Vẫn cần Nhà nước hỗ trợ

Để thúc đẩy quá trình hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, nhà nghiên cứu và nhà sản xuất cần được tham gia vào các chương trình KH&CN quốc gia để cùng nhau giải quyết những vấn đề hai bên cùng quan tâm. Đó là những điều mà Viện Công nghệ sinh học (IBT) và Công ty TNHH một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) rút ra sau khi cùng thực hiện hai pha nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sinh phẩm protein Interleukin – 2 tái tổ hợp hỗ trợ điều trị bệnh nhân ung thư.

Quy trình lên men của công nghệ sản xuất Interleukin-2 tái tổ hợp tại Vabiotech.

Công việc hợp tác giữa IBT và Vabiotech bắt đầu từ năm 2009 khi GS. TS Trương Nam Hải, chủ trì đề tài nghiên cứu về Interleukin-2 tái tổ hợp của IBT, mời GS. TS Nguyễn Thu Vân và đội ngũ R&D của công ty cùng triển khai“Nghiên cứu đánh giá hiệu lực Interleukin-2 (IL-2) tái tổ hợp sản xuất tại Việt Nam dùng trong hỗ trợ điều trị ung thư” (KC.04-21/06-10), một đề tài thuộc chương trình KC.04 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học” (Bộ KH&CN). Sau hai năm thực hiện, các nhà nghiên cứu đã phân lập thành công được gene mã hóa của người và đưa vào E.coli để tạo ra protein IL-2 tái tổ hợp rồi lên men, tinh chế trong điều kiện sản xuất tốt WHO-GMP. Việc có được một quy trình chuẩn làm ra IIL-2 tái tổ hợp đã gợi ý cho IBT và Vabiotech tiếp tục thực hiện thêm pha tiếp theo, dự án sản xuất thử nghiệm “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất IL-2 tái tổ hợp trên dòng tế bào E. coli” (KC.04.DA02/11-15). Bằng việc triển khai dự án này, quy trình đã được tối ưu hóa thành công nghệ để có thể sản xuất sản phẩm đạt công suất 150.000 liều/năm với sinh phẩm IL-2 tái tổ hợp đạt tiêu chuẩn của Mỹ về độ tinh sạch, Endotoxin, an toàn sinh học, hoạt tính sinh học… và được IBT chuyển giao cho Vabiotech.

