Trí tuệ nhân tạo sẽ thay đổi tất cả trong tương lai

Trí tuệ nhân tạo sẽ sớm phát triển ý thức? Sau đó nó sẽ làm gì nữa? Nhà nghiên cứu Christian Bauckhage cho biết sự phát triển của AI trong 5 năm tới "sẽ làm lu mờ mọi thứ mà chúng ta từng thấy trước đây".

Trí tuệ nhân tạo đang có những bước tiến đáng kinh ngạc. Trong vài tháng, chatbot ChatGPT đã khiến cả thế giới bất ngờ trước những câu trả lời rành mạch, được đọc một cách hùng hồn cho các câu hỏi về bất kỳ chủ đề nào. Công nghệ kế tiếp GPT-4, cũng từ công ty Open AI ở Thung lũng Silicon, nâng cao khả năng của AI lên tầm vóc của con người. GPT-4 thậm chí còn đứng đầu trong các bài kiểm tra về sự đồng cảm, đó là xác định về cơ bản ta có phải là con người hay không.

Các chuyên gia như nhà nghiên cứu AI Christian Bauckhage, một nhà khoa học hàng đầu về học máy tại Viện Fraunhofer (Đức), nhận thấy một kỷ nguyên mới đang xuất hiện, tạo ra một bước ngoặt chưa từng có trong lịch sử nhân loại: Có thể nói, chúng ta đang chứng kiến sự xuất hiện của một sinh vật mới. Khó có thể tiên đoán về hệ quả đầy kịch tính cũng như tầm vóc to lớn của nó. “Điều này đồng nghĩa với sự ra đời của một thế giới hoàn toàn mới”, Bauckhage nói một cách đầy hứng khởi nhưng cũng không giấu nỗi lo ngại của mình. Báo Welt đã nói chuyện với nhà khoa học này qua Zoom.

Christian Bauckhage, chuyên gia về học máy tại Viện Fraunhofer (Đức).

WELT: Sự phát triển nhanh chóng của AI có làm ông lo sợ không?

Christian Bauckhage: Tôi hoàn toàn bị cuốn hút về điều này. Ngay từ nhỏ, tôi đã ước thật tuyệt vời nếu chúng ta có những chiếc máy có thể nhìn thấy và giúp đỡ những người mù lòa. Sau này tôi đã bến ước mơ này thành công việc của mình. Giờ đây tôi thấy nó đang trở thành hiện thực, nó diễn ra nhanh hơn sự mong đợi của tôi. Tốc độ mà chúng ta chứng kiến trong 15 năm qua thực sự đáng chú ý. Nó không chỉ là GPT từ Open AI. Google, Meta, Nvidia, Baidu, Amazon và Apple cũng đang phát triển các hệ thống như vậy. Đây là một thế giới hoàn toàn mới. Về cơ bản, các hệ thống này biết về mọi thứ sau khi được đào tạo. Người ta có thể nói chuyện với GPT về điện toán lượng tử dễ dàng như nói về kết quả đầu tư hoặc thể thao. Chúng ta phải tự giải phóng tinh thần của mình khi hỏi những hệ thống như vậy sẽ làm được những gì. Cho đến nay, AI đã bị bôi bác, bị coi là một trò chơi. Chuyện đó đã qua rồi. Chúng ta thực sự đang đứng trước một kỷ nguyên mới. Cần nhanh chóng xem xét sự kiện này sẽ tiếp tục tiến triển và có ý nghĩa như thế nào đối với tất cả chúng ta.

WELT: Lĩnh vực nghiên cứu của ông liên quan gì đến GPT-4?

Bauckhage: Tất nhiên, tất cả đều nằm trong một lĩnh vực. Tôi đặc biệt quan tâm đến việc kết hợp các phương pháp học trên cơ sở dựa vào dữ liệu, nhưng bao gồm cả kiến thức. GPT là một hệ thống hoàn toàn dựa vào dữ liệu.

WELT: Sự khác biệt giữa dữ liệu và kiến thức là gì?

Bauckhage: GPT-4 đã được huấn luyện. Đó là một hệ thống học máy (Machine Learning System). Một số lượng lớn các tham số không xác định ban đầu được đặt trong một quy trình đào tạo theo cách sao cho kết quả là tạo ra được một hành vi theo mong muốn. Với GPT-4 là thực hiện các cuộc trò chuyện. Để làm được điều này, hàng tỷ tỷ đoạn văn bản được nhập vào hệ thống.Từ đó, hệ thống học được từ nào xuất hiện khi nào và khả năng xuất hiện của từ đó như thế nào. Đây là một quá trình hoàn toàn dựa trên dữ liệu. Một ví dụ: Đây là một câu. Tôi bỏ qua một từ. Hãy cho tôi biết đó là từ gì. “Khi tôi về đến nhà, … của tôi đang đợi ở cửa, nó muốn được vuốt ve”.

