Việt Nam chế tạo thành công vi mạch chuyên dụng mã hóa video

Sản phẩm VNU-UET VENGME H.264/AVC@2014 (gọi tắt là VENGME H.264/AVC), vi mạch chuyên dụng mã hóa video đầu tiên của Việt Nam do Đại học Công nghệ (ĐHQGHN) nghiên cứu chế tạo đã được chuyển giao cho công ty TNHH Giải pháp Thông minh Sài Gòn.     

Lễ ký kết sản phẩm vi mạch VENGME H.264/AVC diễn ra vào ngày 18/5, nằm trong chuỗi các hoạt động khoa học nhân Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 của ĐHQGHN.

VENGME H.264/AVC là kết quả của đề tài nghiên cứu cấp ĐHQGHN “Nghiên cứu và thiết kế bộ mã hóa video cho các thiết bị đa phương tiện thế hệ mới” do PGS. TS Trần Xuân Tú, ĐH Công nghệ, ĐHQGHN chủ trì. VENGME H.264/AVC là vi mạch chuyên dụng thế hệ vi mạch đang sử dụng rộng rãi nhất hiện nay trên thế giới và có độ phức tạp rất cao, tích hợp trên hai triệu cổng lô-gic (tương đương tám triệu transistors).

Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hữu Đức cho biết, hiện trường đang thực hiện sáu chương trình nghiên cứu trọng điểm, trong đó có “Nghiên cứu và chế tạo các linh kiện micro-nano và mạch tích hợp ứng dụng trong các hệ thống đo lường, điều khiển, viễn thông và y tế. Các chương trình này có mục tiêu tham gia chương trình phát triển chín sản phẩm quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 439/QĐ-TTg ngày 16/4/2012. 

Vi mạch là một sản phẩm công nghiệp cơ bản, mấu chốt trong tất cả các sản phẩm công nghiệp, nhất là công nghiệp điện tử. Việc chủ động thiết kế được các dòng vi mạch điện tử có chức năng đa dạng và cập nhật công nghệ hiện đại của thế giới sẽ giúp nâng cao giá trị sản phẩm điện tử sản xuất tại Việt Nam với mức lợi nhuận đến 30%. Ngoài ra, việc nghiên cứu và chế tạo thành công vi mạch còn đóng góp vào công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế tri thức; giảm nhập siêu linh kiện điện tử và giải pháp công nghệ; tạo ra các sản phẩm có ảnh hưởng và tác động lớn đến sự phát triển của nền kinh tế đất nước, có ưu thế cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Việc các nhà khoa học Việt Nam thiết kế và chế tạo thành công chip VENGME H.264/AVC mở ra hướng làm chủ công nghệ điện tử phục vụ an ninh quốc phòng, thiết kế và chế tạo các vi mạch điện tử quan trọng trong hệ thống vũ khí, khí tài quân sự, hệ thống định vị mục tiêu; bảo mật thông tin. Cùng với đó, Việt Nam có thể làm chủ công nghệ điện tử phục vụ an ninh quốc phòng, thiết kế và chế tạo các vi mạch điện tử quan trọng trong hệ thống vũ khí, khí tài quân sự, hệ thống định vị mục tiêu; bảo mật thông tin.

Trên cơ sở thành công này, nhóm nghiên cứu của PGS Trần Xuân Tú sẽ được tiếp tục đầu tư phát triển ứng dụng của vi mạch đã chế tạo và phát triển các thế hệ vi mạch mới có thể cạnh tranh ở tầm quốc tế. Ngoài ra, phòng thí nghiệm Tích hợp thông minh của ĐH Công nghệ sẽ được đầu tư thêm để trở thành một trung tâm đào tạo và thiết kế vi mạch mạnh khu vực phía Bắc.

Đại diện Công ty cung cấp công cụ thiết kế vi mạch Synopsys, ông Darence Tan đã đánh giá, việc thiết kế và chế tạo thành công sản phẩm vi mạch VENGME H.264/AVC đã góp phần khẳng định khả năng làm chủ công nghệ thiết kế vi mạch của người Việt, qua đó mở ra khả năng hợp tác chuyển giao kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước về thiết kế, chế tạo chíp. 

Đại diện của Công ty TNHH Giải pháp Thông minh Sài Gòn, đơn vị ký kết văn bản chuyển chuyển giao công nghệ và hợp tác phát triển thiết bị ứng dụng VENGME H.264/AVC, cho biết, VENGME H.264/AVC có thể mở rộng ứng dụng ở nhiều lĩnh vực của cuộc sống như camera an ninh, camera giao thông, camera giám sát hiện trường hay đơn giản là các camera giám sát tòa nhà, trường học, các địa điểm công cộng… đến các thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy quay video.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)