Trung Quốc thu hút công nghệ cao từ Mỹ

Nhiều năm trước, những nhà khoa học sáng giá nhất của Trung Quốc đã rời đất nước của mình tới Mỹ, nơi có nền công nghiệp công nghệ cao phát triển nhất thế giới để làm việc. Nhưng giờ đây, dường như xu hướng đang thay đổi theo chiều ngược lại.

Ví dụ của Applied Materials
Ông Pinto là trưởng phòng công nghệ của Applied Materials, một công ty công nghệ sáng giá nhất tại Silicon Valley sẽ vào Trung Quốc. Công ty trước đây từng cung cấp thiết bị sản xuất con chip điện tử máy tính đời mới nhất này giờ trở thành nhà cung cấp thiết bị lớn nhất không chỉ trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn, mà còn cả sản xuất các tấm pin năng lượng Mặt trời và các tấm thu nhiệt phẳng cỡ lớn.
Không chỉ gửi ông Pinto tới Trung Quốc, tháng 1 vừa qua, Applied Materials, trụ sở chính ở Santa Clara, California, cũng đã quyết định xây những phòng thí nghiệm hiện đại và lớn nhất của mình tại đây. Thậm chí, hồi đầu tháng 3, công ty còn tổ chức đại hội cổ đông thường niên tại Tây An.
Các công ty và kỹ sư của Mỹ hiện đang bị thu hút bởi thị trường Trung Quốc, nơi có nền kinh tế công nghệ phát triển rất nhanh và khả năng cạnh tranh ngược lại với Mỹ ngày càng cao.
Thậm chí còn có một số công ty Mỹ ký hợp đồng với các công ty Trung Quốc để nhận chuyển giao công nghệ từ đất nước đông dân nhất thế giới này. Thị trường công nghệ Trung Quốc hiện đang nổi lên các nhu cầu về điện, ô tô và nhiều thứ khác nữa. Các công ty của nước này cũng luôn nói rằng các nhà nghiên cứu của họ cần gần hơn nữa với công xưởng và thị trường. Applied Materials đã thành lập phòng nghiên cứu năng lượng mặt trời tại Trung Quốc vì họ nhận định rằng thị trường này sẽ tiêu thụ khoảng 2/3 các tấm pin năng lượng Mặt trời của thế giới vào thời điểm cuối năm nay.
“Hiển nhiên là chúng tôi không từ bỏ thị trường Mỹ, nhưng Trung Quốc hiện đang rất cần điện. Đơn giản chỉ có vậy”, ông Pinto, hiện kiêm nhiệm chức Phó chủ tịch điều hành mảng pin Mặt trời và tấm thu nhiệt nói.

Và không chỉ vậy
Trung Quốc đã trở thành thị trường ô tô lớn nhất thế giới và General Motors cũng nhanh chóng có một trung tâm nghiên cứu lớn của mình tại Thượng Hải, với qui mô đầu tư nâng cấp ngày một lớn hơn.
Đất nước này cũng là thị trường lớn nhất đối với máy tính để bàn và có lượng người dùng Internet lớn nhất thế giới. Chính vì lẽ đó, việc Intel mở vài phòng nghiên cứu về chất bán dẫn và hệ thống máy chủ mạng ở Bắc Kinh thì cũng là chuyện bình thường.
Không chỉ hấp dẫn bởi một thị trường rộng lớn, các công ty phương Tây còn lao tới Trung Quốc vì nhiều lẽ. Trong số đó phải kể tới lực lượng nhân công rẻ, các kỹ sư lành nghề, chất lượng cao và các khoản tài trợ của các thành phố, các tỉnh, nhất là đối với các công ty sản xuất năng lượng sạch.


TQ hấp dẫn không chỉ bởi có thị trường rộng lớn,
mà còn có đội ngũ công nhân lành nghề, giá rẻ

