Vai trò của doanh nghiệp dân doanh vừa và nhỏ
Nguồn thu ngân sách từ DNNN hiện nay chiếm tỷ trọng lớn, nhưng hiềm một nỗi nếu như tình hình hiện nay thì để có 1 đồng thu ngân sách từ DNNN thì nhà nước cũng phải trợ cấp (cả cứng lẫn mềm) cho DNNN 1 đồng (ở đây chưa kể đến hoạt động bảo toàn vốn). Hơn nữa, một khi gia nhập WTO thì việc trợ cấp này không thể duy trì, và hệ quả là nguồn thu từ DNNN sẽ khó được đảm bảo. Ngân sách nhà nước, vì vậy, phụ thuộc ngày càng nhiều vào các nguồn thu khác, trong đó đặc biệt quan trọng là từ thuế do các DN dân doanh đóng góp.
Một hệ quả về chính sách là để duy trì mức tăng trưởng cao, Việt Nam phải có những giải pháp phát triển kinh tế dân doanh một cách bền vững, trong đó quan trọng nhất có lẽ là phải tạo lập được một môi trường kinh doanh lành mạnh để DN dân doanh phát triển. Một trong những bài học quan trọng nhất từ sự thành công của Luật Doanh nghiệp là quyền tự do kinh doanh của người dân một khi được tôn trọng sẽ đơm hoa, kết trái, và tạo ra tăng trưởng và phát triển kinh tế. Do vậy, nhà nước cần chủ động tạo điều kiện cho dân doanh phát triển thông qua các biện pháp giảm thiểu rào cản và chi phí (cả về thời gian, tiền bạc, ức chế tâm lý) gia nhập thị trường và chi phí kinh doanh nói chung, để từ đó khơi dậy và khuyến khích tinh thần doanh nhân vốn rất sẵn trong dòng máu của đại đa số người dân Việt Nam.
Nói đến phát triển môi trường kinh doanh lành mạnh không thể không nói tới việc tạo lập một môi trường cạnh tranh để tạo điều kiện cho các DN tập bơi trong bể trước khi phải bơi trong hồ, và rồi thực sự tiến ra đại dương và bươn trải trước những làn sóng cạnh tranh của thời đại toàn cầu hóa. Muốn thế, môi trường cạnh tranh trong nước phải thực sự bình đẳng giữa các khu vực kinh tế. Cụ thể là, nhà nước cần giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ mọi sự phân biệt đối xử đối với các DN với các hình thức sở hữu khác nhau. Thực tế phát triển kinh tế mấy chục năm qua của đất nước đã cho thấy khu vực kinh tế dân doanh có một sức sống vô cùng mãnh liệt, nó đã và đang lớn lên hàng ngày, hàng giờ bất chấp mọi thiệt thòi, không chỉ so với các DNNN mà còn đối với cả các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Nói như vậy cũng có nghĩa là, điều cần thiết nhất để phát triển kinh tế dân doanh ở nước ta không phải là việc cho nó những ưu tiên, ưu đãi, mà đơn giản chỉ là hãy trả lại địa vị xứng đáng cho nó và chấm dứt mọi ưu đãi, ưu tiên bất hợp lý đối với những khu vực kinh tế khác.
Để phát triển DN dân doanh ở Việt Nam, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNV&N) vốn rất dễ bị tổn thương, nhà nước cần hình thành những thể chế để giúp “giảm sốc” hay “bảo hiểm” cho các DN này. Đồng thời, tiếng nói của các DNV&N hiện nay cũng hết sức yếu ớt và rời rạc. Vì vậy, việc hình thành các hiệp hội thực sự đại diện và sẵn sàng bảo vệ lợi ích chung của cộng đồng DN và lợi ích của mỗi thành viên trong hiệp hội là điều kiện quan trọng để các DN dân doanh có thể lớn mạnh.
Những phân tích trên đã cho thấy nhà nước đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho kinh tế dân doanh phát triển. Bên cạnh đó, không thể không nói tới vai trò của các biện pháp cải cách hành chính liên quan tới hoạt động của DN. Việc nâng cao hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước là một điều kiện then chốt để phát triển khu vực kinh tế dân doanh. Cứ thử hình dung là công việc của bộ máy hành chính này sẽ trở nên bộn bề thế nào khi số lượng DN của chúng ta cứ tiếp tục tăng với tốc độ rất nhanh như hiện nay, trong khi đó theo Ngân hàng thế giới (2004), để khởi sự DN phải mất tới 56 ngày và phải qua 11 thủ tục; để cưỡng chế thi hành hợp đồng mất 404 ngày và phải qua 37 bước; để đăng ký tài sản mất 78 ngày; còn để thực hiện thủ tục phá sản mất tới 5 năm rưỡi như hiện nay thì khi phải đối diện với số DN ngày càng tăng thì nền hành chính quốc gia chắc chắn sẽ bị quá tải.
Cùng với quá trình hội nhập, cơ cấu về nguồn thu của ngân sách quốc gia sẽ có những thay đổi cơ bản. Nguồn thu từ thuế xuất nhập khẩu (mà chủ yếu là thuế nhập khẩu), hiện chiếm hơn 20% ngân sách sẽ giảm đáng kể do hàng rào thuế quan phải hạ từ mức trung bình ước tính vào khoảng 15-16% hiện nay xuống 0 – 5%. Nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô hiện cũng đang chiếm một tỉ trọng đáng kể lại không ổn định vì phụ thuộc vào biến động của thị trường thế giới và cũng không thể duy trì mãi.
