Trung Quốc tiến gần tới vaccine tả lợn châu Phi

Suốt 18 tháng qua, các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã phát triển một vaccine có thể bảo vệ đàn lợn khỏi virus gây dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên các nhà vi trùng học cho biết nhóm phát triển vaccine vẫn cần thực hiện thử nghiệm lâm sàng để có thể sản xuất vaccine trên quy mô lớn.

Dịch tả lợn châu Phi đã làm chết 40% tổng số hơn 440 triệu con lợn của Trung Quốc. Hiện việc điều trị hoặc tiêm vaccine cho căn bệnh truyền nhiễm sốt tả lợn châu Phi, một bệnh xuất huyết có thể khiến tất cả các con lợn bị lây nhiễm chết nhưng không ảnh hưởng cho người.

“Một vaccine cần thiết cho việc tái đàn lợn ở Trung Quốc”, Bu Zhigao, một nhà virus học ở Viện nghiên cứu thú y Cáp Nhĩ Tân, nói. Bu là đồng tác giả một công trình về thử nghiệm vaccine mới xuất bản trong tháng ba này trên Science China Life Sciences.

Trung Quốc đã quyết định đầu tư các nguồn không giới hạn vào phát triển vaccine, Bu nói. Đất nước này đã phải hứng chịu một tổn thất kinh tế lớn vì dịch tả lợn châu Phi – tổng số lợn của Trung Quốc là hơn 440 triệu con nhưng đã bị sụt giảm 40% kể từ khi virus xuất hiện ở Thẩm Dương vào tháng 8/2018 – dù bệnh dịch đã được chính phủ kiểm soát, Bu cho biết thêm.

Các nhà vi trùng học nói, nhóm nghiên cứu của Trung Quốc đã tiến xa hơn bất cứ nhóm nào trong việc kiểm tra độ an toàn và hiệu quả của vaccine. Dữ liệu này rất hứa hẹn, Daniel Rock, một nhà vi trùng học tại trường ĐH Illinois tại Urbana-Champaign, nói.

Virus nhược độc

Nhóm nghiên cứu của Bu bắt đầu tìm hiểu về vaccine sau khi phân lập virus khỏi lá lách của một lợn bị nhiễm. Chủng virus đang lây lan khắp Trung Quốc này  được nhận diện là hoàn toàn tương đồng về mặt di truyên với virus đã tìm thấy ở Georgia năm 2007, và cũng lây truyền qua Đông Âu trước khi chạm đến Trung Quốc.

Lối tiếp cận vaccine của nhóm nghiên cứu là sử dụng một virus sống mà làm nhược độc nó. Các con lợn bi phơi nhiễm với những virus đó được chờ đợi sẽ gia tăng sự phản hồi của hệ miễn dịch để bảo vệ chúng khỏi chủng virus lây nhiễm từ bên ngoài. Lối tiếp cận này đã từng thành công trên các vaccine cho động vật chống lại bệnh sốt lợn cổ điển và porcine parvovirus, Rock nói.

Để phát triển vaccine thực nghiệm, Bu và nhóm nghiên cứu của mình đã tạo ra nhiều chủng của virus gây bệnh ở Trung Quốc theo cách xóa các gene được phát hiện là liên quan đến bệnh. Một trong các chủng, trong đó có 7 gene bị xóa, có thể giúp những con lợn bảy tuần tuổi chống lại virus cúm lợn châu Phi.

Người ta chỉ thấy các triệu chứng rất nhẹ của bệnh trên các con lợn được tiêm vaccine với liều cao của chủng nhược độc, hoặc thậm chí là không triệu chứng nào, khi phơi nhiễm virus ngoài môi trường. Kết quả này là “những gì anh mong muốn nhận được”, Linda Dixon, một nhà virus học tại Viện nghiên cứu  Pirbright gần Woking, Anh.

Trong những nghiên cứu tiếp theo trên lợn thương phẩm, nhóm nghiên cứu của Bu thấy sau hai lần tiêm vaccine liều cao có thể bảo vệ những con lợn trong suốt thời gian sống, vốn trên thực tế chỉ là khoảng 5 tháng trước khi được bán.

Một số rủi ro

Dẫu sao, rủi ro với việc sống cùng các vaccine nhược độc là thi thoảng chúng có thể đột biến thành những chủng độc hơn, Rock cho biết. Ví dụ, các vaccine tả lợn châu Phi từng được giới thiệu ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vào những năm 1960 đã dẫn đến sự nguy hại của suy nhược ở lợn, những hình thức tồn tại vĩnh viễn của virus mà thi thoảng làm lợn chết.

Để đảm bảo độ an toàn, nhóm nghiên cứu Trung Quốc đã thực hiện trực tiếp các thử nghiệm chưa từng có trước đây với các vaccine nhược độc, Rock cho biết.

Một trong những thử nghiệm là phun virus nhược độc lên những con lợn, sau đó lấy các mẫu máu chứa virus và phun chúng trở lại lên nhóm lợn thứ hai. Quá trình này được lặp lại trên 5 nhóm lợn và không có dấu hiệu virus nhược độc có thể độc trở lại như ban đầu. Những con lợn mang thai cũng được đưa vào thực nghiệm cũng cho ra đời những con lợn con khỏe mạnh, theo bài báo này.

Nhưng Dixon cũng lưu ý là một chủng được chỉnh sửa của virus với 6 trên 7 gene bị loại, đã bị gia tăng độc tính hơn trong quá trình thử nghiệm, do đó cần có thêm những nghiên cứu tìm hiểu sâu hơn.

Bu cho tằng các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm đã chứng minh mức độ rủi ro thấp của việc tái độc với sự biến đổi của bảy gene bị xóa. Nhưng trước khi công khai vaccine, nhóm nghiên cứu của ông sẽ thực hiện một ca lâm sàng với khoảng 10.000 đến 20.000 lợn.

Một trở ngại lớn khác để phát triển vaccine là thiếu một dòng tế bào để tạo ra virus nhược độc một cách rộng hơn và rẻ hơn, Dixon nói. Một dòng tế bào được phát triển một cách liên tục có thể tạo ra virus cho vaccine hiện không sẵn có, bà giải thích. Hiện bà đang hợp tác với Federico Zuckermann, người thành lập công ty công nghệ sinh học Aptimmune Biologics ở Champaign, Illinois, người đang phát triển một dòng tế bào tầm năng, và học đang thử nghiệm tính khả thi của dòng tế bào này nhằm tạo ra một vaccine nhược độc trên chủng Georgia.

Thanh Nhàn dịch

Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-020-00742-w

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)