Trái đất ấm dần lên và nguy cơ lương thực toàn cầu

Những nghiên cứu khoa học mới nhất đã cho thấy một nhân tố vốn ít được quan tâm trước đây đang góp phần làm suy yếu nền lương thực toàn cầu, đó chính là: sự biến đổi khí hậu.

Trong suốt gần hai thập niên, các nhà khoa học đã tiên đoán rằng tình trạng biến đổi khí hậu có thể tương đối dễ kiểm soát đối với nông nghiệp, và ngay cả với những giả định xấu nhất thì phải đến năm 2080 giá lương thực toàn cầu mới tăng gấp đôi, bởi một phần là do các nhà khoa học đã trông đợi vào một điều nghe khá vô lý rằng sự gia tăng mật độ carbon dioxide (CO2), tác nhân chính của tình trạng Trái đất ấm dần lên, sẽ đóng vai trò là một loại phân bón và sẽ bù trừ cho những tác động xấu của tình trạng biến đổi khí hậu.

Nhưng gần đây tình trạng suy yếu của nền lương thực toàn cầu và sự leo thang giá thành lương thực đã làm nhiều nhà khoa học phải lo lắng. “Nông nghiệp toàn cầu đã từng đạt được những thành tựu rất đáng kinh ngạc”. Theo bà Cynthia Rosenweig, một nhà nghiên cứu của NASA, người đã tiên phong trong hoạt động nghiên cứu tình trạng biến đổi khí hậu và tác động lên nông nghiệp. “Tuy nhiên, hiện đang bắt đầu có những điềm báo cho thấy điều đó không tồn tại mãi mãi”. Không ít người đang tự hỏi liệu ngành khoa học môi trường có hơi lạc quan trước những nguy cơ hay không.

Một cuộc phỏng vấn gần đây được thực hiện trên 50 chuyên gia nông nghiệp tại 9 quốc gia cũng cho thấy, trong những thập niên sắp tới, nông dân trên toàn thế giới vừa phải chống chọi với mọi tàn phá của khí hậu vừa phải gồng mình cố gắng tăng gần như gấp đôi sản lượng lương thực nhằm đáp ứng với nhu cầu ngày càng gia tăng của thế giới. Và họ cần phải làm điều đó trong khi vẫn phải tìm cách hạn chế đáng kể thiệt hại đối với môi trường do hoạt động nông nghiệp gây ra. Do vậy chúng ta cần nhiều chủng loại cây giống và kỹ thuật nông nghiệp mới tốt hơn những gì chúng ta có hiện nay. Nhưng trước nhu cầu cấp thiết đó, huy động hỗ trợ tài chính cam kết từ Chính phủ để nghiên cứu lại quá ì ạch, và một khi đã bắt đầu thì phải mất vài thập niên mới thấy được kết quả.

Cả thế giới đang lên tiếng

Nông dân tại khắp nơi trên thế giới đang đối mặt với những khó khăn ngày càng phát sinh: tình trạng thiếu nước cũng như lũ quét. Mùa màng của họ bị phá hoại bởi các loại côn trùng đang sinh sôi nảy nở, bởi các dịch bệnh và những đợt nắng nóng khủng khiếp hơn những gì mà họ từng biết.


Tình trạng phẫn nộ trước giá thành lương thực tăng cao là tác nhân chính trong những đợt nổi loạn gần đây tại khu vực A-Rập.

Nhiều thập niên trước đây, những nông dân trồng lúa mì tại Thung lũng Yaqui ở Mexico đã từng là những nhà tiên phong trong phong trào phát triển nông nghiệp toàn cầu có tên là Cách mạng Xanh, cuộc cách mạng nông nghiệp này đã sử dụng những giống hoa màu được cải tiến cũng như áp dụng những kỹ thuật nông nghiệp tối tân nhằm làm tăng sản lượng nông nghiệp tại khắp các quốc gia đang phát triển trên thế giới.


Bill Gate phát biểu trong một cuộc họp an ninh lương thực toàn cầu năm 2010 với các Bộ trưởng Nông nghiệp và Bộ trưởng Tài chính của các nước Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, Hàn Quốc

Khi ông Norman E. Borlaug, một nhà nông học người Mỹ trẻ tuổi, bắt đầu đến làm việc tại Thung lũng Yaqui dưới sự tài trợ của Quỹ Rockefeller vào thập niên 40 của thế kỷ trước, người dân và thiên nhiên tại đây đã đón nhận ông một cách chân tình. Thành công của ông với tư cách là một nhà nhân giống học đã giúp các nông dân gia tăng sản lượng lúa mạch của Mexico lên gấp sáu lần.