VCCI đang đề nghị Chính phủ xem xét xây dựng một chương trình quốc gia về phát triển DN, lấy DN làm động lực chính cho sự phát triển của VN trong giai đoạn tới. Từ nhận thức về vai trò của DN dân doanh và trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của một số nước thành công trong việc phát triển DNV&N, rõ ràng đề nghị này của VCCI là hết sức cần thiết và đúng lúc. Tuy nhiên, để đảm bảo có hiệu quả thì chương trình này phải đi vào thực chất của vấn đề chứ không thể chỉ mang tính hình thức. Quan trọng nhất, chương trình này phải lấy kinh tế dân doanh làm trung tâm, thể hiện thông qua việc phân bổ nguồn lực và có chính sách công bằng đối với khu vực này.
Về mặt chính sách đối với các DN dân doanh, chúng ta nên phân biệt một số giai đoạn với các ưu tiên chính sách khác nhau. Trong giai đoạn đầu (tức là giai đoạn hiện nay), điều cần nhất là công nhận vai trò ngày càng trở nên quan trọng của kinh tế dân doanh đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế, từ đó khai thông các rào cản và giảm thiểu chi phí gia nhập thị trường để dễ dàng cho việc “khai sinh” ra các DN mới. Sau khi đã được “khai sinh”, các DN này cần được “nuôi dưỡng” trong một môi trường cạnh tranh công bằng và lành mạnh. Cần lưu ý rằng việc hình thành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư thống nhất không nhất thiết dẫn tới sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, vì trên thực tế, sự công bình không chỉ phụ thuộc vào hiệu lực thực sự của những đạo luật này mà còn phụ thuộc vào biết bao thể chế khác và hoạt động thực thi của các cơ quan công quyền.
Trong giai đoạn thứ hai, cần thực hiện các chính sách hỗ trợ DN nhằm nâng cao năng lực tổ chức và cạnh tranh, trước mắt là trong thị trường nội địa. Xuất phát điểm của những chính sách này là các DN dân doanh của chúng ta phải tồn tại trong môi trường cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt với tương quan lực lượng không cân xứng. Đại đa số DN dân doanh của chúng ta thuộc loại nhỏ và vừa với tiềm lực về vốn và công nghệ thấp kém, chưa quen với các tập quán kinh doanh hiện đại, hệ thống quản trị còn sơ khai, năng lực của đội ngũ quản lý còn yếu, khả năng khai thác thông tin và tiếp cận cơ hội thị trường rất hạn chế. Vì vậy, để thực hiện được mục tiêu nâng dần năng lực tổ chức và cạnh tranh, chính sách trong giai đoạn này nên tập trung vào việc đào tạo nguồn nhân lực (đặc biệt là nhân lực quản lý), tạo điều kiện cho các DN tiếp cận các nguồn tín dụng thuận lợi với chi phí phải chăng, và hỗ trợ về thông tin và tư vấn marketing.
Giai đoạn thứ 2 này phải được tiến hành rất khẩn trương để kịp thực hiện giai đoạn thứ 3 trước năm 2010, là thời điểm hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ có hiệu lực đầy đủ. Trong giai đoạn thứ 3, DN cần được chuẩn bị năng lực để trước tiên là tồn tại và phát triển trong các thị trường ngách, trên cơ sở đó từng bước hội nhập tích cực và sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh các yêu cầu thường trực về nhân lực, tài lực, thông tin (như những đầu vào cho quá trình phát triển DN), sau khi đã trưởng thành ở một mức độ nhất định, chắc chắn các DN Việt Nam sẽ có nhu cầu nâng cao trình độ công nghệ nói chung và công nghệ thông tin nói riêng để bước lên những bậc cao hơn trong chuỗi giá trị và hàng hóa toàn cầu. Vai trò của nhà nước trong việc đầu tư vào giáo dục, đào tạo và hoạt động R&D (nghiên cứu & phát triển) là rất quan trọng.
Kinh nghiệm của nước ngoài cho thấy các DNV&N hoạt động hiệu quả nhất khi chúng hoạt động theo cụm và nhóm vì khi ấy giữa chúng phát triển các mối liên kết ngang và dọc, đồng thời thông qua các hợp đồng phụ sẽ hình thành nên một mạng lưới các mối quan hệ chính thức và không chính thức, giúp khai thác được thế mạnh về tính linh hoạt và năng động của các DNV&N, đồng thời hạn chế nhược điểm về quy mô và năng lực nếu đứng riêng một mình. Trong một số trường hợp, nhà nước cần phát triển các DN ở thượng nguồn để tạo cơ hội cho các DN hạ nguồn hay các DN cung ứng sản phẩm phụ trợ phát triển. Đáng lưu ý là nếu những biện pháp này thành công thì dần dần nền kinh tế sẽ không còn phụ thuộc vào các ngành sản xuất và xuất khẩu sản phẩm thô, đồng thời giảm bớt sự phụ thuộc vào các công ty đa quốc gia.