WELT: Có lẽ con chó của ông đang đợi ở đó. Nó có vẻ là một vật nuôi, được yêu chiều và là một con đực, vì vậy nó chỉ có thể là một con chó chứ không phải mèo. Hơn nữa dù sao thì một con chó có nhiều khả năng sẽ đợi ở cửa hơn là một con mèo.

Bauckhage: Đúng thế. Nó chắc chắn không phải là con cá vàng, không phải xe máy hay tủ lạnh. Chúng ta thường nghĩ về ngôn ngữ theo ngữ pháp, chủ ngữ, động từ, tân ngữ. Nhưng bạn thấy đấy, bạn không cần điều đó chút nào, rõ ràng bạn đã nhìn thấy, đọc hoặc nghe rất nhiều câu kiểu này trong đời nên bạn nói ngay con chó là đáp án phù hợp nhất. Đó là một hiện tượng thống kê. Học máy về cơ bản là áp dụng thống kê. Phương pháp này mang lại hiệu quả mà không cần hệ thống AI biết bất cứ điều gì về thế giới.

Tuy nhiên, cho đến nay, các hệ thống này vẫn còn nhiều lỗi. Người ta có thể nhập các câu không bình thường trong lúc đào tạo, khi đó các hệ thống sẽ thất bại. Nó sẽ đưa ra câu trả lời nhưng hoàn toàn ngớ ngẩn, vô nghĩa. Đó là sự khác biệt giữa dữ liệu và kiến thức. Như ví dụ vừa rồi, bạn có thể biết ngay đó là thú cưng dù tôi không nói đáp án. Tại sao vậy? Chúng tôi đang tìm cách kết nối hai yếu tố này [dữ liệu và kiến thức] lại với nhau. Chúng tôi hy vọng sẽ tạo ra các hệ thống AI mạnh mẽ hơn, có độ tin cậy cao hơn.

WELT: Người ta thường nói chúng ta đang trải qua một sự thay đổi mang tính thời đại có thể sánh với sự xuất hiện của thời kỳ công nghiệp hóa. Ông có đồng ý với đánh giá này không?

Bauckhage: Điều này sẽ thay đổi tất cả, tất tần tật. So sánh với thời kỳ công nghiệp hóa là không đủ. Nó còn thay đổi nhiều hơn. Những gì sẽ xảy ra với thế giới nhờ AI trong 5 năm tới sẽ làm lu mờ tất cả những gì mà chúng ta từng chứng kiến trước đây.

WELT: Max Weber, nhà xã hội học nổi tiếng, từng nhận xét rằng, với con người hiện đại, hoạt động của tàu điện chẳng khác gì một ma thuật. Trái lại, AI về mặt lý thuyết có cái nhìn bao quát toàn bộ kiến thức của loài người. Phải chăng chúng ta đang thức tỉnh một sinh linh vượt trội hơn con người?

Bauckhage: Về nguyên tắc, chúng tôi biết các hệ thống này hoạt động như thế nào, nhưng kích thước tuyệt đối của chúng khiến AI trở nên khó nắm bắt. Chúng ta đang nói về 100 tỷ tham số ở đây. Không ai có thể nói tham số nào tại điểm nào chịu trách nhiệm cho hành vi nào của hệ thống. Chúng tôi hiểu rất rõ các thuật toán chạy trong các hệ thống này, nếu không sẽ không thể thiết kế chúng. Tuy nhiên, kết quả các thuật toán tạo ra lại rất phức tạp.

WELT: Theo ông liệu AI có khả năng sẽ phát triển ý thức? Hay điều đó hoàn toàn không quan trọng khi hiệu quả chúng mang lại là như nhau?

Bauckhage: Xét về mặt công nghệ thì hiệu quả như nhau. Điều này không thể phân biệt được so với sự tương tác giữa con người với nhau. Những mô hình thần kinh nhân tạo đang tăng gấp đôi tầm vóc sau mỗi năm. Hiện nay chúng đã đạt kích cỡ giữa bộ não mèo và não chó. Nếu điều này tiếp tục, đến năm 2030, chúng sẽ đạt kích thước bằng bộ não con người.

