kinh tế mới, kinh tế xanh và tri thức, một loại hình kinh tế đảm bảo sự phát triển mà không gây tổn hại đến môi trường sống, cho phép giảm thiểu tối đa các giao dịch bất công bằng có tính thắng thua. Các nhà kinh doanh có trách nhiệm, các nhà khoa học, và cộng đồng thế hệ người tiêu dùng hiện đại, thông minh và có trách nhiệm sẽ là ba trụ cột chính để làm dịch chuyển tác nhân có tính hiệu lực cao nhưng cũng là vô cùng khó khăn khi chuyển đổi này.  
 
Với nguồn lực và tầm ảnh hưởng của các quý vị ở đây, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra một “think tank” mới, một “diễn đàn sáng tạo có trách nhiệm cho thế giới hài hòa và phát triển bền vững”, để hướng đến việc hình thành một mạng lưới xã hội tri thức toàn cầu cùng hướng đến giá trị sáng tạo có trách nhiệm. Trước hết, “think tank” này sẽ tập hợp các bộ não hàng đầu thế giới, cùng đưa ra các tiêu chuẩn đánh giá mới dựa trên bối cảnh hài hòa hóa và tinh thần chủ đạo là sáng tạo có trách nhiệm cho các nhóm quyền lực, các nhà lãnh đạo có ảnh hưởng trên thế giới; sử dụng hạ tầng và sự phát triển của mạng xã hội toàn cầu để kết nối và tạo ra sự giám sát xã hội đối với các tiêu chuẩn mới; đồng thời, đó cũng chính là cơ chế để tập hợp và huy động nguồn lực đại chúng nhằm hỗ trợ thực hiện các sáng kiến mới. Nếu thực hiện được điều đó, đây sẽ là sự nâng cấp ý nghĩa của cơ chế Hội nghị của chúng ta ở đây.

Với sự đa dạng, khác biệt về sắc tộc, tôn giáo, ý thức hệ, trình độ phát triển,… nhưng lại đang là khu vực có tốc độ phát triển cao trên thế giới, đồng thời nằm ở khu vực có vị trí địa chính trị hết sức chiến lược trên thế giới hiện nay, và quan trọng nhất là chưa bị lệ thuộc vào di sản cũng như quán tính lớn của mô hình phát triển cũ; Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung sẽ là địa bàn phù hợp nhất để tổ chức diễn đàn thường niên này, và đây cũng là địa bàn thích hợp nhất để thực thi các mô hình mẫu cho lý thuyết phát triển hài hòa nêu trên.  Một cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng sẽ trở thành điểm hình cho mô hình liên kết thể chế quản trị toàn cầu mới. Một Việt Nam với rất nhiều vấn đề khó khăn và phức tạp cả trong quá khứ lần hiện tại nếu xây dựng thành công mô hình phát triển mới thì điều đó có nghĩa là cả thế giới cũng có thể làm được.

***

Bất cứ một cuộc biến đổi lớn và toàn diện nào cũng đều được bắt đầu bằng những nhóm người, những tổ chức, những lĩnh vực có tính tiên phong, đột phá tạo ra biểu tượng và niềm tin chung. Với kinh nghiệm và điều kiện hoạt động trong ngành cà phê, chúng tôi thấy rằng cà phê hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu trở thành một trong những biểu tượng mạnh và tiên phong cho diễn trình dịch chuyển hài hòa hóa của thế giới.

Với thuộc tính tạo ra tỉnh thức, nâng cao khả năng tập trung và kích thích sự sáng tạo của mình; cà phê đã và đang đóng một vai trò quan trọng như một nguồn năng lượng chủ đạo cho hàng loạt các phát minh, sáng kiến, các cuộc cách mạng quan trọng của loài người trên mọi lĩnh vực của đời sống mà không một loại thực phẩm nào có thể sánh bằng. Cà phê chính là năng lượng cho sáng tạo của quá khứ và hiện tại, trong tương lai năng lực sáng tạo này lại ngày càng trở nên cần thiết và sống còn đối với chúng ta.

Ngày nay, cà phê ngày càng đóng vai trò quan trọng kết nối nhân loại, kết nối các quốc gia, các nền văn hóa và văn minh, kết nối các tổ chức xuyên quốc gia. Hiện tại trên thế giới đang có trên 2,5 tỷ người dùng cà phê không phân biệt tuổi tác, giới tính, tôn giáo, dân tộc, quốc gia, ý thức hệ chính trị,.. Trong tập người đó đã quy tụ hầu hết thuộc giai tầng sáng tạo, tầng lớp có ảnh hưởng và giới tinh hoa của mọi quốc gia, dân tộc. Đây có thể coi là một lực lượng gần như sẵn có và có độ lớn cũng như tầm ảnh hưởng vượt qua bất cứ một cộng đồng nào hiện có trên thế giới. Ngành cà phê là một ngành có giá trị trao đổi hàng hóa cơ bản chỉ đứng thứ hai sau dầu lửa, có khả năng liên kết và kết nối các quốc gia với nhau, trở thành một hình mẫu liên kết toàn cầu theo mô hình kinh tế bền vững của một hệ sinh thái cân bằng.