Giờ thì theo ông Pinto, các nhà nghiên cứu từ Mỹ và châu Âu đã sẵn sàng chuyển tới Trung Quốc nếu họ thực sự muốn các thành tựu nghiên cứu mới nhất của họ được đưa vào sản xuất. Phòng nghiên cứu mới của Applied Materials là nơi duy nhất có thể đáp ứng yêu cầu cung cấp các dây chuyền sản xuất tấm pin mặt trời hoàn chỉnh.
Tây An là một thành phố nằm cách Bắc Kinh khoảng 1.000km, nơi vốn là cố đô của Trung Hoa và hiện có tới 47 trường đại học và giáo dục bậc cao, đào tạo hằng năm nhiều thạc sĩ về kỹ thuật, mà mức thu nhập hằng tháng của họ chỉ vào khoảng 730 USD.
Tại Tây An còn có Viện Nghiên cứu Nhiệt năng, phòng thí nghiệm hàng đầu thế giới của Trung Quốc về than sạch. Phòng thí nghiệm này cũng vừa cấp bản quyền công nghệ mới nhất của mình cho một công ty của Mỹ mới thành lập, có tên Future Fuels (Nhiên liệu Tương lai).
Công ty này có kế hoạch nhập khẩu từ Trung Quốc 130 tấn thiết bị trị giá 100 triệu USD nhằm biến than thành khí. Đây là phương pháp giúp giảm khí độc hại thải ra môi trường, bên cạnh đó có khả năng hấp thụ và cô lập các loại khí có hại như CO2 dưới lòng đất.
Future Fuels sẽ cung cấp các thiết bị cho bang Pennsyvalia và các chuyên gia công nghệ của Trung Quốc sẽ tới Mỹ để hướng dẫn cách lắp đặt và vận hành các thiết bị này. NatCore Technology, một công ty khác thuộc Red Bank (New Jersey) mới đây tìm ra phương pháp chế tạo được các tấm pin Mặt trời mỏng, với mục đích sử dụng ít năng lượng và phát thải thấp hơn trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, các công ty của Mỹ lại ít chú ý tới khám phá này. Vì thế, không có cách nào khác, NatCore buộc phải tìm kiếm thỏa thuận với các công ty Trung Quốc để hoàn thiện và phát triển công nghệ mới, tiến tới sản xuất hàng loạt tại Trung Quốc.

Tại sao Trung Quốc hấp dẫn?
Tổng thống Obama thường nói về việc tạo ra việc làm trong lĩnh vực năng lượng sạch tại Mỹ nhưng trên thực tế, Trung Quốc mới là nước thực sự mong muốn điều đó, ông Pinto nhấn mạnh.
Ở phạm vi địa phương, chính quyền Tây An đã cấp phép sử dụng đất trong vòng 75 năm cho Applied Materials với giá thuê cực kỳ hấp dẫn, và còn ưu đãi hoàn thuế cho công ty mỗi năm một quí, trong vòng 5 năm liền, ông Gang Zou, giám đốc điều hành nhà máy của Applied Materials tại Tây An nói.
Hai phòng thí nghiệm của công ty, với diện tích rất lớn, cỡ hai sân bầu dục là mô hình đặc biệt chưa từng có trên thế giới. Applied Materials tiếp tục phát triển hệ thống những máy móc phức tạp ở Mỹ và châu Âu, nhưng lại lắp đặt và sản xuất tại Tây An.
Applied Materials đào tạo 360 công nhân vận hành cho nhà máy tại Tây An, nhưng lại có kế hoạch cắt giảm nhân công vào khoảng 10-12%, tức là từ 1.300-1.500 việc làm tại các cơ sở của mình ở Mỹ và châu Âu. Ông Pinto cho biết công ty của ông điều chỉnh lực lượng nhân công và hướng tới sản xuất ở châu Á. Cơ sở nghiên cứu ở Tây An phục vụ cho một cách tiếp cận mới trong nghiên cứu thiết kế một dây chuyền sản xuất đồng bộ, nhưng điều này không có nghĩa là cơ sở này thay thế toàn bộ các phòng thí nghiệm ở những nơi khác.
Mặc dầu gia đình vẫn ở Santa Clara nhưng ông Pinto đã chuẩn bị kế hoạch cho tương lai, trước mắt bằng việc cho các con trai học tiếng Trung mỗi tuần một buổi. Giờ thì hai cậu con trai, đứa 10 tuổi, đứa kia 11 tuổi đã có khả năng giao tiếp tương đối tốt bằng tiếng Trung và đã học được cách ăn bằng đũa.
Applied Materials còn phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có việc chống lại tình trạng ăn cắp công nghệ, một vấn nạn kinh niên ở Trung Quốc. Công ty đã dùng nhiều biện pháp, trong đó có việc sử dụng niêm phong cho các cổng máy tính, nhằm tránh việc sao dữ liệu từ các ổ cứng di động. Nhân viên của công ty không được phép mang máy tính xách tay của nhà máy ra ngoài nếu chưa được cấp phép đặc biệt. Ngoài ra, công ty cũng sử dụng các hệ thống mật mã và khóa điện tử để hạn chế việc truy cập hệ thống thông tin, bảo vệ các bí mật công nghệ. Nhưng chẳng ai có thể quả quyết rằng những biện pháp này có thể ngăn chặn một cách hữu hiệu các ý định ăn cắp công nghệ, vốn luôn ngấm ngầm ở nơi đây.
Khi Xie Lina, một kỹ sư 26 tuổi của Applied Materials, được hỏi, liệu Trung Quốc có thể đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực năng lượng sạch của thế giới, cô tỏ vẻ ngạc nhiên: “Phần lớn các sinh viên tốt nghiệp ở Trung Quốc trong lĩnh vực này hiện đều được săn đón ở khắp nơi, vậy thì việc Trung Quốc dẫn đầu mọi lĩnh vực là điều đương nhiên”, cô nói.

Hà An dịch từ The New York Times 17/3/2010

Tác giả