Worldbank đánh giá cao năng lực cạnh tranh của Đồng Tháp

Được biết đến như một địa phương nằm sâu ở miền Tây Nam Bộ, cơ sở hạ tầng giao thông tương đối kém, thủ tục hải quan chậm… nhưng gần đây Đồng Tháp lại trở thành điểm đến hấp dẫn cho sản xuất kinh doanh và xuất khẩu nông sản, thu hút vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu đô la Mỹ. Worldbank đã có một bài đánh giá về những thay đổi đáng ngạc nhiên ở Đồng Tháp.

Với các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội ở Việt Nam, Đồng Tháp chưa hẳn là địa phương đầu tiên họ nghĩ đến. Nằm sâu ở miền Tây Nam Bộ, Đồng Tháp được coi là vùng xa – để lái xe từ sân bay gần nhất đến đó cũng phải mất ba tiếng. Cơ sở hạ tầng giao thông tương đối kém, mà mới gần đây vẫn còn phức tạp do không đủ cầu bắc qua dòng Cửu Long. Đây là địa phương nổi tiếng vì thủ tục hải quan chậm trễ, có thể gây gián đoạn chuỗi cung ứng.

Trong bối cảnh thách thức trên, tại sao doanh nghiệp Nhật Bản Kameda Seika lại chọn Đồng Tháp để thành lập Thiên Hà Kameda, liên doanh với một công ty gạo lớn nhất Việt Nam? Trong đợt công tác vừa qua tại Việt Nam, chúng tôi đã biết được nhiều hơn về hướng đi để Đồng Tháp trở thành điểm đến hấp dẫn cho sản xuất kinh doanh và xuất khẩu nông sản.

Đoàn công tác Nhóm NHTG chuẩn bị thăm cơ sở sản xuất bánh gạo hiện đại tại Đồng Tháp. Ảnh: Worldbank.

Kameda Seika không phải mới đến Việt Nam. Trước đó vài năm, nhà đầu tư này đã thành lập một cơ sở sản xuất tại miền trung Việt Nam. Tuy nhiên, do hạ tầng kém, các vấn đề về an toàn môi trường liên quan đến xả thải phân bón và môi trường đầu tư chưa tối ưu khiến cho họ phải tìm phương án khác. Đồng Tháp có điều kiện lý tưởng về khí hậu và thổ nhưỡng để sản xuất lúa, nhưng phải nói là chính môi trường kinh doanh thân thiện với nhà đầu tư và các hoạt động xúc tiến đầu tư tích cực mới giúp cho địa phương này nổi lên trở thành điểm đến cạnh tranh nhất.

Hiện chưa có nhiều nghiên cứu về tác động của các chính sách đầu tư của địa phương và chính quyền cơ sở đối với việc làm và tăng trưởng. Tuy nhiên, câu truyện ở Đồng Tháp cho thấy những nỗ lực xúc tiến đầu tư có mục tiêu có thể đem lại lợi thế riêng cho địa phương so với các đối thủ cạnh tranh khác, qua đó người dân địa phương được hưởng lợi trừ tiếp từ đầu tư mới.

Con đường dẫn đến cạnh tranh trên toàn cầu

Kể từ năm 2014, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp với Nhóm Ngân hàng Thế giới để hiện đại hóa phương thức xúc tiến đầu tư của địa phương. Chính sự phối hợp này đã giúp giải quyết được những hạn chế quan trọng trong thu hút và giữ chân nhà đầu tư tại địa phương. Cụ thể, ba thay đổi chính sách dưới đây đã góp phần đem lại kết quả tích cực tại Đồng Tháp:
 
Thể chế hóa về xúc tiến đầu tư và dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư

Đồng Tháp đã chính thức thể chế hóa bộ phận quan hệ nhà đầu tư, là đầu mối để tiếp cận nhà đầu tư, tạo thuận lợi đầu tư, hỗ trợ nhà đầu tư gia nhập và chăm sóc sau gia nhập.

Chú trọng quan hệ Nhà nước – Nhà đầu tư

Địa phương chủ động tăng cường quan hệ với nhà đầu tư mới và hiện có. Nhà đầu tư tiềm năng được quan tâm tới từng cá nhân ở bộ phận quan hệ nhà đầu tư, còn nhà đầu tư hiện có được sử dụng cơ chế phản hồi cho nhà đầu tư cởi mở (và sáng tạo) của địa phương. Cứ mỗi buổi sáng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân dành một giờ để nhà đầu tư chất vấn và thảo luận các vấn đề về kinh doanh trên bàn cà phê. 
 
