Ứng dụng sản xuất viên đốt Biomass từ phế phụ phẩm nông nghiệp
Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để chế biến các phế, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp thành sản phẩm viên đốt Biomass” do Công ty cổ phần Tư vấn nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Thọ thực hiện bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội, tăng giá trị đầu ra cho các nguồn sản phẩm nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và mang lại nhiều lợi ích về môi trường.
Dự án triển khai từ tháng 1/2012 với mục tiêu làm chủ và áp dụng thành công quy trình công nghệ sản xuất viên đốt Biomass từ nguồn phế, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm bảo vệ môi trường, giải quyết công ăn việc làm tại địa phương và phục vụ nhu cầu sử dụng năng lượng sạch trong và ngoài nước.
Triển khai dự án, công ty tiến hành thu thập tài liệu trồng rừng, chế biến lâm sản trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và huyện Đoan Hùng; tiến hành điều tra, khảo sát các cơ sở chế biến lâm sản, nông sản trên địa bàn huyện Đoan Hùng và các huyện lân cận.
Qua điều tra cho thấy nguồn nguyên liệu đầu vào rất phong phú, đủ cung cấp cho xưởng sản xuất với công suất thiết kế.
Sau hai năm thực hiện, dự án đã sản xuất được 300 tấn viên đốt pellet và 200 tấn củi dạng ống bằng nguyên liệu mùn cưa, cành cây và vỏ cây.
Dự án cũng đã đào tạo được năm cán bộ kỹ thuật viên và 40 công nhân thành thạo các quy trình sản xuất viên đốt và củi đốt, góp phần giải quyết việc làm cho 30 lao động thường xuyên với mức lương 4- 4,5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, dự án còn tạo việc làm cho hàng chục lao động thời vụ và công nhân thu gom nguyên liệu cung cấp cho xưởng sản xuất tại địa phương.
Theo tính toán, một tấn sản phẩm viên đốt sau khi trừ chi phí thu lợi nhuận trước thuế là 390.000 đồng, 1 tấn sản phẩm củi đốt thu lợi 190.000 đồng. Trong hai năm thực hiện, dự án đã cho lợi nhuận 155 triệu đồng.
Bên cạnh hiệu quả kinh tế, dự án đem lại rất nhiều lợi ích về môi trường. Cụ thể, so với than cám và than đá thì sử dụng hai sản phẩm trên cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 1,2-1,3 lần do giá thành sản phẩm và nhiệt lượng cung cấp.
Ngoài ra, hai sản phẩm trên không làm ảnh hưởng môi trường như khí thải của than đá gây ra cho không khí từ đó góp phần bảo vệ, làm giảm ô nhiễm môi trường do phế, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Sau khi kết thúc, dự án hoàn thiện quy trình sản xuất, tiếp tục sản xuất ra sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, từ đó mở rộng ra các địa phương và nhân rộng mô hình ra các địa phương khác.
Doanh nghiệp cũng đầu tư thêm dây chuyền với công suất 2 tấn/giờ, nâng tổng công suất của xưởng sản xuất lên trên 1.000 tấn/tháng.
Hiện nay trên thị trường, nhu cầu sử dụng viên đốt là rất lớn, sản phẩm có thể xuất khẩu đi các nước châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Hằng năm, các doanh nghiệp sản xuất viên đốt có thể xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn. Thành công của dự án góp phần làm phong phú thêm sản phẩm công nghiệp phục vụ phát triển nông thôn của tỉnh Phú Thọ, sản phẩm phục vụ xuất khẩu có giá trị kinh tế và hiệu quả cao, làm tăng nguồn thu ngân sách địa phương, giải quyết việc làm cho lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn.