Trung Quốc sau thời “lao động giá rẻ”

Giá thành lao động tăng, các công ty trong và ngoài nước lần lượt rời khỏi Trung Quốc. Nguyên nhân nào dẫn tới điều đó? Và sau thời đại lấy sức lao động làm thế mạnh thì Trung Quốc còn ưu thế gì?

Sau khi Adidas đóng cửa công xưởng duy nhất ở Trung Quốc, CEO Trần Niên Nhật của VANCL cũng tiết lộ rằng bắt đầu từ năm ngoái, thành phẩm của VANCL đã bắt đầu chuyển sang các công xưởng hợp tác ở Bangladesh và một số nước khác, đây cũng là một bước để thử nghiệm thị trường phục trang nước ngoài, về chi phí sản xuất có thể giảm được tới 3 lần.

Đằng sau việc các công ty nước ngoài và xí nghiệp trong nước “ra đi” có thể nhìn thấy hiện tượng giá thành lao động của lao động Trung Quốc đang gia tăng một cách nhanh chóng.

Ngân hàng Nantes của Pháp gần đây đã đưa ra một báo cáo dự đoán, giá thành nhân công của Trung Quốc chỉ trong vài năm nữa sẽ vượt qua Âu, Mỹ và Nhật Bản. Danh hiệu “Công xưởng của thế giới” mà lâu nay vẫn được đeo cho Trung Quốc có thể sẽ phải gỡ bỏ, trong quá trình giá thành nhân công gia tăng đã đánh mất đi ưu thế dựa trên giá thành lao động thấp nên không còn có thể thu hút được sức đầu tư của các nhà đầu tư.

Đang trên bước tiến vào thời đại sau sức lao động, Trung Quốc còn những ưu thế nào?

Nguyên nhân “ra đi” của các công ty

Adidas không chỉ quyết định đóng cửa một công xưởng duy nhất của mình ở Trung Quốc, mà trong hơn 300 công xưởng liên kết với Adidas thì đã có hơn 10 công ty nhận được thông báo ngừng hợp tác.

Cán bộ cố vấn nghiên cứu và đầu tư Trung Quốc là Tiết Thắng Văn cho biết hiện nay giá thành nhân công tăng cao chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc ra đi của các công ty ở trong và ngoài nước. Tiết Thắng Văn còn nói các công ty xuất phát từ việc khống chế giá thành nên đưa các công xưởng chuyển sang Ấn Độ, Cambodia hay các nước Đông Nam Á là một quyết định rất sáng suốt. Trong tình trạng lợi nhuận bị sụt giảm thì biện pháp này là một sự lựa chọn tất yếu để tiếp tục phát triển.

Theo thống kê, lương cơ bản của lao động Trung Quốc về cơ bản trong vòng 4 năm qua luôn luôn tăng, thu nhập của người dân ở các thành phố từ nửa đầu năm nay đã tăng 13%. Lương cơ bản của lao động tăng 14.9%.

Thế nhưng liệu sự gia tăng lương cơ bản này có là nguyên nhân chính dẫn tới việc các công ty “ra đi”? Dưới con mắt của các nhà chuyên môn phân tích thì kết quả hoàn toàn khác.

Viện trưởng Viện Mậu dịch và Kinh tế Đại học Hồ Nam Trương Á Phú cho rằng việc giá thành lao động tăng chỉ là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc các công ty trong và ngoài nước “ra đi”. Ông còn chỉ ra, “Giá thành sức lao động tăng về cơ bản tạo nên ảnh hưởng, nhưng mỗi xí nghiệp và mỗi ngành khác nhau có một đặc thù riêng chứ không thể đánh đồng được. Ví dụ như công ty Tam Nhất trước khi thu mua lại công ty Putzmeister của Đức thì đã mở xưởng và xây dựng trung tâm nghiên cứu tại Đức. Trương Á Phú cho rằng, Tam Nhất khi nhận ra hiện tượng dư thừa sản phẩm ở trong nước đã tích cực mở rộng thị trường quốc tế, nhưng rào cản kinh tế ở các nước phương Tây khá nhiều cho nên phải dựa trên hình thức hợp tác và đầu tư để tránh những khó khăn trong thủ tục.

Nguyên nhân để các công ty tìm ra nước ngoài cũng vô cùng phức tạp, có công ty muốn đạt được kỹ thuật, có công ty vì muốn chiếm lĩnh thị trường và tài nguyên. Công ty quyết định có đầu tư hay không là một tính toán mang tính tổng hợp, ngoài sản phẩm lao động ra, còn bao gồm cả tài nguyên và giá thành, thị trường và độ mở của không gian, hoàn cảnh chính trị, hoàn cảnh trao đổi mậu dịch cho tới hoàn cảnh sinh thái.

Chuyên gia kinh tế Triệu Khánh Kim cho rằng, nguyên nhân dẫn tới việc các công ty rời khỏi Trung Quốc có nhiều lí do. Lấy Adidas làm ví dụ, đưa các công xưởng của mình chuyển sang Việt Nam hay Cambodia thực tế là có thể giảm bớt giá thành. Thế nhưng không nên quên mất một điểm là hiện nay Mỹ cũng đang tiến hành kế hoạch “tái công nghiệp hóa”. Kế hoạch này là một hình thức thu hút các doanh nhân, công ty quay trở về Mỹ đầu tư. Và Adidas cũng đã xây dựng thêm một số công xưởng mới ở Mỹ.

