Trò chơi điện tử giải quyết những bài toán của đô thị

Trò chơi điện tử có thể là một công cụ đắc lực cho nhà quy hoạch, chuyên gia kiến trúc, chính quyền giải quyết những bài toán của đô thị.

SimCity – một trong những trò chơi xây thành phố được biết đến nhiều nhất

Cũng như những trò chơi nói chung từ thuở chưa có máy vi tính hay tivi, trò chơi điện tử (game) được xây dựng dựa trên các yếu tố: mâu thuẫn, luật chơi, khả năng người tham gia và kết quả. Sự kết hợp và gia giảm của các yếu tố này khiến trò chơi cuốn hút và hấp dẫn công chúng. Hãy lấy ví dụ như trò chơi Flappy Bird từng làm mưa làm gió trên mạng xã hội và truyền thông ở Việt Nam và trên thế giới vào năm 2014. Luật chơi của game rất đơn giản: làm sao để nhấn ngón tay lên màn hình nhằm điều khiển một chú chim lách qua càng nhiều khe ống nước càng tốt. Mâu thuẫn là chỉ dùng một ngón tay, nhấn liên tục, nhấn có nhịp điệu, nhưng nhấn lâu thì mỏi, khe ống nước thì hẹp, có đoạn còn không cố định mà di chuyển, chú chim dường như lại “không muốn bay”, lúc nào cũng chỉ chực chúi mũi xuống dưới sức nặng của trọng lực, sơ sảy ngón tay một chút là chú chim rơi xuống đất và bạn chơi lại từ đầu! Khả năng của người chơi sẽ được đánh giá dựa trên số khe ống nước mà họ vượt qua. Để tăng tính cạnh tranh, người chơi nào cũng có thể chia sẻ kết quả và so sánh với người khác trên mạng xã hội.

Rộng hơn khái niệm trò chơi điện tử là khái niệm trò chơi hóa (gamification). Khái niệm này miêu tả việc ứng dụng các yếu tố của một trò chơi vào một hoạt động ngoài giải trí, nhằm thu hút cộng đồng tham gia một quá trình xây dựng hoặc quảng bá sản phẩm. Một trong những ví dụ đó là bản đồ mã nguồn mở OpenStreetMap (OSM) – một trong những dự án xây dựng dữ liệu địa điểm thành công nhất trên thế giới. Thay vì bằng những phần mềm vẽ bản đồ với giao diện thô cứng, một nhóm những nhà phát triển đã thu hút người dùng bằng một giao diện game gọi là StreetComplete, với các nhiệm vụ và câu đố trắc nghiệm để nhập và chia sẻ dữ liệu. Là một phần mềm thu thập dữ liệu địa lý nhưng StreetComplete như một game đích thực khi họ còn có bảng điểm và các hình thức ghi nhận để thúc đẩy và khuyến khích sự cạnh tranh ở mỗi người chơi.

Sự phát triển của mạng xã hội và internet đã khiến game không dừng lại ở sự tương tác giữa một người – một máy với những điều kiện và kết quả của trò chơi bị giới hạn chặt chẽ bởi những nhà phát triển và sản xuất game. Ở những trò chơi điện tử hiện đại, cộng đồng chính là mấu chốt. Những trò chơi mới có xu hướng khai thác sự sáng tạo của người chơi và sự trao đổi, hợp tác giữa nhiều người chơi với nhau. Người chơi có thể cùng đóng góp nhiều cách giải quyết một vấn đề (serious game-loại game được thiết kế không nhằm mục đích giải trí), hoặc sáng tạo lối chơi mới (game mod). Tính linh hoạt này chính là chìa khóa đưa game và gamification ngày càng vượt ra khỏi ranh giới của một hình thức giải trí đơn thuần.

