Trung Quốc xây đường sắt đệm từ vận tốc thấp

Ngày 8/12, Trung Quốc đã xây xong tuyến đường sắt đệm từ (Maglev line – ĐSĐT) chạy với vận tốc thấp tại thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, và sẽ bắt đầu thử vận hành từ cuối tháng này. Đây là tuyến ĐSĐT đầu tiên do Trung Quốc tự nghiên cứu triển khai và chế tạo toàn bộ thiết bị.


Như vậy, Trung Quốc hiện là một trong bốn nước trên thế giới làm chủ được công nghệ tàu đệm từ tốc độ thấp. 

Tuyến ĐSĐT dài 18,55 km nối ga xe lửa Nam Trường Sa với sân bay Hoàng Hoa, có một điểm dừng giữa đường. Dự án được khởi công vào tháng 5/2014. Ước toán công trình vào khoảng 4,3 tỷ NDT (674 triệu USD).

Tuyến ĐSĐT này cho phép tàu chạy với tốc độ thiết kế 100 km/h, mỗi đoàn tàu chở được 363 người. Hành trình tàu chạy toàn tuyến hết 10 phút.

Tàu đệm từ là loại tàu dùng lực từ trường (lực hút và đẩy) để đẩy tàu chạy, từ lực của đường ray nâng toàn bộ đoàn tàu lên cao cách mặt đường ray một khoảng cách nhỏ [chừng 1 cm]. Vì thế khi tàu chạy sẽ không có sự tiếp xúc giữa thân tàu với đường ray. Tàu đệm từ không có bánh xe và dùng cách thay đổi tần số để thay đổi tốc độ chạy. So với tàu đường sắt thông thường và tàu đệm từ tốc độ cao thì tàu đệm từ tốc độ vừa và thấp có ưu điểm ít hao mòn, tiếng ồn nhỏ, chấn động nhỏ, chi phí xây dựng và khai thác thấp, không có khí thải, và an toàn hơn.

Tại Trung Quốc hiện nay, giá thành xây dựng mỗi km đường sắt ngầm là 500-800 triệu NDT, đường sắt nhẹ (light rail) là 200-300 triệu NDT. Giá thành mỗi km ĐSĐT ở Trường Sa bằng 226,5 triệu NDT, nghĩa là ĐSĐT có Chỉ số thực hiện chi phí (CPI)1 rất tốt.

Từ năm 2006, Trung Quốc đã chính thức khai thác tuyến ĐSĐT tốc độ cao dài 33 km tại Thượng Hải, nối mạng metro thành phố với sân bay quốc tế Phố Đông, sử dụng công nghệ của CHLB Đức. Đây là tuyến ĐSĐT khai thác thương mại đầu tiên trên thế giới, giá thành công trình 2 tỷ USD. Tàu đệm từ chạy với tốc độ 430 km/h (nhanh nhất thế giới), tốc độ chạy thử cao nhất đạt 501 km/h. Đường đôi, mỗi đoàn tàu chở 574 hành khách, chạy toàn tuyến hết 8 phút.

Việc khai thác thành công tàu đệm từ tại Thượng Hải đã chứng minh hình thức vận chuyển này có tính an toàn, tính kinh tế và tính tiên tiến. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân, tàu đệm từ hiện nay vẫn chủ yếu trong thời kỳ nghiên cứu, dùng thử. Có người nói do tàu không chạy bằng bánh xe nên khi gặp trở ngại sẽ khó hãm dừng, dễ xảy tai nạn nghiêm trọng (trong một lần chạy thử ở Đức, do không phanh hãm được mà 25/29 người trên tàu bị thiệt mạng), và khi đó không thể kéo tàu đi chỗ khác để cứu chữa vì tàu nằm chết dí trên mặt đường; đặc biệt khi mất điện sẽ rất nguy hiểm. Ngoài ra, bức xạ của từ trường có thể ảnh hưởng tới sức khỏe những người đi tàu và ở gần đường tàu; khi có bão lớn, tàu phải ngừng chạy để đảm bảo an toàn. Tàu đệm từ đều phải lắp đặt ắc-quy để khi mất điện thì có thể tiếp tục giữ ở trạng thái nâng khoảng 30 phút, như vậy tàu cứu viện có thể kịp chạy tới cứu. Tàu đệm từ Thượng Hải đã có lần xảy sự cố do ắc-quy hỏng và mùa hè năm nay đã có ngày phải ngừng hoạt động do bão lớn.

Hải Hoành lược dịch

1 Cost performance index CPI = EV/AC, tức Earned value/Actual cost, hoặc tỷ số giá trị thu được/chi phí thực hiện, còn gọi là tỷ số tính năng/giá thành. CPI càng cao càng tốt.

Nguồn: 
http://en.changsha.gov.cn/news/Local/201510/t20151020_821819.html     

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)