Mời nhà sản xuất tham gia nghiên cứu

Một trong những bí quyết để IBT thực hiện chuyển giao công nghệ sản xuất IL-2 tái tổ hợp thành công cho Vabiotech chính là việc họ mời được công ty tham gia cùng nghiên cứu với mình. Đây là quá trình để Vabiotech hiểu được IBT có năng lực nghiên cứu sản phẩm và sản phẩm đó phù hợp với yêu cầu của mình. “Ở miền Bắc tôi biết có Vabiotech là công ty có phòng thí nghiệm và dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP nhưng để Vabiotech đặt niềm tin vào sản phẩm nghiên cứu của mình không dễ”, GS. TS Trương Nam Hải giải thích. IBT đã phải “đi đường vòng” bằng cách mời họ cùng tham gia nghiên cứu, “chỉ bằng cách ấy họ mới hiểu mình làm ra được sản phẩm mà thị trường cần, mà thị trường cần thì họ cũng cần”.
Để thuyết phục được doanh nghiệp thì năng lực nghiên cứu vẫn chưa đủ, họ cũng cần nhìn thấy những yếu tố cơ bản của sản phẩm nghiên cứu, dù chỉ ở dạng tiềm năng, GS. TS Hải nhận xét, “không phải đơn giản mà họ nhận lời”. Trước khi mời Vabiotech nhập cuộc, GS. TS Hải đã cùng nhóm nghiên cứu về công nghệ gene của ông tại IBT thực hiện pha nghiên cứu đầu tiên về IL-2 tái tổ hợp từ năm 2005, “Nghiên cứu tạo IL-2 tái tổ hợp dùng cho điều trị ung thư” KC.04.33/06-10. Bằng việc phân lập gene từ cơ thể người, các nhà nghiên cứu đã đưa gene đó vào trong tế bào vi khuẩn E. coli bằng một vector thiết kế trong ống nghiệm, qua đó tế bào vi khuẩn tổng hợp protein IL-2 tái tổ hợp trên nền của gene người. Loại protein này có đặc tính sinh học là có khả năng kích hoạt hệ miễn dịch ở trong người để nhận biết và diệt tế bào ung thư. Sản phẩm pha 1 được đánh giá là có chất lượng tương đương với sản phẩm cùng loại của Trung Quốc.
Những kết quả mà các nhà nghiên cứu của IBT đã thực hiện được ở pha 1 đã thuyết phục được lãnh đạo Vabiotech nhận lời mời tham gia nghiên cứu ở pha 2 và làm chủ nhiệm dự án sản xuất thử nghiệm (pha 3), cho dù quyết định đó khiến công ty tốn rất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc và bản thân việc theo đuổi nghiên cứu cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Anh Lưu Anh Chiến, một thành viên của tổ công tác Vabiotech, cho biết: “Lúc tìm hiểu về đề tài này, Vabiotech nhận thấy IBT có đủ năng lực nghiên cứu về công nghệ gene, đây cũng là một hướng nghiên cứu và phát triển sản phẩm tiên tiến mà ngành vắc xin và sinh phẩm quốc tế đang theo đuổi”. Dựa trên năng lực và cơ sở hạ tầng hiện tại của công ty, lãnh đạo Vabiotech cũng cho rằng đây là sản phẩm có nhu cầu lớn trên thị trường và tiềm năng phát triển, công ty cũng có đủ năng lực để tiếp nhận công nghệ. Xét về lâu dài thì “việc làm chủ công nghệ sản xuất sinh phẩm điều trị sẽ góp phần đa dạng sản phẩm kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Vabiotech”, anh Chiến giải thích.
Sau hai năm thực hiện đề tài “Nghiên cứu đánh giá hiệu lực Interleukin-2 tái tổ hợp sản xuất tại Việt Nam dùng trong hỗ trợ điều trị ung thư”, các nhà nghiên cứu của IBT và Vabiotech đã thành công trong việc xây dựng quy trình công nghệ sản xuất IL-2 tái tổ hợp trong điều kiện GMP với công suất 5.000 liều/loạt. Kết quả đạt được từ đề tài nghiên cứu này đã khiến Vabiotech quyết định đầu tư kinh phí thực hiện tiếp pha dự án sản xuất thử nghiệm nhằm hoàn thiện công nghệ. “Việc thuyết phục được doanh nghiệp bỏ tiền ra làm sản xuất thử nghiệm, hoàn thiện quy trình không phải dễ. Không phải doanh nghiệp nào cũng sẵn tiền từ nguồn vốn tự có để đối ứng, Vabiotech là công ty nhà nước nên mọi kinh phí đều phải hạch toán còn nhà nước thì không cho phép lấy một khoản tiền này làm đối ứng cho cái khác”, GS. TS Hải chia sẻ về khó khăn ban đầu mà Vabiotech gặp phải khi thực hiện dự án.
Việc mời được doanh nghiệp cùng tham gia thực hiện nghiên cứu và sản xuất, dù mới ở dạng thử nghiệm, cũng đem lại cơ hội cho các nhà nghiên cứu nâng cao chất lượng sản phẩm của mình. GS. TS Hải cho biết, kết thúc pha nghiên cứu đầu tiên, vẫn chưa loại bỏ được yếu tố nội độc tố (pyrogen) trong khi tinh chế IL-2 tái tổ hợp do điều kiện phòng thí nghiệm của IBT chưa đạt tiêu chuẩn thực hành  như ở các doanh nghiệp chuyên sản xuất dược phẩm, vắc xin. Khi hợp tác với Vabiotech, sử dụng hệ thống phòng thí nghiệm đạt GLP và khu sản xuất đạt GMP của công ty, vấn đề này được giải quyết một cách đơn giản: độ tinh sạch của sản phẩm đã đạt hơn 98%, vượt ngoài mong đợi của các nhà nghiên cứu.
Cùng hiểu và tin cậy lẫn nhau

Việc hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà nghiên cứu từ lâu nay vẫn được coi là một quá trình khó khăn, thường đòi hỏi nhiều thời gian để hai bên thực sự hiểu nhau và phối hợp nhuần nhuyễn trong công việc. Với trường hợp của IBT và Vabiotech, quá trình làm quen may mắn không kéo dài đến thế. Một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy quá trình này là “Vabiotech cũng đã làm R&D nhiều năm, họ hiểu được các nhà nghiên cứu muốn gì”, GS. TS Hải lý giải. Nhóm cán bộ được Vabiotech cử tham gia hợp tác với IBT đã quen làm việc với những cán bộ nghiên cứu, “hầu như ai cũng có nguyên tắc của riêng mình, để hợp tác được hai bên phải thấu hiểu và tin cậy lẫn nhau”, anh Chiến nhận xét. Có kinh nghiệm làm việc nhiều năm với sản phẩm được chuyển giao công nghệ từ R&D của công ty nên anh Chiến cho rằng, nhiều vấn đề nghiên cứu trong phòng thí nghiệm rất tốt nhưng khi đưa vào sản xuất ở quy mô lớn hơn lại cho kết quả không như mong muốn, thậm chí thất bại do điều kiện trong sản xuất khác biệt hoàn toàn với phòng thí nghiệm, “ví dụ như quy trình lên men 1 lít có phần khác với 100 lít do các thông số sản xuất không hẳn tỉ lệ thuận với thể tích như mọi người nghĩ”. Trong quá trình hợp tác nghiên cứu và chuyển giao quy trình họ cũng gặp nhiều khó khăn về công nghệ, sau mỗi lần như vậy, hai bên cùng ngồi lại với nhau làm việc và phân tích quy trình đã thực hiện “để tìm bằng được nguyên nhân vì sao và hướng khắc phục”, anh Chiến nhớ lại. Về phía mình, GS Hải cho rằng, những yêu cầu của nhà sản xuất đều xác đáng và nhiệm vụ của các nhà nghiên cứu là phải khắc phục điều đó: “Hai bên cần trao đổi thẳng thắn với nhau. Chúng tôi không ‘giấu nghề’ mà sẵn sàng giải thích và khi chuyển giao là chuyển giao toàn bộ kết quả nghiên cứu, quy trình thực hiện cho người của họ để họ có thể độc lập xử lý”.
Để tạo ra sự tin cậy với nhà sản xuất, GS Hải cho rằng cần phải duy trì tốt mối quan hệ với họ ngay cả khi hoàn tất việc chuyển giao công nghệ. Sau khi dự án sản xuất thử nghiệm đã hoàn tất, họ vẫn giữ thói quen trao đổi với Vabiotech về kết quả công việc và sẵn sàng thực hiện những yêu cầu mà Vabiotech đưa ra để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ở góc độ nhà sản xuất, anh Chiến cho biết, trong tương lai vẫn cần sự hợp tác và hỗ trợ của các nhà nghiên cứu khi Vabiotech tiếp tục thực hiện pha tiếp theo nghiên cứu hoàn thiện quy trình để nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu suất sản xuất và đăng ký sản phẩm IL-2 lưu hành trên thị trường. “Trong giai đoạn tiếp theo cần nâng công suất của dây chuyền lên 1 triệu liều IL-2/năm để đáp ứng được nhu cầu điều trị của người bệnh, đảm bảo lợi nhuận khi đầu tư và giúp hạ giá thành sản phẩm.

