Tọa đàm “Israel’s Guide for Startup”: Ba kinh nghiệm khởi nghiệp
Các diễn giả Israel giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực khởi nghiệp đã chia sẻ những trải nghiệm của bản thân và nêu ra ba bài học “xương máu” với cộng đồng startup Việt Nam, qua đó truyền đạt tinh thần: đừng bao giờ sợ thất bại.
Thanh Nhàn
Các diễn giả tại tọa đàm, từ phải qua trái:
đại sứ Israel tại Việt Nam, bà Meirav Eilon Shahar;
bà Esther Barak Landes; ông Avi Luvton
Vào tối ngày 21/9, tại Hà Nội, cuộc tọa đàm “Israel’s Guide for Startup” do UP Coworking Space cùng Đại sứ quán Israel tại Việt Nam phối hợp tổ chức đã diễn ra với sự tham gia của đại sứ Israel tại Việt Nam, bà Meirav Eilon Shahar, hai chuyên gia Israel, bà Esther Barak Landes nhà sáng lập kiêm CEO của Vườn ươm Nielsen Innovate, và ông Avi Luvton giám đốc điều hành Chương trình Hợp tác quốc tế Vụ Châu Á Thái Bình Dương (Ủy ban Đổi mới Israel).
Khi chuẩn bị tổ chức tọa đàm, các nhà tổ chức mong muốn giới thiệu cho cộng đồng startup Việt Nam những vấn đề mang tính mấu chốt để góp phần đưa Israel thành một quốc gia khởi nghiệp hàng đầu thế giới, đồng thời nêu những kinh nghiệm mà Việt Nam có thể áp dụng vào xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Vì vậy, hai diễn giả mà họ lựa chọn cũng đều là những chuyên gia có tiếng trong lĩnh vực khởi nghiệp của Israel: bà Esther Barak Landes giàu kinh nghiệm về phát triển kinh doanh, quản lý, đầu tư, và gây quỹ vì lợi ích của các công ty thuộc vườn ươm còn ông Avi Luvton nhiều năm hoạt động về hỗ trợ chuyên môn và tư vấn chính sách khuyến khích đổi mới trong các ngành chủ chốt.
Trước gần 200 startup Việt Nam, bà đại sứ Meirav Eilon Shahar giới thiệu những cách thức và chính sách xây dựng “quốc gia khởi nghiệp” tại Israel: “Chúng tôi đã mở chính sách cung cấp visa dài hạn cho những người đến Israel làm việc, và đặc biệt là khi họ lập công ty. Bà cũng nêu ra những gợi ý mà các startup Việt Nam có thể áp dụng, nếu nghĩ đến khả năng khởi nghiệp tại Israel: hãy tìm nhà đồng sáng lập là người bản địa để có thể được đón nhận những ưu đãi và hỗ trợ từ chính phủ đối với startup như các chính sách về thuế, giới thiệu nhà đầu tư để gọi vốn,…”. Giải thích vì sao phải liên kết với người bản địa Israel mới nhận được các ưu đãi này, bà đại sứ cho biết, đây là chính sách của chính phủ nhằm khuyến khích các hoạt động khởi nghiệp trong nước, tạo ra “quyền lợi của người bản xứ”.
Bên cạnh đó, bà Esther Barak Landes cũng khẳng định, các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp như các không gian làm việc chung, các chương trình hỗ trợ từ các vườn ươm là yếu tố hết sức quan trọng để góp phần ươm mầm các công ty tại Israel và trên thực tế là cách hỗ trợ cụ thể, thiết thực cho các startup phát triển. Qua hỗ trợ của mình, các đơn vị này đã đem lại rất nhiều cơ hội và tạo nên môi trường khởi nghiệp sáng tạo, bền vững cho Israel.
Những chia sẻ của các chuyên gia Israel khiến 200 bạn trẻ Việt Nam hào hứng đón nhận và họ cũng nêu ra những câu hỏi xoay quanh vấn đề xây dựng công ty và kêu gọi đầu tư, mà theo sự nhận xét của chị Bùi Cẩm Vân, COO của UP Co-working Space thì “đây là những vấn đề thường gặp của startup trong quá trình bắt đầu”. Trả lời câu hỏi của các startup Việt Nam, các diễn giả Israel nêu ba kinh nghiệm:
1. Nếu như đang cần gây quỹ, trừ phi bạn có “túi ba gang” đừng lấy tiền túi, bạn hãy gọi vốn từ bên ngoài. Để có được thành công, bạn hãy lập kế hoạch thật cẩn thận trước tám tháng. Đừng đợi đến phút cuối cùng mới kêu gọi vốn bởi nhà đầu tư cần thời gian để đánh giá tiềm năng của công ty bạn và bản thân bạn cũng cần thời gian để xây dựng lòng tin với nhà đầu tư, qua đó thuyết phục họ rót vốn.
2. Các bạn trẻ đừng quá yêu vị trí của mình. Có những trường hợp đã xảy ra như khi doanh nghiệp lớn mạnh lên, những người sáng lập không đủ năng lực để lãnh đạo doanh nghiệp quy mô lớn song họ vẫn không từ bỏ vị trí của mình. Nguyên nhân là họ không đặt niềm tin vào người khác, cho dù những người này hoàn toàn có đủ năng lực đảm nhiệm vị trí này. Vì vậy, để duy trì sự phát triển của doanh nghiệp, hãy biết từ bỏ vị trí của mình đúng lúc để có thể thuê một người có trình độ chuyên môn tốt hơn bạn trong thời điểm doanh nghiệp cần sự thay đổi đó. Rất nhiều nhà đầu tư chỉ tiếp tục rót vốn nếu doanh nghiệp có người lãnh đạo phù hợp với tiềm năng phát triển của doanh nghiệp.
3. Các thành viên cùng một gia đình hoặc các cặp đôi không nên thành lập công ty cùng nhau. Bởi công việc khởi nghiệp không bao giờ trơn tru và thuận lợi. Nếu việc thành lập và điều hành công ty gặp vấn đề trục trặc, có thể có người sẽ phải ra đi, do đó ảnh hưởng đến tình trạng nhân lực trong công ty, thậm chí dẫn đến nhiều kết quả đáng tiếc khác như đổ vỡ, thất bại. Chính vì vậy các nhà đầu tư quốc tế thường rất cân nhắc và ít khi lựa chọn rót vốn vào một công ty gia đình.
Cũng tại hội thảo, các diễn giả cũng nêu một vấn đề vẫn thường xảy ra khi khởi nghiệp, dù ở Israel cũng vậy, đó là thất bại. Tuy nhiên việc thất bại không phải là sự kết thúc của ước mơ khởi nghiệp, các bạn trẻ đừng bao giờ sợ thất bại, hãy luôn tiến lên phía trước, chọn đúng người tư vấn và lựa chọn nhà đầu ưu khôn ngoan.