Vai trò của trường Đại học trong xây dựng môi trường sáng tạo khởi nghiệp

Trường ĐH có vai trò như thế nào trong việc tạo ra môi trường đổi mới sáng tạo, khích lệ tinh thần khởi nghiệp ? Cho đến nay, vai trò này gần như bằng không. Các trường ĐH đang theo đuổi những hoạt động nghiên cứu khoa học chủ yếu nhằm vào công bố trên các tập san khoa học, và chạy theo những thành tích xếp hạng. Có rất ít nghiên cứu gắn với hoạt động chuyển giao công nghệ và khởi nghiệp bên ngoài nhà trường. Kết cục là nhà trường Việt Nam ngày nay vẫn tiếp tục tồn tại theo lối tháp ngà chẳng khác nào cách đây vài thập kỷ.


Một sự kiện kết nối startup công nghệ trong khu vực Châu Á do blog TechinAsia tổ chức tại Singapore. Ảnh: TechinAsia

Mạng lưới khu vực Asean

Cộng đồng kinh tế ASEAN vừa hình thành sẽ tạo ra một nhu cầu lớn về môi trường khởi nghiệp ở các nước thành viên, vì nó tạo điều kiện cho việc luân chuyển nguồn vốn, con người và ý tưởng giữa các nước trong khu vực nhằm tạo ra dịch vụ mới, công ăn việc làm mới, và thêm nhiều của cải.

Hội thảo Mạng lưới Xây dựng tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo do Bộ KH&CN (Dự án Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan giai đoạn II – IPP2) tổ chức ngày 9-10/12/2015 ở TP.HCM đã kết nối nhiều bên liên quan khác nhau (giới doanh nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm, giới đại học, giới quản lý, giới làm chính sách) của các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Cambodia, Lào, Việt Nam, và các chuyên gia Phần Lan, Hoa Kỳ, nhằm thảo luận về những sáng kiến có thể thúc đẩy hình thành một hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cho cả khu vực.

Một mục tiêu quan trọng của hội thảo là nhằm đề xuất một lộ trình hành động của các nước thành viên phù hợp với khuôn khổ pháp lý và chính sách của từng nước.

Hai lĩnh vực được tập trung là (i) mạng lưới giáo dục và chia sẻ tri thức; (ii) tận dụng nguồn lực và mạng lưới người hướng dẫn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Mạng lưới giáo dục và chia sẻ tri thức sẽ thực hiện những chương trình huấn luyện xuyên quốc gia, chia sẻ kinh nghiệm thành công và thất bại khi khởi nghiệp, và ý nghĩa văn hóa của những kinh nghiệm ấy. Nếu những trường hợp thành công có thể truyền cảm hứng mạnh mẽ cho người khởi nghiệp, thì những bài học thu lượm được qua thất bại còn quan trọng hơn gấp bội. Dự kiến sẽ kết nối với các nhà báo, bloggers, các nhà xuất bản và các báo của mỗi nước để viết về những câu chuyện này, lập một kho dữ liệu về những câu chuyện thành công thất bại khi khởi nghiệp và một trang web để chia sẻ nó.

Những người khởi nghiệp là những người mới bắt tay vào thực hiện một ý tưởng mới, dựa trên một mô hình kinh doanh mới hay sản phẩm mới. Vì vậy sự hướng dẫn của người đi trước là rất quan trọng và quý báu. Hội thảo này bàn về một mạng lưới những người có thể giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp bằng cách hướng dẫn họ những kinh nghiệm vào nghề cần thiết, kết nối họ với những quỹ đầu tư và những cơ chế tài chính khác.

Những hoạt động nhằm thực hiện các mục tiêu này có thể là những sự kiện (hội chợ, triển lãm, hội thảo, cuộc thi, v.v.) được tổ chức luân phiên ở các quốc gia thành viên, nhằm tạo ra tác động xã hội tới tất cả các bên liên quan, đặc biệt là để kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp với giới kinh doanh và các nhà đầu tư, nhằm thúc đẩy sự hợp tác.

Rõ ràng để làm những việc đó chúng ta cần có những người điều hành chương trình giàu kinh nghiệm, và một nguồn tài trợ ban đầu để khởi xướng và tạo ra các cơ hội. Những điều này không khó khi chúng ta có một số lượng đủ lớn những người được đào tạo với tinh thần khởi nghiệp và sẵn sàng cho sự khám phá, đổi mới và sáng tạo.

Câu hỏi đặt ra là, nhà trường có vai trò gì trong việc tạo ra một thế hệ như thế?

Vai trò của trường Đại học

Bà Trần Thị Thu Hương, Trợ lý Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Dự án IPP2, nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc: Trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia ở bất cứ nước nào, trường đại học, chính phủ, và giới doanh nghiệp là ba trụ cột tạo ra xã hội tri thức. Khi ba thành tố quan trọng này gắn kết tương liên với nhau, nó sẽ tạo điều kiện cho việc tạo ra tri thức, công nghệ và giá trị gia tăng cho xã hội. Vì vậy, hơn bao giờ hết, các trường không thể cứ mãi là “tháp ngà” như xưa. Thêm vào hai vai trò truyền thống là giảng dạy và nghiên cứu, ngày nay các trường phải nhận thức rõ tầm quan trọng của sứ mạng thứ ba, là gắn với các doanh nghiệp và đáp ứng với những nhu cầu của họ nhằm phục vụ cho cộng đồng và đời sống xã hội.