Game trong đô thị

Dự án đô thị, thiết kế đô thị, sáng kiến đô thị là những hoạt động nhằm thay đổi, xây dựng không gian phát triển bền vững cho môi trường đô thị. Những hoạt động này thường là những hoạt động phối hợp nhiều ngành, nhiều bên liên quan, nhiều quy mô. Bởi vậy, không khó để người ta nghĩ đến game, không chỉ như một công cụ để người dân quan tâm và tham gia giải quyết các vấn đề mình đang sống mà còn để các nhà quy hoạch, chính quyền, chuyên gia thu thập dữ liệu từ cộng đồng, thậm chí lường trước tác động xã hội từ quyết định của mình.

Simcity – trò chơi điện tử từng luôn đứng trong hàng ngũ những game xây thành phố hay nhất, ra đời từ những năm 90 là một trong những ví dụ tiêu biểu. Trong Simcity, người chơi vào vai thị trưởng một thành phố, quyết định những thay đổi như hạ tầng đường sá, hệ thống điện nước, cây xanh, công trình sao cho cung cấp dịch vụ công tối ưu cho người dân với một ngân sách giới hạn từ chính phủ. Tuy được phát triển là một trò chơi điện tử thuần túy, từ đầu những năm 2000, giới học thuật đã sử dụng game này như một công cụ giả lập tác tử (agent-based simulation) – mô phỏng sự tương tác giữa các thành phần xã hội trước một quyết định xây dựng, nhằm hỗ trợ đắc lực cho những nhà quy hoạch, nhà phát triển trong công tác xây dựng mô hình đô thị.

Tuy nhiên, nếu SimCity với tuổi đời gần 30 năm, chỉ là game thuần túy một người chơi thì những trò chơi đô thị hiện đại ngày nay đều hướng tới nhiều người chơi một lúc, mỗi người có thể đóng một vai trò khác nhau, nhờ đó tăng cường nhiều khả năng giả lập và đa dạng tương tác. Một trong những sáng kiến có thể kể đến là Games for Cities – một nền tảng được Play the city khởi xướng nhằm tạo ra một không gian chia sẻ cho các ý tưởng game trong đô thị.

Trên trang web này có thể tìm thấy rất nhiều ứng dụng, bao gồm cả ý tưởng lẫn công cụ thực tiễn. Redesire (2016 – Rezone, We are Muesli) là một game dạng thương thảo, cân đối lợi ích các bên. Người chơi sẽ đóng vai nhà quản lý, doanh nghiệp, người sử dụng, nhà đầu tư với những vai trò khác nhau (chẳng hạn nhà quản lý thì cần tầm nhìn, trong khi đó nhà đầu tư lại cần tính khả thi cao) để cùng tham gia vào một dự án đô thị. Hay tiêu biểu có thể kể tới Cities Skylines (2015 – Paradox Interactive) – một trò chơi thương mại, cũng giống như SimCity, người chơi có thể xây dựng thành phố riêng của bản thân. Nhưng vượt qua cái bóng của SimCity, trò này có khả năng giả lập môi trường xây dựng gần thực tế hơn, như việc những thửa nhà bám theo cấu trúc đường, hay như bộ công cụ thiết kế đô thị trực quan và đa dạng. Finding Places (2016) khai thác ứng dụng AR – thực tế tăng cường, tức là người chơi được chìm đắm trong một môi trường vi tính 3D. Theo đó, người chơi đóng vai những nhà quy hoạch, có thể trực tiếp đặt những miếng Lego (tượng trưng cho những công trình) vào thế giới ảo. Hãy tưởng tượng khi tháo ra các miếng công trình, thay vào đó là một mảnh công viên cây xanh, hàng loạt các thuật toán được chạy thời gian thực, mô hình trả về những kết quả tích cực về vi khí hậu, giảm thiểu hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, các mối quan hệ xã hội được cải thiện.

Khả năng của tương lai

Ứng dụng Metacity – Trò chơi thực tế ảo cho phép người chơi xây dựng và trao đổi bất động sản như thế giới thực.

