VINIF lần đầu tài trợ các dự án trong lĩnh vực Văn hóa – Lịch sử

Qua bốn năm triển khai, lần đầu tiên Quỹ VINIF mở rộng tài trợ các dự án Văn hóa Lịch sử sau thời gian đầu chỉ tài trợ các dự án Khoa học Công nghệ.

PGS. TSKH Phan Thị Hà Dương – Giám đốc điều hành Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup – chia sẻ về thành quả của các dự án. 

Cách đây gần 2 năm, trong một buổi hội thảo nhỏ, PGS.TSKH Phan Thị Hà Dương – Giám đốc điều hành Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) – đã chia sẻ từ năm 2021, Quỹ dự định triển khai chương trình tài trợ các dự án và hội thảo về văn hóa, lịch sử. Để chuẩn bị cho chương trình này, Quỹ VINIF đã tổ chức buổi hội thảo như một dịp “để các nhà khoa học, nhà văn hóa, nghệ sỹ cùng tham gia thảo luận, trả lời câu hỏi: Làm thế nào để bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử và phát huy văn hóa đọc”, PGS. Hà Dương chia sẻ. Ngay trong năm đó, Quỹ đã mở mới chương trình Lưu giữ các giá trị Văn hóa Lịch sử năm 2021 và tài trợ cho một số dự án văn hóa như “Bảo tồn và phát triển nghề thủ công truyền thống gắn với du lịch vùng Công viên địa chất non nước Cao Bằng” (Viện Dân tộc học – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì), “Kiều tầm nguyên hay Truyện Kiều trong di cảo Hoàng Xuân Hãn” (Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam chủ trì)…

Mới đây, ngày 25/10, tại “Lễ công bố & sơ kết các dự án KH&CN và Văn hóa Lịch sử”, trong gần 90 tỷ đồng tài trợ cho các dự án nghiên cứu khoa học, VINIF đã công bố 5 dự án Văn hóa – Lịch sử và 9 sự kiện mà quỹ lần đầu tài trợ, thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau như dự án “Bảo tồn nghi lễ và dân ca nghi lễ của người Dao ở Việt Nam” do Phân hiệu Đại học Thái Nguyên ở tỉnh Lào Cai thực hiện, “Chuông và minh chuông chùa Việt Nam từ thời Bắc thuộc đến đời Lê (thế kỷ VIII đến thế kỷ XVIII)” do Đại học Phương Đông thực hiện. Nhìn lại những thay đổi sau gần hai năm từ khi Quỹ bắt đầu tiết lộ dự định tài trợ cho các chương trình văn hoá – lịch sử cho đến bây giờ, PGS. Phan Thị Hà Dương cho rằng, đây là một buổi lễ đặc biệt, “không chỉ vì mấy năm qua, chúng ta không thể tổ chức một lễ công bố với đầy đủ các chủ nhiệm dự án, các hiệu trưởng, viện trưởng của các đơn vị chủ trì, mà quan trọng hơn, đây là lần đầu tiên chúng tôi được đón chào các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử, các văn nghệ sĩ tham gia chương trình Lưu giữ các giá trị Văn hóa lịch sử”.

Trong đợt mở quỹ này, VINIF vẫn lựa chọn các đề tài KH&CN để tài trợ: từ 150 hồ sơ, thuộc 15 lĩnh vực như Y sinh, Y dược, Vật lý, Vật liệu, Môi trường, Công nghệ thông tin…, các hội đồng xét duyệt 19 dự án, trong đó đáng chú ý như “Thiết kế, tổng hợp và đánh giá tác dụng sinh học của các dẫn chất tetrazol đa chức năng mới hướng dùng điều trị bệnh Alzheimer” do Trường Đại học Dược Hà Nội chủ trì, “Nghiên cứu phát triển hệ thống tự động hoá quy trình trưởng thành noãn trong ống nghiệm tăng cường trên chip” do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) chủ trì v.v. Đại diện VINIF cho biết, tất cả các dự án nhận tài trợ đều đáp ứng đầy đủ 5 tiêu chí họ đề ra, bao gồm: mức độ cần thiết của đề tài; năng lực nghiên cứu của tác giả; cơ sở vật chất của đơn vị thực hiện; tính sáng tạo, ý nghĩa khoa học; tác động tới kinh tế – xã hội; tính thuyết phục của mục tiêu cũng như giá trị của sản phẩm, dịch vụ.