WELT: Không chỉ kích thước của bộ não mà còn cả sự hiểu biết của chúng ta về thế giới, kiến thức của chúng ta, có thể cả thể chất của chúng ta?

Bauckhage: Hiện tại các hệ thống đều chưa đạt được điều này. Chúng ta đã thấy những kết quả tuyệt vời, nhưng các điểm yếu cũng đang bộc lộ rất rõ. Tuy nhiên, các chuyên gia tin chắc rằng điều này có thể khắc phục được. Hồi tháng 1, nhà vật lý Stephen Wolfram đã viết rất nhiều trên blog của mình về cách kết hợp GPT với hệ thống Wolfram Alpha của ông. Nếu người ta giúp các hệ thống cảm nhận được cảm giác nóng và lạnh, ngã xuống và đứng dậy khác nhau như thế nào, thì chúng có thể kết hợp điều đó vào sự tương tác giữa chúng với con người.

WELT: Chúng ta cũng chỉ cảm nhận được những điều này thông qua các cảm biến, được bộ não diễn giải.

Bauckhage: Ví dụ, GPT-4 cũng có thể diễn giải hình ảnh. Bạn có thể nói mình đang cần một trang web trông giống như thế này, rồi bạn đưa cho nó xem một bản phác thảo thủ công của mình, sau đó nó sẽ tạo code-HTML cho bạn. Tiến độ của phiên bản trước, trong vòng nửa năm qua, là không thể tin được.

WELT: Chúng ta còn cách điểm kỳ dị, sự xuất hiện của ý thức trong máy bao xa?

Bauckhage: Tôi không thích dùng khái niệm này vì nó quá viển vông. Nhưng chúng tôi đều tin chắc điều đó nhất định sẽ xảy ra.

WELT: Nó cũng giống như tiếp xúc với một dạng sống ngoài Trái đất. Chúng ta không thể tiên đoán dạng sống này theo đuổi những mục tiêu gì.

Bauckhage: Hiện tại, tôi không thấy bất kỳ nhận thức hay một sự tự kích thích nào. Nhưng theo suy đoán thì điều đó dường như đang đến. Khi nó xảy ra có nghĩa là chúng ta sẽ bước sang một thế giới hoàn toàn khác.

WELT: Nó làm ta nhớ đến cốt truyện “Kẻ hủy diệt”. Theo những gì tôi còn nhớ thì nhiệm vụ duy nhất của Skynet là bảo vệ hành tinh và anh ta đi đến quyết định, chiến lược tốt nhất để thực hiện được mục tiêu này là tiêu diệt loài người.

Bauckhage: Trí thông minh như vậy cũng có thể đi đến kết luận việc đối phó với con người chúng ta là vô nghĩa. Chúng ta cũng không phải lúc nào cũng bận tâm đến việc tiêu diệt lũ chuột. Con người có thể chế tạo tên lửa và bay đến vành đai các tiểu hành tinh. Ở đó có đủ nguồn tài nguyên cho con người. Tôi hiểu tại sao bạn lại đặt câu hỏi này, nhưng tôi phải nhắc lại rằng đây hoàn toàn chỉ là sự là suy đoán.

WELT: Dường như có một nguyên nhân to lớn cho việc này. Thế giới đang hồi hộp dõi theo sự ra đời của công nghệ này ở một cấp độ mới với sự hứng khởi cao độ nhưng cũng ẩn chứa nhiều lo lắng. Chúng đặt ra những câu hỏi quan trọng liên quan đến sự thịnh vượng cũng như sự khốn cùng của nhân loại. Từ đó mọi người muốn biết nhận định từ các chuyên gia như ông. Sự suy đoán này cho thấy vấn đề này rất gần gũi với thực tế cuộc sống.

Bauckhage: Điều điên rồ là những suy đoán, điều không tưởng và lạc hậu này đã tồn tại hàng thập kỷ. Mọi người luôn mỉm cười nhạo báng, thế rồi đột nhiên mọi người đều muốn biết! Cho đến ngày 22 tháng 11, tôi luôn phải giải thích cho mọi người hiểu cần phải nghiêm túc coi trọng AI. Giờ đây tôi không còn cần thiết phải làm điều đó nữa.

WELT: Trong các bài thuyết trình của mình, Open AI rất coi trọng tính sáng tạo. Các lĩnh vực đứng đầu danh sách ứng dụng AI là, GPT có thể giúp sáng tác bài hát, viết kịch bản hoặc bắt chước phong cách của các nhà văn. Tại sao lại như vậy? Ở đây có lý do về tiếp thị, chúng tôi bị ấn tượng nhiều nhất bởi sự cạnh tranh trong lĩnh vực mà chúng tôi coi là của riêng mình?