Cần sự hỗ trợ của nhà nước qua các chương trình quốc gia

Trong bối cảnh các tổ chức trung gian kết nối nhà sản xuất và nhà nghiên cứu còn chưa hoạt động hiệu quả thì họ cần sự hỗ trợ dưới hình thức nào của nhà nước để có thể hợp tác được với nhau? Câu trả lời mà cả IBT và Vabiotech đều đưa ra là cần được tham gia các chương trình nghiên cứu KH&CN quốc gia, “đây là cây cầu nối hữu hiệu nhất của chúng tôi. Nếu không có kinh phí hỗ trợ của nhà nước thông qua việc thực hiện đề tài của chương trình KC04 thì IBT cũng khó mời được Vabiotech tham gia nghiên cứu ở pha 2, và nếu không mời họ tham gia bước này thì chắc chắn là họ cũng không sẵn sàng nhận làm chủ dự án sản xuất thử nghiệm IL-2 tái tổ hợp ở pha 3”, GS Hải cho biết. Về phía mình, Vabiotech cho rằng, thực hiện đề tài nghiên cứu và dự án sản xuất thử nghiệm đem lại cho họ cơ hội tiếp cận với công nghệ  mới cũng như nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, yếu tố quan trọng để họ có thể tiếp tục làm chủ công nghệ sản xuất khi sản phẩm này được đưa vào sản xuất và cung cấp ra thị trường.
Đánh giá vai trò của các chương trình nghiên cứu KH&CN quốc gia với sự hợp tác giữa nhà sản xuất và nhà nghiên cứu, GS Hải nhận định, việc thực hiện các các đề tài/dự án nghiên cứu góp phần giải quyết các vấn đề hai bên cùng quan tâm. Còn nếu “đơn thương độc mã”, cả hai ít có điều kiện làm đến nơi đến chốn để ra được sản phẩm có chất lượng cao. Nhà nghiên cứu cần có nhà sản xuất để cùng hoàn thiện công nghệ và ngược lại, nhà sản xuất cần có nhà nghiên cứu để có được những công nghệ và sản phẩm mới, ngay cả trong trường hợp nhà sản xuất đã phát triển bộ phận R&D thì vẫn cần sự hỗ trợ về chuyên môn của nhà nghiên cứu bởi “doanh nghiệp thường ít bỏ chi phí đầu tư cho nghiên cứu ban đầu mà chỉ đầu tư phát triển sản phẩm”.  
Ở góc độ nhà sản xuất, anh Chiến cho rằng, doanh nghiệp cần được sự hỗ trợ nhiều hơn của nhà nước, không chỉ ở giai đoạn nghiên cứu mà còn ở giai đoạn tiếp theo để góp phần đưa sản phẩm hợp tác ra được đến thị trường. Ví dụ với trường hợp IL-2 thì để tiếp tục nâng cao quy mô sản xuất công suất 1 triệu liều/năm, thứ nhất Vabiotech cần phải nâng cấp nhà xưởng, trang thiết bị. Thứ hai cần tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất, nâng cao hiệu suất. Thứ ba cần tiến hành thử nghiệm lâm sàng để đăng ký cấp phép lưu hành cho sản phẩm, IL-2 là một sinh phẩm điều trị rất mới trên thế giới do đó thực địa lâm sàng đòi hỏi nghiên cứu đầy đủ và theo dõi trong thời gian dài. Việc này đòi hỏi nguồn vốn lớn và lâu dài, là một doanh nghiệp nhà nước với nguồn vốn có giới hạn, Vabiotech rất cần sự hỗ trợ từ Bộ KH&CN thông qua các chương trình quốc gia mà Bộ đang quản lý.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)