Toán học giúp nhận diện mạng lưới trùm tài phiệt thao túng kinh tế toàn cầu

Khi phân tích các mối liên hệ giao dịch của 43.000 đại công ty, các nhà khoa học đã nhận diện một nhóm tương đối nhỏ các công ty, chủ yếu là các ngân hàng, có tác động mạnh bất thường đối với nền kinh tế toàn cầu.

Ý tưởng cho rằng một vài ngân hàng kiểm soát phần lớn nền kinh tế toàn cầu là một suy đoán làm bùng nổ phong trào Chiếm Phố Wall ở New York và biểu tình ở nhiều nơi khác hồi cuối năm 2011. Còn nghiên cứu của ba nhà toán học: Stefania Vitali, James B. Glattfelder và Stefano Battiston, chuyên về lý thuyết các hệ thống phức hợp (complex systems theory), tại Viện Công nghệ Zurich, Thụy Sĩ, là nghiên cứu đầu tiên vượt ra khỏi phạm vi suy đoán mà dùng số liệu thực nghiệm vạch trần một mạng lưới quyền lực. Nghiên cứu đồ sộ này kết hợp các phương pháp toán học, từng được sử dụng để mô hình hóa các hệ thống tự nhiên, với dữ liệu tổng thể doanh nghiệp để vẽ ra một bản đồ về quyền chiếm hữu của các tập đoàn xuyên quốc gia trên thế giới (TNCs).

James Glattfelder nói, “Thực tại là một hệ thống rất phức hợp. Khi xem xét chúng ta phải từ bỏ các giáo lý, dù đó là dựa theo lý thuyết âm mưu hoặc theo thuyết thị trường tự do. Nghiên cứu của chúng tôi là dựa trên [phân tích dữ liệu] thực tại.”

Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ tính đến số lượng công ty con mà các công ty xuyên quốc gia chiếm hữu trực tiếp, và bỏ qua các quyền sở hữu gián tiếp khác, vì vậy không thể đánh giá được chúng ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu đến mức nào – chẳng hạn làm lung lay hay làm ổn định hơn.

Nhóm nghiên cứu Zurich lấy trong gói Orbis 2007, một cơ sở dữ liệu liệt kê 37 triệu công ty và nhà đầu tư trên toàn thế giới, từ đó lôi ra tổng cộng 43.060 công ty xuyên quốc gia và các kết nối thông qua quyền sở hữu cổ phần của chúng với nhau. Sau đó, họ xây dựng một mô hình trong đó các công ty này kiểm soát những công ty khác thông qua mạng lưới cổ phần, cùng với doanh số hoạt động của mỗi công ty, để lập ra bản đồ cấu trúc quyền lực kinh tế.

Công trình tính toán của nhóm nghiên cứu Zủich, được công bố trên tạp chí PLoS One, làm lộ diện một cái lõi gồm 1.318 công ty có sở hữu lồng vào nhau (xem hình). Mỗi một công ty trong số 1.318 này dính kết với ít nhất hai công ty khác, và tính trung bình thì số dính kết là 20. Hơn nữa, mặc dù chúng chỉ chiếm 20 phần trăm của doanh thu hoạt động toàn cầu, nhưng 1.318 công ty này chung nhau chiếm hữu, thông qua cổ phiếu, nắm giữ phần lớn các blue-chip và các công ty sản xuất lớn nhất thế giới và – phần kinh tế “thực sự” mà chúng nắm giữ là hơn 60% của doanh thu toàn cầu.

Khi nhóm nghiên cứu tiếp tục lục tìm kỹ trên mạng nhện của quyền sở hữu, họ lần ra một nhóm “siêu thực thể” gồm 147 công ty đan chéo chặt chẽ vào nhau – tất cả các quyền sở hữu của một công ty trong nhóm đều do các công ty thành viên khác trong “siêu thực thể” nắm giữ – nhóm này nhờ đó đã kiểm soát 40% của tổng tài sản trong hệ thống mạng lưới các công ty toàn cầu. Glattfelder kết luận: “Trong thực tế, chưa đến 1% tổng số các công ty đã có thể kiểm soát 40% của toàn bộ mạng lưới”. Đa số đó là các tổ chức tài chính. Barclays Bank, JPMorgan Chase & Co và The Goldman Sachs Group lọt vào Top 20.

Theo John Driffill, một chuyên gia kinh tế vĩ mô của ĐH London, giá trị của các phân tích này không phải là điểm mặt chỉ tên nhóm người nào điều khiển nền kinh tế toàn cầu, mà nó chỉ ra cốt lõi của sự ổn định kinh tế.

Nhóm Zurich cho rằng, tập trung quyền lực tự thân nó không phải là tốt hay xấu, nhưng sự cố kết ở một lõi có thể là nguy hiểm. Như thế giới đã học được trong năm 2008, một mạng lưới như vậy là không ổn định. “Nếu một chỗ [công ty] bị “bệnh” thì bệnh này sẽ lan ngay”, Glattfelder nói.