Anh Nguyễn Xuân Mẫn, văn phòng kiến trúc XMA Architect/LAVA, một kiến trúc sư kinh nghiệm trong lĩnh vực ứng dụng kỹ thuật số cho kiến trúc và quy hoạch, chia sẻ, trên cơ sở hạ tầng số phát triển và tỷ lệ lớn dân số trẻ, những sáng kiến đô thị sử dụng trò chơi điện tử hoặc được trò chơi hóa đang dần trở thành xu thế. Cuộc cách mạng Web 3.0 đã bước đầu xây dựng những khái niệm về giao tiếp ảo, có thể nhận thấy ở phong trào Metaverse nhằm thay thế một phần các nhu cầu và chức năng ở đô thị như thương mại điện tử, làm việc và họp từ xa, hay triển lãm ảo. Công nghệ mới hứa hẹn cho giới kiến trúc quy hoạch khả năng trải nghiệm, dự báo sự biến đổi không gian đô thị.

Những trò chơi dựa trên địa điểm (Location-based game) như Pokemon GO! Hay Ingress khiến phát triển đô thị phải nhìn lại về không gian công cộng hiện nay. Hai trò chơi này đều có điểm chung là xây dựng một thế giới tưởng tượng trên nền không gian thực tế (các công viên, điểm chờ xe buýt, tàu metro), để người chơi không ngồi một chỗ mà đi quanh thành phố của mình để bắt Pokemon – những con vật có khả năng đặc biệt đang ẩn nấp ở những không gian công cộng với Pokemon GO!, hoặc để chiếm đóng các Cổng không gian (Portal) – nơi chứa nguồn vật chất kì bí như trong Ingress. Dữ liệu từ các trò chơi này giúp cho những nhà quy hoạch hiểu hơn về cách người dân sử dụng không gian công cộng, chất vấn liệu các không gian công cộng liệu đã đủ “mở”, đón nhận đủ đa dạng tất cả mọi đối tượng hay chưa?

Dự án Metacity, nằm trong chiến lược tạo dựng Metaverse (vũ trụ ảo) của liên doanh các doanh nghiệp như House3d hay Icetea Labs, sẽ sử dụng các công nghệ mới nổi như VR – thực tế ảo, blockchain (công nghệ nền tảng của Web3) cho phép người dùng có thể kiến tạo không gian và mua bán, trao đổi bất động sản như trong thế giới thực. Là một trong số những người phát triển dự án này, anh Mẫn cho biết, mô hình về thành phố ảo và thị trường xây dựng ảo, nơi mà người sử dụng có khả năng tạo ra những bản mod, những quy hoạch, kiến trúc, nội thất cho chính khu vực mình được phân. Người chơi sẽ vừa là người trải nghiệm, nhà quy hoạch, nhà thiết kế, nhà đầu tư trong thế giới mới. Đây là cơ hội cho những nhà phát triển đô thị trên toàn thế giới, thay vì phải thử nghiệm bằng những phần mềm mô phỏng, hay bằng những Bot được lập trình sẵn, giờ đây có thể trực tiếp quan sát hành vi của người dùng thực tế, anh nhận định.

Những bước đi đầu tiên ở Việt Nam

Ở Việt Nam, các vấn đề đô thị mới, phức tạp và đa chiều, như quá tải hạ tầng, ô nhiễm môi trường, chất lượng sống thiếu đồng bộ ở các khu vực là những điều mà phương thức quy hoạch và thiết kế truyền thống khó giải quyết được. Khi đó, game có thể là một phương thức để cộng đồng có thể tham gia vào quá trình phác thảo ý tưởng, thậm chí có thể đồng thiết kế với kiến trúc sư. Dưới đây là hai ví dụ cho điều này: nhóm Think Playgrounds! và kiến trúc sư Nguyễn Xuân Mẫn.

