Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng tỏi trên đất cát ven biển

Cây tỏi (Allium sativum L.) là loại gia vị phổ biến được sử dụng trong bữa ăn hằng ngày, có giá trị kinh tế cao và được dùng làm dược liệu. Ở nước ta, tỏi được trồng chủ yếu trên đất cát pha hoặc đất thịt nhẹ ở các tỉnh Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Lâm Đồng,...

Xã Hòa Thắng (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) là xã ven biển, nhưng chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Điều kiện đất đai và khí hậu nơi đây khá tương đồng với những vùng ven biển Nam Trung bộ có điều kiện thích hợp cho cây tỏi phát triển mạnh thành cây nông nghiệp chủ lực. Tỏi có đặc điểm khá khó tính về thổ nhưỡng cũng như thời tiết, khí hậu. Mỗi giống tỏi đòi hỏi một vùng sinh thái khác nhau để phát huy hết năng suất cũng như chất lượng.

Nhằm tuyển chọn giống tỏi có tiềm năng năng suất cao, thích nghi vùng đất cát tại địa phương, thay cho một số loại cây trồng ngắn ngày khác kém hiệu quả, cũng như xây dựng quy trình canh tác, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng tỏi trên vùng đất cát tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận”.

Bốn giống tỏi của Phan Rang (Ninh Thuận), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Hải Dương và Lâm Đồng được nhóm tác giả trồng thử nghiệm trên vùng đất cát của xã Hòa Thắng. Trong đó, giống tỏi Phan Rang đã được trồng và phát triển thành vùng hàng hóa lớn tại Ninh Thuận và một số tỉnh có điều kiện sinh thái tương tự.

Kết quả, thời gian sinh trưởng của các giống tỏi khảo nghiệm có sự khác biệt. Giống tỏi Phan Rang có thời gian sinh trưởng từ trồng đến thu hoạch (120 ngày), dài ngày hơn các giống khác. Các giống còn lại có thời gian từ trồng đến thu hoạch từ 109 – 114 ngày, sinh trưởng ngắn ngày nhất được nhận thấy ở giống tỏi Hải Dương (109 ngày).

Tuy nhiên, giống tỏi Phan Rang có đường kính củ lớn nhất là 4,2 cm; hai giống tỏi Lý Sơn và Hải Dương có đường kính tương đương nhau, từ 3,9 – 4,0 cm; giống tỏi Lâm Đồng có đường kính bé nhất – 3,7 cm. Các giống tỏi tham gia khảo nghiệm có chiều cao củ dao động từ 3,0 – 3,2 cm. Giống tỏi Phan Rang cho 26,9 tép/củ, vượt trội so với các giống còn lại; tiếp đến là giống tỏi Lý Sơn – 20,8 tép/củ; hai giống Hải Dương và Lâm Đồng lần lượt là 13,1 và 12,4 tép/củ.

Giống tỏi Phan Rang vượt trội về khối lượng củ (22,7 g/củ), các giống còn lại đạt từ 17,8 – 19,5 g/củ; năng suất dao động từ 59- 80,2 tạ/ha/vụ. Trong đó, giống tỏi Phan Rang cho năng cao nhất – 80,2 tạ/ha/vụ. Năng suất thấp nhất được nhận thấy ở giống tỏi Lâm Đồng (59tạ/ha/vụ).

Về chất lượng củ, các giống tỏi tham gia khảo nghiệm đều có chất lượng tốt. Trong đó, chất lượng tỏi tốt nhất được nhận thấy ở giống tỏi Phan Rang (hàm lượng Allyl-L-Cysteine đạt 74,81%; hàm lượng Protein đạt 6,49%). Allyl-L-Cysteineđược xem là một chất dẫn axit amin cysteine, giúp giảm nồng độ cholesterol trong máu, tiêu diệt các gốc tự do gây hại, bảo vệ tế bào gan, phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư hiệu quả.

Qua khảo nghiệm, nhóm nghiên cứu kết luận giống tỏi Phan Rang có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt và chất lượng phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất cát ven biển tỉnh Bình Thuận. Hình thái củ tỏi đẹp (vỏ lụa bên ngoài màu trắng ngà, phân bố tép tỏi bên trong đều).

Ngoài ra, đề tài cũng đã xây dựng được quy trình kỹ thuật canh tác và nhân giống tỏi phù hợp cho vùng đất cát tỉnh Bình Thuận. Nhóm nghiên cứu tính toán, hiệu quả kinh tế của mô hình trồng tỏi tăng 56,4% so với một số cây trồng cạn trên đất màu tại địa phương. Kết quả của đề tài có thể chuyển giao, áp dụng và nhân rộng vào trong sản xuất tại địa phương.

Nguyễn Phúc

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)