Tư liệu gốc châu Âu thời Trung cổ

Những gì chúng ta giữ được trong các kho lưu trữ hoặc các thư viện ngày nay có thể chỉ là một phần rất nhỏ của tư liệu châu Âu thời Trung cổ. Điều này rất có thể sẽ dẫn đến những nhìn nhận sai lệch về các nền văn hóa, không đánh giá đúng mức về sự đa dạng của các nền văn hóa trong quá khứ


Huyền thoại về vua Arthur và các hiệp sĩ Bàn tròn từng là chủ đề cho nhiều tác giả châu Âu thời Trung cổ. Nguồn: edsitement.neh.gov

Nếu hỏi bất kỳ một học sinh Hà Lan nào về Reynard the fox, một câu chuyện ngụ ngôn mang tính phúng dụ từng phổ biến thời Trung cổ, ai cũng sẽ nói vanh vách về những chuyến phiêu lưu của người hùng dân gian cáo đỏ đã được nhân cách hóa do Willem die Madoc maecte (Willem người tạo ra Madoc) sáng tác. Nó được coi là một trong những tác phẩm chính của văn học Hà Lan thời kỳ Trung cổ và “đỉnh cao của văn chương Gothic ở Hà Lan”. Tuy nhiên thật đáng buồn là hiện giờ không ai biết được toàn bộ bài thơ bởi nó đã mất mát theo thời gian. “Người ta đã từng rất chật vật tìm kiếm”, Mike Kestemont, một nhà nghiên cứu về văn bản số hóa tại trường Đại học Antwerp, Bỉ, cho biết. 

Rất nhiều tác phẩm văn học và các tư liệu ghi chép quý giá khác cũng cùng chung số phận hẩm hiu này. Đây thực sự là một thiệt thòi bởi sách vở và các ghi chép văn bản là một trong những tư liệu tri thức cần thiết để chúng ta biết về một quá khứ phong phú và đa dạng dưới nhiều khía cạnh như văn hóa, đời sống xã hội, khoa học, tôn giáo…, thậm chí cả ẩm thực. Các tư liệu gốc, dù là bằng giấy, cói papyrus, thẻ tre hay bảng đất sét, đều dễ bị hư hại theo thời gian, dưới tác động của ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, mối mọt…, hay bi thảm hơn là phải hứng chịu các tai nạn như lửa cháy, động đất, lụt lội… Vì vậy, ở thời điểm hiện tại, gần như không thể biết đích xác được trong quá khứ, chúng ta đã có những tư liệu quý giá và phong phú như thế nào và những gì còn lại hiện nay chiếm bao nhiêu phần trăm trong số đó. Điều này rất có thể sẽ dẫn đến những nhìn nhận sai lệch về các nền văn hóa, không đánh giá đúng mức về sự đa dạng của các nền văn hóa trong quá khứ bởi ngay cả các học giả cũng bị sự thiếu đầy đủ của tư liệu “bịt mắt”, đó là “thiên kiến kẻ sống sót” (survivorship bias).

Dĩ nhiên hơn ai hết, các nhà nghiên cứu đều biết đến giới hạn của tư liệu mà họ có cũng như khả năng tiếp cận tư liệu của mình trong quá trình tìm hiểu về một thời kỳ đã qua. Để hiệu chỉnh lại vấn đề tồn tại của dữ liệu văn hóa này, một nhóm nghiên cứu quốc tế, trong đó có Mike Kestemont, đã chọn một cách tiếp cận mới và đưa ra được một giả thuyết: chúng ta chỉ còn giữ lại khoảng 9% các văn bản tư liệu, nếu xét trên phạm vi tư liệu châu Âu thời Trung cổ. Đó là kết quả rút ra từ công trình “Forgotten books: The application of unseen species models to the survival of culture” (Những cuốn sách bị lãng quên: Ứng dụng những mô hình về những loài chưa từng thấy cho sự sống sót của văn hóa), được xuất bản mới đây trên tạp chí Science.