Nhóm Think playgrounds! là một nhóm những người nghĩ về sân chơi cho trẻ được biết đến với nỗ lực xây dựng các không gian giải trí sáng tạo trong thành phố. Họ “kết hợp với các khu dân cư để dành lại một phần đất công cộng cho sân chơi, cùng các kiến trúc sư sáng tạo ra các thiết kế sân chơi, các thiết bị vui chơi phù hợp và thân thiện với môi trường”. Trong quá trình bàn bạc người dân, nhóm sử dụng hình thức trò chơi hóa: sử dụng đất sét, bản vẽ in, giấy ghi chú, sticker để người dân mô tả ý tưởng và thiết kế của mình. Kết quả từ các trò chơi sẽ là dữ liệu đầu vào để Think playgrounds thiết kế sân chơi và các thiết bị vui chơi phù hợp với mong muốn và kỳ vọng của người dân.

Người dân tại phường Tân Mai sử dụng Minecraft để diễn tả ý tưởng của mình về sân chơi. Ảnh: FB Think Playground!

Gần đây, Think playgrounds! được tiếp cận dự án Block by Block nhằm ứng dụng trò chơi Minecraft – một trò chơi điện tử, nơi người chơi có thể sắp xếp những khối lập phương kích thước giả định 1m2 để tạo nên thế giới của riêng mình, vào công tác tái thiết không gian đô thị. Tức là, thay vì sử dụng đất sét, bản vẽ in, giấy ghi chú, sticker như trước đây, người dân sẽ chơi trò Minecraft cùng với đội ngũ Think Playground! để diễn tả ý tưởng của mình về sân chơi. Cách người dân vẽ sân chơi ảo của mình trong Minecraft sẽ giúp Think Playground! hình dung trực quan hơn sân chơi trong thực tế.

Tuy nhiên, người đứng đầu Think Playgrounds!, anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt cho rằng việc ứng dụng Minecraft của họ chưa thực sự thành công. Hiệu quả của phương thức này cũng chỉ tương đương như cách trò chơi hóa với các dụng cụ đơn giản, rẻ tiền mà họ đã từng làm trước đây. Anh Đạt chia sẻ: “Thường trong cộng đồng là những người cao tuổi, rất ít trẻ em, thế nên cần có khoảng thời gian để dạy mọi người cách sử dụng Minecraft, cách di chuyển, cách xây dựng […], vì vậy bọn anh cần nhiều tình nguyện viên để hỗ trợ đối tượng này.” Hơn nữa, kết quả sau quy trình ứng dụng Minecraft không thể sử dụng luôn mà vẫn phải thiết kế lại bằng các phần mềm chuyên dụng để thi công.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa rằng việc ứng dụng game vào quy hoạch ở Việt Nam không khả thi. Bản thân Minecraft là một game tuy khó tiếp cận với những người lớn tuổi nhưng lại rất phổ biến và quen thuộc với trẻ em và thanh thiếu niên. Nếu đối tượng tham gia góp ý một dự án gồm nhiều người trẻ thì trò chơi này có thể là công cụ đắc lực cho kiến trúc sư thu thập dữ liệu ban đầu và sơ phác ý tưởng. Ngoài ra, anh Đạt cho rằng, nếu không phải Minecraft mà một game đơn giản, gần gũi và sử dụng hiệu quả các yếu tố đồ họa hơn thì có thể thích hợp với nhiều đối tượng.

Trò chơi Jenga Bridge thử nghiệm kết cấu xây cầu: người chơi rút nhiều nhất thanh gỗ trên cầu sao cho cầu không bị đổ.

