Trung Quốc đẩy mạnh sàng lọc dị tật phôi thai

Nhiều cơ sở y tế tại Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động chẩn đoán trước khi nuôi cấy phôi thai nhằm loại trừ nguy cơ mắc một số bệnh. Tại Bệnh viện Đại học Bắc Kinh 3, các chuyên gia đang phổ biến kỹ thuật sàng lọc PGD (Preimplantation Genetic Diagnosis - chẩn đoán di truyền trước khi nuôi cấy phôi), được kỳ vọng sẽ giúp những cặp vợ chồng sử dụng biện pháp thụ tinh trong ống nghiệm (in vitro fertilization) tránh nguy cơ đứa trẻ sinh ra bị dị tật hay mắc những bệnh gây ra bởi đột biến gene.


Các cơ sở y tế tại Trung Quốc đang đi tiên phong trong việc áp dụng các kỹ thuật xét nghiệm trước khi phôi thai được nuôi cấy. Nguồn ảnh: Nature.

Những thử nghiệm ban đầu cho thấy, một số công nghệ giúp can thiệp sâu vào gene như CRISPR (Clustered Regularly Interspaced Short Palindromic Repeats – kỹ thuật chỉnh sửa gene, sử dụng vùng trình tự lặp), một ngày nào đó có khả năng sẽ giúp thanh toán hoàn toàn những bệnh di truyền trước khi phôi thai được nuôi cấy. Mặc dù còn cần một thời gian dài để những kỹ thuật như vậy được tiếp tục hoàn thiện cũng như được chính quyền phê duyệt, PGD hiện đã giúp được hàng ngàn cặp vợ chồng ở Trung Quốc. Trên thế giới, trong lúc phương pháp này phổ biến tương đối chậm, thì tại quốc gia đông dân nhất hành tinh, nó lại thực sự bùng nổ.

Trung Quốc không phải là nơi đầu tiên áp dụng và phổ biến những kỹ thuật này, tuy nhiên họ đang theo đuổi chúng một cách mạnh mẽ, toàn diện và có hệ thống hơn hẳn bất cứ nơi nào khác. Trong một tầm nhìn dài hạn, chính quyền Bắc Kinh đã ban hành những chính sách nhằm tăng cường nỗ lực chăm sóc sức khỏe với chất lượng tốt hơn cho người dân. Trong kế hoạch năm năm gần đây nhất, Trung Quốc tham vọng xây dựng một hệ thống y tế hỗ trợ sinh sản toàn diện, bao gồm cả việc ưu tiên áp dụng những phương pháp như PGD. Những nhà khoa học Trung Quốc đang săn lùng các loại đột biến gene gây dị tật trong dân số và sàng lọc chúng bằng PGD. Những nhóm nghiên cứu, bao gồm cả giai đoạn lâm sàng, nhận được hậu thuẫn hết sức mạnh mẽ để thúc đẩy việc cải tiến kỹ thuật, nâng cao nhận thức, hiểu biết trong lĩnh vực này và tìm cách giảm thiểu chi phí.
Mặc dù chưa có số liệu tổng hợp chính xác, nhưng theo ước tính của những đơn vị cung cấp PGD hàng đầu, tỷ lệ áp dụng kỹ thuật này ở Trung Quốc hiện đã vượt qua Hoa Kỳ và đang tăng nhanh gấp năm lần.

Xung đột đạo đức và văn hóa

Các nhà đạo đức sinh học lo ngại rằng loại bỏ hoàn toàn những căn bệnh di truyền trước khi một con người ra đời sẽ làm giảm giá trị và ý nghĩa cuộc sống. Bên cạnh đó, chi phí cao và khả năng tiếp cận PGD cũng là một vấn đề, có thể kéo giãn khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Ngoài ra, đó còn là nguy cơ ở tầm chính sách, khi chính quyền có khả năng sẽ hậu thuẫn cho việc chọn lựa những đặc tính ở người mà không hề liên quan tới bệnh tật, như trí thông minh hay năng khiếu thể thao.

