Vòng tay khoa học

Lịch sử loài người có thể được coi như bắt đầu từ cách đây khoảng 200 nghìn năm khi người tinh khôn ra đời. Còn lịch sử các cộng đồng có thể coi như bắt đầu cách đây khoảng 10 nghìn năm, khi con người phát minh ra nông nghiệp và sinh sống dưới dạng quần cư.


Trường Hè Khoa học Việt Nam tổ chức ở Quy Nhơn năm 2020. Ảnh: Trang fanpage của Trường Hè Khoa học.

Những bước chuyển thời đại

Lịch sử loài người có thể được coi như bắt đầu từ cách đây khoảng 200 nghìn năm khi người tinh khôn ra đời. Còn lịch sử các cộng đồng có thể coi như bắt đầu cách đây khoảng 10 nghìn năm, khi con người phát minh ra nông nghiệp và sinh sống dưới dạng quần cư. 

Nhưng ngạc nhiên thay, trình độ phát triển của các quốc gia hiện thời, và kéo theo đó là vị thế và số phận của các quốc gia đó trên trường quốc tế, lại được quyết định bởi một khoảng thời gian rất ngắn, chỉ khoảng 250 năm trở lại đây, tức là chỉ từ khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất bắt đầu, từ khoảng nửa sau của thế kỷ 18. 

Trước đó, tất cả các quốc gia đều được tổ chức và vận hành trên nền kinh tế nông nghiệp và tiểu thủ công. Tuy trình độ phát triển có chênh lệch khác nhau, nhưng về cơ bản, các quốc gia vẫn nằm trên cùng một mặt bằng chung và thuộc về cùng một thời đại.

Tuy nhiên, khi động cơ hơi nước ra đời và được đưa vào sử dụng rộng rãi trong các nhà máy, tàu hỏa, tàu thủy ở nước Anh… vào khoảng nửa sau của thế kỷ 18 thì câu chuyện đã khác hẳn. Một phương thức sản xuất mới – sản xuất công nghiệp – được khai sinh. Và rất nhanh sau đó, dưới sự thúc đẩy của công nghệ và sự mở rộng thị trường qua việc xâm chiếm các nước thuộc địa, nền sản xuất đại công nghiệp ra đời. Lúc đó, người ta chưa gọi đây là cách mạng công nghiệp, mà gọi là thời kỳ cơ khí hóa trong sản xuất. 

Nước Anh là quê hương của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 1 này. Vì lẽ đó, nước Anh làm bá chủ thế giới trong suốt thế kỷ 19 cũng là điều dễ hiểu. 

Rồi sau đó hơn 100 năm, đến cuối thế kỷ 19, điện và động cơ điện ra đời, được đưa vào sử dụng rộng khắp trong đời sống và sản xuất thì đã làm phát sinh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2. Kết hợp với quá trình cơ khí hóa trước đó, thời kỳ này thường được gọi là điện khí hóa. 

Những phát minh đột phá về điện và động cơ điện ra đời ở nước Mỹ. Chính vì thế, nước Mỹ đã thay thế nước Anh để thống trị thế giới trong thế kỷ 20, âu cũng là điều dễ hiểu.

Những ai đã từng học qua môn kinh tế chính trị hẳn còn nhớ một câu thường xuyên được trích dẫn: Chủ nghĩa cộng sản là chính quyền Xô-viết cộng với điện khí hóa toàn quốc. 


Ba cuốn sách khoa học cho thiếu nhi do TS. Giáp Văn Dương viết. Ảnh: giapcoach.com

Tại sao lại là điện khí hóa toàn quốc? Vì đơn giản đó là đỉnh cao của phương thức sản xuất công nghiệp mà loài người đã được chứng kiến cho đến lúc đó. 

Nhưng câu chuyện không dừng lại. Chỉ sau đó khoảng 70 năm, mạch điện tử IC ra đời, làm phát sinh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3, với sự xuất hiện của đồ điện tử, robot, dây chuyền tự động, ti vi, điện thoại, máy tính, mạng internet… Đây là thời kỳ điện tử hóa và tự động hóa.

