Genius Bar – Quầy thiên tài, là tên gọi bộ phận hỗ trợ kĩ thuật tại các cửa hàng của Apple
Thiên tài đang ngày càng khan hiếm.
Nhưng cũng dường như họ xuất hiện ở quanh ta. Chúng ta đang sống trong thời kì mà báo chí nói về “thiên tài bình dị” với không chút gợn lòng, và tuyên bố sẽ tìm thấy họ ở mọi nơi. Từ “Quầy Thiên Tài” (tên gọi bộ phận hỗ trợ kĩ thuật) ở các cửa hàng của Apple đến những cuốn sách bán chạy luôn khẳng định “thiên tài ở trong tất cả chúng ta”, dường như những con người kiệt xuất không quá khó để tìm kiếm. Nhưng nếu chúng ta xem xét khái niệm “thiên tài” thay đổi theo dòng lịch sử, có vẻ như chúng ta không còn cần họ nhiều như trước nữa. Thậm chí có khi chúng ta còn không cần họ nữa. Sự tiết chế trong việc sử dụng danh từ thiên tài đã hoàn toàn tan biến trong xã hội hiện đại.
Sự sùng bái thiên tài thế kỷ 18
Các thiên tài ở châu Âu vào thế kỷ 18 nhận được sự sùng kính mà trước đây chỉ dành riêng cho các thánh. Giống như các nhà tiên tri hồi trước, các thiên tài được coi như những người ở cõi trên có những khả năng trời phú: trí thông minh, sự sáng tạo và cái nhìn sâu sắc khác thường. Một người cùng thời thậm chí còn hỏi rằng liệu Isaac Newton có “ăn, uống và ngủ như những người khác?” Người khác coi những thành tựu của ông ngang với những gì đạt được bởi “thánh nhân” và thậm chí còn hơn cả phép lạ. Newton đã khám phá ra những quy luật của vũ trụ, phải không? Ông ấy đã nhìn thấu tâm trí của Thượng Đế.
Phần lớn các nhà khoa học thiên tài ban đầu được xác định không chỉ dựa trên niềm tin vào sự ưu việt của một số ít, mà còn dựa trên sự tự ti vốn có của số đông.
Cũng giống như những người trước đây được phong thánh, thi thế của các thiên tài được coi như thánh tích. Khi qua đời vào năm 1727, Newton được chôn cất tại Tu viện Westminster, nơi an nghỉ của các thánh, mặc dù xương sọ và xương của ông được giữ nguyên vẹn (bởi vì thời đó người ta thích ngưỡng vọng mộ, khăn liệm và rất nhiều các hiện vật mà ông sở hữu hay ông đã chạm vào hơn), các phần thi thể của các thiên tài khác đã được lựa ra và tôn kính như di tích đặc biệt của những người đã khuất. Ba ngón tay của Galileo bị tách ra khi cơ thể của ông được khai quật vào năm 1737; Tim và não của Voltaire được lấy ra (để bảo quản vĩnh viễn) khi ông qua đời vào năm 1778. Những người ngưỡng mộ René Descartes lại say mê những chiếc nhẫn được làm từ hài cốt của ông suốt giai đoạn Cách mạng Pháp và hộp sọ của nhà thơ
Đức Schiller được đặt trong một ngôi đền đặc biệt trong thư viện của Công tước Weimar vào đầu thế kỷ 19. Trong những thập niên tiếp theo, những kỷ vật của các thiên tài được buôn bán khắp châu Âu: xương sọ của Haydn và Goya, trái tim của Percy Bysshe Shelley, mảnh vỡ của sọ Beethoven và mái tóc của Napoléon. Như nhà phê bình người Áo Edgar Zilsel đã quan sát và nhận xét trong nghiên cứu năm 1918 Die Geniereligion (Thiên tài) của ông, “Chúng ta tôn thờ những vật tích của những người vĩ đại, chữ ký, nắm tóc, bút lông và hộp thuốc lá của họ cũng như Giáo hội Công giáo tôn thờ xương, dụng cụ và áo choàng của các thánh đồ.” Nắm giữ những kỷ vật của các thiên tài cũng chính là níu giữ những gì còn lại của một siêu năng lực từng hiện hữu dưới dạng xác thịt. Đối với một số người, sự sùng bái thiên tài như vậy đã tạo ra một lối thoát cho sự khao khát về sự siêu việt, sự tôn thờ thiên tài nổi lên ở châu Âu khỏa lấp chỗ trống mà tôn giáo không thể thỏa mãn được.
