Trung Quốc xóa tiếng xấu về đồng hồ rẻ tiền

Lâu nay đồng hồ rẻ tiền của Trung Quốc thường bị chế nhạo, nhưng giờ đây tình hình có nhiều thay đổi và xem ra các nhà sản xuất đồng hồ của Đức và Thụy Sỹ đã có đối thủ cạnh tranh mới.

Từ lâu Trung Quốc là một trong những nhà nhập khẩu hàng đầu các loại đồng hồ cao cấp. Giới quan chức nước này rất thích trưng những chiếc đồng hồ sang trọng của họ tại các sự kiện lễ nghi chính thức. Đồng hồ cao cấp bởi vậy cũng được sử dụng để đút lót giới quan chức nhà nước một cách phổ biến.

Nhưng kể từ khi Chính phủ Trung Quốc tuyên chiến với nạn tham nhũng, các quan chức trưng diện đồng hồ cao cấp dễ bị các tay blogger săm soi, chụp ảnh và tung lên mạng. Không ít trường hợp quan chức tiêu tan sự nghiệp vì thói khoe khoang của nả mà họ có được một cách bất chính. Hậu quả là xuất khẩu đồng hồ cao cấp của châu Âu sang Trung Quốc ngày một giảm.

Ngành công nghiệp đồng hồ Trung Quốc từ lâu “nổi tiếng” ở châu Âu về ăn cắp mẫu mã những loại đồng hồ danh tiếng, và đồng hồ nhái thường được rao bán qua mạng hay các đài Homeshopping.

Tuy nhiên thời gian gần đây, ngành công nghiệp đồng hồ Trung Quốc đã liên tục phát triển. Hiện nay Trung Quốc đã sản xuất được đồng hồ cơ đeo tay chất lượng cao.

Từ lâu nhiều chi tiết đồng hồ hạng sang của Thụy Sỹ hay Đức được sản xuất ở Trung Quốc vì vậy trên thực tế Trung Quốc nắm được bí quyết cần thiết để chế tạo đồng hồ cao cấp.

Hơn nữa, trong thời gian vừa qua, nhiều bản quyền sáng chế đối với cỗ máy của đồng hồ Thụy Sỹ đã hết hạn. Điều này cho phép nhiều nhà máy ở Trung Quốc như FIYTA, Sea Gull hay EBOHR lắp đặt bộ cơ vào đồng hồ đeo tay cao cấp của họ.

Bên cạnh chất lượng đồng hồ được cải thiện, ảnh hưởng của các nhà đầu tư Trung Quốc vào thị trường đồng hồ thế giới cũng tăng lên. Vài năm gần đây, tại Baselworld, hội chợ quan trọng nhất của ngành công nghiệp đồng hồ và đồ trang sức được tổ chức hằng năm tại Basel, Thụy Sỹ, đã xuất hiện một số thương hiệu của Thụy Sỹ nhưng lại do Trung Quốc quản lý.

Năm 2011, tập đoàn China Haidian Holdings Limited đã mua lại nhà máy sản xuất đồng hồ Eterna hơn 150 tuổi của Thụy Sỹ. Với hai thương hiệu EBOHR và Rossini, tập đoàn này đã chiếm một thị phần khá lớn về đồng hồ chất lượng cao trên thị trường Trung Quốc. Năm 2013, Haidian mua thêm thương hiệu đồng hồ cao cấp của Thụy Sỹ là Corum với giá khoảng 86 triệu Franc.

Câu hỏi đặt ra là, liệu công nghiệp đồng hồ cao cấp của Trung Quốc có thể trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm của đồng hồ cao cấp của Thụy Sỹ và Đức hay không.

Theo Giáo sư về thị trường xa xỉ phẩm Klaus Heine, giảng dạy tại Business School của Pháp ở Trung Quốc, cho đến nay các nhà sản xuất đồng hồ Trung Quốc chủ yếu thu lợi nhuận từ thị trường nội địa. Giới trẻ Trung Quốc từ chỗ chuộng hàng hóa phương tây giờ đây thể hiện lòng yêu nước bằng cách ưu tiên dùng hàng nội địa cao cấp. Giáo sư Heinz đánh giá, “Các nhà sản xuất đồng hồ Trung Quốc chưa phải là đối thủ cạnh tranh đáng gờm trên thị trường sản phẩm cao cấp toàn cầu, nhưng họ ngày càng tỏ ra là những đối thủ cạnh tranh cần phải hết sức chú ý tại thị trường Trung Quốc và họ rất có tiềm năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.”

Để được ưa chuộng trong nước, các sản phẩm như Sea Gull hay EBOHR cũng phải thành công trên thị trường thế giới. Sự nổi tiếng và được quốc tế đánh giá cao sẽ làm thay đổi nhận thức của người dân Trung Quốc đối với sản phẩm. Điều này khuyến khích xu hướng bành trướng và đẩy mạnh cạnh tranh.

Tuy nhiên, Patrick Mönnig, giám đốc điều hành Blome Uhren ở Düsseldorf, cho rằng: “Sản phẩm hàng loạt của Trung Quốc không thể so sánh với loại đồng hồ đeo tay chế tạo thủ công.” Chi phí cao và độ chuẩn xác đến từng chi tiết trong quá trình sản xuất làm cho ngành công nghiệp đồng hồ ở Trung Âu nổi tiếng và điều đó làm cho sản phẩm của ngành này rất được ngưỡng mộ. Một cái đồng hồ hạng sang của xưởng Jura hay Glashütte hình thành từ nhiều thao tác hết sức tỷ mỉ và dựa trên một hệ thống đồng bộ của nhiều công đoạn khác nhau. Điều đó giải thích vì sao giá của chúng có thể từ dăm, bẩy trăm cho đến nghìn Euro. Và trong khi một nhà máy sản xuất đồng hồ ở Trung Quốc có thể làm ra 200.000 cái mỗi năm thì các nhãn hiệu đồng hồ hạng sang của Đức và Thụy Sĩ chỉ sản xuất khoảng 5.000 cái. “Sự pha trộn giữa truyền thống, niềm đam mê và sự chú ý đến từng chi tiết là lý do làm cho những chiếc đồng hồ này được ưa chuộng,” theo ông Mönnig. Chính điều này góp phần làm cho đồng hồ Rolex hay TAG Heuer có ý nghĩa và trở thành biểu tượng của địa vị, quyền uy.

Một chiếc đồng hồ đeo tay có thể đem lại cho người dùng bộ mặt và tính cách. Đây là lợi thế của những chiếc đồng hồ ở Trung Âu so với đồng hồ do Trung Quốc sản xuất và điều này sẽ còn tiếp tục tồn tại. Tuy nhiên, trong tương lai, nếu xem xét sự tăng cường đầu tư của Trung Quốc vào thị trường đồng hồ thì rất có thể điều này sẽ thay đổi. Mönnig cũng có suy nghĩ tương tự, ông nói: “Cần theo dõi sự phát triển này. Truyền thống cũng phải nẩy nở, phát triển; trong 10 đến 15 năm nữa tình hình có thể thay đổi.”

Xuân Hoài dịch

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)