Việt Nam có thể học gì từ kinh nghiệm khởi nghiệp của Israel?

Người dân Israel vẫn luôn nhận rằng Chúa đã ưu ái ban tặng miền Đất Hứa trù phú, màu mỡ cho họ. Nhưng những trao đổi của các diễn giả trong hội thảo “25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Israel: Chia sẻ kinh nghiệm và sáng kiến vì sự phát triển chung” (Hội thảo), ngày 25/6, cho thấy rằng thực chất sự giàu có, sung túc hôm nay đến từ bàn tay và trí tuệ của người Israel.


Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Minh Thuận

Hội thảo là một trong chuỗi sự kiện kỷ niệm chặng đường 25 năm hợp tác của hai nước, trong đó các chuyên gia từ Israel sẽ chia sẻ các kinh nghiệm trong phát triển vốn con người, chính sách khởi nghiệp và tinh thần đổi mới sáng tạo.

Mở đầu hội thảo, ông Doron Lebovich – phó đại sứ Israel ở Việt Nam dẫn lời tỷ phú Warren Buffet (2006): “Một số người Mỹ đến Trung Đông để tìm dầu mỏ. Chúng tôi đến Trung Đông để tìm trí tuệ, và chúng tôi dừng lại ở Israel” để tổng kết rằng: tài sản quý giá nhất ở đất nước Do Thái này là vốn con người. Hiện nay, Israel có tỷ lệ tiến sĩ, kỹ sư và nhà khoa học cao nhất thế giới (135 người/10.000 dân số), đứng thứ 10 trong bảng xếp hạng HDI và thứ 11 trong số các quốc gia hạnh phúc nhất thế giới vào năm 2011.

Dù mới thành lập được 70 năm (1948 – 2018) và phải trải qua nhiều khó khăn, mất mát cũng như đối đầu với các thế lực thù địch trong khu vực, Israel vẫn vươn lên mạnh mẽ về kinh tế, công nghệ. Đặc biệt, trong những giai đoạn như khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, Israel vẫn tăng trưởng với tốc độ 35%, đứng thứ 2 trong 34 quốc gia thuộc OECD và gần gấp đôi so với tỷ lệ trung bình của OECD, nhờ vào sự ổn định tài chính với hơn 100 tỷ USD dự trữ ngoại hối và nền kinh tế linh hoạt cao – phân bổ đa dạng các lĩnh vực xuất khẩu. Israel cũng là quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thuộc hàng thấp nhất thế giới, đây là hiệu quả của việc mở rộng quy mô nền kinh tế. Ông Lebovich nhận xét: “Trong khi thế giới đang dần mất đi giao dịch nhanh chóng do tự động hóa và robot thì ngành công nghệ cao ở Israel phát minh ra các giao dịch mới thậm chí còn nhanh hơn.”

Con người Israel có đặc trưng là sẵn sàng mạo hiểm, thích đương đầu với thử thách. Ngoài ra, hầu hết người Israel đều là dân nhập cư. Quá trình “lang bạt” khắp thế giới đã trui rèn cho họ tinh thần kinh doanh, không sợ thất bại và tầm nhìn toàn cầu. Đây là những yếu tố quan trọng để có xây dựng được “văn hóa khởi nghiệp” và “quốc gia khởi nghiệp”. Ông Omri Toppol, từ Công ty An ninh thông tin LogDog chia sẻ rằng muốn khởi nghiệp, cần có tinh thần chấp nhận rủi ro, coi thất bại là cơ hội để học hỏi và bước tiếp, đồng thời có mạng lưới rộng và suy nghĩ lớn. Nhận xét về khởi nghiệp ở Việt Nam, ông cho rằng Việt Nam còn tồn tại một số hạn chế như thiếu chuyên gia, khó khăn khi tìm các nguồn đầu tư trong giai đoạn đầu,… và khuyến nghị rằng startup Việt Nam nên tập trung vào Đông Nam Á – đây là một thị trường rất rộng lớn, thay vì nhắm đến Mỹ hay châu Âu.

Đặc biệt, trong hội thảo, các diễn giả đều nhấn mạnh vai trò của Chính phủ trong phát triển kinh tế nói chung và hệ sinh thái khởi nghiệp nói riêng. Một trong những điểm cốt lõi là, sự can thiệp của Chính phủ cần “đúng chỗ, đúng thời điểm” – bởi vì Israel đã phải trải qua “thập kỷ mất mát” (1973 – 1985) với khủng hoảng, siêu lạm phát, thâm hụt sau những chính sách sai lầm về vai trò của Chính phủ trong nền kinh tế. Trước “thập kỷ mất mát” , Israel thực hiện mô hình kinh tế bán xã hội chủ nghĩa, với đa số quyền sở hữu các ngành công nghiệp và dịch vụ thuộc về Chính phủ. Tính độc quyền này và gánh nặng chi tiêu công cho các dòng người nhập cư, cùng với sự hạn chế về hạ tầng đã dần dần đẩy Israel rơi vào khủng hoảng. Chỉ đến khi Israel chuyển đổi mô hình nhằm thoát khỏi tình trạng chính phủ liên đới quá sâu vào nền kinh tế thì mới có thể giảm được chi tiêu công, ổn định lạm phát (từ 400% năm 1985 xuống còn 20% vào năm 1986). Đây là một bài học quý giá của Việt Nam bởi hiện tại chúng ta cũng đang rơi vào tình trạng chi tiêu công quá cao, chiếm tỷ trọng lớn trong GDP, nền kinh tế còn nặng tính độc quyền, sở hữu nhà nước.

Nhìn chung, các kinh nghiệm được chia sẻ trong hội thảo đều có giá trị học hỏi đối với Việt Nam, đặc biệt là kinh nghiệm đầu tư cho nguồn lực con người. PGS.TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh còn dẫn lời cố Tổng thống Shimon Peres: “Vốn liếng duy nhất mà chúng ta có thể sử dụng chính là con người” và so sánh với câu tục ngữ “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” để thấy rằng hai quốc gia đều hiểu rằng đầu tư cho con người là chìa khóa cho thành công tương lai. Cụ thể, để Việt Nam học hỏi kinh nghiệm phát triển quốc gia khởi nghiệp của Israel, hai nước đang ngày càng có nhiều hoạt động hợp tác liên quan đến lĩnh vực khởi nghiệp, Israel còn cung cấp chuyên gia về khởi nghiệp để hỗ trợ Việt Nam.

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)