Việt Nam hướng tới GDP/đầu người 18 nghìn USD/năm vào 2035

Trong buổi lễ công bố báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, sáng tạo, Công bằng và Dân chủ” diễn ra sáng nay (23/2) tại Hà Nội, đại diên phía chủ nhà Việt Nam cũng như phía Ngân hàng Thế giới đều khá thẳng thắn trong việc chỉ ra những hạn chế và thách thức cho sự phát triển của Việt Nam trong giai đoạn tới.


Với sự có mặt của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng nhiều bộ trưởng trong nội các Chính phủ Việt Nam, Chủ tịch Jim Yong Kim cùng một số lãnh đạo Ngân hàng Thế giới, các đại sứ quốc tế, buỗi lễ công bố báo cáo đã diễn ra trong không khí cởi mởi, nhìn thẳng vào những vấn đề gây trở ngại cho tiến trình phát triển lâu dài của Việt Nam, đó là năng suất bình quân còn thấp so với khu vực, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động lạc hậu, cơ chế về quyền sở hữu vốn, đất đai, các tài chưa thực sự vận hành theo cơ chế thị trường mà còn chi phối nặng nề bởi mệnh lệnh hành chính… Phát biểu của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh bày tỏ sự lo ngại về tình trạng cấu trúc nhà nước cát cứ, manh mún và thiếu trách nhiệm giải trình; quyền giám sát cũng như quyền dân chủ đại diện của người dân chưa được đảm bảo.

Báo cáo “Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, sáng tạo, Công bằng và Dân chủ” xác định ba trụ cột quan trọng mà báo cáo khuyến nghị Việt Nam cần tập trung xây dựng trong giai đoạn tới là thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường, công bằng và hòa nhập xã hội, và nhà nước có năng lực cùng trách nhiệm giải trình. Mỗi trụ cột đều kèm theo những khuyến nghị thiết thực, đặc biệt với trụ cột ba về xây dựng nhà nước có năng lực giải trình đã đề ra những giải pháp cụ thể như xây dựng hệ thống hành chính dựa trên chế độ chức nghiệp thực tài, áp dụng nguyên tắc thị trường đối với các quyết sách kinh tế, tăng cường đảm bảo các quyền tài sản, tự do hóa thị trường các nhân tố sản xuất… Trao đổi từ buổi lễ công bố, các bên cho biết một mục tiêu quan trọng đặt ra cho Việt Nam trong năm 2035 là đưa mức thu nhập bình quân đầu người đạt mức trung bình cao (tức 18 nghìn USD/năm hoặc cao hơn, tính theo sức mua tương đương).

Báo cáo là kết quả từ sáng kiến chung của Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới, được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Jim Yong Kim chấp thuận vào tháng 7 năm 2014, kế tiếp đó là 19 tháng nỗ lực nghiên cứu, xây dựng, soạn thảo của các chuyên gia của Việt Nam và Ngân hàng Thế giới dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và ông Axel van Trotsenburg, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Jim Yong Kim của Ngân hàng Thế giới bày tỏ đánh giá cao việc các lãnh đạo hiện tại của Việt Nam không ngủ quên trên thành tựu đã qua của thời kỳ Đổi mới, tỉnh táo nhìn ra những khó khăn phía trước. Về phía Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết cá nhân ông đã học hỏi được nhiều trong thời gian hợp tác cùng các chuyên gia Ngân hàng Thế giới xây dựng Báo cáo, và khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ cân nhắc các khuyến nghị của Báo cáo trong quá trình hoạch định, thực hiện các chiến lược, chính sách phát triển đất nước, trước mắt trong giai đoạn tới năm 2020, và tiếp theo là 2020-2030.

Tác giả

(Visited 5 times, 1 visits today)