Liệu pháp ánh sáng mới tiêu diệt vi khuẩn kháng kháng sinh

Các siêu vi khuẩn kháng kháng sinh đã “tắt điện” khi công nghệ nano kích hoạt bằng ánh sáng thế hệ mới có khả năng tiêu diệt một số loại vi khuẩn "khét tiếng" nhất trên thế giới và có khả năng gây tử vong.

Được công bố trên tạp chí Pharmaceutics, liệu pháp ánh sáng mới do các nhà nghiên cứu ở Đại học Nam Úc phát triển có thể loại bỏ siêu vi khuẩn kháng kháng sinh như vi khuẩn tụ cầu vàng và trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa) lần lượt là 500.000 lần và 100.000 lần.

Tụ cầu vàng (staphylococcus aureus) và trực khuẩn mủ xanh là một trong những siêu vi khuẩn nguy hiểm nhất trên thế giới. Người ta ước tính khoảng 1,27 triệu người chết do vi khuẩn kháng kháng sinh trên toàn cầu.

TS. Muhammed Awad ở Đại học Nam Úc, người dẫn dắt nghiên cứu cho biết liệu pháp ánh sáng mới sẽ thay đổi cuộc chơi cho hàng triệu người trên thế giới.

“Tụ cầu vàng và trực khuẩn mủ xanh đều có khả năng truyền nhiễm cao, thường được tìm thấy trên da người. Nhưng nếu xâm nhập vào máu, chúng có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, thậm chí là tử vong”, TS. Awad nói.

Bệnh nhân trong bệnh viện, đặc biệt là những người có vết thương hở, đặt ống thông hoặc phải thở máy – có nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn này cao hơn. Mặc dù kháng sinh có thể hữu ích, song việc lạm dụng kháng sinh đã dẫn đến làn sóng của vi khuẩn kháng thuốc, khiến thuốc không còn hiệu quả.

“Công nghệ quang động của chúng tôi hoạt động theo cách khác, khai thác năng lượng ánh sáng để tạo ra các phân tử oxy hoạt tính cao, giúp tiêu diệt các tế bào vi sinh vật và các loại vi khuẩn chết người mà không gây hại cho tế bào cơ thể người”, ông cho biết.

Họ đã thử nghiệm liệu pháp quang động kháng khuẩn trong các bệnh nhiễm trùng khó trị do các chủng vi khuẩn tụ cầu vàng và trực khuẩn mủ xanh kháng thuốc gây ra. Nhà nghiên cứu cao cấp, GS. Clive Prestidge của Đại học Nam Úc, cho biết công nghệ này có một số ưu điểm quan trọng so với thuốc kháng sinh thông thường và các liệu pháp ánh sáng khác.

“Liệu pháp mới được tạo ra trong một loại dầu được bôi lên vết thương dưới dạng dung dịch dưỡng ẩm. Khi ánh sáng laser chiếu vào dung dịch này sẽ tạo ra các loại oxy hoạt tính – nó hoạt động như một chất thay thế cho thuốc kháng sinh thông thường”, GS. Prestidge cho nói.

Các hợp chất hoạt quang hiện nay cũng ít hòa tan trong nước, đồng nghĩa với việc ứng dụng chúng trong lâm sàng còn hạn chế. Tuy nhiên, phương pháp tiếp cận của nhóm nghiên cứu là sử dụng lipid cấp thực phẩm để xây dựng chất mang nano cho hợp chất hoạt quang nhờ đó cải thiện khả năng hòa tan và nâng cao hiệu quả kháng khuẩn – vượt xa so với hợp chất không được xây dựng theo công thức này.

“Những phân tử này nhắm vào nhiều tế bào vi khuẩn cùng lúc, ngăn chặn vi khuẩn thích nghi và kháng thuốc. Vì vậy, đây là một phương pháp điều trị hiệu quả và mạnh hơn nhiều”, GS. Prestidge nhận định.

Một điều quan trọng là khi xem xét quá trình chữa lành các vết thương, nhóm nghiên cứu nhận thấy khả năng hồi phục của các tế bào da người được tăng cường, trong khi vi khuẩn kháng kháng sinh đã bị tiêu diệt hoàn toàn.

Việc thiếu quan tâm đến siêu vi khuẩn sẽ dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng. Hiện nay, vi khuẩn kháng kháng sinh đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người và hàng nghìn tỷ USD của nền kinh tế toàn cầu mỗi năm.

“Công nghệ này rất hứa hẹn và đang thu hút sự chú ý của các nhà khoa học trên toàn thế giới”, GS. Prestidge nói. “Bước tiếp theo là triển khai thử nghiệm lâm sàng và tiếp tục phát triển công nghệ này để ứng dụng tại các cơ sở y tế”.

Thanh Bình  dịch

Nguồn: https://phys.org/news/2023-01-next-generation-light-activated-nanotech-antibiotic-resistant-superbugs.html

Tác giả