Những điều họ phát hiện ra nằm ngoài sức tưởng tượng ban đầu…  

Sử dụng các mô hình loài trong sinh học 

Trong suốt thời kỳ Trung cổ của châu Âu, trải dài từ thế kỷ thứ 6 đến cuối thế kỷ 15, dòng tác phẩm văn học tự sự đã tiến một bước lớn. Các tác giả thường viết những tiểu thuyết lãng mạn và những câu chuyện hào hùng về các hiệp sĩ chiến đấu với quỷ, du hành đến những vùng đất lạ như Beowulf và Vua Arthur – bằng tay. “Người ta thích nó như thích những bộ phim anh hùng, hành động ngày nay vậy”, Kestemont nói. Hầu như trước khi máy in được phát minh và ứng dụng rộng rãi, và đôi khi, các tác phẩm cất trong thư viện gia đình hoặc tu viện là độc bản. Không ai rõ có bao nhiêu tư liệu ở tình trạng như vậy vào thời điểm nó được ra đời. 


Một cuốn xuất bản ở Đức được lưu trữ tại trường Đại học Leiden. Nguồn: Science

Để ước tính có bao nhiêu tư liệu thời kỳ Trung cổ từng tồn tại, các nhà nghiên cứu thường so sánh với danh mục sách được những người quản thư ghi chép. Dẫu vậy cách làm này cũng chưa hoàn hảo bởi có nhiều tác phẩm thường bị bỏ qua, do chính sự phân loại những người quản thư… Do vậy, Kestemont và cộng sự đã mượn một kỹ thuật từ nghiên cứu về sinh thái mang tên mô hình về những loài không thấy – ước tính về số lượng các loài trong một hệ sinh thái mà không được quan sát bằng mẫu. Mô hình này được Alexander Steven Corbet áp dụng từ những năm 1940. Sau khi dành hai năm để bắt bướm ở Mã Lai thuộc Anh, ông đã tò mò tự hỏi có bao nhiêu loài bướm có thể được phát hiện trong hai năm tiếp theo. Nhưng phương pháp trong sinh thái học liệu có phù hợp để tính toán tư liệu văn bản trong quá khứ? “Đã có nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy có sự song song giữa đa dạng văn hóa và đa dạng sinh thái học nên các mô hình về những loài không thấy có thể ứng dụng cho những bản thảo văn học Trung cổ. Mô hình này cho phép chúng tôi ước tính quy mô số lượng ban đầu của các tác phẩm và tư liệu, và cả những mất mát mà văn hóa phải gánh chịu”, các tác giả viết như vậy trên Science.

Mô hình tính toán của họ do Anne Chao, nhà thống kê tại trường Đại học Thanh Hoa, phát triển. Mô hình thống kê này không quan tâm đến việc liệu anh so sánh các con chim hay những cuốn sách bị mất, Folgert Karsdorp, một nhà nghiên cứu về nhân văn số thức tại Viện Meertens và là thành viên của nhóm, giải thích. “Nó là phương pháp phổ biến về hiệu chỉnh thiên kiến trong một hệ sinh thái đã thông qua việc xác định sự giàu có của đa dạng loài, do đó rất hữu dụng với trường hợp này”.

Ý tưởng áp dụng mô hình của Chao bắt nguồn từ Folgert Karsdorp. “Chúng tôi cho rằng mình cần phải cố gắng bằng phương pháp này để trả lời câu hỏi khó là có bao nhiêu tác phẩm văn học Trung cổ đã mất đi”, anh nói. 

Mô hình Chao1 tạo cơ hội cho các nhà khoa học một ước tính chính xác về số lượng loài trong một khu vực. Đầu tiên, các nhà khoa học phải thu thập một dữ liệu đủ lớn, đếm tất cả các loài vật mà họ có thể quan sát. Vấn đề ở đây là có thể người ta bỏ qua một số loài khó quan sát. Do đó mô hình Chao1 sẽ nhìn vào các loài không thường xuyên xuất hiện trong dữ liệu đã có. Nếu như tìm thấy một loài hiếm nào dó, người ta có thể đặt ký hiệu là F1, nếu thấy hai lần, đặt là F2. Các con số này sau đó được dùng để tính toán ra F0 – số hiển thị các loài chưa từng được quan sát. “Do đó, chúng ta có thể có được một giới hạn thấp hơn cho ước tính về số loài chưa từng quan sát”, Kestemont nói.