Vào những năm 60, tiến sĩ Borlaug đã mở rộng tri thức của mình tới Ấn Độ và Pakistan, những nơi mà nạn đói từng là một mối đe dọa. Kết quả là sản lượng lương thực ở đó cũng tăng đáng kể.

Nhiều quốc gia khác cũng tham gia vào cuộc Cách mạng Xanh, và kết quả là sản lượng lương thực đã bỏ xa mức tăng trưởng dân số trong suốt những năm nửa cuối thế kỷ 20. Tiến sĩ Borlaug trở thành nhà nghiên cứu nông nghiệp duy nhất từng đoạt giải thưởng Nobel Hòa Bình vào năm 1970 vì đã góp phần giải quyết nạn đói  – “đem bánh mì đến cho thế giới.”

Khi nhận giải Nobel tại Oslo, ông cũng đưa ra một lời cảnh báo. “Chúng ta có lẽ hiện vẫn còn an toàn”. “Tuy nhiên, những nguy cơ sẽ sớm đến nếu chúng ta tỏ ra quá hài lòng với hiện tại và không tiếp tục nỗ lực”.

Vào những năm cuối thập niên 80, sản lượng lương thực có vẻ đã được kiểm soát. Khi đó, các Chính phủ và quỹ từ thiện bắt đầu cắt giảm chi phí cho nghiên cứu nông nghiệp, hay chuyển nguồn kinh phí đó vào việc giải quyết những vấn đề do tình trạng tập trung quá mức vào sản xuất nông nghiệp gây ra, ví dụ là giải quyết những thiệt hại về môi trường. Trong suốt 20 năm, hỗ trợ từ các quốc gia phương Tây cho phát triển nông nghiệp tại các nước nghèo đã bị cắt giảm gần như phân nửa, cùng với tình trạng cắt giảm biên chế hàng loạt tại các trung tâm nghiên cứu quan trọng nhất trên thế giới.

Như tiến sĩ Borlaug đã tiên đoán, hậu quả của tình trạng cắt giảm đầu tư này bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn cuối thể kỷ 20. Dù sản lượng vẫn tiếp tục tăng, nhưng tỉ lệ tăng trưởng ngày càng đi xuống vì nông dân ngày càng ít được tiếp cận với những đổi mới trong nông nghiệp.

Bên cạnh đó, tình trạng khí hậu bất thường bắt đầu ảnh hưởng đến sản lượng lương thực. Đợt nắng nóng vào năm 2003 tại châu Âu, đã làm giảm sản lượng lương thực đến 30% tại một số quốc gia. Cho đến năm 2007 và 2008, giá thành lương thực bắt đầu tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba tại nhiều quốc gia. Nhiều quốc gia bắt đầu trữ lương thực, và tình trạng mua sắm hoảng loạn xuất hiện tại nhiều khu chợ, đã bùng nổ tại hơn 30 quốc gia.

Các nông dân phản ứng với tình trạng leo thang giá cả bằng cách trồng nhiều cây lương thực hơn, và những vụ mùa bội thu vào năm 2008 và 2009 đã giúp tái thiết lại trữ lượng lương thực toàn thế giới, ít ra là ở một phạm vi nào đó. Nhân tố đó, kèm theo sự suy thoái kinh tế toàn cầu đã kéo giá thành lương thực xuống vào năm 2009. Tuy nhiên, vào năm ngoái, nhiều vụ mùa thất bát do yếu tố thời tiết gây ra đã khiến giá thành tăng trở lại. Năm nay, lượng cung sản lượng gạo vẫn đáp ứng được nhu cầu, tuy nhiên với tình trạng thời tiết xấu đe dọa những cánh đồng lúa mì và bắp tại một số khu vực trên thế giới, thị trường lương thực nói chung vẫn còn rất bấp bênh.

Bốn mươi năm trước, 1/3 dân số tại các quốc gia đang phát triển ở tình trạng thiếu dinh dưỡng. Với thành công của cuộc Cách mạng xanh, thì vào những năm 90 thì số lượng trên đã giảm xuống mức dưới 20% và con số chính thức về số lượng người bị đói lần đầu tiên đã giảm xuống dưới mức 800 triệu người trong lịch sử hiện đại của nhân loại.