Vẫn còn sức thu hút đầu tư

Theo như Tổng giám đốc Công ty hệ thống công trình điện của Bắc Kinh là Lưu Lực Sinh nói rằng, từ năm 2008 đến nay, lương cơ bản cho sinh viên đại học tốt nghiệp vào làm đã tăng 75%. Về cơ bản các công ty khác cũng tăng tầm 30 đến 50%. Đối với hiện tượng này, Trương Á Phú chỉ ra rằng, trước mắt giá thành lao động cơ bản đang có xu thế gia tăng và lợi nhuận đang giảm xuống. Đặc biệt là một số lượng lớn 8x, 9x bước vào thị trường lao động, tố chất văn hóa và quan niệm tư tưởng có sự khác biệt rất lớn với thế hệ đi trước. Rất nhiều người chấp nhận thất nghiệp chứ không chấp nhận lương thấp, buộc các xí nghiệp phải nâng cao đãi ngộ để thu hút nguồn lực.

Như thông tin của ngân hàng Nantes đưa ra thì giá thành lao động của Trung Quốc 4 năm nữa sẽ bằng với Mỹ, 5 năm nữa bằng với châu Âu và 7 năm nữa bằng với Nhật Bản. Do giá thành lao động tăng nhanh như vậy nên Trung Quốc sẽ nhanh chóng đánh mất đi vị trí ưu thế trong cạnh tranh mà lâu nay vẫn giữ.

Tuy nhiên, “giá thành của công nhân Trung Quốc quả thực là đang tăng, nhưng giá thành lương thực tế và lương được chi trả thì vẫn có sự tách biệt nhau rõ rệt. Trung Quốc thuộc vào các nước đang phát triển, nhân khẩu đông, cho rằng giá thành lao động chỉ trong một vài năm nữa có thể đuổi kịp được các nuớc Âu Mỹ là thiếu căn cứ,” Trương Á Phú khẳng định.

Triệu Khánh Minh thì cho rằng, “Bản báo cáo này có nhiều phần không chính xác. Trung Quốc và Âu Mỹ vẫn có một khoảng cách nhất định về giá thành lao động.”

Trong thời gian ngắn nữa giá thành lao động của Trung Quốc vẫn không thể vượt qua được các nước phát triển. So với các nước có giá thành lao động thấp khác, Trung Quốc vẫn còn là một điểm nóng thu hút sự đầu tư trên thế giới. Các thiết bị kĩ thuật hiện có của Trung Quốc vẫn là một ưu thế mà các nước ở Đông Nam Á vẫn không thể so sánh được. Không những có lợi thế về thiết bị hay năng lực quản lí, bản thân Trung Quốc vẫn là một thị trường lớn mà các công ty muốn chiếm lĩnh.

Các chuyên gia còn cho rằng, những nhân tố thu hút đầu tư của Trung Quốc hiện vẫn còn rất nhiều. Trung Quốc đáp ứng được một số các yêu cầu kỹ thuật cao trong sản xuất, có những chuyên gia có kỹ thuật tốt và giá thành tương đối rẻ. Vì vậy Trung Quốc không cần thiết quá lo lắng cho việc tăng giá thành lao động.

Bước chuyển mình trong công nghiệp

Giá thành lao động tăng sẽ tạo nên bước chuyển cho các mặt hàng sản xuất của Trung Quốc, các xí nghiệp muốn tiếp tục phát triển, trước tiên phải lựa chọn những hình thức phát triển mới.

Việc tăng giá thành lao động là một con dao hai lưỡi, một số công ty dựa trên nền tảng giá thành lao động cao sẽ lần lượt chuyển hướng sang các nước khác ví dụ như Adidas, một số công ty khác sẽ dựa trên việc đó để tiến hành cơ cấu cải tổ lại hệ thống và hình thức sản xuất.

Rất nhiều các công ty dựa trên nền tảng sức lao động làm nguồn lực chính thì nay phải chuyển sang dựa trên nền tảng trình độ nhân lực, kỹ thuật và tiền tệ. Một số các ngành sử dụng năng lượng nhiều, gây ô nhiễm nhiều, các sản phẩm phụ gia cũng có thể sẽ phải tự chuyển biến mình.

Trương Á Phú cho rằng, những điều tra của ông về tình hình các công ty phía Nam Trung Quốc cho thấy đa phần đã sử dụng các thiết bị tiên tiến để giảm bớt giá thành nhân công. Đây cũng là một tiêu chí cho bước chuyển mình của ngành công nghiệp Trung Quốc.

Từ năm 2005, sau khi tỉ giá hối đoái của đồng Nhân Dân Tệ thay đổi thì một số các công ty của Nhật Bản hay Hàn Quốc đã rời khỏi các thành phố duyên hải của Trung Quốc mà chuyển qua các nước khác xây dựng công xưởng.

“7 năm sau, trong khi nhiều công ty đã rời khỏi Trung Quốc nhưng thị trường lao động càng trở nên khan hiếm. Điều này cũng cho thấy các công ty trong nước cũng đang tự động điều chỉnh kết cấu và nâng cấp chính bản thân mình, vốn dĩ chỉ là một mắt xích trong dây chuyền quốc tế, nhưng bây giờ đã trở thành nhiều mắt xích, bước tiến triển nữa có thể trở thành chính các công ty đa quốc gia, và thực hiện việc cải thiện trên toàn cầu”, theo nhận xét của Triệu Khánh Minh.

Ông còn nói, giá thành lao động tăng là quá trình tất yếu phải xảy ra ở Trung Quốc trong quá trình chuyển mình từ một nước đang phát triển thành một nước phát triển. Các công ty trong nước phải dựa vào nước ngoài để thực hiện quá trình tích lũy và công nghiệp hóa, nhưng phát triển đến một trình độ nhất định thì phải chuyển hướng dựa vào năng lực tự thân.

Nhị Giang dịch
 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)