Vệ tinh F-1 lên quỹ đạo
Sáng 21/7, Vệ tinh F-1 do phòng Nghiên cứu không gian FSpace, Đại học FPT chế tạo, đã được đưa lên vũ trụ trên tàu vận tải HTV-3 bằng tên lửa đẩy HII-B từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima, Nhật Bản.  
Bà Trịnh Thị Hường, Ban Truyền thông Đại học FPT đã cho biết như trên vào sáng ngày 21/7.
Cùng chuyến đi lên Trạm Vũ Trụ Quốc tế ISS lần này còn có bốn vệ tinh nhỏ khác của Nhật Bản và Mỹ gồm: RAIKO, FITSAT-1, WE WISH và TechEdSat. Các vệ tinh được đặt vào ống phóng J-SSOD trên trên tàu vận tải HTV-3.
Dự kiến sáu ngày sau khi phóng, tàu HTV-3 sẽ tiếp cận và lắp ghép với trạm ISS. Các phi hành gia trên trạm sẽ vận chuyển các vệ tinh nhỏ sang module Kibo. Sau đó, đến khoảng tháng 9, các vệ tinh nhỏ sẽ được đưa vào khoang điều áp (airlock). Phi hành gia người Nhật Akihiko Hoshide sẽ điều khiển cánh tay robot của module Kibo nắm lấy ống phóng có chứa năm vệ tinh đưa ra bên ngoài, hướng xuống phía dưới và thả các vệ tinh nhỏ ra khỏi trạm ISS để bắt đầu nhiệm vụ của mình.
Đây là lần đầu tiên các vệ tinh nhỏ được thả khỏi trạm ISS bằng cánh tay robot, mở ra con đường mới lên quỹ đạo cho các vệ tinh nhỏ.
Trưởng phòng Nghiên cứu không gian Fspace, Viện nghiên cứu Đại học FPT Vũ Trọng Thư, chia sẻ: “Với chúng tôi dự án vệ tinh F-1 chỉ thật sự được coi là thành công khi F-1 được thả ra ngoài không gian trong tháng 9 và thu phát được tín hiệu với trung tâm điều khiển tại trạm mặt đất. Nhưng dù sao lúc này tất cả thành viên FSpace và những người ủng hộ dự án đều cảm thấy rất vui mừng, vì ước mơ, công sức và những nỗ lực của mình trong bốn năm qua đã bước đầu được biến thành hiện thực”.
Vệ tinh nhỏ F-1 có kích thước 10x10x10 cm và nặng 1 kg, do nhóm FSpace bắt tay vào nghiên cứu và chế tạo từ cuối năm 2008, với mục tiêu là phải “sống” được trong không gian và phát tín hiệu về trạm điều khiển mặt đất, chụp được ảnh độ phân giải thấp (640×480) của Trái đất và tốc độ truyền dữ liệu từ vệ tinh đạt 1.200 bit/giây.
Trên thế giới, đặc biệt trong thời gian 10 năm trở lại đây, xu hướng nghiên cứu chế tạo những vệ tinh cỡ nhỏ (dưới 50kg) đang phát triển rất mạnh. Ưu điểm của loại vệ tinh cỡ nhỏ là thời gian chế tạo ngắn, chi phí thấp và càng phát huy năng lực khi sử dụng cả một chùm vệ tinh.