Tranh luận về bông hoa đầu tiên trên thế giới
Một số nhà nghiên cứu nói rằng những dự đoán trên cơ sở thống kê dữ liệu đã đem lại một cấu trúc không đúng về bông hoa cổ đại.
Nỗ lực tái tạo bông hoa đầu tiên trên thế giới đã làm dấy lên một cuộc tranh luận về những mẫu hình có thể có của một bông hoa.
Dự án eFLOWER kết hợp một cơ sở dữ liệu chưa từng có về các đặc điểm thực vật, nhiều dữ liệu phân tử về mối quan hệ tiến hóa và các mô hình thống kê phức tạp để xác định tổ tiên của tất cả các loài cây có hoa hiện nay sẽ trông như thế nào. Khi kết quả được công bố vào cuối tháng 8/2017, nó đã thu hút được sự quan tâm từ giới học giả và truyền thông.
Nhưng cũng từ đó, các nhà nghiên cứu đã đặt ra câu hỏi về một số dự đoán của eFLOWER. Vào ngày 31/1/2018, nhà hình thái học thực vật Dmitry Sokoloff (Đại học Moscow) và cộng sự đã công bố một bản tái phân tích dữ liệu, trong đó đề xuất một sự sắp xếp khác về các cấu trúc của phần nhụy bông hoa đầu tiên.
Pamela Soltis – nhà sinh học thực vật (ĐH Florida, Mỹ), cho biết cuộc tranh luận tập trung vào những điểm tinh túy của cấu trúc hoa, nhưng chỉ ra mối quan tâm về việc dùng các mô hình thống kê và bộ dữ liệu lớn để trả lời các câu hỏi sinh học,“ về mặt thống kê thì mọi thứ đều có khả năng xảy ra nhưng về mặt sinh học lại không khả thi.”
Thực vật có hoa là một thành công tiến hóa đáng ghi nhận của thực vật. Dù cho chúng xuất hiện cách đây hơn 140 triệu năm – khoảng 200 năm sau là các loài thực vật có hạt – ngày nay chúng chiếm đến 90% số lượng thực vật trên cạn. Nhưng các bông hoa hóa thạch rất hiếm và các nhà thực vật học từ lâu đã suy đoán về hình thái của bông hoa đầu tiên trên thế giới. Soltis cho rằng: “Bông hoa này đã dẫn đến sự đa dạng của thế giới loài thực vật có hoa hiện nay. Chúng ta chỉ có thể biết được cách chúng ta đến nơi mình ở hiện nay như thế nào khi đã hiểu tường tận về những gì đã xảy ra đầu tiên với chúng ta.”
Khoảng 8 năm trước, dự án eFLOWER đã tuyển mộ được một nhóm các chuyên gia thực vật học. Nhóm nghiên cứu này đã chọn ra hơn 20 đặc điểm của gần 800 loài cây có hoa, sau đó họ nối dữ liệu này với những nghiên cứu ở cấp độ phân tử về những mối quan hệ tiến hóa, và sử dụng mô hình thống kê để suy ra đặc điểm của bông hoa đầu tiên trên trái đất.
Ngờ vực nảy sinh
Từ các kết quả nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã vẽ được một bông hoa đối xứng quanh trục trung tâm, bao gồm cả nhị và nhụy. Các mô hình của eFLOWER cũng tiên đoán, nhiều bộ phận của bông hoa đầu tiên xoắn lại và được sắp xếp theo vòng tròn đồng tâm. Nhưng các tác giả cũng cảnh báo rằng hỗ trợ thống kê trong những phát hiện này còn yếu.