Tuy nhiên, đối với người Trung Quốc, các gia đình thường cảm thấy có nghĩa vụ và áp lực phải cho ra đời những đứa trẻ khỏe mạnh, ưu tú. Bởi vậy họ tỏ ra thèm khát những công nghệ di truyền, nhằm đảm bảo con sinh ra được hoàn toàn khỏe mạnh. Chẳng hạn, phương pháp xét nghiệm hội chứng Down và những bất thường trong nhiễm sắc thể ở giai đoạn thai kỳ đang ngày càng trở nên phổ biến. Năm 2013, sau khi ra mắt bộ công cụ xét nghiệm hội chứng Down, một công ty thiết bị y tế tại Thẩm Quyến đã nhanh chóng bán được 2 triệu bộ. Những xét nghiệm tương tự, ở các nước như Anh – Mỹ, từ lâu đã trở thành thông lệ, tuy nhiên người dân tại đây chưa chắc đã chấp nhận bỏ thai nhi chỉ vì nghi bị Down.

Nhiều người dân ở các nước phương Tây vẫn còn lo sợ về nguy cơ sử dụng những phương pháp như PGD để tạo nên các thế hệ người ưu việt, như thuyết ưu sinh (eugenism), gợi những ký ức đau buồn về thời Đức Quốc xã qua chính sách thanh lọc chủng tộc1. Tuy nhiên, từ ưu sinh (yousheng) trong tiếng Trung Quốc lại đang được sử dụng một cách rộng rãi và với nghĩa tích cực tại hầu hết các cuộc thảo luận về PGD. Với người Trung Quốc, ưu sinh hàm nghĩa sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh và ưu tú. Việc hạn chế hút thuốc hay tránh tiếp xúc với khói thuốc trong giai đoạn thai kỳ cũng là một phần trong những mối lưu tâm nhằm đạt được mong mỏi đó.

Một số ý kiến ủng hộ cho rằng, chính sách này mang lại lợi ích kinh tế to lớn. Chẳng hạn, một nghiên cứu đã so sánh giữa chi phí trung bình của một ca áp dụng PGD để phòng tránh bệnh xơ nang – khoảng 57.500 USD, nhỏ hơn nhiều so với tổng chi phí phát sinh trong suốt cuộc đời của một bệnh nhân – lên tới 2,3 triệu USD. Nhưng điều này mắc phải những rào cản ở phương Tây, khi các hội đoàn, đặc biệt giáo hội Công giáo luôn phản đối việc nuôi cấy, thụ tinh nhân tạo hay phá thai.

Thế Hải lược dịch
Nguồn: http://www.nature.com/news/china-s-embrace-of-embryo-selection-raises-thorny-questions-1.22468
———
1 Eugenism: thuyết ưu sinh, phong trào sinh học xã hội ủng hộ việc sử dụng các phương thức nhằm cải thiện cấu tạo gene của dân số, đặc biệt được ủng hộ mạnh mẽ dưới thời Đức Quốc xã.

Bối cảnh Trung Quốc đang có lợi cho sự phát triển và phổ biến các phương pháp như PGD, với những lý do như sau: * Những dị tật hay bệnh di truyền ở Trung Quốc thường có xu hướng bị kỳ thị và chính quyền thường ít quan tâm, hỗ trợ cho những người kém may mắn. * Việc phản đối những phương pháp như PGD đứng trên lập trường đạo đức hay tôn giáo hầu như là rất hiếm tại Trung Quốc. * Trung Quốc cũng đang dỡ bỏ nhiều quy định hạn chế dân số như cho phép các cặp vợ chồng được sinh nhiều hơn một con. * Những tiến bộ mới trong y học mang tới hy vọng cho những cặp vợ chồng lớn tuổi, vô sinh hay hiếm muộn. * Các phương pháp chẩn đoán dị tật di truyền với sản phụ ở nhiều độ tuổi đang ngày càng trở nên phổ biến ở Trung Quốc.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)