Triển vọng của vaccine HIV dựa trên một phương pháp tiếp cận mới
Cơ chế hoạt động của vaccine HIV đang bước vào thử nghiệm giai đoạn I là kích thích cơ thể sản xuất tế bào miễn dịch hiếm. Những tế bào này sẽ giúp tạo ra các kháng thể thích hợp chống lại HIV.
Ảnh: Kateryna Kon/Shutterstock.com
Mới đây, Tổ chức Sáng kiến Vắc xin Phòng chống AIDS Quốc tế (IAVI) và Scripps Research (một cơ sở nghiên cứu và đào tạo tư nhân về hóa sinh lớn nhất nước Mỹ) vừa công bố kết quả một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I quan trọng của họ. Các nhà khoa học muốn đánh giá một cách tiếp cận vaccine mới phòng chống lây truyền HIV bằng cách kích thích cơ thể sản xuất tế bào miễn dịch hiếm. Những tế bào này sẽ giúp tạo ra các kháng thể thích hợp chống lại HIV.
Thử nghiệm có sự tham gia của 48 tình nguyện viên, 1 nhóm thử nghiệm liều thấp, nhóm còn lại thử nghiệm liều cao. Họ được tiêm hai mũi vaccine hoặc giả dược, mỗi mũi cách nhau hai tháng. Đối với những người được tiêm vaccine, cơ thế của 97% trong số họ đã phát triển các tế bào miễn dịch phù hợp để chống lại HIV.
Giáo sư, Tiến sĩ William Schief, nhà miễn dịch học tại Scripps Research, giám đốc điều hành nghiên cứu sản xuất vaccine tại Trung tâm Nghiên cứu Kháng thể (NAC)của IAVI khẳng định: “Nghiên cứu này là bằng chứng về tính khả thi (proof of principle) của ý tưởng mới về vaccine HIV. Y tưởng này cũng có thể áp dụng để tạo ra vaccine ngừa các mầm bệnh khác. Cùng với rất nhiều đối tác, nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã chỉ ra rằng mình có thể tạo ra vaccine kích thích các tế bào miễn dịch hiếm với các đặc tính cụ thể. Sự kích thích hướng đích này có thể rất hiệu quả trên người. Chúng tôi tin rằng cách tiếp cận này sẽ là chìa khóa để tạo ra vaccine HIV và có thể quan trọng trong việc tạo ra vaccine chống lại các mầm bệnh khác”.
Các kết quả nghiên cứu đã được trình bày tại hội nghị trực tuyến của Hiệp hội Nghiên cứu HIV Quốc tế về Phòng chống HIV (HIVR4P) hồi tháng Hai. Nhóm nghiên cứu đang tìm cách kích thích cơ thể tạo ra các Kháng thể trung hòa diện rộng (còn gọi là bnAb), chúng là các protein hồng cầu chuyên biệt có khả năng tự gắn vào các gai trên bề mặt của HIV. Đây là một phản ứng miễn dịch có thể trung hòa (liên kết và vô hiệu hóa sự lây nhiễm) các chủng virus khác nhau.
“Từ nhiều năm trước, chúng tôi cũng như nhiều nhà khoa học khác đã dự đoán rằng để tạo ra bnAb, bạn phải bắt đầu bằng việc kích thích đúng loại tế bào B – những tế bào có những đặc tính để có thể phát triển thành các tế bào tiết ra bnAb,” Schief giải thích. “Trong thử nghiệm này, các tế bào đích chỉ chiếm khoảng một phần triệu trong tổng số các tế bào B. Để có được phản ứng kháng thể phù hợp, trước tiên chúng ta cần nhắm đúng loại tế bào B này. Dữ liệu từ thử nghiệm này đã cho thấy kháng thể tạo ra từ vaccine này có thể làm được như vậy”.
Cách tiếp cận mồi (priming) này sẽ là bước đầu tiên để một người tự phát triển khả năng miễn dịch chống lại căn bệnh này. Và nhóm nghiên cứu cũng tin rằng phương pháp “mồi” này còn có thể là khởi đầu cho việc phát triển vaccine chống lại các chủng cúm khác nhau, sốt xuất huyết, virus Zika, viêm gan C và thậm chí cả sốt rét.
Thử nghiệm lâm sàng này, còn được gọi là IAVI G001 là một kết quả ấn tượng. Các nhà nghiên cứu đang hợp tác với công ty Công nghệ sinh học Moderna (nổi tiếng vì đã phát triển vaccine COVID-19) nhằm phát triển và thử nghiệm vaccine dựa trên mRNA tạo ra phản ứng miễn dịch này.
Nguyễn Nam dịch