Nhưng một mô hình sinh thái thực sự phù hợp để áp dụng cho một miền chuyên môn khác biệt. “Về trực giác thì có thể nói một tài liệu văn học cũng hành xử như một loài vậy”, Kestemont giải thích. “Trên thực tế, phương pháp này không chỉ áp dụng cho sinh thái mà còn nhiều lĩnh vực khác với những “loài” trong những lĩnh vực khác nhau như công cụ đá (khảo cổ), các dạng khuôn đúc tiền cổ (cổ tệ học), các nguyên nhân khác nhau của một dịch bệnh đã có (miễn dịch học), các gene hoặc các alen (di truyền học), các từ vựng riêng biệt trong từ điển (ngôn ngữ)…

“Nó đã từng được sử dụng để ước tính số sao trong một thiên hà hay số lỗi trong một phần mềm chưa từng được phát hiện ra”, Kestemont cho biết. “Câu hỏi thực sự ở đây là ‘trong những điều kiện nào chúng ta không thể áp dụng nó’? Mô hình này có thể phát huy tác dụng nếu như chúng ta dùng để phân biệt ‘loài’, ‘loại’”.


Một cuốn viết các câu chuyện về vua Arthur và địa danh Camelot. Nguồn: Thư viện quốc gia Anh.

Những phát hiện đáng ngạc nhiên

Trong trường hợp tư liệu thời Trung cổ, Kestemont và cộng sự đã coi các tác phẩm văn học như các loài còn số lượng các bản sao chép bằng tay như những lần nhìn thấy một loài. Họ đếm các tác phẩm chỉ xuất hiện một cách thưa thớt trong hồ sơ ghi chép và sau đó coi nó như F0 – trong trường hợp này, đó là số các tác phẩm từng tồn tại nhưng các học giả chưa từng thấy nó. Một tác phẩm được xếp vào mục “bị mất” khi không có bất kỳ tài liệu nào liên quan đến nó còn tồn tại.

Điểm hay trong phương pháp này là tạo ra được những hồ sơ tương đương nhau ở mỗi vùng khảo sát, một khía cạnh mà các nhà nghiên cứu tin rằng đem đến một cái nhìn toàn cảnh về sự tồn tại của các ghi chép văn hóa và các hiện vật văn hóa. “Về cơ bản, đó là sự phân bố của các bản thảo”, đồng tác giả Katarzyna Anna Kapitan, một nhà nghiên cứu văn học Na Uy cổ ở Đại học Copenhagen và thành viên của nhóm nghiên cứu này, nói. “Nếu một đất nước có truyền thống văn học, điều đó có nghĩa là họ có những tác phẩm văn học và những bản thảo viết tay, dù ít hay nhiều, cũng đáng được gìn giữ. Sẽ thật không công bằng nếu như có những tác phẩm có nhiều bản sao nhưng lại có những tác phẩm chỉ còn một hay hai bản sao”. Theo nghĩa này, những tác phẩm “xấu số” dường như ít có cơ hội sống sót.
Khi nghiên cứu các bản viết tay, các nhà nghiên cứu nhìn vào số lượng các bản sao còn tồn tại của mỗi bản – giống như một loài nhỏ trong sự phong phú của các loài sinh học. Mô hình của họ cho thấy, bản viết tay bị mất cũng giống như một loài biến mất khỏi một quần xã sinh học.

Cách tiếp cận này cho phép các nhà nghiên cứu ước tính quy mô của các tác phẩm gốc và các bản chép tay cũng như những tác phẩm bị mất khắp các vùng ở Hà Lan, Pháp, Iceland, Ireland, Anh và Đức. Họ đã tìm thấy 40.614 bản sao của 1.770 tác phẩm gốc và trong đó có 3.648 bản của 799 tác phẩm gốc còn đến ngày nay, tương đương tỷ lệ còn lại 9%.