Định hướng theo kết quả thực hiện

Đồng Tháp theo dõi chất vấn và khiếu nại của nhà đầu tư một cách có hệ thống, đồng thời thực hiện khảo sát quan điểm của nhà đầu tư. Dữ liệu về hoạt động đầu tư thực tế và những rào cản mà nhà đầu tư mới, tiềm năng và hiện có đang phải đối mặt là căn cứ để địa phương xử lý những trở ngại quan trọng trong hoạt động đồng thời là căn cứ xác định những lĩnh vực cần đổi mới trong thời gian tới.

Các nỗ lực xúc tiến đầu tư của Đồng Tháp là phương tiện để truyền đạt lợi thế cạnh tranh của địa phương với các nhà đầu tư tiềm năng, như Kameda Seika. Khi chính quyền địa phương chủ động giải quyết những quan ngại và yêu cầu của các nhà đầu tư, chính quyền gây dựng được lòng tin với các nhà đầu tư để họ coi địa phương là điểm đến làm ăn kinh doanh khả thi. Nhìn chung, những đổi mới này và chính hoạt động đầu tư của Kameda Seika đã chứng tỏ thay đổi chính sách đầu tư có thể tác động tích cực đến các nhà đầu tư.
 
Kết quả 

Các nhà đầu tư cả trongvà ngoài nước, như Kameda Seika, đã ghi nhận nỗ lực của Đồng Tháp trong quan hệ với nhà đầu tư.

Thể chế hóa công tác xúc tiến đầu tư, tạo thuận lợi và chăm sóc sau đầu tư giúp địa phương có được sự quan tâm đáng kể từ các nhà đầu tư kinh doanh nông nghiệp. Điều đó được phản ánh qua số lượng truy vấn tăng hơn gấp đôi và đầu tư tăng nhiều lần. Lòng tin và cảm nhận của nhà đầu tư về năng lực cạnh tranh của địa phương được cải thiện dẫn đến kết quả có thêm 6 nhà đầu tư nước ngoài và 42 nhà đầu tư trong nước. Đến nay Đồng Tháp đã thu hút được thêm 200 triệu US$ vốn đầu tư, trong đó có 138 triệu US$ đầu tư tromg nước và 62 triệu US$ của nhà đầu tư nước ngoài.

Sau sáng kiến cải cách trên, dòng vốn đầu tư đã tăng tới 21 triệu US$ mỗi năm so với mức khiêm tốn là 3 triệu US$ trong những năm trước cải cách. Đầu tư mới, kết hợp với cải thiện về công nghệ, giúp các cơ sở sản xuất nông nghiệp và canh tác theo hợp đồng hội nhập được với các chuỗi giá trị thực phẩm nông sản, tạo ra việc làm mới và có chất lượng.

Liên doanh Thiên Hà Kameda sau đó đã xây dựng một tổ hợp công nghiệp hiện đại ở Đồng Tháp, nổi bật trên quang cảnh nông thôn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cơ sở sản xuất tiên tiến này chế biến gạo chất lượng cao thành bánh gạo để xuất khẩu cho các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và châu Âu. Cơ sở sản xuất này có nhiều đóng góp cho kinh tế địa phương, tạo thêm 300 việc làm có chất lượng và là địa chỉ tiêu thụ sản vật của địa phương như gạo và dầu. Bên cạnh chế biến để xuất khẩu, doanh nghiệp còn có dây truyền riêng để sản xuất bánh gạo cho thị trường Việt Nam, theo nhu cầu và khẩu vị riêng của người tiêu dùng. Qua các buổi làm việc giữa đoàn công tác và quản lý nhà máy cho thấy, doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng sản xuất để đáp ứng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, qua đó tạo thêm 200 việc làm.

Theo dữ liệu khảo sát các quốc gia của Báo cáo năng lực cạnh tranh đầu tư toàn cầu (GIC) (2017/2018), xúc tiến đầu tư và dịch vụ cho nhà đầu tư có vai trò quan trọng đối với các nền kinh tế đang có nhiều rào cản về thu hút nhà đầu tư. Báo cáo cũng cho biết các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn đến các dịch vụ cho hoạt động hơn là hỗ trợ thành lập. Kinh nghiệm của Đồng Tháp chứng tỏ kết luận đó là đúng đắn. Là một địa phương vùng xa ở đồng bằng sông Cửu Long, công tác xúc tiến đầu tư chủ động đã giải quyết được những rào cản về thông tin và tạo ra vị thế cạnh tranh cho các nhà đầu tư nước ngoài về chế biến nông phẩm. Ngoài những hỗ trợ về gia nhập và thành lập, cách tiếp cận của địa phương nhằm chủ động quản lý quan hệ và cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư, đã tạo điều kiện để Đồng Tháp nổi lên trở thành điểm đến đầu tư được ưa chuộng. Đó là kết quả không tưởng mới chỉ chưa đến bốn năm về trước.

Nguồn tin: Worldbank Việt Nam. 

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)