Xác định thành phần hóa học cùng đặc tính sinh học của cây Hoàng liên gai
Họ Berberidaceae có 17 chi và khoảng 650 loài, phân bố chủ yếu ở Bắc bán cầu, có nguồn gốc từ các vùng nhiệt độ ấm áp, bao gồm Việt Nam. Trong họ này, Berberis L. là chi phong phú nhất với khoảng 500 loài. Ở nước ta, 6 loài Berberis gồm B. hypoxantha, B. kawakami, B. julianae, B. sargentiana, B. subacuminata và B. wallichiana,phân bố chủ yếu ở vùng núi đá vôi các tỉnh phía Bắc.
Hoàng liên gai (Berberis Wallichiana) hay còn được gọi là Hoàng mù, Hoàng mộc, Nghêu hoa là loại thuốc có vị đắng, tính hàn. Theo y học cổ truyền, dược liệu này thường được dùng để chữa lành vết thương, kiết lỵ, sốt, bệnh về mắt, vàng da, nôn mửa khi mang thai, thấp khớp, chữa đau răng, ăn uống không tiêu, sỏi thận và sỏi mật, cùng một số bệnh lý khác.
Đây là một giống cây bụi, có thể cao đến 2-3 mét. Thân vỏ có màu vàng xám nhạt, có nhiều cành nhỏ vươn dài. Thân thường phân thành nhiều đốt, mỗi đốt dưới thường có một chùm 3 – 4 lá, dưới mỗi chùm lá có gai ba nhánh.
Thành phần hóa học chính của các loài trong chi Berberis là alkaloid, steroid, glycoside, flavonoid, saponin, terpenoid và đường khử. Các chất chuyển hóa thứ cấp và alkaloid (trong đó quan trọng nhất là berberine) từ những loài này có đặc tính kháng khuẩn, kháng nấm, kháng virus, trị đái tháo đường và chống khối u.
Tại Việt Nam, tuy hoàng liên gai được dùng để chế thuốc từ lâu, song thành phần hóa học và hoạt tính sinh học vẫn chưa được làm rõ. Nhận thấy tiềm năng cây hoàng liên gai, TS. Bùi Văn Thanh và các nhà khoa học từ Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) đã bắt tay vào nghiên cứu loại dược liệu cổ truyền này.
Nhóm đã thu thập cây hoàng liên gai từ tỉnh Lào Cai. Thân cây được phơi khô và nghiền thành bột. Tiếp theo, bột dược liệu (500gr) được chưng cất bốn tiếng trong thiết bị chiết xuất tinh dầu bằng hơi nước Clevenger. Tinh dầu thu về được tách ra và làm khô bằng muối MgSO4 khan, rồi bảo quản ở -5oC. Sau đó, nhóm dùng phương pháp phân tích sắc ký khí khối phổ để xác định các thành phần trong tinh dầu.
Có năm mươi ba hợp chất hóa học được tìm ra, chiếm tới 93,3% tổng thành phần từ tinh dầu của cây. Hợp chất nhiều nhất là safrole (22,28%), tiếp theo là α-cedrene, (E)-caryophyllene, cedrol, và α-cadinol (chiếm từ 2,06% tới 4,91%). Ngoài ra còn có một hợp chất chưa xác định chiếm tỷ lệ lớn (15,9%) hứa hẹn là mục tiêu nghiên cứu tiếp theo.
Kế tiếp, các nhà nghiên cứu chiết xuất bột dược liệu (5kg) bằng methanol trong bể siêu âm trong 45 phút. Họ cô lại hỗn hợp dung dịch và thu được chiết xuất thô (100gr). Phần chiết được thả lơ lửng trong dung dịch HCl 10%, rồi được phân chia liên tiếp ba lần trong etyl axetat (EtOAc) theo tỷ lệ 1:1.
Quá trình tách chiết được lặp lại và kết quả thu được một phần không phải alkaloid và năm alkaloid là: berberine, oxyberine và berberal,noroxyhydrastine, 8-oxypalmatine.
Berberine, một trong năm alkaloid được tìm ra, thể hiện khả năng ức chế dòng tế bào ung thư biểu mô tuyến tiền liệt ở người và kháng viêm. Còn 8-oxypalmatine cho thấy cả hoạt động chống ung thư và chống viêm. Hơn nữa, các alkaloid có tỷ lệ cao cùng phần không phải alkaloid cũng cho thấy khả năng ức chế tạo ra oxit nitric.
Đây là lần đầu tiên thành phần hóa chất thực vật của cây Hoàng liên gai được xác định, cũng như đánh giá được hoạt tính sinh học của chúng.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí BioResources thuộc nhóm Q3.
Khúc Liên