Tranh gyotaku: Nguồn dữ liệu lịch sử về đa dạng sinh học

Với sự kết hợp thú vị của khoa học và nghệ thuật cổ truyền, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã tìm ra được một nguồn dữ liệu lịch sử về đa dạng sinh học vô cùng phong phú và tin cậy để có thể dò theo dấu vết của những loài cá hiếm.

Một bức gyotaku cổ. Nguồn: Smithsonian

Nghe có vẻ hơi kỳ lạ, giữa những ngư dân và những nhà sinh học cũng có điểm chung ư? Hóa ra điểm chung đó nhiều hơn mọi người tưởng.

Trong gần hai thế kỷ qua, những ngư dân Nhật Bản đã “nhúng” những con cá lớn nhất trong mẻ cá của mình vào một loại mực đặc biệt rồi in chúng lên trên giấy, sau đó tạo ra những hình ảnh sống động để lưu lại như một chiến tích đáng tự hào. Đó là cách họ tạo ra gyotaku (魚拓) – một hình thức nghệ thuật cổ truyền tồn tại từ thời kỳ cuối Edo. Hiện tại, những bức gyotaku cổ nhất được tạo ra vào năm 1839 nằm trong bộ sưu tập của thư viện thành phố Tsuruoka. Những bộ sưu tập quý khác, hầu hết được tạo ra trong những năm 1850-1860, được lưu trữ ở bảo tàng Chido ở Tsuruoka và bảo tàng Nghệ thuật Homma, Sakata.

Thông thường, mỗi bức gyotaku được tạo ra từ mực đen nhưng vào những thập kỷ gần đây, những phiên bản màu của nó đã xuất hiện. Sự hấp dẫn và sống động của gyotaku đã gợi ý cho việc sử dụng chúng vào các mục đích giáo dục và nghệ thuật, cho dù những năm gần đây, sự phổ biến của máy ảnh và điện thoại thông minh đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến số lượng gyotaku.

Tuy nhiên ích lợi gyotaku đem lại không chỉ có thế. Tiến sĩ Yusuke Miyazaki và Atsunobu Murase ở trường Đại học Miyazaki ở miền Nam Nhật Bản đã phát hiện ra một kho tàng dữ liệu vô giá từ những bức gyotaku thu thập được từ những cửa hiệu bán đồ câu cá ở các vùng lân cận tỉnh Miyazaki. Đó là gợi ý để họ thực hiện nghiên cứu về địa sinh học loài cá và xuất bản bài báo “Fish rubbings, ‘gyotaku’, as a source of historical biodiversity data” trên tạp chí Zookeys1.

“Về tổng thể, việc thể hiện các loài trong gyotaku đã phản chiếu gần như đủ các loài cá của mỗi vùng sinh học khác nhau. Chúng tôi mong các ngư dân, những người câu cá tiếp tục sử dụng phương pháp nghệ thuật này vào các bức ảnh được số hóa để ghi nhận những kỷ niệm đáng nhớ và cũng để đem lại nguồn dữ liệu quan trọng cho nghiên cứu”.

Yusuke Miyazaki.

Một nguồn dữ liệu phong phú

Việc thu nhập và khai thác thông tin về sự đa dạng sinh học trong lịch sử thông thường bị giới hạn bởi “cái khung” viện bảo tàng về các loài sinh vật hiếm hoặc các cuộc điều tra thông qua tư liệu như sách chuyên khảo trong quá khứ. “Khó có thể tiếp cận được với rất nhiều vật liệu quý do đã bị biến chất, bị loại bỏ hoặc đơn giản là bị mất”, hai nhà nghiên cứu đã viết như vậy về khó khăn của những nhà nghiên cứu như mình trong bài báo ở Zookeys. Đây là lý do để họ đến với việc tìm kiếm thêm những nguồn dữ liệu ở bên ngoài, những nguồn phi chính thống để có được những thông tin quý.

