“Trung Quốc sau khủng hoảng” và câu chuyện “soi người, ngẫm ta”
“Trung Quốc sau khủng hoảng” tập hợp gần 70 bài viết của các nhà báo và chuyên gia quốc tế về Trung Quốc, đăng tải trên các báo và tạp chí lớn của thế giới từ năm 2009 đến nay, thỏa mãn kịp thời phần nào “cơn khát” thông tin, tư liệu về Trung Quốc hiện nay.
Với riêng chúng ta – những độc giả Việt Nam quan tâm đến thời sự chính trị trong nước và quốc tế – thì nhu cầu ấy lại càng lớn hơn. Có lẽ chưa bao giờ người Việt chúng ta lại thấy cần tìm hiểu về anh bạn láng giềng khổng lồ, và thấy thiếu tài liệu, sách vở, công trình nghiên cứu “Trung Quốc học” đến thế.
Trong bối cảnh đó, việc cho ra cuốn “Trung Quốc sau khủng hoảng – dưới con mắt các nhà báo và các chuyên gia kinh tế quốc tế” (Nguyễn Văn Nhã tổng hợp và dịch, NXB Tri Thức, 2011) chứng tỏ là một sáng kiến rất năng động của những nhà làm sách. Đây cũng là sự thỏa mãn kịp thời phần nào “cơn khát” thông tin, tư liệu về Trung Quốc hiện nay.
Nhận diện một nước Trung Hoa đang nổi lên
“Trung Quốc sau khủng hoảng” là một tập hợp gần 70 bài viết của các nhà báo và chuyên gia quốc tế về Trung Quốc, đăng tải trên các báo và tạp chí lớn của thế giới từ năm 2009 đến nay. Ở tuyển tập, độc giả gặp rất nhiều cây viết nổi tiếng như: Paul Krugman (kinh tế gia Mỹ, giải Nobel 2008), Fareed Zakaria (nhà báo, cây bút bình luận, tác giả cuốn “Thế giới hậu Mỹ”), Minxi Pei (người đọc Việt Nam nếu theo dõi tình hình tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông hiện nay hẳn đã nghe đến tên học giả này), Francesco Sisci (chuyên gia Trung Quốc học, người Italia), v.v.
Đối với nhiều người trong chúng ta hiện nay, dường như vấn đề lớn nhất, thu hút mọi sự chú ý trong quan hệ quốc tế, là sự nổi lên của Trung Quốc. Liệu Trung Quốc có trở thành “bá chủ thế giới” không? Nếu có, thì đó sẽ là một “siêu cường tốt” hay “siêu cường xấu”? Và điều ấy sẽ ảnh hưởng gì tới Việt Nam, có đe dọa Việt Nam không, hay là có lợi cho Việt Nam hơn?… Rất nhiều câu hỏi, nhưng về căn bản chỉ xoay quanh việc sẽ có một nước Trung Quốc như thế nào bên cạnh chúng ta. Tuy nhiên, nếu bạn mong tìm được câu trả lời cụ thể cho câu hỏi ấy, thì đọc cuốn sách này, có lẽ bạn sẽ thất vọng. Bởi vì nó là một tuyển tập những bài viết có tính chất cung cấp thông tin, nghiên cứu, của hàng loạt nhà phân tích, cho nên sẽ không có một kết luận thống nhất nào để giải đáp mối băn khoăn của bạn.
Nhưng đó lại cũng chính là một ưu điểm của “Trung Quốc sau khủng hoảng”. Hướng tới thông tin khách quan, đa chiều, mang lại những góc nhìn khác biệt của các tác giả khác biệt, cuốn sách không áp đặt, định hướng, mà để người đọc tự rút ra những suy nghĩ của riêng mình. Bạn có thể thoải mái đọc sách, mà không phải ngả theo định kiến nào có sẵn như “Trung Quốc là con rồng trỗi dậy”, “Trung Quốc sẽ là bá chủ thế giới”, “Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất và sẽ đè bẹp Mỹ”, “Trung Quốc sẽ hút hết dầu khí Biển Đông”, “Việt Nam rồi sẽ phải tiêu tiền Nhân dân tệ”, v.v.
Trung Quốc là ai trong cuốn sách? Không thể khẳng định được. Trung Quốc là chủ nợ của Mỹ thật đấy (như tất cả chúng ta đều đã nghe nói), nhưng bản chất của vấn đề là Trung Quốc đang ôm một bó tiền có nguy cơ mất giá bất cứ lúc nào Mỹ muốn (và kể cả không muốn). Và đây là chi tiết mà kinh tế gia người Đức Ulrich Volz kể lại: “Trong một buổi họp hồi tháng 2-2009 tại New York, Lỗ Bình, Chủ nhiệm của Ủy ban Kiểm tra Ngân hàng Trung Quốc đã tuyên bố: “Chúng tôi thù các ông. Khi các ông bắt đầu in 1.000 tỉ USD rồi 2.000 tỉ USD tiền giấy, chúng tôi biết là đồng USD sẽ mất giá, cho nên chúng tôi thù các ông. Nhưng chúng tôi không làm gì khác hơn được”. Nói cách khác, mặc dù là chủ nợ của Mỹ, Trung Quốc vẫn ngồi trên đống lửa.
