Tranh luận về đạo đức sinh học của nghiên cứu chuột đực mang thai
Nghiên cứu gắn một số cơ quan của chuột đực vào chuột cái rồi làm chuột đực có thai của hai nhà khoa học tại Đại học Y Hải quân ở Thượng Hải đã làm dấy lên cuộc tranh luận dữ dội ở Trung Quốc, đặc biệt là về tính đạo đức của thí nghiệm này.
Đây không phải là lần đầu tiên một nghiên cứu ở Trung Quốc gây ra tranh cãi về đạo đức. Ảnh: APA Picturedesk Gmbh/Shutterstock.
Các nhà nghiên cứu cho biết thí nghiệm này rất phức tạp và gây đau đớn một cách không cần thiết cho các con vật, mà cũng chỉ cung cấp rất ít thông tin chi tiết về khả năng mang thai của đàn ông – nếu có, tỷ lệ thành công thấp ở chuột cho thấy rằng mục tiêu ở người còn lâu mới đạt được.
Nhưng nhiều nhà khoa học khác thì cho rằng thí nghiệm ở chuột có thể giúp ta hiểu rõ hơn thứ gì là cần thiết để duy trì thai kỳ với những người muốn mang thai và sinh con – bất kể họ thuộc giới tính nào. Nhóm nghiên cứu đã trình bày chi tiết thí nghiệm lên trang bioRxiv.
“Thử nghiệm này không có giá trị xã hội mà chỉ lãng phí tiền thuế của nhà nước”, Qiu Renzong, nhà đạo đức sinh học tại Viện Hàn lâm KHXH Trung Quốc, nhận định. Joy Zhang, nhà xã hội học tại Đại học Kent ở Canterbury, Vương quốc Anh, người đã tiến hành nghiên cứu ở Trung Quốc trong nhiều năm, cho biết các nhà khoa học Trung Quốc lo ngại những nghiên cứu gây tranh cãi, chẳng hạn như nghiên cứu này, có thể tạo ra một “hình ảnh ô uế về nền khoa học Trung Quốc”.
Mang thai ở cá thể đực là hiện tượng cực kỳ hiếm trong tự nhiên và chỉ xuất hiện ở cá ngựa và cá chìa vôi. Để làm điều này ở động vật có vú, hai nhà khoa học đã khâu khuỷu chi trước, đầu gối chi sau và da của các cặp chuột lại với nhau, mỗi cặp bao gồm một con đực và một con cái, để chúng dùng chung hệ tuần hoàn.
Sáu tuần sau khi phẫu thuật, nồng độ testosterone ở chuột đực đã giảm đáng kể – nhưng nồng độ estrogen và progesterone của chúng lại tương đương ở chuột cái. Tám tuần sau đó, các nhà nghiên cứu cấy tử cung vào mỗi con chuột đực, tiếp theo là phôi vào cả con đực và con cái sau tám tuần tiếp theo. Ba tuần sau khi phôi thai phát triển, và cũng là thời gian quá trình mang thai bình thường của chuột gần kết thúc, các nhà nghiên cứu đã tiến hành mổ lấy chuột con. Trong số 842 phôi được đưa vào 46 cặp chuột dính liền, một phần ba số phôi ở chuột cái và một phần mười số phôi ở chuột đực phát triển thành bào thai sống. Chỉ có 10 chuột con do chuột đực mang thai sống sót đến tuổi trưởng thành – tương đương khoảng 4% trong số 280 phôi được cấy vào chuột đực.
Thí nghiệm đã nêu tầm quan trọng của nguồn cung cấp máu cho phụ nữ mang thai, bởi phôi được cấy vào tử cung được ghép cho chuột đực chỉ phát triển nếu chúng tiếp xúc với nguồn máu của chuột cái mang thai.
Catherine Mills, nhà đạo đức sinh học tại Đại học Monash ở Melbourne, Úc, cho biết những can thiệp xâm lấn kiểu này cũng không được áp dụng cho con người. “Còn một chặng đường dài để thực hiện những nghiên cứu liên quan trên người. Có thể hiểu rằng nghiên cứu này không phải là một mô hình động vật, nó chỉ đơn thuần là một thí nghiệm trên động vật”, bà nói.
Đồng tác giả của công bố, Zhang, từ chối đưa ra bình luận về những lời chỉ trích. Trong email gửi cho Nature, ông cho biết các tác giả “muốn phản hồi những lời chỉ trích thông qua các bài báo học thuật”.
O’Neill cho biết nghiên cứu này có thể cung cấp một mô hình thử nghiệm mới để xác định các chất dinh dưỡng hoặc hormone trong máu thai phụ là yếu tố quan trọng để mang thai thành công.
Theo Mats Brännström, một nhà nghiên cứu sức khỏe sinh sản tại Đại học Gothenburg ở Thụy Điển, nghiên cứu này cũng có thể tác động phần nào đến các nghiên cứu sinh sản khác ở người, đặc biệt là với những nhóm đang xem xét khả năng cấy ghép tử cung cho phụ nữ chuyển giới, nó cũng lưu ý ta về việc thiết lập tính an toàn cho những ca phẫu thuật liên quan đến cấy ghép tử cung. □
Hà Trang dịch
Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-021-01885-0
(Visited 1 times, 1 visits today)