Vệ tinh viễn thám đã sẵn sàng lên quỹ đạo

Sau một thời gian dài chuẩn bị, vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam có tên VNREDSat-1 dự kiến sẽ được phóng lên quỹ đạo vào cuối tháng 4.

Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng bởi khi vệ tinh đi vào hoạt động, Việt Nam có thể chủ động cung cấp ảnh vệ tinh độ phân giải cao cho các đơn vị để giám sát tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu…

Tiến sĩ Bùi Trọng Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Vũ trụ, Trưởng ban quản lý vệ tinh nhỏ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã cung cấp thêm một số thông tin xung quanh sự kiện này.

– Thưa ông, vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam được kỳ vọng sẽ phục vụ tốt hơn công tác quan sát tài nguyên thiên nhiên, quản lý môi trường. Xin ông nói rõ hơn về việc này?

TS Bùi Trọng Tuyên: VNREDSat-1 là vệ sinh quan sát trái đất, hay còn gọi là vệ tinh viễn thám đầu tiên, khởi đầu cho hệ thống vệ tinh quan sát trái đất của Việt Nam.

Đây là vệ tinh có thể chụp ảnh những vị trí trên trái đất để phục vụ cho các mục đích như chủ động theo dõi diễn biến của thiên tai, biến đổi khí hậu (đặc biệt là khi xảy ra các sự cố như bão lụt, cháy rừng, tràn dầu…)

Ngoài ra, VNREDSat-1 cung cấp ảnh vệ tinh phân giải cao phục vụ cho việc điều tra, kiểm kê tài nguyên rừng, đất nông nghiệp các loại; chỉnh lý các bản đồ địa hình, xây dựng các bản đồ cấu trúc kiến tạo địa chất phục vụ việc khảo sát thăm dò tìm kiếm khoáng sản; theo dõi sự di chuyển của cá, phục vụ đánh bắt xa bờ…

Cũng cần phải nói rằng, nếu như trước đây để có được các bức ảnh của vệ tinh các cơ quan Việt Nam phải đặt mua về với giá 2.000-5.000 USD/ảnh và mất khoảng 1-2 tháng mới nhận được thì với VNREDSat -1 chúng ta sẽ có được những bức ảnh gần như tức thời tại thời điểm chụp.

– Lộ trình của dự án này được tiến hành ra sao, thưa ông?

Ngày 6/1/2009, Thủ tướng Chính phủ có công văn số 21, đồng ý giao cho Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) thực hiện Dự án “Vệ tinh nhỏ Việt Nam giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai” (VNREDSat-1). Ngoài ra, Thủ tướng cũng thống nhất nội dung báo cáo của Viện, lựa chọn Pháp là nhà cung cấp công nghệ và vốn ODA để thực hiện dự án này.

Ngay sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với các Bộ ngành liên quan-Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã khẩn trương triển khai. Tháng 11/2009, chính phủ Pháp và Việt Nam đã ký nghị định thư tài chính, cấp nguồn kinh phí cho dự án.

Dự án này có tổng mức đầu từ từ vốn ODA của Chính phủ Pháp là 55,8 triệu Euro và vốn đối ứng của Việt Nam là 64.820 triệu đồng.

Tiếp theo, chúng tôi đã tiến hành các bước theo quy định để lựa chọn nhà thầu của Pháp thực hiện dự án. Nhà thầu chính thực hiện dự án VNREDSat-1 là EADS Astrium (Pháp) – công ty lớn thứ ba thế giới về sản xuất vệ tinh dân dụng. Thời điểm chính thức bắt đầu thực hiện dự án là từ tháng 1/2011.

Đến nay, quả vệ tinh VNREDSat-1 được chế tạo tại nhà máy của EADS Astrium tại Toulouse (Pháp) đã hoàn thành các công đoạn kiểm tra, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí để sẵn sàng đưa đến bãi phóng.

Tại Việt Nam, chúng ta đã triển khai ba trung tâm để điều hành, tiếp nhận và xử lý ảnh vệ tinh VNREDSat-1 gồm Trung tâm điều hành (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam); Trung tâm thu phát tín hiệu điều khiển vệ tinh (Khu công nghệ cao Hòa Lạc); Trạm thu ảnh vệ tinh (Bộ Tài nguyên và Môi trường). Hiện tại, các hệ thống lắp đặt ở 3 trung tâm này đã được hoàn thiện và trong tình trạng sẵn sàng tiếp nhận, điều hành và khai thác vệ tinh sau khi phóng thành công.

Về nhân lực, Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam đã cử 15 cán bộ, kỹ sư sang học tập tại Toulouse. Đội này có 2 nhiệm vụ chính là làm chủ quá trình điều khiển, khai thác vệ tinh và bước đầu tiếp cận với các công đoạn trong quá trình thiết kế, chế tạo vệ tinh. Họ được thực tập 1-1,5 năm tùy vị trí và đã hoàn thành xuất sắc đợt đào tạo này.

Ngoài ra, trong khuôn khổ của Dự án, đội kỹ sư (5 người) vận hành hệ thống thu nhận và xử lý tín hiệu ảnh tại Trung tâm Viễn thám Quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng đã tham gia một khóa đào tạo ngắn hạn nâng cao tại Pháp.

Về tới Việt Nam, các nhóm kỹ sư này tiếp tục được các chuyên gia của Pháp tập huấn và đến nay hoàn toàn có thể đảm nhiệm việc điều khiển và vận hành khai thác vệ tinh sau khi phóng thành công lên quỹ đạo.

– Trước VNREDSat-1, Việt Nam đã phóng thành công hai vệ tinh viễn thông là Vinasat 1 và Vinasat 2. Xin ông cho biết điểm khác biệt cơ bản của hai vệ tinh này?

Do mục đích sử dụng khác nhau nên cấu trúc của VNREDSat-1 và Vinasat 1, Vinasat 2 cũng khác nhau để tương thích với nhiệm vụ của nó.

Đặc biệt về quỹ đạo, vệ tinh viễn thông Vinasat 1, Vinasat 2 làm việc ở độ cao khoảng 36.000km cách mặt đất trên quỹ đạo địa tĩnh, tức là có vị trí tương đối không thay đổi so với Việt Nam. Còn vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 nằm trên quỹ đạo đồng bộ mặt trời (SSO) cho phép vệ tinh chuyển động toàn cầu và có khả năng chụp ảnh bằng công nghệ quang học tất cả các vùng trên bề mặt trái đất từ độ cao khoảng 663 km. Tuổi thọ của VNREDSat-1 theo thiết kế là 5 năm, thời gian chụp lặp lại tại một vị trí xác định là 3 ngày.

– Khi nào thì VNREDSat-1 được phóng lên quỹ đạo? Từ thời điểm phóng cho đến khi mặt đất thu được tín hiệu vào khoảng bao lâu, thưa ông?

Vào ngày 8/3 tới, VNREDSat-1 sẽ được đưa đến bãi phóng Kourou ở Guyana (Pháp). Dự kiến ngày phóng vệ tinh này sẽ vào khoảng từ 18-20/4 và sau khi phóng khoảng 7 tiếng là có thể tiếp nhận được những tín hiệu đầu tiên.

– Xin cảm ơn ông!

 

Tác giả