Tuy nhiên, những đợt leo thang giá thành lương thực vừa qua đã tạo ra sự gia tăng nạn đói lớn nhất trên thế giới chỉ trong vài thập niên. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Thế giới thuộc Liên Hiệp Quốc đã ước tính số lượng người bị đói trên toàn thế giới là 925 triệu người vào năm 2010, và con số đó có thể còn cao hơn nữa khi số liệu ước lượng mới nhất được công bố vào năm nay. (Ngân hàng Thế giới cho rằng có thể ở mức 940 triệu người).

Người kế thừa mới nhất của tiến sĩ Borlaug tại Viện nghiên cứu bắp và lúa mì, ông Hans-Joachim Braun, vừa mới chỉ ra rằng, ngoài thiên tai, những thách thức mà nông dân toàn thế giới đang đối mặt theo ông đó là, những đô thị phát triển đang lấn dần diện tích đất nông nghiệp và cạnh tranh gay gắt với nông dân trong việc sử dụng nguồn nước. Ông đang tiên phong trong việc nghiên cứu những giống lúa mì mới sẽ có khả năng chống chọi với nhiều loại điều kiện khắc nghiệt, bao gồm tình trạng thiếu nước. “Tuy nhiên, ngân sách cho những loại hình nghiên cứu như vậy vẫn còn rất eo hẹp, và có nhiều hạn chế khác tác động đến tốc độ cải thiện tình hình hiện nay,” – tiến sĩ Braun cho biết. “Nếu chúng ta không bắt đầu ngay bây giờ thì chắc chắc chúng ta sẽ gặp rắc rối to”.

Những giả thuyết bị lung lay

Trong nhiều thập niên, giới khoa học tin rằng sự lệ thuộc của nhân loại vào nhiên liệu hóa thạch, ngoài việc gây ra những tác hại, lại đem đến một lợi ích khổng lồ.

Khí carbon dioxide (CO2) khí thải chính trong quá trình đốt cháy nhiên liệu, lại cũng là thành phần chính thúc đẩy tăng trưởng của thực vật. Các thực vật lấy khí CO2 từ không khí và sử dụng năng lượng từ ánh sáng Mặt trời để chuyển hóa carbon thành những hợp chất giàu năng lượng như glucose. Con người và hầu hết các sinh vật sống đều tồn tại nhờ hợp chất này.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu trên được thực hiện trong những điều kiện nhân tạo như trong nhà kính hoặc những phòng nuôi trồng đặc biệt. Trong thập niên vừa qua, các nhà khoa học tại trường Đại học Illinois đã đem “tác nhân phân bón CO2” ra thử nghiệm trên điều kiện thực tế trên hai loại cây lương thực quan trọng nhất được trồng tại Hoa Kỳ.

Họ bắt đầu thí nghiệm bằng việc trồng cây đậu nành trên cánh đồng, sau đó xịt thêm khí CO2 từ một bồn chứa khí khổng lồ với hy vọng rằng lượng khí xịt thêm sẽ đẩy sản lượng lên 30% trong điều kiện phát triển tối ưu.

Tuy nhiên, khi họ thu hoạch đậu nành, họ lại thu được kết quả phũ phàng: sản lượng chỉ bằng phân nửa. Họ cũng thực hiện thí nghiệm trên cây bắp, mặc dù loại hoa màu này được biết là ít có phản ứng với CO2, tuy nhiên nhóm nghiên cứu vẫn hy vọng có được sự tăng trưởng về sản lượng – đặc biệt trong tình trạng hạn hán. Tuy nhiên nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Illinois cũng không thu được sự tăng trưởng nào.

Nghiên cứu của họ là một trong những cơ sở để khuyến nghị rằng khí CO2 đúng là có vai trò như một loại phân bón, nhưng lợi ích thu được thấp hơn những gì được nhiều người tin tưởng trước đây – và hoàn toàn có thể không đủ để chấm dứt sự thiếu hụt lương thực. “Một trong những thứ mà chúng tôi bắt đầu tin là những khía cạnh tích cực của CO2 không có khả năng đánh bật những khía cạnh tiêu cực do các nhân tố khác gây ra,” – trích ý kiến của ông Andrew D. B. Leakey, một nhà nghiên cứu khác trong nhóm nghiên cứu của trường Illinois.

Một trong những giả thuyết tồn tại trong thời gian dài trước đây về sản lượng lương thực tăng trong điều kiện Trái đất ấm dần lên có lẽ là quá lạc quan.