Quan điểm này xuất phát từ việc những quan sát đa dạng sinh học không chỉ ở những nhà khoa học mà còn có thể từ các “nhà khoa học công dân”, những người sở hữu những bộ sưu tặp riêng mà không phải ai cũng được tiếp cận. Yusuke Miyazaki và Atsunobu Murase chú ý đến những bức tranh gyotaku không chỉ vẻ đẹp sống động riêng biệt của chúng mà còn vì sự phong phú và chính xác về thông tin đi kèm. Họ nhận thấy, gyotaku truyền thống bao giờ cũng có những thông tin hữu ích và cụ thể, ví dụ như địa điểm bắt, ngày tháng lấy mẫu, tên của người bắt, ấn tượng của họ, tên loài cá (thông thường là tên địa phương)… Những căn cứ đó đã dẫn họ đến việc thực hiện một cuộc sưu tầm, điều tra và phỏng vấn những người liên quan đến gyotaku trong và ngoài vùng, bắt đầu từ năm 2016. Hai nhà nghiên cứu đã tiến hành thực địa một cách tỉ mỉ và cẩn thận tại các cửa hàng gyotaku ở Miyazaki, Chiba – nơi họ tìm thấy gyotaku của những loài đang bị đe dọa; cuộc điều tra sơ bộ tại một số cửa hàng ở  vùng cực Nam và cực Bắc Nhật Bản để tìm hiểu về thông tin gyotaku trong giới hạn vĩ độ Nhật Bản, trải qua từ Cận Bắc cực đến nhiệt đới.

Cách thức thực hiện một gyotaku. Nguồn: Yusuke Miyazaki

Về tổng thể, Yusuke Miyazaki và Atsunobu Murase có trong tay 325 con cá và động vật biển khác nhau từ 261 bản gyotaku được thu thập từ các cửa hàng địa phương và những nguồn cơ sở dữ liệu gyotaku khác. Đó là kết quả của một quá trình sưu tầm đầy khó khăn bởi rất nhiều nguyên nhân, ví dụ như những bản in màu sau này thường chỉ giàu ý nghĩa với nghệ thuật và giáo dục nhưng lại mang đến những dấu hỏi với nhà nghiên cứu vì hiếm khi nó đi kèm theo những thông tin theo kiểu truyền thống nữa, hoặc số lượng những bản gyotaku nguyên bản có tuổi đời cả thế kỷ đang dần mai một trước thời gian, hoặc đơn giản là nhiều cửa hàng đã đóng cửa bởi không còn khách quan tâm đến loại hình nghệ thuật này như trước nữa. “14 phiếu điều tra của chúng tôi đã bị trả lại mà không hề được bóc ra vì các cửa hàng đã bị đóng cửa, 56 phản hồi mà chúng tôi nhận được là từ những nguồn khác. Nó cho thấy là tỉ lệ phản hồi chỉ đạt 9,5%. Mặt khác, trong cuộc điều tra các cửa hàng khác thì 82% cho biết là không còn lưu giữ gyotaku nữa”, Yusuke Miyazaki đề cập đến khó khăn gặp phải trong nghiên cứu.

Bất chấp điều đó, những dữ liệu họ thu thập được quả là vô giá. Trong khi các tài liệu thu thập từ nhiều thế kỷ trước hết sức hạn chế thì những gyotaku dường như là nhân chứng sống cho thấy một sự thật về biển Nhật Bản, đó là sự đa dạng và phong phú của nhiều loài đã bị suy giảm theo thời gian. “Trong số hàng trăm bản gyotaku, chỉ có bảy bản được tìm thấy trên đảo Hokkaido ghi lại loài cá taimen Sakhalin Nhật Bản (Hucho perryi) – một loài cá trong họ Cá hồi, đang ở tình trạng cực kỳ nguy cấp”, Yusuke Miyazaki nói.