Mặc dù vậy, Hervé Sauquet – tác giả chính của công bố eFLOWER và là nhà sinh học tiến hóa tại Royal Botanic Garden (Sydney, Úc) nói rằng ý tưởng về bông hoa tổ tiên xoắn đã gây shock cho một số người. Nhiều nhà khoa học thực vật hy vọng rằng các bộ phận của hoa có thể được sắp xếp vào một cấu trúc xoắn ốc 3D – cuộn quanh trục trung tâm nhưng không giới hạn ở mặt phẳng đơn. Sauquet nói rằng “Đây là một ý tưởng tồn tại lâu dài nhưng chưa có bằng chứng khoa học.”
Sokoloff nghi ngờ độ chính xác trong phân tích của Sauquet: tràng hoa và phần nhụy được bố trí trong vòng xoắn, còn các bộ phận thuộc nhụy hoa được gọi là các lá noãn lại theo hình xoắn ốc – ông chưa từng thấy sự kết hợp cả hình thái xoắn và xoắn ốc trên cùng một hoa. Hơn nữa, ông và cộng đề xuất rằng cây không thể phát triển được nếu có cả hai cơ quan trên cùng một hoa.
Nguyên nhân là bởi sự hiện diện của cả hai bộ phận nhị và nhụy ở cùng một khu vực – Sokoloff cho biết. Ở một số hoa xoắn, vị trí của lá noãn định ra vị trí của nhị. Nhóm của ông đã chọn lại dữ liệu của của eFLOWER và tìm ra 4 mẫu, trong đó các bộ phận có hình thái xoắn và xoắn ốc ở trên cùng một hoa. Nhưng khi những phân tích sâu hơn, họ thấy rằng mỗi mẫu chỉ có một loại cơ quan sinh sản.
Phân tích lại
Sauquet nói rằng nhóm của ông đã xem xét lại dữ liệu và đống ý với một số điểm trong quan điểm của Sokoloff. Lặp lại các phân tích đã thực hiện với bộ dữ liệu đã được cập nhật và mở rộng, họ đã tìm ra tất cả các cơ quan sinh sản của bông hoa tổ tiên có thể dưới dạng xoắn. Họ đã phải sửa lại một số kết quả. Sauquet giải thích, “trước đây nó không chắc chắn và giờ vẫn thế. Chúng tôi vẫn chưa biết câu trả lời cuối cùng.”
Sokoloff nhận xét, sai lầm cơ bản trong cách tiếp cận của eFLOWER là đánh giá từng đặc điểm của hoa một cách riêng biệt trước khi ghép chúng lại trên bông hoa hoàn chỉnh, “họ phân tích sự tiến hóa trên từng đặc điểm riêng biệt nhưng một số kết hợp của chúng sau đó lại không khả thi.”
Hoa hướng dương và các loài hoa khác có thể có chung tổ tiên. Ảnh: Bức họa Hoa hướng dương của họa sỹ Van Gogh. Nguồn: Bảo tàng Van Gogh.
Mặc dù vậy, Sauquet cho rằng sự vắng mặt của một kiểu hình đặc biệt trong hoa hiện nay không có nghĩa là nó không bao giờ tồn tại. Ông nói: “Có rất nhiều điều kỳ lạ tồn tại trước đây mà chúng ta không thể nhìn thấy ngày nay.”
Theo ông Wenheng Zhang – nhà nghiên cứu về tiến hóa thực vật tại Virginia Commonwealth University ở Richmond, cần một cơ sở dữ liệu lớn hơn và các mô hình phức tạp hơn để giải quyết được cuộc tranh luận về bông hoa đầu tiên này. Dẫu vậy, nỗ lực của eFLOWER cũng là ví dụ về cách các kỹ thuật hiện đại kết hợp với hình thái học cổ điển để trả lời những câu hỏi cơ bản về nguồn gốc thực vật. Zhang nói: “Kiểu nghiên cứu như thế này có thể sẽ chuyển hướng các nhà thực vật học sang nghiên cứu về hình thái học và theo cách này thì chúng ta sẽ cùng trở về với những điều cơ bản của sinh học.”
Minh Thuận dịch
Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-018-01539-8