Ký kết tài trợ dự án “Asen trong lúa gạo Việt Nam: Hiện trạng, dự báo xu hướng trong tương lai và các giải pháp giảm thiểu” do trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) chủ trì. 

Bên cạnh việc hỗ trợ tài chính, VINIF sẽ đồng hành cùng đội ngũ nghiên cứu trong việc tiếp cận nguồn lực khoa học, kết nối với mạng lưới chuyên gia tư vấn và truy cập cơ sở dữ liệu lớn từ hệ sinh thái Vingroup. Đặc biệt, một số dự án khoa học định hướng ứng dụng cũng sẽ được VINIF tư vấn đăng ký bảo hộ bằng độc quyền sáng chế và giới thiệu nguồn đầu tư để tiếp tục triển khai vào các sản phẩm, giải pháp thực tiễn.

Cũng tại buổi lễ, VINIF đã tiến hành sơ kết các dự án được nhận tài trợ trong ba năm qua. Đến nay, VINIF đã đồng hành cùng 102 dự án KH&CN với tổng kinh phí tài trợ lên đến 530 tỷ đồng. Về Văn hóa – Lịch sử, sau hai năm triển khai, VINIF cũng hỗ trợ gần 8 tỷ đồng để phát triển 8 dự án và 11 sự kiện. Những dự án trên bước đầu đã cho thấy hiệu quả thực tiễn với các sản phẩm đa dạng từ hệ thống, thiết bị, phần mềm, cơ sở dữ liệu đến công bố khoa học và bằng sở hữu trí tuệ trong nước cũng như quốc tế. Từ quá trình tài trợ này, Quỹ ghi nhận được 430 công bố khoa học tại các tạp chí Q1 và hội thảo quốc tế uy tín  160 sản phẩm dạng phần mềm, cơ sở dữ liệu; 100 sản phẩm dạng máy móc, thiết bị; 100 sản phẩm dạng quy trình công nghệ; 60 nghiên cứu được chấp nhận và cấp bằng sở hữu trí tuệ trong nước và quốc tế, đặc biệt có dự án được thương mại hóa với doanh thu hàng chục tỷ. “Với tên gọi Đổi mới sáng tạo, chính bản thân Quỹ cũng không ngừng sáng tạo, trong thời gian qua, nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội, chúng tôi đã mở mới chương trình Lưu giữ các giá trị Văn hóa Lịch sử năm 2021. Trong hai năm, Quỹ đã tiếp nhận 51 đơn đăng ký tài trợ dự án, trong đó có 07 dự án và 13 sự kiện được tài trợ, phối hợp với 34 đơn vị tổ chức như các đại sứ quán, viện nghiên cứu, trường đại học, cục lưu trữ, bảo tàng, nghệ sĩ…”, PGS. TSKH Phan Thị Hà Dương nói.

Dù vậy, chị cũng nhấn mạnh VINIF không chạy theo những con số định lượng hay thành tích hình thức. “Việc xét chọn dựa một phần lớn vào năng lực của nhóm nghiên cứu, hơn là vào số lượng chẳng hạn bài báo mà họ cam kết. Vì với kinh nghiệm làm khoa học và quản lý trong nước và tại các đại học quốc tế, chúng tôi hiểu giá trị của một dự án là ở chất lượng công việc, ở những vấn đề mà dự án giải quyết, ở hàm lượng khoa học hay ý nghĩa ứng dụng của kết quả. Với quan niệm đó, các công trình là hệ quả tất yếu của kết quả nghiên cứu chứ không phải là đích đến”.

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)