Xây dựng tập đoàn kinh tế mạnh hay giàu quyền lực?
“Dù tốc độ tăng doanh thu, lợi nhuận những năm qua của các tập đoàn, tổng công ty tương đối cao, nhưng kết quả đạt được chưa tương xứng với vốn liếng có trong tay. Đồng thời Đoàn cũng cho rằng cơ chế hiện hành có không ít bất cập, trở ngại cho sự lớn mạnh của các tập đoàn, tổng công ty“, trên đây là trích đoạn nhận xét của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi công bố kết quả giám sát về quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước ngày 13-08-2009 vừa qua.
Các số liệu cho thấy tổng nguồn vốn của 90 tập đoàn và tổng công ty Nhà nước (TĐ&TCTNN) thống kê được đến hết năm 2008 ước khoảng 1 triệu 241 nghìn tỉ đồng; nghĩa là chiếm giữ tới 80% tổng lượng vốn tín dụng của các ngân hàng trong nước, 70% tổng lượng vốn vay nước ngoài, cùng với các đặc quyền khai thác đất đai và hầu như toàn bộ các hầm mỏ, các tài nguyên quốc gia quan trọng khác. Với vốn liếng như vậy, 90 đơn vị kinh tế anh cả đỏ này làm ra khoảng 40% GDP, tạo ra gần 40% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 50% kim ngạch xuất khẩu, đem lại khoảng gần 30% tổng thu nội địa, giải quyết việc làm ước khoảng 4% lực lượng lao động cả nước (toàn bộ lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước chiếm khoảng 10% lao động cả nước)…
Đoàn giám sát cho rằng nhiều TĐ&TCTNN đóng vai trò là công cụ quan trọng của Nhà nước trong việc điều tiết thị trường, ổn định giá cả; đi đầu trong việc thực hiện các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về giải quyết việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và đền ơn, đáp nghĩa; là lực lượng chủ yếu mở rộng phạm vi hoạt động đến tận các địa bàn nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… những nơi vốn Nhà nước cấp phát ban đầu còn hạn chế, hạ tầng cơ sở còn yếu kém để thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội…
Qua những thông tin được đưa lên báo chí, được biết đợt giám sát này Đoàn đã làm việc trực tiếp với 15 tập đoàn và tổng công ty (tính đến cuối tháng 7-2009). Phân tích công bố của Đoàn giám sát, nổi lên các vấn đề cần đặc biệt quan tâm là:
– Một số TĐ&TCTNN ra đời theo mô hình hành chính, nghĩa là chủ yếu bằng các biện pháp sắp xếp, lắp ghép, chứ không phải thông qua các biện pháp đầu tư vào nhau và qua sự phát triển của các hoạt động kinh doanh gắn kết hữu cơ với nhau. Hệ quả là phần nhiều TĐ&TCT hình thành theo mô hình này chỉ có cái “vỏ”, còn mối quan hệ giữa các công ty thành viên với nhau khá tách biệt, lỏng lẻo, hầu như không tạo ra được sức mạnh liên kết nào; phương thức quản lý, sản xuất, kinh doanh không có sự cải thiện đáng kể. Vì là “vỏ” nên cá biệt có TĐ hay TCT không ôm đồm nổi.
– Một số đơn vị kinh tế quốc doanh lớn vốn dĩ là chuyên ngành, song đang phát triển theo con đường “bành trướng” sang nhiều ngành khác từ khi trở thành TĐ hay TCT. Sự “bành trướng” sang các ngành khác này một mặt lấn át sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, tranh mất thị phần đáng kể lẽ ra nên dành cho các đơn vị kinh tế nhỏ hơn hoặc các thành phần kinh tế khác để cả nước cùng nhau phát triển. Mặt khác sự bành trướng này khuyến khích xu thế chạy theo lợi nhuận và làm giảm bớt nguồn lực cho phát triển ngành chính của TĐ hay TCT. Các TĐ hay TCT theo mô hình bành trướng này càng hoạt động đa ngành thì sự thao túng của chúng càng lớn.
– Một số TĐ&TCT đã không thực hiện được nhiệm vụ bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu. Riêng năm 2006, có tới 38 TĐ&TCT có hệ số an toàn vốn vượt ngưỡng cho phép gấp ba lần, năm 2008 vẫn còn 31 đơn vị ở trong tình trạng này. Nhiều TĐ&TCT lớn có tổng nợ cao gấp hơn 10 lần vốn sở hữu. Báo chí cho biết riêng Tập đoàn Vinashin có tổng nợ cao gấp 25 lần vốn sở hữu.
– Báo cáo của Đoàn cho thấy không có một cơ quan Nhà nước nào – dù là một Bộ hay là SCIC (Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước)- có thể nắm đầy đủ thực trạng vốn của các TĐ và TCT, cũng như không có một cơ quan đầu mối nào của Nhà nước chịu trách nhiệm chính về quản lý vốn, về tài sản và việc đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu mà chủ sở hữu là Nhà nước giao cho các TĐ và TCT. Thay vào đó là tình trạng quản lý chồng chéo, cắt khúc, không thể nào thực hiện được sự công khai minh bạch, Nhà nước càng không thể thực hiện được đúng vai trò nhất thiết phải có của mình là chủ sở hữu mà nhân dân giao phó cho. (Thậm chí có một vài Bộ trưởng đã phải thừa nhận là hoàn toàn bất lực trước mọi quyết định của TĐ hay TCT).