Ở một khía cạnh khác, game có thể thay thế hoặc đơn giản hóa các công cụ phức tạp trong thiết kế kiến trúc. Từ đó, người dân có thể tham gia và hiểu sâu hơn quá trình xây dựng, chứ không chỉ dừng lại ở quá trình sơ phác ý tưởng. Anh Nguyễn Xuân Mẫn đã từng thiết kế các game như vậy. Chẳng hạn như game Jenga Bridge, được anh xây dựng dựa trên trò chơi rút gỗ truyền thống, trong đó người chơi sẽ tìm cách rút nhiều nhất số miếng gỗ của một cây cầu sao cho nó không bị sập. Trò chơi này nhằm thử nghiệm các kết cấu xây cầu. Anh Mẫn cũng phát triển Digital Design Toolbox (tạm dịch là Bộ công cụ thiết kế số) – một dạng trò chơi hóa để hỗ trợ cho công nghệ BIM dùng trong kiến trúc. BIM là mô hình thông tin xây dựng, liên kết các bộ môn khác nhau trong cùng một dự án (kiến trúc, kết cấu, điện nước). Các công cụ hỗ trợ xây dựng BIM thường là phần mềm thiết kế chuyên dụng, nhiều thông số kĩ thuật và giao diện không thân thiện. Trong khi đó, công cụ Digital Design Tool Box có cách hoạt động gần giống như Minecraft, cho phép người dùng xây dựng và thử nghiệm cấu trúc của một số loại công trình chỉ bằng cách lắp ghép các khối lập phương đơn giản. Mặc dù hai trò chơi này hiện mới chỉ dừng lại trong phạm vi học thuật, nhưng đã gợi mở hướng đi mới về những serious game trong kiến trúc xây dựng, mở rộng đối tượng tham gia vào quá trình thiết kế đô thị hơn.

Game trong đô thị là một bài toán mới, một phép thử mới cho những vấn đề được xem là kinh điển trong đô thị: áp lực hạ tầng, sự tham gia của cộng đồng, tái hiện và mô phỏng không gian đô thị. Những nhà phát triển cần có những góc nhìn nhạy bén, khả năng diễn giải và trực quan hóa những vấn đề phức tạp, thấu cảm với người tham gia, người sử dụng và người thiết kế để có thể đưa ra những công cụ tối ưu với đề bài đặt ra. □

Xem thêm

(2022).Definition of video game [online]. Oxford University Press. Truy cập tại: https://www.lexico.com/definition/wake (Ngày truy cập: 14 Tháng Bảy 2022).

(2022).Definition of gamification [online]. Oxford University Press. Truy cập tại: https://www.lexico.com/definition/wake (Ngày truy cập: 14 Tháng Bảy 2022).

(2007). The video game explosion: A history from pong to PlayStation and beyond. Greenwood Press.

StreetComplete – https://github.com/streetcomplete/StreetComplete

DEVISCH, O. S. W. A. L. D. (2008). Should planners start playing computer games? arguments from Simcity and second life. Planning Theory & Practice, 9(2), 209–226. https://doi.org/10.1080/14649350802042231

Game for Cities – http://gamesforcities.com/

Cities Skylines – http://www.paradoxinteractive.com/games/cities-skylines/about

Finding Places – Finding places | URBACT

Colley, A., Thebault-Spieker, J., Lin, A. Y., Degraen, D., Fischman, B., Häkkilä, J., Kuehl, K., Nisi, V., Nunes, N. J., Wenig, N., Wenig, D., Hecht, B., & Schöning, J. (2017). The geography of pokémon go. Proceedings of the 2017 CHI Conference on Human Factors in Computing Systems. https://doi.org/10.1145/3025453.3025495

Lobo, D. G. (2005). A city is not a toy: How simcity plays with urbanism. London School of Economics and Political Science, Cities Programme.

Block by block – https://www.blockbyblock.org/

Dự án thiết kế sân chơi và vườn cộng đồng tại khu 2 phường Tân Mai – https://ashui.com/awards/wp-content/uploads/2019/12/TPG-proposal-for-Tan-Mai-2-2-A2-public-spaces-201911-to-Ashui.pdf

Jenga Bridge – https://www.xmarchitect.com/game-robot-algorithms

Digital Design Toolbox – https://www.xmarchitect.com/assemblerassembe

Metacity – https://metacity.game/

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)