Chúng ta có thể nhìn ra viễn cảnh về một cộng đồng cà phê toàn cầu, bao gồm những người sành cà phê, cùng sáng tạo có trách nhiệm, cùng thành công bền vững trong một thế giới phát triển hài hòa.

Quá trình chuyển đổi động lực phát triển của thế giới là một diễn trình chuyển đổi không hề dễ dàng; nhưng tôi tin rằng khi đoàn kết cùng nhau, với tinh thần sáng tạo có trách nhiệm, cùng sức mạnh của truyền thông, không gì là không thể.

Hội Nghị Thiết lập Chương trình Nghị sự Quốc tế Lần thứ 13

Đó là Hội nghị thường niên thứ 13, tại Luzern, Thụy Sĩ từ 1 – 3/11/2012 do Media Tenor tổ chức, nhằm tập hợp ý kiến, quan điểm của giới nghiên cứu, hoạch định chính sách, doanh nghiệp và truyền thông quốc tế về  những biến đổi đang diễn ra trên thế giới tác động tới nhận thức số đông trong xã hội thông qua nội dung và phương thức truyền thông; đồng thời với tư cách “quyền lực thứ tư”, truyền thông là một áp lực mạnh gây điều chỉnh chính hệ thống chính sách xã hội. Cũng tại Hội nghị này sẽ diễn ra lễ trao giải thưởng thường niên của Media Tenor.

Với phương pháp nghiên cứu và sử dụng được đặt tên “thiết lập chương trình nghị sự” do Media Tenor khởi xướng cách đây 19 năm và bền bỉ thực hiện nhằm hướng các nỗ lực kết nối truyền thông với các lực lượng xã hội theo cách có trật tự kiểm soát, và đi sâu vào những vấn đề mang tính dài hạn, chương trình nghị sự quốc tế lần thứ 13 đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của gần 100 đại biểu từ các tổ chức có ảnh hưởng lớn toàn cầu, đặc biệt với sự có mặt trực tiếp của những cá nhân uy tín như R. Schatz (Media Tenor), Al Berkeley (Nasdaq), U. Haagerup (DR TV), J. Eigendorf (WELT), F. Quinn (CSR Tech), D. Hofmann (BIS), H. Kuelps (SAP), W. Zengerling (Henkel), T. Tobias (EconWatch), H. Stoldt (Der Spiegel). Đại diện duy nhất ở vai trò diễn giả chính của châu Á là ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Trung Nguyên, Việt Nam).

Hướng phát triển thiết lập nghị sự của Media Tenor ngày càng có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn thông qua các công cụ hiện đại nhất về công nghệ thông tin, phương pháp thống kê và những đề xuất chỉ số đo lường ảnh hưởng. Nhà xuất bản InnoVatio trong nhóm Media Tenor đã chứng minh ảnh hưởng và giá trị của sự thấu hiểu về vận động toàn cầu trong kinh tế, chính trị, xã hội qua các ấn phẩm công bố như CSR Index 2012 (F. de Leo và M. Vollbracht) và Global Peace Report 2011 (S. Killelea và R. Schatz) trong đó công bố xếp hạng chỉ số hòa bình toàn cầu (Global Peace Index)… Đây là những nỗ lực được thiết kế tinh vi và có độ bao phủ rộng lớn, nhằm tác động lên chính tiến trình ảnh hưởng của giới truyền thông tới cả xã hội, và giới tinh hoa.

Cụ thể và trực tiếp nhất của Hội nghị này là các vấn đề nổi cộm toàn cầu được các diễn giả và đại biểu thảo luận sâu bao gồm ảnh hưởng của phương pháp thiết lập nghị sự với chính sách công (khủng hoảng tài chính, ưu tiên nghị sự toàn cầu, báo chí điều tra, tác động xã hội của truyền thông…), giảm thiểu tác động đột ngột của sự kiện truyền thông, ảnh hưởng với thế giới kinh doanh (xu hướng tái khởi tạo bộ máy kinh doanh toàn cầu, dịch chuyển theo hướng phục vụ sự phát triển xã hội, trách nhiệm xã hội, năng lực sáng tạo và đầu tư tương lai), vượt qua sự suy giảm lòng tin của  giới kinh doanh…


* Bài phát biểu của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần tập đoàn Trung Nguyên tại Hội Nghị Thiết lập Chương trình Nghị sự Quốc tế Lần thứ 13, tại Luzern, 1-3/11/2012

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)