Tuy vậy, lợi ích của chủ nợ cũng được chỉ ra ở một bài viết khác trong cuốn sách: “Mặc dù Trung Quốc than thở là họ giữ quá nhiều trái phiếu của Mỹ, nhưng chính việc nắm giữ trái phiếu này lại giúp đỡ cho các mục tiêu kinh tế của Trung Quốc: tạo công ăn việc làm cho người lao động bằng cách xuất khẩu, và ngăn ngừa nạn khan hiếm các loại nguyên liệu thiết yếu” (Robert J. Samuelson).
Có nghĩa là, Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, nhưng điều đó không phải hoàn toàn đáng sợ (đối với Mỹ, với thế giới hay Việt Nam), mà cũng chẳng phải một sự “dại dột” của Trung Quốc. Điều quan trọng là góc nhìn và sự hiểu biết về bản chất của vấn đề. Cái hay của việc cung cấp thông tin đa chiều là vậy, và cuốn sách đã làm được việc ấy.
Soi người, ngẫm ta
Đọc cuốn sách, biết thêm ít nhiều thông tin về Trung Quốc thời hiện đại, người đọc cũng có thể thấy trong đó những nét tương đồng với chính Việt Nam – điều này khác với khi chúng ta đọc một cuốn sách viết về quá trình nổi lên của nước Mỹ hay Nhật Bản. Đầu tiên là khát vọng thịnh vượng. Người Trung Quốc khao khát làm giàu, vươn lên, thành đạt và hạnh phúc. Sẽ là rất tốt nếu không có chuyện “một số người cảnh báo rằng Trung Quốc là sản phẩm không tránh khỏi của một cỗ máy kinh doanh và nó có ít thì giờ chú ý tới cái hay, cái đẹp của dân chủ” (James Lamont và Amy Kazmin). Trong quá trình nỗ lực để “trỗi dậy hòa bình” ấy, quốc gia này không tránh khỏi việc làm cho các nước láng giềng (Ấn Độ, ASEAN) nhìn sự phát triển của mình với ánh mắt lo sợ.
Và phản ứng của những người lo sợ là giống nhau, ở một chừng mực nào đó. Như tại Ấn Độ, “Chính phủ sẽ bị phe dân tộc chủ nghĩa tố cáo là nhượng bộ trước sức ép của Bắc Kinh” nếu họ lùi bước trước phản ứng của Trung Quốc liên quan tới chuyến thăm của Đạt Lai Lạt Ma (M.K.Bhadrakurma). Chủ nghĩa dân tộc đã, đang và sẽ bừng bừng nổi lên ở một loạt quốc gia láng giềng, nếu Trung Quốc tiếp tục đường lối ngoại giao và phát triển kinh tế hiện nay. Đây là điều một số nhà phân tích cảnh báo trong các bài viết được tập hợp vào “Trung Quốc sau khủng hoảng”.
“Tại Việt Nam, đồng bạc mới bị phá giá 5%, để giữ sức cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Tại Thái Lan, các nhà sản xuất than thở công khai là họ không đủ sức cạnh tranh giá cả với hàng Trung Quốc. Năm (2009), Ấn Độ chính thức nộp đơn lên WTO than phiền Trung Quốc phá giá đủ loại mặt hàng, từ thép hình chữ I đến giấy in” (Michael Wines).
Nhưng sự vươn lên kia có thể sẽ không bền vững, bởi vì việc các công ty Trung Quốc ngự trị thế giới chỉ là một huyền thoại: “Lý do đơn giản là tại Trung Quốc, người ta ít sáng tạo ra sản phẩm mới và có ít khả năng tạo ra thương hiệu mới. Chướng ngại vật là tại đây, có sự bảo vệ quá yếu ớt quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ các hợp đồng. Và một hệ thống giáo dục từ chương, dựa vào bằng cấp hơn là dựa trên sáng kiến và sáng tạo” (Rana Foroohar)
Những gì được phản ánh có lẽ là một mảnh gương mà Việt Nam cũng thấy mình trong đó?
Nói về Trung Quốc – siêu cường châu Á đang nổi lên theo những cách không trùng lặp với phương Tây hay Nhật Bản khi xưa – hẳn cần tới hàng pho sách đồ sộ, mà “Trung Quốc sau khủng hoảng”, trong khuôn khổ hơn 300 trang, chỉ là một cuốn sách mỏng và còn vô số điều chưa đề cập đến được. Nhưng nó đã mang lại những thông tin rất có giá trị cho bạn đọc Việt Nam, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang cần hiểu về Trung Quốc hơn bao giờ hết như hiện nay. Mọi sự mới chỉ bắt đầu.