Trung Quốc: Già cỗi trước khi giàu có

Chính sách một con ở Trung Quốc đang làm rối loạn sự cân bằng giữa các thế hệ, biến nước này trở thành già cỗi trước khi trở nên giàu có.  

“Trước năm 1997, chính quyền thường kéo đổ nhà để phạt chúng tôi đã vi phạm chính sách một con… Sau năm 2000, họ bắt đầu giữ con của chúng tôi.” Yuan Chaoren, một người dân hạt Long Hồi, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, mô tả về cách hành xử của giới chức kế hoạch hóa gia đình trên tuần tạp chí Kinh tế và Tài chính Trung Quốc (Caixin) như vậy. Theo Caixin, chính quyền địa phương sẽ bắt giữ “những trẻ em ra đời ngoài kế hoạch” và đưa chúng đến các trại trẻ mồ côi để bán làm còn nuôi cho người nước ngoài với giá từ 3.000 đến 5.000 USD/em.

Tước đoạt trẻ em khỏi bố mẹ chúng không phải là một phần của chính sách một con, nhưng là hệ quả tiêu cực của những quy định hà khắc. Chính sách một con đã gây tổn thương nghiêm trọng đến các gia đình và làm rối loạn sự cân bằng giữa các thế hệ. Tỉnh Quảng Đông, với số dân trên 100 triệu người, lần đầu tiên đã lên tiếng đòi bãi bỏ chính sách này.

Giới chức Trung Quốc nhiệt thành ủng hộ chính sách một con, coi đó là nguyên nhân giúp giảm thành công tỷ lệ tăng trưởng dân số: [đất nước] lẽ ra có thêm 400 triệu dân, họ khẳng định, nếu không có chính sách này. Nhưng thực tế, tỷ lệ sinh của Trung Quốc liên tục giảm qua nhiều thập kỷ trước khi chính sách một con có hiệu lực từ năm 1979. Chính sách chỉ góp phần làm giảm tỷ lệ sinh nở xuống mức thấp hơn nữa. Kết quả là Trung Quốc có “tỷ lệ phụ thuộc” thấp nhất thế giới, với khoảng ba người lớn chịu trách nhiệm về kinh tế cho một đứa trẻ hoặc một người già phụ thuộc. Điều này khiến “lợi tức nhân khẩu học” của Trung Quốc cao hơn các nước láng giềng (do tỷ lệ giữa người làm việc và người phụ thuộc cao).

Tuy nhiên, từ năm 2000 đến 2010, tỷ lệ dân số dưới 14 tuổi, những người sẽ nuôi dưỡng cha mẹ sau này, đã giảm từ 23% xuống còn 17%. Mặc dù hiện ở Trung Quốc cứ khoảng tám người trong độ tuổi làm việc thì mới có một người ngoài 65 tuổi; nhưng đến năm 2050, con số này sẽ là 2,2 người trong độ tuổi lao động trên một người ngoài 65 tuổi. Con số này ở Nhật Bản – quốc gia “già nhất” thế giới – hiện là 2,6. Trung Quốc đang trở nên già cỗi trước khi trở thành giàu có.

Những méo mó của chính sách một con còn tạo ra những tác động tiêu cực khác, điển hình là việc tiến hành loại bỏ bào thai bé gái để đảm bảo đứa trẻ duy nhất được chào đời phải là con trai. Mặc dù không thể đổ toàn bộ lỗi cho chính sách này, như Ấn Độ đã cho thấy, nhưng nó góp phần vào hiện trạng đó. 20 năm tới, Trung Quốc sẽ không có đủ cô dâu cho khoảng 1/5 chú rể được sinh ra ở thời điểm hiện tại. Và giả sử chính sách một con không làm gì để giảm tỷ lệ sinh thì việc lặp lại vô tận các khẩu hiệu như “thêm một đứa trẻ đồng nghĩa với việc thêm một ngôi mộ” vẫn sẽ biến con một trở thành một chuẩn mực xã hội và đẩy tỷ lệ sinh xuống dưới mức cần thiết để có thể tái tạo dân số. Trung Quốc có thể mắc kẹt vào tình trạng tỷ lệ sinh thấp trong một thời gian dài.

Nhân khẩu học giống như một con tàu trọng tải lớn, phải mất hàng thập kỷ mới xoay chuyển được. Nó sẽ gây ra một vài trong số những vấn đề lớn nhất cho Trung Quốc. Giới lãnh đạo cũ vẫn trung thành với chính sách một con, nhưng thế hệ lãnh đạo mới, bắt đầu nhận nhiệm vụ từ năm tới, có thể đổi mới cách suy nghĩ. Họ nên kết thúc vấn đề nhức nhối này càng sớm càng tốt sau khi nắm quyền.

                                                                                            Trần Thư lược dịch
                                                                                            Theo The Economist

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)