Hai nhà kinh tế học, Wolfram Schlenker tại trường Đại học Columbia và Michael J. Roberts tại trường Đại học North Carolina State đã tiên phong trong các phương pháp nhằm so sánh sản lượng hoa màu và sự biến đổi nhiệt độ tự nhiên dựa trên một thang đo tương đối. Công trình của họ cho thấy khi hoa màu chịu nhiệt độ vượt quá một ngưỡng nào đó – thường là 840 F đối với bắp và 860 F đối với đậu nành – thì sản lượng sẽ giảm đáng kể. Và họ đã khuyến cáo rằng trong tình trạng biến đổi khí hậu tiên đoán tại Hoa Kỳ vào cuối thế kỷ này, với nhiều đợt nắng nóng hơn vào mùa gieo trồng thì sản lượng các giống hoa màu hiện nay sẽ giảm 30% hoặc thấp hơn nữa.

Vài tuần trước đây, ông David B. Lobell tại trường Đại học Stanford đã khuyến cáo rằng tình trạng tăng nhiệt độ tại Pháp, Nga, Trung Quốc, và nhiều quốc gia khác nữa đang làm cản trở sản lượng hoa màu, tạo ra nhiều áp lực lên nền lương thực toàn cầu. “Tôi nghĩ rằng hiện nay đang tồn tại tình trạng nhiều người không nhận thức được sự nhạy cảm của hoa màu đối với nhiệt độ và tình trạng nắng nóng ngày càng tăng nhanh như thế nào.” – trích ý kiến của tiến sĩ Lobell.

Sự thất hứa

Tại cuối đoạn đường đất tại Đông Bắc Ấn Độ, nằm giữa hai dòng suối là một ngôi làng Samhuata lẻ loi. Anand Kumar Singh, một nông dân tại đó, gần đây đã kể lại một câu chuyện mà ngay cả ông cũng không tin vào chính mình kể ra.

Có lẽ, dấu hiệu đáng hy vọng nhất hiện nay chính là bản thân các nước nghèo đang bắt đầu tư một cách nghiêm túc vào nông nghiệp, một việc mà nhiều nước chưa từng làm trước đây, ngay cả khi giá thành lương thực vẫn còn rẻ.

Tháng 06 năm ngoái, ông đã trồng 10 mẫu lúa thuộc loại giống mới. Vào ngày 23 tháng 08, khu vực đó bị một trận lũ kinh hoàng quét qua, làm ngập cánh đồng của ông trong vòng 10 ngày. Nhiều năm trước, những đợt lũ như vậy sẽ tàn phá hoàn toàn hoa màu của ông. Tuy nhiên, giống lúa mới này lại hồi sinh trở lại, và cho một vụ mùa bội thu.

“Đó quả là một phép màu.” – Ông Singh thốt lên.

Phép màu đó không phải do một đấng linh thiêng nào tạo ra mà hoàn toàn do công nghệ – “một minh họa cho những gì mà giới khoa học có thể làm để có thể giúp các nông dân thích nghi được những vấn đề luôn gây khó khăn cho họ” – trích ý kiến của bà Julia Bailey-Serres, một nhà nghiên cứu tại trường Đại học California tại Riverside, người đã thực hiện nhiều biến đổi gene trên giống lúa mà ông Singh đã sử dụng. “Giống lúa chịu úng kiên nhẫn ngồi chờ lũ đến.”

Giống lúa chịu lũ được tạo nên từ loại giống cũ mọc tại một vùng hẻo lánh Ấn Độ, tuy nhiên cần công sức nghiên cứu trong nhiều thập niên để cải thiện nó. Tài chính đã rất eo hẹp đến nỗi mặc dù sau khi giống lúa đó đã được chứng minh là có khả năng chịu lũ lâu gấp hai lần so với các giống trước đây thì nó vẫn chưa được phổ biến đến các nông dân. Sau đó, một tổ chức từ thiện tại Hoa Kỳ, Quỹ Bill & Melinda Gates, đã tham gia và tài trợ 20 triệu USD để hỗ trợ việc hoàn thành nghiên cứu và phân bố rộng rãi giống lúa đó trên toàn Ấn Độ và tại các quốc gia khác nữa. Giống lúa này sẽ đến được tay của hàng triệu nông dân trong năm nay.

Quỹ Gates đã trao tặng 1,7 tỷ USD cho các đề án về nông nghiệp kể từ năm 2006, tuy nhiên ngay cả một tổ chức từ thiện lớn như vậy cũng không thể tự mình giải quyết được vấn đề lương thực của toàn nhân loại. Các Chính phủ đã nhận ra rằng xã hội mong đợi rất nhiều nỗ lực hơn nữa từ phía họ, tuy nhiên phản ứng của họ vẫn còn rất chậm chạp.