Ngoài các nước Âu Mỹ đã làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2 và vẫn giữ nhịp phát triển, thì một số nước mới ở châu Á đã bắt được làn sóng công nghiệp lần thứ 3 này để hồi phục hoặc vươn lên, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, và gần đây nhất là Trung Quốc. 

Nhưng cũng chỉ khoảng 50 năm sau đó thôi, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 xuất hiện, vào đúng những ngày tháng mà chúng ta đang sống này, với sự ra đời dữ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano, công nghệ gene… như chúng ta đã biết qua truyền thông đại chúng. 

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này chắc chắn sẽ thay đổi tận gốc rễ phương thức sản xuất và cách thức vận hành xã hội của các quốc gia, tương tự như những gì ba cuộc cách mạng trước đây đã thực hiện. 

Đó là bốn sơ lược về bốn cuộc cách mạng công nghiệp, cũng là bốn bước chuyển lớn của thời đại trong khoảng 250 năm vừa qua, quyết định vị thế và vận mệnh của các quốc gia như chúng ta thấy hiện thời.

Giờ nhìn lại những bước chuyển này, chúng ta thấy:

Thứ nhất, nguyên nhân tạo ra và động lực thúc đẩy các cuộc cách mạng công nghiệp này là khoa học. Chính sự ra đời và phát triển của khoa học trong thời kỳ trước đó đã tạo ra các cuộc cách mạng công nghiệp này. 

Mỗi khi có một đột phát lớn về khoa học, những công nghệ sản xuất mới sẽ được tạo ra, hình thành nên những nền công nghiệp mới. 

Chính vì thế, khoa học chính là nguyên nhân trực tiếp tạo ra, đồng thời là động lực thúc đẩy sự phát triển của các cuộc cách mạng công nghiệp. 

Vì lẽ đó, trình độ phát triển của khoa học và công nghệ quyết định trình độ phát triển của các quốc gia, đặc biệt là ở các quốc gia có quy mô dân số cỡ vài chục triệu trở lên như Việt Nam, vì với quy mô như thế, đất nước không thể phát triển chỉ nhờ làm dịch vụ. 

Thứ hai, không chỉ tạo ra các công nghệ sản xuất mới, khoa học còn tạo ra cách thức tư duy, cách thức làm việc, cách thức tổ chức đời sống và vận hành xã hội mới. Các khái niệm như tinh thần khoa học, tư duy khoa học, làm việc khoa học, tổ chức khoa học, sống khoa học… đã trở thành phổ biến và lan tỏa mọi ngõ ngách của đời sống. Nói cách khác, tinh thần khoa học đã trở thành tinh thần thời đại ở các nước công nghiệp, phát triển.

Thứ ba, trong hai cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên, Việt Nam là kẻ ngoài lề. Khi hai cuộc cách mạng công nghiệp này diễn ra, chúng ta ở trong hoàn cảnh rất bi đát: Mất độc lập, chiến tranh hoặc chia cắt, 95% dân số mù chữ và không có ý niệm gì về sự phát triển của thế giới. 

Còn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 thì hoàn cảnh của chúng ta cũng không khá gì hơn: Chiến tranh, chia cắt, dân trí thấp và bị cô lập với phần lớn thế giới. Đến khi chiến tranh thực sự kết thúc và Việt Nam bắt đầu hội nhập với thế giới vào đầu những năm 1990 thì đã quá trễ. Chuyến tàu công nghiệp 3.0 đã rời ga và chúng ta là kẻ lỡ tàu.

Cơ hội lịch sử

Nhìn lại ba cuộc cách mạng công nghiệp trước đây như thế, chúng ta sẽ thấy, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này sẽ là cơ hội vô cùng lớn cho sự phát triển của Việt Nam. 