Các tác phẩm văn chương Anh thời Trung cổ và các bản thảo viết tay thời kỳ Cổ và Trung đại Anh có số phận bi thảm nhất: tỉ lệ sót lại là 7%, trong đó, số tác phẩm thuộc thể loại anh hùng, hiệp sĩ chiếm 38%. “Nó có thể liên quan đến những tình trạng khác của văn hóa Anh thời kỳ đó”, đồng tác giả Daniel Sawyer, trường Đại học Oxford, giải thích khi liên hệ với bối cảnh lịch sử là Cuộc chinh phạt Anh của những người Norman nói tiếng Pháp vào năm 1066. “Là một phần quan trọng trong thời kỳ Trung Cổ, tiếng Pháp là một trong những ngôn ngữ nổi bật ở Anh. Tôi ngờ rằng những cuốn sách có những câu chuyện anh hùng hay tiểu thuyết bằng tiếng Anh có xu hướng bị giảm bớt số lượng, ít tạo ấn tượng hơn và do đó, ít có cơ hội được sao chép hơn”. 

Họ cũng xem xét những câu chuyện anh hùng được viết bằng tiếng Anglo-Norman, một ngôn ngữ đặc biệt xuất hiện ở Anh sau Cuộc chinh phạt của người Norman, và thêm nó vào dữ liệu các tác phẩm Anh để ước tính tỉ lệ tồn tại của các bản thảo. “Có lẽ, bối cảnh lịch sử đã tạo ra một sự liên thông giữa các câu chuyện truyền thống của Anh được thể hiện bằng tiếng Anh và Pháp”, Sawyer nói. “Điều này có thể giải thích với chúng ta về những kết nối văn hóa gần gũi của Anh với lục địa châu Âu, qua đó tạo ra rất nhiều trao đổi văn hóa giữa hai bên vào thời điểm đó”. 

Tương phản với điều này, văn học Iceland và Ireland lại có một tỉ lệ sống sót cao: 77 % các câu chuyện Iceland và 81 % câu chuyện của Ireland. Trong trường hợp Iceland, Kapitan giải thích là các máy in xuất hiện tương đối muộn, đúng 100 năm sau khi đã có mặt tại nhiều quốc gia. Hơn thế, người sở hữu nó lại là các giám mục, những người không quan tâm lắm đến những câu chuyện lãng mạn và anh hùng, vì thế những tác phẩm sống sót ở đây là những bản chép tay. Tình trạng này còn tồn tại đến một, hai thế kỷ sau.

Tuy vậy tình trạng xuất bản ở Ireland lại có chút khác biệt khi sự xuất hiện của máy in hầu như không ảnh hưởng tới văn học. Theo truyền thống, các tác phẩm văn học Ireland được lưu hành trong hình thức các bản viết tay. “Cả người Iceland và người Ireland đều mê các câu chuyện kể, họ có truyền thống về các chuyện kể”, đồng tác giả Matthew Driscoll của Đại học Copenhagen nói. “Tôi không nghĩ là ai đó còn ngạc nhiên trước những tương đồng của hai truyền thống đó nhưng thật thú vị khi nhìn thấy sự kết nối giữa hai nền văn học và thật tự tin khi kiểm chứng điều đó bằng một cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt”. 

Vậy những bản sao những tác phẩm lãng mạn và anh hùng bị mất đó đi đằng nào? Có một số nguyên nhân như thư viện bị hỏa hoạn, trong trường hợp các tác phẩm Anh thì sự giải thể của các tu viện dưới thời Henry VIII có thể ảnh hưởng đến các thư viện. Tuy nhiên theo Sawyer, các câu chuyện anh hùng và lãng mạn ít có cơ hội lọt vào thư viện của các tu viện.