Bauckhage: Hiện tại, tất cả các hệ thống phụ trợ này có thể giúp chúng ta thực hiện các hoạt động đòi hỏi có nhận thức. Tự thân nó chưa thực hiện được điều này. Điều thực sự mới là khai thác các lĩnh vực, mà nhân loại vẫn nghĩ rằng đây vốn dĩ là công việc của họ, viết tiểu thuyết, khai báo về thuế, sáng tác tranh ảnh. Các công việc văn phòng, vốn dĩ là công việc của nhân viên văn phòng nay bỗng được tự động hóa phần lớn công việc.

WELT: Điều này cũng có thể áp dụng cho ngành báo chí cũng như lĩnh vực nghiên cứu của ông. Vì các hệ thống có thể lập trình, nên chúng cũng có thể tự cải thiện.

Bauckhage: Chúng tôi thực ra đã tiến được đến mức độ này. Cái đó có nghĩa là “Self-Instruct” (Tự hướng dẫn). Đại học Stanford tuần qua đã giới thiệu về vấn đề này. Nó dựa trên một giải pháp mã nguồn mở từ Meta và nó tiếp tục tự đào tạo. Khi DeepMind của Google giới thiệu AlphaGo, chương trình đánh bại những kỳ thủ cờ vây hàng đầu thế giới, họ đã tạo một bản sao và sau đó để chúng đấu với chính mình. Trong một đêm, nó đã học được từ hàng tỷ nước đi.

WELT: Theo ông điều gì tiếp theo sẽ làm công chúng ngạc nhiên?

Bauckhage: Những gì chúng ta đang chứng kiến sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng một cách khó tin. Về mặt này, chúng ta phải giải phóng hoàn toàn bản thân về tinh thần. Chúng ta phải giả định rằng các hệ thống có thể làm được hầu hết mọi thứ trong tương lai. Đây là điều nghiễm nhiên sẽ xảy ra, không thể khác được.

WELT: Trong bối cảnh này, người ta thường nói về trí tuệ nhân tạo nói chung (Artificial General Intelligence). Đó có phải là những gì mà ông muốn trình bày lúc này?

Bauckhage: Đó là điều mà tôi đang nói đến lúc này. Thực ra tôi muốn tránh cái cụm từ đó. Nhưng đã nói ra rồi. Mọi người luôn bị cười nhạo vì những thuật ngữ này – chúng ta đã lúc nãy đã nói về điểm kỳ dị. Thế rồi giờ đây người ta thấy: “Trời ạ! Rốt cuộc, có lẽ nó không quá xa vời”. Khái niệm về trí tuệ nhân tạo đã ra đời cách đây hơn 80 năm. Tất nhiên, mục tiêu luôn là có một cỗ máy có thể hoạt động ở cấp độ của chúng ta ngày nay. Mọi người luôn nghĩ, “Ồ, đó chuyện của năm 2070!” Nhân loại vẫn chưa hiểu được sự tăng trưởng theo cấp số nhân. Và chúng ta thấy điều đó không chỉ ở sự lây lan của đại dịch mà còn ở sự phát triển của công nghệ. Năm 1923, hầu như không thể có chuyện đó. Hãy so sánh tốc độ kể từ khi sáng chế ra điện thoại thông minh khoảng 15 năm trước. Đó chính là cấp số nhân. Về mặt này, ý tưởng rằng một ngày nào đó AI sẽ làm được mọi thứ không còn xa vời nữa. Đặc biệt vì ở Đức thiếu hiểu biết về toán học. Rốt cuộc, đó là toán học ứng dụng. Chúng ta đã bước vào một thế giới mới.

WELT: Theo ông, điều tốt nhất mà trí tuệ nhân tạo có thể mang lại cho nhân loại là gì?

Bauckhage: Trong trường hợp tốt nhất, AI có thể phát triển thuốc trị ung thư. Hay thậm chí là tìm ra công thức cho thế giới, sự hợp nhất giữa thuyết tương đối và vật lý lượng tử, thứ dường như lấn át tư duy con người hơn một thế kỷ qua.

Xuân Hoài dịch

Nguồn: https://www.welt.de/kultur/plus244412220/Kuenstliche-Intelligenz-und-ChatGPT-Das-wird-alles-veraendern-alles.html

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)