Nhưng ngay từ khi những tín đồ đang trầm trồ trước sự vĩ đại của các thiên tài, các nhà khoa học đã bắt đầu tìm kiếm nguồn gốc của thiên tài trong sinh lý học của con người. Các thầy tướng và các nhà não tướng học đã tìm cách lý giải sự đặc biệt của những bộ óc siêu việt dựa vào các nếp nhăn của khuôn mặt và các vùng nổi lên của hộp sọ. Các bác sĩ và nhà tâm lý học tìm kiếm cái gọi là “dấu ấn” của các thiên tài, hay những dấu hiệu bên ngoài thể hiện sự ưu việt bên trong. Họ đã xác nhận một số chỉ số (dấu hiệu) có liên quan như sự loạn thần kinh, lập dị và bệnh tâm thần, nghiên cứu này của họ được thúc đẩy bởi chủ nghĩa thực nghiệm khoa học và lý tính của thời đại Khai Sáng (Enlightment). Với mong muốn thiết lập cơ sở tự nhiên và sinh học của sự khác biệt giữa người với người, công việc của họ chính là sự tương phản với tuyên bố rằng tất cả mọi người được tạo ra bình đẳng như nhau.
Thiên tài hiện đại – những người lãnh đạo
Niềm tin chính trị và triết học về sự bình đẳng của con người đã tăng lên cùng thế kỷ chứng kiến sự ra đời của thiên tài hiện đại. Thời điểm đó, trong bối cảnh của cuộc Cách mạng Mỹ và Pháp, một câu hỏi đáng lo ngại đã được đặt ra, và cả các nhà khoa học lẫn chính khách đều đã cố gắng đi tìm câu trả lời cho nó: Nếu số đông không còn được điều hành dựa theo nguyên tắc huyết thống và giai cấp vốn chia tách một nhóm nhỏ thống trị số đông, thì xã hội hiện đại nên được sắp xếp như thế nào? Ai là người phù hợp nhất để lãnh đạo? Thomas Jefferson không phải là người duy nhất hy vọng rằng một “tầng lớp quý tộc tự nhiên” dựa trên “giá trị và thiên tài” có thể xuất hiện để thay thế “tầng lớp quý tộc nhân tạo” của sự giàu có và gia thế. Vào thế kỷ 19, “các nhà sinh lý học” – các nhà nghiên cứu về thiên tài – đóng một vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm một đặc điểm ưu tú mới được sinh ra một cách tự nhiên. Những người tiên phong trong việc áp dụng các phương pháp thống kê hiện đại như Francis Galton đã cố gắng đo sự phân bố của xác xuất theo hình chuông (Bell curve, phân phối chuẩn hay còn gọi là phân phối Gaussian) của Thiên tài do thừa kế (Hereditary Genius). Bằng những tính toán của Galton, những thiên tài – những “con người vĩ đại, bản chất vốn rất cao quý, sinh ra là những vị vua của loài người” – cứ mỗi 10 triệu người mới có một.
Marian Diamond (phải), nhà khoa học nghiên cứu não của Einstein.
Galton không chỉ là một người nghiên cứu hàng đầu về thiên tài, mà còn là cha đẻ của thuyết Ưu sinh (Eugenics) – lý thuyết nhấn mạnh ngành khoa học thiên tài được sinh ra không chỉ dựa trên niềm tin vào tính ưu việt tự nhiên của một vài người mà còn là sự tự ti của số đông. Nhấn mạnh vào sự chọn lựa đặc biệt của thiên tài chính là để phản đối một cách mạnh mẽ “sự giả tạo” của tuyên bố “mọi con người sinh ra đều bình đẳng”. Bằng cách làm nổi bật sự xuất sắc tự nhiên (và có tính kế thừa) của những con người siêu việt (mà hầu hết đều là đàn ông da trắng châu Âu ở tầng lớp quý tộc), những người như Galton muốn chống lại ảnh hưởng ngày càng lớn của xã hội tập trung hiện đại (modern mass society), nơi mà các thứ bậc trong xã hội bị suy yếu bằng việc đại chúng hóa những quy tắc của giới “tinh hoa”. Các thiên tài là vô cùng cần thiết để đảm bảo “tài nguyên trí tuệ của một quốc gia”, theo như nhà tâm lý học người Mỹ Lewis Terman. Ông cho biết: “Nguồn gốc của thiên tài và quy luật tự nhiên của sự phát triển của nó là những vấn đề khoa học với tầm quan trọng gần như vô song đối với phúc lợi của con người”.