Giữa các bản gyotaku, họ tìm thấy 68 loài cá Nhật Bản và ba loại động vật chân đầu (cephalopod species) nhưng 14,9% trong số đó không hề có tên. Nguyên nhân là nhiều người bắt cá chỉ vì mục đích tiêu khiển nên không ghi lại và thông tin bổ sung của những người đánh cá địa phương cũng có giới hạn. Có một ví dụ là những bức gyotaku bạch tuộc trong một cửa hàng ở thành phố Yokohama, vịnh Tokyo dường như giống loài bạch tuộc O. vulgaris, ngay cả khi nó không có thông tin đi kèm. Các tác giả quyết định dừng ở đó bởi “nghiên cứu này không xác nhận những nhận diện trên cơ sở hình thái bên ngoài hoặc những phân tích sinh học phân tử”, họ cho biết.

Những bản gyotaku đều phản chiếu tính chất địa sinh học của các vùng. Ví dụ, loài taimen Sakhalin chỉ thấy ở Hokkaido, loài Sillago parvisquamis – một chi trong họ cá đục Sillaginidae chỉ quen sống ở vịnh Tokyo trong khi ba loài akame hoặc cá chẽm, cá vược Nhật Bản (Lates japonicus) quanh quẩn vùng Miyazaki. Cả ba loài này đều có mặt trong danh sách loài bị đe dọa cấp quốc gia và cấp vùng. Trong bối cảnh sự tồn tại của các loài đang bị đe dọa ở một số vùng như thế này, có lẽ gyotaku là tài liệu quan trọng để ước tính tình trạng quần thể trong lịch sử và các nhân tố dẫn đến sự suy giảm số lượng hoặc tuyệt chủng.

Do đó, các tác giả nhận thấy tầm quan trọng của gyotaku trong việc bảo tồn các loài cá quý: “Về tổng thể, việc thể hiện các loài trong gyotaku đã phản chiếu gần như đủ các loài cá của mỗi vùng sinh học khác nhau. Chúng tôi mong các ngư dân, những người câu cá tiếp tục sử dụng phương pháp nghệ thuật này vào các bức ảnh được số hóa để ghi nhận những kỷ niệm đáng nhớ và cũng để đem lại nguồn dữ liệu quan trọng cho nghiên cứu”, Yusuke Miyazaki nói.

Cơ hội duy trì truyền thống nghệ thuật

Một bức gyotaku thời hiện đại. Nguồn: Smithsonian

Các nhà khoa học hy vọng, công trình nghiên cứu về dữ liệu sinh học đặc biệt này sẽ khiến mọi người quan tâm hơn đến gyotaku, không chỉ ở Nhật Bản. Sự xuất hiện của các phương tiện ghi hình hiện đại, trong đó có điện thoại thông minh, làm cho loại hình nghệ thuật cổ truyền này có nguy cơ tàn lụi. Thậm chí, họ còn phát hiện ra một số bức gyotaku thế hệ sau còn không có đầy đủ thông tin đi kèm như trước đây, vì dụ không ghi thời gian hoặc tên gọi…

Mặt khác, họ còn nhận thấy một vấn đề là ngoài các bộ sưu tập được lưu giữ một cách cẩn thận tại các bảo tàng thì những bức gyotaku trong các cửa hàng đều không may mắn như thế. “Nó bị phơi lộ trước khói thuốc lá, ánh nắng Mặt trời và độ ẩm không khí lớn. Đây là nguyên nhân chính khiến gyotaku dễ bị hỏng. Trên thực tế, một số chủ cửa hàng đã kể lại là phải vứt bỏ những bức tranh quá cũ và bị thời gian tàn phá”, các nhà nghiên cứu viết trong công bố của mình.

