Vì sao Trung Quốc sẽ phải tăng giá đồng Nhân dân tệ

Trung Quốc sẽ phải tăng giá trị đồng tiền của mình, một mặt vì sức ép của phương Tây, mặt khác cũng vì lợi ích của bản thân. Bài viết của nhà kinh tế Mỹ Martin Feldstein.  

Trong những tháng tới, chính phủ Trung Quốc (TQ) sẽ để tỷ giá đồng Nhân dân tệ tăng nhanh hơn so với đồng USD so với năm vừa qua. Trong thời kỳ khủng hoảng tài chính, tỷ giá chuyển đổi bị đóng băng, nhưng từ mùa hè 2010 đã lại được nới lỏng. Nội trong 12 tháng qua, giá trị đồng Nhân dân tệ tăng 6% so với đồng USD Mỹ.

Khi đồng Nhân dân tệ tăng giá nhanh thì xuất khẩu của TQ sẽ giảm và nhập khẩu của TQ sẽ tăng lên. Nhân dịp này các nước châu Á khác có thể tăng cường xuất khẩu của họ. Láng giềng của TQ sẽ hưởng lợi trong khi các nhà doanh nghiệp TQ bị thiệt thòi. Vậy thì tại sao Bắc Kinh lại sẵn sàng chấp nhận sự tăng giá đồng tiền của họ?

Có hai nguyên nhân: thứ nhất chính sách này sẽ giảm rủi ro đối với khối tài sản của TQ, mặt khác điều này sẽ làm giảm lạm phát ở trong nước. Trước hết chúng ta hãy xem xét sự lo lắng của Bắc Kinh về tài sản của họ dưới dạng giấy tờ có giá của nước ngoài. TQ hiện giữ trái phiếu của Mỹ và chứng từ có giá khác của nước ngoài trị giá 3 nghìn tỷ USD và họ đang đứng trước hai nguy cơ rõ rệt: lạm phát ở Mỹ và châu Âu và sự mất giá của đồng USD so với đồng Euro và các đồng tiền khác.

Martin Feldstein là Giáo sư kinh tế tại ĐH Harvard và là Trưởng ban cố vấn về kinh tế dưới thời Tổng thống Ronald Reagan đồng thời là Chủ tịch Cơ quan quốc gia về nghiên cứu kinh tế Laif/Polaris.

Lạm phát ở Mỹ hay ở châu Âu làm giảm giá trị của trái phiếu dựa trên đồng USD hay đồng Euro. Ngay cả khi lạm phát ở Mỹ không tăng nhưng đồng USD mất giá so với đồng Euro hay các ngoại tệ khác  thì cũng làm giảm  sức mạnh của đồng USD khi mua các sản phẩm của châu Âu hay các nước khác. Năm ngoái, sau khi đồng USD mất giá 10% so với đồng Euro (và giảm nhiều hơn nữa so với các ngoại tệ khác) thì sự lo lắng của người TQ là có cơ sở. Khả năng duy nhất của TQ để giảm rủi ro này là giảm khối lượng chứng từ có giá của mình bằng ngoại tệ.

Lý do thứ hai vì sao giới lãnh đạo TQ lại tán thành một đồng Nhân dân tệ mạnh hơn, vì đây là khả năng có thể làm giảm lạm phát ở trong nước (năm ngoái giá tiêu dùng tăng 6,5%). Một đồng nhân dân tệ mạnh sẽ làm cho hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn và có lợi cho người tiêu dùng cũng như doanh nghiệp TQ. Tuy rằng giá một thùng dầu vẫn ở mức 90 USD, nhưng do tỷ giá chuyển đổi đồng Nhân dân tệ so với USD tăng 10% nên giá dầu bằng nhân dân tệ cũng sẽ giảm 10% đối với người tiêu dùng TQ.

Giá nhập khẩu giảm rất có ý nghĩa với TQ vì TQ là nước phải nhập khẩu nhiều loại hàng tiêu dùng, máy móc, thiết bị cũng như nguyên liệu. Hàng năm nhập khẩu của TQ trị giá 1,4 nghìn tỷ USD, gần bằng 40% tổng sản phẩm quốc nội.

Một đồng Nhân dân tệ mạnh tác động giảm giá có hiệu quả hơn so với chính sách tăng lãi suất hiện nay. Trong tương lai điều này còn có ý nghĩa lớn hơn vì TQ chủ trương kích cầu trong nước đặc biệt là khuyến khích các hộ gia đình đẩy mạnh tiêu dùng. Một trong những mục tiêu chính của kế hoạch năm năm lần thứ 12 là, tăng thu nhập cũng như tăng chi dùng của các hộ gia đình nhanh hơn tăng trưởng GDP.

Trong tình hình xuất khẩu như hiện nay thì việc tăng tiêu dùng của các hộ gia đình sẽ dẫn đến thiếu hụt sản xuất điều này sẽ làm tăng nhanh giá hàng hóa sản xuất trong nước. Như vậy có nghĩa là để kích thích tiêu dùng thì phải giảm xuất khẩu – một trong những biện pháp được áp dụng là tăng giá trị đồng Nhân dân tệ.

Kết luận: trong những năm tới đồng USD sẽ tiếp tục mất giá so với đồng Euro và các đồng tiền khác. Người TQ cũng sẽ tăng đáng kể giá trị đồng Nhân dân tệ so với đồng USD, nếu họ muốn tăng giá trị toàn cầu của đồng nhân dân tệ để giảm rủi ro danh mục tài sản  tài chính (portfolio risk) của TQ và khống chế được áp lực lạm phát.

                                                                                                    Xuân Hoài dịch

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)