Là một trong những kiến trúc sư chủ chốt của bài kiểm tra IQ, Terman đã chế giễu, giống như Galton và phần lớn các nhà khoa học kiệt xuất khác, sự tôn thờ thiên tài mang tính chất “tôn giáo”. Ông muốn chống lại cái gọi là “sự ảnh hưởng của những tư tưởng đương thời, sự liên quan đến mê tín dị đoan xung quanh khái niệm “Người Vĩ Đại” (Great Man), người mà thường được đám đông coi như kết quả của sự siêu nhiên, với khả năng vượt trội so với phần còn lại”. Nhưng điều trớ trêu là, bằng việc cô lập các ngoại lệ thống kê về thiên tài ở hai phần cực của Bell Curves, nghiên cứu của các nhà khoa học như Galton và Terman lại tái khẳng định sự mê tín dị đoan đó. Những thiên tài có khả năng vượt trội hơn hẳn phần còn lại của nhân loại, họ là những thần đồng của tự nhiên, mà những gì vốn có đã cho phép họ làm những điều kỳ diệu. Những thiên tài sở hữu sức mạnh khiến họ trở thành lãnh đạo.
Trong nửa đầu thế kỷ 20, nhân loại chứng kiến viễn cảnh của những thiên tài có khả năng cai trị một vùng đất, điều dẫn đến xuất hiện các chế độ khác nhau. Khi Vladimir Lenin, “thiên tài của cuộc cách mạng”, qua đời năm 1924, Stalin đã mời các nhà khoa học về não đến Moscow để khảo sát “chất nền vật chất” của thiên tài. Như Leon Trotsky đã nói, “Lenin là một thiên tài”, và “một thiên tài chỉ được sinh ra một lần trong một thế kỷ”. Đó chính là một cơ hội không thể bỏ qua. Ở Đức Quốc xã, các nhà khoa học không chỉ nghiên cứu mà còn tham gia vào việc thúc đẩy sự “thờ phụng thiên tài”, giúp Adolf Hitler nắm quyền. Bộ trưởng Tuyên truyền của Hitler, Joseph Goebbels, đã nói chuyện với nhiều người Đức và ca ngợi Fuhrer là “thiên tài”, một “công cụ tự nhiên, sự sáng tạo thần thánh của số phận”.
Sự thờ phụng quá mức các nhà lãnh đạo chính trị như những siêu nhân hay thánh nhân đã giúp tạo điều kiện cho sự sụp đổ của khái niệm “thiên tài hiện đại”. Sau hậu quả của Thế chiến II, người ta bắt đầu nghi ngờ sự tôn sùng “Người Vĩ Đại” (Great Men), và chính các nhà khoa học cũng phần lớn từ bỏ danh từ thiên tài, dành trọn nó cho một ngoại lệ như Einstein. Được ca ngợi là “thiên tài của thiên tài” và là “thánh nhân”, Einstein về nhiều mặt là người cuối cùng của một giống loài đang trên bờ vực tuyệt chủng.
Tiềm năng con người mới
Khái niệm “thiên tài” không chỉ bị tuyệt chủng vì sự sùng bái thiên tài thái quá mà còn bởi ngành khoa học sinh ra để củng cố điều đó. Dần dần, xã hội chuyển sang một trạng thái mà đã được tiên tri bởi nhà phân tích vĩ đại của nền dân chủ Mỹ ở thế kỷ 19, Alexis de Tocqueville: Những thiên tài sẽ trở nên hiếm hoi hơn khi giáo dục trở nên phổ biến hơn. Tocqueville tin rằng với sự mở rộng ổn định của giáo dục, bình đẳng, và cơ hội ngày càng lớn trong mọi lĩnh vực, những gì đã từng được tập trung trong số ít sẽ dần dần được “chia đều cho tất cả”. Ông tin rằng nền dân chủ hiện đại sẽ san phẳng và kéo những người cố gắng nhiều nhất đứng trên một bậc so với đám đông. Nhưng thay vì than phiền về sự suy giảm của một loại thiên tài xuất chúng, ông lại trông đợi vào những khả năng to lớn sẽ nảy sinh nếu một quốc gia khai thác được nhiều tiềm năng của con người hơn. Tocqueville hiểu rằng số lượng có thể tạo ra một sức mạnh khủng nhiếp – nói gì thì nói, nhiều cái đầu vẫn tốt hơn là một.
