TP Hồ Chí Minh đặt hàng giới khoa học

Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh đang triển khai chương trình đặt hàng các đề tài nghiên cứu KH&CN trong năm 2014, theo đó, doanh nghiệp có thể đặt hàng nhà khoa học các nội dung nghiên cứu và triển khai công nghệ, áp dụng các tiến bộ KH&CN vào sản xuất.

Các sở/ban/ngành, quận/huyện trên địa bàn thành phố có nhu cầu đặt hàng nghiên cứu các vấn đề khoa học và triển khai công nghệ cũng nằm trong chương trình này.

Chương trình đặt hàng các nhà khoa học được chính thức khởi động từ năm 2013 nhằm giải quyết những bất hợp lý về tài chính trong nghiên cứu khoa học.

Theo Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM Phan Minh Tân, cơ chế tài chính được coi là bất cập lớn nhất đối với việc triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học.

Chẳng hạn, định mức chi cho một chuyên đề thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tối đa là 12 triệu đồng trong khi ngành kỹ thuật tối đa là 30 triệu đồng.

Ông Tân cho rằng điều này là bất hợp lý vì thực tế triển khai các đề tài mất rất nhiều thời gian và công sức, nên không thể áp dụng theo định mức cứng nhắc.

Để có tiền nghiên cứu, một số nhà khoa học cực chẳng đã tìm cách lách bằng cách chia nhỏ đề tài.

Theo cách đặt hàng mới, sau khi đề tài nghiên cứu được thông qua, Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh sẽ ký thêm một hợp đồng đặt hàng nghiên cứu phát triển KH&CN với chủ nhiệm đề tài.

Sau đó tiền sẽ được chuyển vào tài khoản bất kỳ của nhà khoa học chứ không nhất thiết ở kho bạc và họ được toàn quyền chi tiêu cho công việc nghiên cứu, không bị khống chế mức trần cho một chuyên đề trong đề tài của mình.

Khi nhà nước đã đặt hàng, nhà khoa học chỉ cần nộp sản phẩm cam kết và một hóa đơn theo kinh phí được duyệt là xong. Nhà khoa học không còn cần phải “vẽ” chuyên đề, giải thích việc mua vật tư thiết bị, chi tiêu thế nào…

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, điều này giống như giao trách nhiệm cho nhà khoa học, để cho họ tự chủ trong nghiên cứu, nhất là vấn đề chi tiêu.

Việc thanh toán, quyết toán cũng không theo năm tài chính như hiện tại, mà được sửa thành quyết toán theo hợp đồng, có thể kéo dài đến vài ba năm, để giới nghiên cứu không phải chạy theo các thủ tục quyết toán phức tạp, theo ông Quân.

Ông Quân cho rằng một khi họ làm ra đúng sản phẩm cam kết thì phải đơn giản hóa thủ tục để quyết toán. Sau đó sản phẩm ấy có thể thương mại hóa, bán cho doanh nghiệp hay góp vốn vào doanh nghiệp để lấy tiền hoàn lại vốn cho một phần ngân sách nhà nước bỏ ra, phần còn lại là lợi ích của chính nhà khoa học.

Trong kỳ họp tháng 6 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi, mà theo ông Quân sẽ giúp giải quyết một phần những bức xúc của giới khoa học về cơ chế tài chính từ trước đến nay.

Tuy nhiên, để có thể thực hiện thông suốt cơ chế mới, ông Quân cho rằng, phải sửa đổi một số luật khác, như Luật Ngân sách, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Đầu tư theo hướng đồng bộ với Luật Khoa học và Công nghệ.

Tác giả