VISSAN: Đầu tư triệu đô xây nhà máy hiện đại

Những đầu tư cho các hoạt động đổi mới sáng tạo về nâng cao công nghệ và xây dựng hệ thống phân phối đã đưa công ty TNHH MTV Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) từ một doanh nghiệp bên bờ phá sản trở thành đơn vị dẫn đầu ngành chế biến thực phẩm Việt Nam.

Khởi nguồn của các hoạt động đổi mới sáng tạo ở Vissan đều từ tổng giám đốc Văn Đức Mười, người không ngừng học hỏi trong suốt quá trình làm việc tại công ty, dù ở cương vị nào. Ông Văn Đức Mười đã theo học ĐH Kinh tế T.PHCM hệ tại chức, tự trau đồi vốn ngoại ngữ và tham gia nhiều khóa học ngắn hạn về kinh doanh tại Thụy Sỹ trước khi bước lên cương vị điều hành công ty.

Trong quá trình điều hành Vissan, ông Văn Đức Mười nhận định: “Chúng tôi ý thức rằng để phát triển bền vững luôn luôn phải đổi mới, có sự cải cách mạnh mẽ, tập trung nguồn lực để đầu tư nâng tầm thương hiệu Vissan”. Và để hoạt động đổi mới sáng tạo đạt hiệu quả cao, theo ông Mười “đòi hỏi lãnh đạo bộ máy phải đổi mới trước”.

Nâng cao chất lượng nhà máy chế biến

Xác định giá trị cốt lõi là cung ứng cho thị trường những mặt hàng thực phẩm tươi sống và chế biến đạt chất lượng an toàn thực phẩm và giữ nguyên giá trị dinh dưỡng, Vissan đã mạnh dạn đổi mới công nghệ với chiến dịch “sạch từ trang trại đến bàn ăn”.

Để thực hiện được chiến dịch này, trước hết Vissan xây dựng khu tồn trữ gia súc đủ sức chứa một vạn con lợn và bốn nghìn con bò, tránh hiện tượng “đứt” nguồn cung cấp và rơi vào thế bị động trong sản xuất. Bên cạnh đó, Vissan còn thành lập xí nghiệp chăn nuôi Gò Sao (TP.HCM) được trang bị kỹ thuật hiện đại có khả năng xuất xưởng 2.500 lợn nái giống và 40.000 lợn thịt hàng năm.

Sau đó, Vissan nhập ba dây chuyền giết mổ lợn đạt công suất 2.400 con/ca và hai dây chuyền giết mổ bò công suất 300 con/ca. Nhằm đảm bảo giữ nguyên liệu và thành phẩm ở mức tốt nhất, Vissan đã xây dựng hệ thống kho lạnh với cấp độ khác nhau, có sức chứa trên 2000 tấn hàng.

Với mục đích đa dạng hóa sản phẩm, Vissan đã tự trang bị cho mình hệ thống dây chuyền sản xuất chế biến thịt nguội nhập từ Pháp và Tây Ban Nha với công suất 5.000 tấn/năm, hệ thống chuyên sản xuất xúc xích tiệt trùng theo thiết bị, công nghệ nhập khẩu từ Nhật Bản với công suất 10.000 tấn/năm, hệ thống dây chuyền sản xuất chế biến đồ hộp với công suất 5.000 tấn/năm theo thiết bị và công nghệ châu Âu.

Đầu tư nâng cấp hệ thống phân phối

Sau khi bị gián đoạn việc xuất khẩu ở thị trường Đông Âu, Vissan đã chuyển hướng phát triển kênh bán lẻ, chinh phục trở lại thị trường nội địa. Ngoài thị trường miền nam, Vissan còn mở rộng ra cả miền trung và miền bắc, chính thức đánh dấu nhận diện thương hiệu trên phạm vi cả nước.

Tránh hiện tượng hàng ứ đọng tồn kho và sản phẩm không đến được với người tiêu dùng, Vissan đã tập trung xây dựng, mở rộng hệ thống phân phối trên phạm vi toàn quốc. Riêng trong năm 2012, Vissan đã đầu tư 100 tỷ đồng nâng cấp hệ thống phân phối để giới thiệu sản phẩm. Ngoài mục đích này, Vissan còn mong muốn tiếp nhận những phản hồi của người tiêu dùng và để giúp công ty dưa ra những chính sách, chiến lược phù hợp với yêu cầu, đón đầu xu thế thị trường…

Qua đợt đầu tư quyết liệt này, Vissan đã tái cấu trúc chính sách kinh doanh, tỷ lệ lợi nhuận với các nhà phân phối và đại lý, chuyển đổi 1.000 đại lý thành 100 nhà phân phối. Song song với đó, Vissan còn dành 100 tỷ đồng nâng cấp, huấn luyện nhân lực để hỗ trợ các nhà phân phối chào hàng. Những “cánh tay nối dài” của Vissan đã góp phần vào việc xác định sức sản xuất của các nhà máy trực thuộc công ty và quá trình cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Dự án triệu đô cho cụm công nghiệp

Những thành công trong việc chiếm lĩnh thị trường đã đem lại lợi nhuận hàng nghì tỷ đồng mỗi năm cho Vissan. Trong năm 2012, tổng doanh thu của công ty đạt 4.320 tỷ đồng, lợi nhuận 150 tỷ đồng và nộp ngân sách 250 tỷ đồng.

Từ thành công này, Vissan đã lập kế hoạch mở rộng sản xuất với dự án Cụm công nghiệp Chế biến thực phẩm Vissan trên diện tích 22,4 ha tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An, cụm công nghiệp đầu tiên có quy mô lớn về chế biến thực phẩm của Việt Nam. Dự kiến tổng mức đầu tư hoàn chỉnh cho cụm công nghiệp là 150 triệu USD; riêng giai đoạn năm 2011- 2015 là 100 triệu USD.

Theo dự án này, cụm công nghiệp sẽ gồm nhà máy giết mổ lợn, công suất 360 con/giờ; nhà máy giết mổ bò, công suất 60 con/giờ; nhà máy giết mổ gia cầm, công suất 2.000 con/giờ; nhà máy chế biến thực phẩm với tổng công suất 75.000 tấn/năm; hệ thống cấp đông, trữ đông và trạm xử lý nước thải.

Toàn bộ các nhà máy đều được xây dựng khép kín liên hoàn, kết nối chặt chẽ các khâu giết mổ đến chế biến cũng như các khâu phụ trợ như đóng gói, sản xuất bao bì thực phẩm, chế biến gia vị cùng nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng đi kèm.

Trong giai đoạn hai, từ năm 2015 đến năm 2020 sẽ triển khai xây dựng thêm nhà máy chế biến các sản phẩm từ phó sản động vật, mở rộng ngành hàng thực phẩm cao cấp có giá trị gia tăng cao. Cụm công nghiệp này sẽ đủ khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế như ISO, HACCP… về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Doanh thu từ cụm công nghiệp này dự kiến sẽ đạt 15.000 tỉ đồng vào năm 2020 và 25.000 tỉ đồng năm 2025.

 

Tác giả

(Visited 8 times, 1 visits today)