Thật vậy, đây là lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta biết và được tham gia một cuộc chơi lớn, toàn cầu ngay từ những ngày đầu, trong hoàn cảnh không có chiến tranh, không có chia cắt, dân số đủ trẻ và dân trí đủ cao để tham gia cuộc chơi này. 

Vì thế, đây là cơ hội lớn và chưa từng có trong lịch sử của chúng ta. Cơ hội này không phải do chúng ta tạo ra, mà do thời đại mang tới. Trách nhiệm của chúng ta là phải nhận rõ nó và làm chủ được nó nếu muốn thay đổi số phận và vị thế của chúng ta trên trường quốc tế.

Trong cuộc chuyển mình đó, mỗi người Việt Nam đều có trách nhiệm đóng góp phần công sức của chính mình. Các chính khách sẽ đóng góp theo cách của chính khách. Các doanh nhân sẽ đóng góp theo cách của doanh nhân. Các nhà khoa học sẽ đóng góp theo cách của nhà khoa học. Các nhà văn, nhà báo, văn nghệ sĩ, và nhiều tầng lớp xã hội khác… sẽ đóng góp theo cách của riêng họ. 

Tất cả đều phải hướng đến mục tiêu làm chủ được cơ hội lịch sử này để cất cánh, trở thành một nước phát triển, có vị thế trên trường quốc tế. 

Đó chính là hành trình Khai trí – Kiến quốc mà nhiều thế hệ người Việt đã khởi xướng và từng bước thực hiện, nay cần thế hệ chúng ta hoàn thành thông qua việc nắm bắt cơ hội lịch sử này. 

Với tôi, ngay từ trước khi trở về và cho đến tận bây giờ, tôi đã chọn sẽ đóng góp phần sức lực nhỏ bé của mình trong hai lĩnh vực giáo dục – đào tạo và phổ biến khoa học cho đại chúng. 

Mong muốn thì nhiều, nhưng việc làm cũng chưa được bao nhiêu. Một phần vì nguồn lực hạn chế, phần khác là vì phải làm quen trở lại và ổn định công việc và cuộc sống, trong một môi trường vừa cũ lại vừa mới. 

Giờ nhìn lại, thấm thoát đã tám năm kể từ ngày trở về, những điều mình làm được thực quá ư bé nhỏ, đến mức nhiều khi cảm thấy ngượng ngùng với chính bản thân mình. Những lúc như thế, chỉ biết tự nhủ: Chỉ cần kiên định, sẽ có nhiều người cùng bước.

Và đúng là trên hành trình ấy có nhiều người cùng bước thật. Ngay cả với các dự án chưa thành công tôi đều nhận được những động viên và an ủi đáng quý.

Điều đặc biệt là trên hành trình đó, chúng tôi đã tìm thấy cộng đồng và sự kết nối với nhau. Không chỉ giữa những người cùng thế hệ, mà còn giữa các thế hệ với nhau. Chia sẻ cùng giá trị và bầu không khí khoa học. Nhiều khi thân thuộc như cùng một gia đình. 

Viết đến đây, bỗng nhiên tôi thấy phải nêu ra một ví dụ, như một hoa trái của tinh thần cộng tác vô vị lợi trên hành trình xiển dương khoa học. Đó là Trường hè Khoa học Việt Nam, được tổ chức hằng năm, đến hè này là sang năm thứ chín.

Ban đầu, Trường hè chỉ là nơi ba người bạn quen nhau khi còn làm việc ở Singapore, muốn cùng nhau làm một điều gì đó cho các thế hệ trẻ, những người đi sau mình, những người muốn bước chân vào con đường khoa học, nhưng không biết bắt đầu tư đâu và như thế nào. 

Nhưng rất nhanh sau đó, Trường hè đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà khoa học. Cho đến mấy năm trở lại đây, năm nào Trường hè cũng đào tạo cho khoảng 180 học viên, với sự tham gia của 10-15 nhà khoa học, và sự bảo trợ của Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE, Quy Nhơn).