Đồng ý với nhận định đó, George Sugihara ở La Jolla, California, chuyên gia về Hệ thống phức hợp, cố vấn cho Deutsche Bank, phát biểu: “Thật đáng sợ khi nhìn thấy sự thực mọi thứ được dính kết với nhau như vậy.”

Tuy nhiên Yaneer Bar-Yam, Viện trưởng Viện hệ thống phức hợp New England (NECSI), thì tỏ ý nghi ngờ vì cho rằng trong phân tích này các nhà nghiên cứu đã thừa nhận quyền sở hữu cổ phiếu tương đương với quyền điều khiển, mà điều này thực ra không phải là luôn luôn đúng. Hầu hết các cổ phiếu công ty được các nhà quản lý quỹ nắm giữ. Họ có thể điều khiển hoặc không điều khiển các công ty mà họ có phần hùn. Theo ông ta, cần phân tích thêm về tác động của điều này lên tính chất của hệ thống. Điều quan trọng là, bằng cách xác định cấu trúc quyền lực kinh tế toàn cầu, phân tích này có thể giúp làm cho nó ổn định hơn. Với việc tìm ra các khía cạnh dễ bị tổn thương của hệ thống, các nhà kinh tế có thể đề xuất các giải pháp để ngăn chặn sụp đổ sẽ lây lan qua khắp toàn bộ nền kinh tế trong tương lai.

Glattfelder cho rằng chúng ta cần luật chống độc quyền toàn cầu, luật nay hiện chỉ có ở cấp quốc gia, để hạn chế số lượng kết nối giữa các công ty xuyên quốc gia.

Sugihara nói, các phân tích này cho thấy một giải pháp có thể sử dụng là các công ty nên bị đánh thuế cho số lượng kết nối nhiều hơn mức quy định để ngăn cản nguy cơ này.

Có thể kết luận dưới đây sẽ không phù hợp với một số yêu sách của người biểu tình: “siêu thực thể” không phải là kết quả cố ý của một âm mưu thống trị thế giới. “Cấu trúc như vậy là phổ biến trong tự nhiên,” Sugihara nói.

Những tân binh khi tiếp cận mạng lưới thì đều ưu tiên chọn kết nối với các thành viên đã có nhiều kết nối rồi. Các công ty xuyên quốc gia mua cổ phần của các công ty xuyên quốc gia khác là để kinh doanh, không phải để thống trị thế giới. Nếu cụm mối lại, thì dễ phát tài, giống như kiểu, dòng tiền luôn chảy về chỗ những ai có nhiều mối hàng nhất. Kết quả nghiên cứu của nhóm Zurich, theo Sugihara, “là bằng chứng mạnh mẽ chứng minh rằng những quy luật sơ đẳng vận hành công ty xuyên quốc gia sản sinh ra các nhóm kết nối cao một cách tự nhiên”.

Còn chuyên gia Dan Braha, cũng thuộc viện NECSI, thì nhận định: “Phong trào Chiếm phố Wall tố cáo rằng 1% số người chiếm hầu hết các tài sản thực ra chỉ phản ánh một cách logic về giai đoạn tự tổ chức lại của nền kinh tế mà thôi.”

Vì vậy, các “siêu thực thể” có thể không phải là kết quả của một âm mưu nào cả. Câu hỏi thực sự, là liệu nó có thể hợp thành thế lực thực thi quyền lực chính trị hay không. John Driffill cảm thấy 147 là quá nhiều để duy trì sự thông đồng với nhau. Nhưng Dan Braha nghi ngờ rằng, tuy họ sẽ cạnh tranh nhau trên thị trường nhưng đồng lòng hành động trên lợi ích chung của nhóm. Chống lại những thay đổi trong cấu trúc hiện tại của mạng lưới các công ty toàn cầu có thể là một lợi ích chung như vậy.

 
Chú thích ảnh:1.318 công ty xuyên quốc gia hợp thành lõi của hệ thống kinh tế thế giới. Màu đỏ là các công ty siêu liên kết, màu vàng là công ty nhiều liên kết. Kích thước của chấm tròn tỷ lệ với doanh số.

Top 20 trong số 147 công ty siêu liên kết
1. Barclays plc
2. Capital Group Companies Inc
3. FMR Corporation
4. AXA
5. State Street Corporation
6. JP Morgan Chase & Co
7. Legal & General Group plc
8. Vanguard Group Inc
9. UBS AG
10. Merrill Lynch & Co Inc
11. Wellington Management Co LLP
12. Deutsche Bank AG
13. Franklin Resources Inc
14. Credit Suisse Group
15. Walton Enterprises LLC
16. Bank of New York Mellon Corp
17. Natixis
18. Goldman Sachs Group Inc
19. T Rowe Price Group Inc
20. Legg Mason Inc

 XH lược thuật

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)