Những tác phẩm cổ hơn thường xuyên được tái sử dụng. Vào thời nay, điều này có vẻ khá ngạc nhiên nhưng thời Trung cổ, các tác phẩm trên chất liệu da thường rất đắt đỏ (ví dụ để có được một cuốn Kinh thánh hoàn chỉnh, cần da của khoảng 200 con cừu), vì vậy, người ta thường làm sạch các nội dung cũ đi để tạo ra một trang trắng mới (palimpsest). Dĩ nhiên là người ta cũng tái chế vì những mục tiêu hoàn toàn khác, Sawyer nói. Ví dụ có người sử dụng gói thịt, gói nến, một số thì được làm thành giầy, tức cười hơn là thành nguyên liệu làm mũ tế cho một linh mục “mà có lẽ ông ấy không biết là ban đầu nó lại là bản thảo một câu chuyện mang màu sắc tính dục được dịch từ tiếng Pháp”, Driscoll bổ sung.

Nhóm nghiên cứu hy vọng mở rộng thêm cách tiếp cận này để nghiên cứu về các truyền thống văn học Tây Ban Nha, Ý hoặc những quốc gia có sự phát triển rực rỡ của các tiểu thuyết anh hùng. “Tôi nghĩ nghiên cứu kiểu này sẽ chạm vào khía cạnh bảo tồn của văn hóa”, Kestemont nói. “Chúng tôi đã ước tính được quy mô của sự mất mát. Những gì chúng tôi chưa làm được là giải thích về mặt thống kê tại sao những tác phẩm đó lại mất đi. Chúng tôi còn chưa rõ điều gì dẫn đến sự mát mát về văn hóa đó. Do đó chúng tôi đang nghĩ đến một mô hình thống kê có thể giải thích tại sao có những thứ bị mất đi vĩnh viễn còn thứ khác lại không”. 

Những tác phẩm vĩnh viễn mất đi có thể chỉ là phần nổi của câu chuyện. “Việc sử dụng phương pháp này khiến chúng tôi tự hỏi còn bao nhiêu miếng ghép nữa bị mất”, Driscoll nói. 

Những phát hiện dựa trên cách tiếp cận mới của họ gây ấn tượng rất mạnh cho cộng đồng nghiên cứu. Đó là công cụ đơn giản nhưng vô cùng hữu hiệu trong nghiên cứu văn hóa, nhà nhân học Alex Bentley của Đại học Tennessee, Knoxville, nhận xét. “Như thể ta đang đi dạo trong một cửa hiệu sách hoang tàn của Amazon hàng chục thập kỷ tới và ước tính tổng số đầu sách dựa trên một vài ấn bản còn sót lại mà anh có thể tìm thấy”. 

Phương pháp này có thể hỗ trợ giới nghiên cứu về sự đa dạng của văn hóa trong những xã hội đã qua, Bentley nói, ví dụ có những ngôi làng xấp xỉ 7.000 tuổi ở Đức có tới 40 phong cách làm gốm khác nhau. Việc phân tích số lượng các phong cách dựa trên một hoặc hai chiếc bình còn sót lại có thể hữu dụng để ước tính tổng số phong cách làm gốm từng có trong vùng.

Robert Colwell, một nhà sinh học tiến hóa và giáo sư hồi hưu Đại học Connecticut, Storrs từng hỗ trợ các phương pháp sinh thái định lượng đánh giá nghiên cứu này là tuyệt vời bởi “thật hứng thú khi thấy các phương pháp ước tính ban đầu được phát triển cho thống kê sự đa dạng sinh học lại có thể ứng dụng vào lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn”. 

Tuy nhiên cũng có những cái nhìn khác. Daniel Smail, nhà nghiên cứu về lịch sử văn hóa và xã hội Trung cổ Đại học Harvard, cho rằng nghiên cứu này dường như xuôi theo các lý thuyết và thống kê hệ thống chứ các tác giả không đủ cơ sở để giải thích tại sao sản phẩm văn hóa lại phải theo đúng quy tắc của các hệ thống của khoa học sự sống. Với ông, câu hỏi lớn hơn là: Cứ cho là chúng ta đã có các danh mục văn bản cổ xưa, và những ước tính đã có rất gần với số liệu do mô hình mới đề xuất thì công trình mới đem lại cho chúng ta điều gì? Có lẽ nó nói với chúng ta rằng “Chúng ta còn chưa biết điều gì về nghiên cứu này?”.□

Tô Vân tổng hợp
Nguồn: Science, Ars Technica, New Scientist, ox.ac.uk

Tác giả