Do đó, họ đã nhìn vào bộ dữ liệu mà mình có được về gyotaku, không chỉ để tìm ra sự đa dạng sinh học theo vùng địa lý mà còn cố tìm ra một mối liên hệ nào đó với xu hướng của xã hội với loại hình nghệ thuật này. “Chúng tôi đã có một ước tính về mặt thống kê về tình trạng sử dụng gyotaku bằng một mô hình không gian trạng thái. Kết quả cho thấy có rất ít gyotaku xuất hiện trước năm 1985 và bất ngờ là sự ‘phục cổ’ đã đạt đỉnh vào năm 2002, sau đó lại sụt giảm vào năm 2011 và 2012”, Yusuke Miyazaki cho biết. Anh và đồng nghiệp không rõ nguyên nhân có phải do sự gia tăng của các phương tiện chụp ảnh số hay không nhưng đề xuất “những ngư dân và người chơi gyotaku có thể tiếp tục sử dụng hình thức nghệ thuật này để tăng thêm giá trị cho bộ sưu tập những kỷ niệm khó quên của mình bên cạnh bộ sưu tập số hóa”.

Không gì có thể thay thế được vẻ đẹp thuần khiết và nguyên bản của gyotaku. Và để lưu giữ nó mà không làm phí hoài tặng vật của biển, người ta phải theo được đủ ba bước quan trọng: bắt, in và ăn.

nghệ sĩ Naoki Hayashi.

Hiện tại ở Nhật Bản, cũng có một số nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật gyotaku và mở nhiều lớp hướng dẫn cho người Nhật và cả người nước ngoài. Người phương Tây biết đến gyotaku từ những năm 1950 khi Gyotaku-no-kai, một nhóm yêu gyotaku ở Tokyo tổ chức một triển lãm ở Bảo tàng lịch sử tự nhiên Mỹ  và năm 1964, Yoshio Hiyama, một trong những người thành lập nhóm này, xuất bản cuốn Gyotaku: The Art and Technique of the Japanese Fish Print. Sau này trở thành một nhà nghiên cứu về nghề cá và kết nối với các đồng nghiệp ở Smithsonian, Hiyama đã ghi nhận tiềm năng của gyotaku như một công cụ hữu ích cho nghiên cứu và minh họa khoa học.

Có thể theo thời gian, quan điểm của thế hệ sau về gyotaku sẽ không còn như trước nữa. Tuy nhiên, với nghệ sĩ Naoki Hayashi, một trong những người say mê nhiệt thành gyotaku, thì cho rằng không gì có thể thay thế được vẻ đẹp đơn sơ và nguyên bản của gyotaku. Và để lưu giữ nó mà không làm phí hoài tặng vật của biển, người ta phải theo được đủ ba bước quan trọng: bắt, in và ăn. “Chỉ khi đó gyotaku mới là gyotaku”, anh nói. “Thi thoảng có người nói rằng các gyotaku của họ không có đủ ba bước chính yếu này” – anh ngụ ý đến những bản in cá chỉ mang tính chất trang trí và cá sau khi in thì không được dùng làm đồ ăn như cách làm truyền thống của ngư dân Nhật Bản. “Đó không phải là gyotaku. Tất cả giá trị và ý nghĩa của loại hình nghệ thuật này đã bị gạt sang một bên.”

Để tránh hiện tượng bắt nhiều loài cá chỉ để in thành tranh và vứt bỏ sau khi hoàn thành tác phẩm, các nhà khoa học và nghệ sĩ cho rằng, những người chơi gyotaku thực thụ nên tránh việc hoài phí nguyên liệu khi theo đuổi loại hình nghệ thuật này. Mọi người nên học hỏi cách làm của những ngư dân Nhật Bản là vừa có được tác phẩm ghi mẻ cá để đời của mình trong bộ sưu tập gia đình, vừa có được những bữa ăn ngon với những con cá sau khi được làm sạch mực in (dĩ nhiên chỉ sử dụng những loại mực không độc hại). “Tôi luôn tuân thủ ba bước, ăn những vật liệu nghệ thuật đó. Đây chính là giá trị thực sự của gyotaku, đem lại trải nghiệm và lưu giữ kỷ niệm một cách trọn vẹn”, Hayashi nói.

Tô Vân tổng hợp

https://www.sciencedaily.com/releases/2020/01/200120113402.htm

https://www.atlasobscura.com/articles/gyotaku-japanese-fish-printing

1. https://zookeys.pensoft.net/article/47721/element/7/0/niphon%20spinosus/

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)