Các xã hội dân chủ hiện đại, ở một mức độ nào đó, đã thấy lời tiên tri của Tocqueville linh nghiệm. Bây giờ chúng ta đã có thể nhận ra thiên tài ở màu da, giới tính và văn hóa khác nhau, và chúng ta cũng đánh giá cao những năng khiếu ngoài các lĩnh vực khoa học, vũ trụ và nghệ thuật mà từ xưa đến nay vẫn đặt giới hạn cho khái niệm xuất chúng. Do đó, chúng ta cũng đánh giá cao khả năng sáng tạo của mạng lưới tập thể và bản chất cộng đồng của sự sáng tạo, với việc nảy ra khái niệm “thiên tài nhóm” hay “sự thông thái của đám đông”. Chúng ta tán thưởng sức mạnh hợp tác ở Silicon Valley hoặc những “nhà máy ý tưởng” như Bell Labs, nơi có lúc đã có đến gần 1200 tiến sĩ cùng làm việc, tạo ra các ý tưởng kinh ngạc nối tiếp nhau (và 13 giải Nobel). Chúng ta cần nhấn mạnh hơn bao giờ hết rằng sự sáng tạo và tài năng – kể cả tài năng kiệt xuất – tồn tại dưới nhiều hình thức. Những người khác, chẳng hạn như nhà tâm lý học Anders Erickson, đã tiến hành các nghiên cứu để minh họa vai trò quan trọng của “thực hành có chủ ý” và trải nghiệm trong việc thúc đẩy thành tích chuyên môn, và do đó phủ nhận rằng sự xuất chúng đã có sẵn ở trong gene. Một số các nhà khoa học khác nhấn mạnh rằng ngay cả khi một số khả năng nào đó có phần bẩm sinh, thiên nhiên vẫn phân tán các hạt giống khá rộng rãi. Ngay cả người tiên phong trong Học thuyết về yếu tố trí thông minh chung (Yếu tố trí thông minh tổng quát, hay còn gọi là yếu tố g, ám chỉ sự tồn tại của một năng lực tinh thần mà có thể ảnh hưởng tới sự thể hiện về mặt nhận thức), Charles Spearman đã sẵn sàng thừa nhận, “mọi người đàn ông, đàn bà và trẻ em bình thường đều là một thiên tài ở một khía cạnh nào đó.”
Tuy nhiên một khẳng định tích cực như vậy đương nhiên cũng ẩn chứa những nghịch lý. Bởi nếu vậy, thế giới này cũng giống như thành phố tưởng tượng trong tác phẩm Hồ Wobegon của Garrison Keillor, “nơi mà tất cả trẻ em đều ở trên mức trung bình,” với rất nhiều “Einsteins con và Mozart con.” Một loạt các ấn phẩm self-help thì thầm đầy nịnh tai về “thiên tài ẩn giấu” trong mỗi con người và chỉ dẫn người đọc Làm thế nào để thành thiên tài và Làm thế nào để suy nghĩ như Leonardo da Vinci, đưa ra Bảy bước thành Thiên tài mỗi ngày. Cứ như thiên tài giờ đây ở trong tất cả mọi người, mọi lúc, mọi thứ.
Đây là nghịch lý của thiên tài trong thời đại chúng ta: Một mặt, thế giới chúng ta đang sống khó có thể sản sinh ra các sinh vật lần đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ 18 như những ngoại lệ xuất chúng và thiêng liêng; mặt khác, chúng ta cũng đã tạo ra một loạt các giống loài mới, đe dọa sẽ áp đảo tất cả. Nguy cơ tiềm ẩn trong tình huống này chính là làm nhòe đi sự khác biệt giữa năng khiếu, năng lực và khả năng giữa các cá nhân, đồng thời ngụy biện cho bất bình đẳng thực sự về cơ hội và tài nguyên vốn là môi trường dung dưỡng sự khác biệt đó. Dữ liệu gần đây về khoảng cách thành tích giáo dục ngày càng nới rộng giữa người giàu và nghèo là một bức tranh đáng lo ngại vì nó dẫn đến việc lãng phí tiềm năng của con người. Mặc dù mong muốn của chúng ta là “không để lại đứa trẻ nào bị tụt lại đằng sau”, Hằng ngày chúng ta phải đối mặt với một câu hỏi khủng khiếp: Có bao nhiêu trẻ em có tiềm năng thiên tài mà chúng ta sẽ không bao giờ biết? Như nhà sinh vật học về tiến hóa muộn Stephen Jay Gould từng nói: “Tôi ít quan tâm đến trọng lượng hay sự biến đổi của não Einstein hơn là việc có nhiều tài năng tương tự như vậy đang sống và chết dần mòn trên những cánh đồng bông hay trong công xưởng”.
Chúng ta không nên thương tiếc sự biến mất dần dần những “thiên tài” của thế kỷ 18, mà tập trung vào những gì gần đây hơn. Bằng cách từ bỏ sự sùng bái các thiên tài, chúng ta có thể nuôi dưỡng những thứ quan trọng không kém cho sự phát triển trong dài hạn của nền văn minh con người: khai thác tiềm năng trong tất cả các cá nhân. ¨