Với mục đích xiển dương khoa học và giúp cho các học viên thấu hiểu về nghề làm khoa học, chuẩn bị tốt các kỹ năng và tâm thế để trở thành nhà khoa học, trong tám năm qua, rất nhiều cựu học viên của Trường hè lựa chọn khoa học và từng bước làm khoa học như một sự nghiệp. 

Tuy chưa có thống kê đầy đủ, nhưng rất nhiều học viên Trường hè đã tự tìm học bổng để đi du học sau đó, và hơn 40 cựu học viên Trường hè đã hoặc đang làm tiến sĩ, một số đang làm nghiên cứu sau tiến sĩ ở nhiều nước trên thế giới. 

Ngoài ra, trong một vài năm gần đây, một số mô hình tương tự như Trường hè Khoa học đã bắt đầu xuất hiện. Việc xiển dương khoa học và gây dựng cộng đồng khoa học trẻ đã không còn là những đốm lửa nhỏ leo lét như khoảng chục năm về trước nữa. 

Những biểu hiện đó, cùng với các phong trào xã hội khác, như xây dựng văn hóa đọc, xuất bản sách khoa học, cộng hưởng với phong trào khởi nghiệp và sản xuất công nghiệp của một số tập đoàn lớn… hứa hẹn sẽ mang lại một sức sống mới cho khoa học và công nghệ ở Việt Nam. 

Để đến một lúc nào đó, tinh thần khoa học không chỉ là một khái niệm ở trong sách vở và trường học, mà thực sự trở thành một thứ tinh thần thời đại, phổ biến và lan tỏa đến mọi ngõ ngách của đời sống trên mảnh đất này. 

Vòng tay và hơi ấm

Tuy mong đợi tinh thần khoa học đến một ngày nào đó sẽ bén rễ sâu trên mảnh đất này, và trở thành một thứ tinh thần của thời đại, để đưa đất nước tiến lên, thoát khỏi thân phận của một nước nghèo, giành được vị thế xứng đáng trên trường quốc tế, nhưng tôi cũng luôn ý thức được những mặt trái mà khoa học có thể mang lại cho con người và xã hội. 

Trong số những mặt trái đó, đáng lưu ý nhất có lẽ là sự hiệu quả và lạnh lùng của lý trí có thể sẽ làm nhạt đi hơi ấm và những cảm xúc thiêng liêng mà chỉ con người mới có được. 

Khoa học thuộc về lý trí, thuộc về thực tại khách quan và logic sắc lạnh. Nhưng con người lại có cả trái tim, vòng tay và hơi ấm tình người, và trú ngụ trong thế giới chủ quan – nội tâm của chính mình. 

Vì thế, nếu chỉ tôn sùng khoa học mà bỏ qua các giá trị về cảm xúc, nghệ thuật, đạo đức và tôn giáo; nếu chỉ hướng đến thế giới khoa học – khách quan mà bỏ qua thế giới nội tâm – chủ quan thì khi lên đến cực đoan, khoa học có thể sẽ làm nghèo nàn tâm hồn con người, suy giảm tính người và gây hại cho xã hội.

Vì lẽ đó, trên hành trình xiển dương khoa học, chúng ta cũng đồng thời cần xiển dương văn hóa, nghệ thuật và đạo đức, cũng như cần bảo vệ sự kết nối với tự nhiên, sự thiêng liêng của đức tin và sự cao quý của tâm hồn con người. 

Chúng ta dùng khoa học để truy tìm chân lý, nhưng chỉ chân lý không thôi thì chưa đủ, mà phải cân bằng trong một tổng thể Chân – Thiện – Mỹ – Hòa.  

Nếu không, dù có được khoa học, thì chúng ta sẽ đối mặt với việc đánh mất cân bằng trong đời sống cá nhân và xã hội, và qua đó, từng bước đánh mất chính bản thân mình. □

Tác giả