Các trường ĐH có thể làm được gì? Trong năm 2015, Việt Nam tăng 12 bậc trong bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh toàn cầu, 19 bậc trong xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu  là nhờ một phần những cải cách trong tài trợ nghiên cứu, tự chủ đại học và thương mại hóa kết quả nghiên cứu, trong đó có các trung tâm chuyển giao công nghệ (TTOs, TLOs), Tuy nhiên, cho đến nay hệ thống nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo của Việt Nam nhìn chung mới chỉ chú trọng đến việc tạo ra tri thức mới, thông qua các dự án nghiên cứu ở các trường và viện, mà còn có rất ít nỗ lực trong việc đưa những tri thức ấy vào đời sống xã hội, vào sản xuất và kinh doanh.

Để tạo ra sự thay đổi này, các trường ĐH sẽ cần phải nhấn mạnh trọng tâm đào tạo của mình, không chỉ là kiến thức hàn lâm, mà là kỹ năng giao tiếp và thương lượng, kỹ năng xây dựng nhóm, sử dụng con người; kỹ năng giải quyết vấn đề; kỹ năng xử lý khủng hoảng, kỹ năng lãnh đạo và tư duy chiến lược; kể cả những kỹ năng cụ thể như lập kế hoạch tài chính và quản lý dòng tiền, sáng tạo giá trị mới và quản lý quan hệ khách hàng. Thay cho cách dạy lý thuyết, các trường cần chuyển sang dạy học thông qua trải nghiệm, mục đích là để giúp người học hiểu cách tư duy của những người khởi nghiệp và có khả năng lựa chọn những quyết định tốt nhất trong một bối cảnh cụ thể.

Vì thế, các trường đại học cần xác định lại hồ sơ năng lực của mình bằng cách tham gia mạnh mẽ hơn vào quá trình hỗ trợ khởi nghiệp, thông qua gắn kết với giới làm chính sách, giới doanh nhân. Sự gắn kết đó mang lại lợi ích trước hết là cho nhà trường, vì nó biện minh cho ý nghĩa thiết yếu của trường ĐH, nâng cao uy tín của nhà trường trong xã hội, biến nhà trường thành một yếu tố không thể thiếu trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.

****

Tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo là yếu tố cốt lõi tạo ra thành công của các doanh nghiệp ngày nay. Nó không chỉ cần khi người ta bắt đầu mở ra một doanh nghiệp mới, mà còn cần thiết trong suốt quá trình hoạt động của mọi doanh nghiệp, vì nó giúp họ đổi mới không ngừng để thích ứng với bối cảnh và tạo ra thế mạnh cạnh tranh.

Vì vậy, nó cần được gieo trồng, vun đắp trong quá trình đào tạo ở đại học. Truyền cảm hứng cho các thế hệ sinh viên và trang bị cho họ những kiến thức kỹ năng cần cho hoạt động khởi nghiệp, chính là nhà trường đang tạo ra những người chủ doanh nghiệp thành công trong tương lai.

Hơn thế nữa, trường ĐH còn có thể đóng một vai trò tích cực trong việc tạo ra môi trường khích lệ khởi nghiệp trong xã hội, thông qua kết nối với giới doanh nghiệp và giới làm chính sách và tham gia vào những dự án nhằm cải thiện môi trường khởi nghiệp. Đó chính là cách tăng cường sứ mạng thứ ba của nhà trường, gắn kết nhà trường với xã hội nhằm tái định hình trường ĐH và khẳng định tầm quan trọng của nó.

Hướng tới nỗ lực chung cho cả khu vực 

Mạng lưới những người xây dựng tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo ở các nước ASEAN (ASEAN Innovation and Entrepreneurship Developers Network) là một tập hợp bao gồm các quỹ đầu tư, các trường đại học, tổ chức chính phủ và phi chính phủ, các doanh nhân, các nhà khoa học và quản lý khoa học của các nước ASEAN, tự xác định sứ mạng của mình là tạo ra và nuôi dưỡng văn hóa sáng tạo khởi nghiệp trong khu vực ASEAN, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, khích lệ các doanh nhân trẻ tài năng và đào tạo họ để họ có thể thành công trong thị trường khu vực và toàn cầu.

Mạng lưới sẽ thúc đẩy: Ban hành các chính sách thuế khích lệ cho những doanh nghiệp khởi nghiệp trong cả khu vực ASEAN, chính sách cư trú thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài hay những chuyên gia của doanh nghiệp khởi nghiệp và của các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, chính sách thúc đẩy đào tạo và hướng dẫn cho các doanh nhân trẻ khi họ khởi nghiệp, v.v.

Xây dựng những kho dữ liệu về thị trường, về nguồn vốn, về các quy phạm pháp luật của từng nước, về nguồn lực con người trong đó có chuyên gia của nhiều lĩnh vực, v.v.

Tổ chức các sự kiện, triển lãm, các cuộc thi, v.v. mạng lưới này giúp các bên liên quan kết nối, hợp tác với nhau để tạo ra những giá trị mới, đặc biệt là nối kết các nhà khởi nghiệp với các quỹ đầu tư và các nhà tài trợ, đồng thời tạo điều kiện tôn vinh những tấm gương thành công, chia sẻ những bài học vượt qua thất bại, truyền cảm hứng, động lực và kinh nghiệm cho người trẻ để họ mạnh mẽ dấn thân.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)