Vào năm 2008 và 2009, ngay trong giữa những đợt khủng hoảng chính trị gây nên bởi giá thành lương thực, Chính phủ của các quốc gia trên thế giới đã tranh nhau quyền hỗ trợ. Tại một hội nghị tại L’Aquilla, Ý, họ đã cam kết đầu tư 22 tỉ USD cho phát triển nông nghiệp.

Tuy nhiên sau đó, mọi người mới vỡ lẽ ra rằng chưa đến phân nửa số tiền đó là tiền chưa từng được cam kết dành cho nông nghiệp, và thậm chí hai năm sau đó, nguồn tài chính đó thậm chí không được hiện thực hóa hoàn toàn. “Thật là đáng thất vọng.” – trích phát biểu của Bill Gates.

Chính quyền Obama vì đã tập trung vào việc giải quyết nạn đói nên đã giành được nhiều điểm số từ những người ủng hộ chống nạn đói. Tổng thống Obama đã cam kết ủng hộ một khoản tiền 3,5 tỉ USD tại hội nghị ở L’Aquilla, một khoản tiền nhiều hơn hẳn so với các quốc gia khác, và Hoa Kỳ đã bắt đầu sáng kiến đầy tham vọng mang tên Feed the Future (tạm dịch Nuôi dưỡng tương lai) để hỗ trợ phát triển nông nghiệp tại 20 quốc gia cấp bách nhất trên thế giới.

Cho đến nay, chính quyền đã vận động được 1,9 tỉ USD từ Quốc hội Hoa Kỳ. Ngay cả khi Washington đang đối mặt với những khó khăn về ngân sách, việc Hoa Kỳ có hoàn toàn tôn trọng cam kết của mình hay không vẫn còn là một vấn đề đáng phải xem xét.

Có lẽ, dấu hiệu đáng hy vọng nhất hiện nay chính là bản thân các nước nghèo đang bắt đầu đầu tư một cách nghiêm túc vào nông nghiệp, một việc mà nhiều nước chưa từng làm trước đây, ngay cả khi giá thành lương thực vẫn còn rẻ.

Trong suốt 20 năm, hỗ trợ từ các quốc gia phương Tây cho phát triển nông nghiệp tại các nước nghèo đã bị cắt giảm gần như phân nửa, cùng với tình trạng cắt giảm biên chế hàng loạt tại các trung tâm nghiên cứu quan trọng nhất trên thế giới.

Tại châu Phi, nơi hầu như không được Cách mạng Xanh quan tâm, nhưng lại là khu vực có tiềm năng lớn, hàng chục quốc gia đang trên đà hoàn thành lời hứa dành 10% ngân sách quốc gia cho phát triển nông nghiệp, tăng đáng kể từ mức 5% hoặc thấp hơn.

“Tại quốc gia của tôi, mỗi xu đều có ý nghĩa.” – trích ý kiến của bà Agnes Kalibata, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp của Rwanda. Mặc dù vẫn còn khó khăn, Rwanda đã hoàn thành cam kết 10% ngân sách đầu tư cho nông nghiệp, và bà trích dẫn một đề án làm ruộng bậc thang tại vùng trung du của quốc gia này đã tăng sản lượng khoai tây của quốc gia này lên 600% đối với một số nông dân

Liên Hiệp Quốc gần đây tiên đoán rằng dân số thế giới sẽ đạt mức 10 tỉ người vào cuối thế kỷ này, hơn 3 tỉ người so với dân số hiện nay. Đi kèm với nhu cầu ngày càng giàu protein, dự đoán trên có nghĩa là sản lượng lương thực cần phải tăng gấp đôi vào những năm cuối thế kỷ 21 trong bối cảnh ngày càng có ít đất đai dành cho nông nghiệp, với nguồn nước ngày càng khan hiếm, và nhiệt độ ngày càng tăng cao, cùng với khí hậu ngày càng trở nên khắc nghiệt và nền lương thực đã cho thấy những dấu hiệu bất ổn.

“Chúng ta đã tăng gấp đôi sản lượng lương thực toàn thế giới nhiều lần trước đây trong quá khứ, và bây giờ chúng ta phải làm điều này một lần nữa,” trích ý kiến của ông Jonathan A. Foley, một nhà nghiên cứu tại trường Đại học Minnesota. “Tuy nhiên lần này sẽ là lần khó khăn nhất. Chúng ta vẫn có thể làm điều đó, nhưng chắc chắn là nó sẽ không dễ dàng chút nào”.

KIM KHÔI lược dịch
(New York Times, online ngày 04/06/2011)
Source: http://www.nytimes.com/ 2011/06/05/science/earth/05harvest.html?pagewanted=5&ref=science

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)