Việt Nam cần áp dụng nhiều biện pháp để cải thiện chỉ số ĐMST
Tại hội thảo trực tuyến Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2018 ngày 12/7/2018 do Bộ KH&CN và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tổ chức, ông Sacha Wunsch-Vincent – Chuyên viên cao cấp của WIPO, đánh giá, mặc dù còn tồn tại một số hạn chế trong các chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) đầu vào nhưng chỉ số ĐMST đầu ra của Việt Nam lại ở mức cao hơn trong nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp.
Việt Nam có sẵn nguồn nhân lực R&D trong các trường đại học và viện nghiên cứu. Ảnh: Phòng thí nghiệm Robotics của trường ĐH Công nghệ (ĐHQGHN). Nguồn: ĐHQGHN.
Tham dự cuộc họp từ Thụy Sĩ, ông Sacha Wunsch-Vincent và ông Dương Chí Dũng – đại sứ trưởng phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneve (Thụy Sĩ) đã phân tích bảy trụ cột của chỉ số GII 2018 của Việt Nam với năm trụ cột đầu vào là Thể chế (xếp hạng 78/120 quốc gia và nền kinh tế), Nguồn nhân lực và nghiên cứu (66/120), Cơ sở hạ tầng (78/120), Trình độ phát triển của thị trường (33/120), Trình độ phát triển của kinh doanh (66/120) và 2 trụ cột đầu ra là Sản phẩm kiến thức và công nghệ (35/120), Sản phẩm sáng tạo (26/120). Ông Sacha Wunsch-Vincent cho rằng, về tổng thể, Việt Nam đã thực thi nhiều giải pháp đồng bộ và xuyên suốt từ Chính phủ đến các, bộ ngành – điều mà không nhiều quốc gia trên thế giới làm được – để thúc đẩy ĐMST một cách toàn diện. Đây là lý do vì sao chỉ số GII năm 2018 của Việt Nam tăng lên hai bậc với hạng 45/120 và chỉ số ĐMST đầu ra là hạng 41/120.
Với góc nhìn của một chuyên gia kinh tế từng là Giám đốc KHCN, Công nghiệp và phụ trách Chiến lược ĐMST của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), ông cũng nêu vấn đề mà Việt Nam cần tập trung giải quyết, đó là cần cố gắng hơn nữa trong việc cải thiện các chỉ số ĐMST đầu vào để đạt được chỉ số hiệu quả ĐMST cao hơn nữa. “Mặc dù Việt Nam đã làm rất tốt để tạo ra chỉ số ĐMST đầu ra tốt so với năng lực của một quốc gia có trình độ phát triển và thu nhập trung bình thấp nhưng điều đó cũng hàm ý là Việt Nam cũng cần tiếp tục nâng cao những hoạt động ĐMST nhiều hơn nữa”, ông nhấn mạnh.
Trong năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Nghị quyết 19-2018/NQ-CP về việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, giao cho các Bộ KH&CN, GD&ĐT, TT&TT, GT&VT, VHTT&DL làm đầu mối theo dõi quá trình thực hiện của các bộ, ngành phụ trách từng chỉ số. Tuy nhiên, những chuyển biến trong chỉ số của năm trụ cột đầu ra vẫn còn chưa rõ rệt. Ông Sacha Wunsch-Vincent cũng đưa ra một số gợi ý mà Việt Nam có thể áp dụng ngay trong hoàn cảnh hiện nay, ví dụ như trao đổi với một số doanh nghiệp nước ngoài và thuyết phục họ đặt các trung tâm R&D tại Việt Nam. Muốn làm được điều này, “Việt Nam phải thể hiện được năng lực ĐMST của mình trong các lĩnh vực hoạt động của họ”, ông nói.
Việc thuyết phục các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước đầu tư cho R&D không dễ nhưng theo ông Sacha Wunsch-Vincent, Việt Nam có sẵn nguồn nhân lực R&D trong các trường đại học và viện nghiên cứu. Trong quá trình hợp tác với Việt Nam, ông nhận thấy nguồn nhân lực quý này “như ở trong ốc đảo”, vì vậy để phát huy năng lực này, cần xây dựng và vận hành tốt hệ thống ĐMST và hình thành mối liên kết chặt chẽ trường/viện với doanh nghiệp nhằm giải quyết những vấn đề đặc thù của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của thị trường nội địa. Việc cùng nhau giải quyết những vấn đề chung như vậy sẽ phát huy tinh thần ĐMST trong cả hệ thống, qua đó nâng cao năng lực ĐMST trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Đây sẽ là giải pháp để Việt Nam tiếp tục hướng đến những vị trí cao và bền vững hơn trong bảng xếp hạng chỉ số GII toàn cầu trong những năm tới (T.N)