Chung quanh vấn đề giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển đưa ra nhận xét rất đáng quan ngại: Không ít các TĐ và TCT xa rời nhiệm vụ chính của mình, lấn sân vào những lĩnh vực mà lẽ ra nên khuyến khích các thành phần kinh tế khác cùng tham gia. Đó là những hoạt động lập ngân hàng riêng, đầu tư chứng khoán, địa ốc, bảo hiểm… Có những TĐ và TCT có số nợ lớn hơn nhiều lần vốn sở hữu mà vẫn ném tiền vào các hoạt động “lấn sân” như vậy. Đã xảy ra nhiều trường hợp thua lỗ, thất thoát rất nặng nề (Đoàn cho biết cho đến nay không thể thống kê được con số cụ thể, vì các đơn vị này không khai báo đầy đủ; tuy nhiên xin lưu ý: Thị trường chứng khoán và thị trường địa ốc trong nhiều tháng của các năm 2007 – 2008 tổn thất khoảng 1/3 đến 1/2 tổng giá trị, qua đó có thể ước lượng số tài sản thất thoát). Kết quả giám sát của Đoàn cũng cho thấy có một số TĐ và TCT đã đầu tư vào lĩnh vực tài chính hơn 2.000 tỷ đồng, trong khi vẫn kêu với Nhà nước là thiếu vốn. Đoàn cũng thu thập được thông tin có tới 47 TĐ và TCT thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài” theo kiểu “lấn sân” như vậy, với tổng số tiền đầu tư tính đến hết 2008 là hơn 21.000 tỷ đồng…, vv…
Một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng khác là các TĐ và TCT với tất cả uy quyền và ảnh hưởng của mình đang nắm giữ trong tay khoảng 380.000 ha đất, nhưng nhìn chung hiệu quả sử dụng thấp, có nhiều lãng phí lớn. Ông Hà Văn Hiền cho biết không thể lấy đủ thông tin từ các TĐ và TCT để nêu lên chính xác thực trạng này. Song báo chí cho biết riêng một vài TĐ và TCT tại TP.HCM đang nắm giữ hàng triệu m2 đất đai, sử dụng rất lãng phí hoặc không đúng mục đích, Tập đoàn Vinashin vẫn còn tới hàng trăm ha đất chưa sử dụng, tình trạng một số TĐ và TCT là chủ đầu tư chiếm dụng hàng trăm ha đất cho các sân golf, biệt thự cao cấp hay các resort không phải là hiếm hoi… Khỏi phải nói trong khi đó doanh nghiệp các thành phần kinh tế khác “vất vả” như thế nào trong việc tìm kiếm mặt bằng cho cơ sở sản xuất kinh doanh của mình, vân… vân…
Có thể nói Đoàn giám sát của Quốc hội mới chỉ làm được một số mẫu “sinh thiết”. Tuy nhiên những “mẫu sinh thiết” này cũng đủ cho thấy các anh cả đỏ của nền kinh tế quốc dân còn nhiều vấn đề nghiêm trọng, tồn đọng từ nhiều năm nay, song tất cả vẫn giẫm chân tại chỗ, không được giải quyết1. Chung quy lại vẫn là những vấn đề: (1)Xử lý quyền sở hữu của Nhà nước thế nào là tối ưu? (2)Xác định vai trò của kinh tế quốc doanh trong nền kinh tế mới chuyển đổi như thế nào, để phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế cả nước ta trong giai đoạn phát triển hiện nay. (3)Tập đoàn kinh tế quốc doanh ở Việt Nam nên được xác lập và phát triển như thế nào là phù hợp với Luật doanh nghiệp và là tối ưu nhất cho đất nước trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập. (4)Thực hiện công khai minh bạch và sự đối xử bình đẳng các thành phần kinh tế trước pháp luật, vân… vân…
Đáng chú ý là tất cả những vấn đề vừa nêu trên chưa được đề cập thỏa đáng và hầu như chưa được xử lý trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định “Về hình thành, tổ chức, hoạt động và giám sát đối với các tập đoàn kinh tế Nhà nước” đang diễn ra. Thực tế này đang gây ra tranh cãi. Bên cạnh những ý kiến tán thành việc soạn thảo Nghị định này, có không ít ý kiến bác bỏ quyết liệt, vì cho là nó mâu thuẫn với nội dung cốt lõi của Luật doanh nghiệp là khuyến khích tự do kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, đối xử bình đẳng các thành phần kinh tế trước pháp luật và đòi hỏi công khai minh bạch.
Công bố của Đoàn giám sát tuy không nêu lên, song dựa vào những nhận xét cụ thể Đoàn đã đưa ra để nhìn lại tình hình các TĐ và TCT Nhà nước trong vài năm gần đây thấy nổi lên một vấn đề lớn: Nền kinh tế nước ta ngày càng nhiều TĐ và TCT giàu quyền lực, song nhìn chung vẫn còn nhiều TĐ và TCT là các đơn vị kinh tế yếu – yếu về hiệu quả kinh tế đạt được so với vốn liếng và nhiều lợi thế khác có trong tay, yếu so với các đối tác hay đối thủ cạnh tranh có tầm cỡ tương đương với mình ở trong nước hay trên thị trường nước ngoài. Vai trò quả đấm thép lẽ ra phải mở đường cho nền kinh tế cả nước đi lên, song nhiều trường hợp lại hướng vào đấm bên trong! Riêng quy định cho phép các TĐ và TCT được dành không quá 30% tổng vốn của mình cho kinh doanh trái nghề và những hiện tượng lấn sân Đoàn giám sát nêu ra đủ nói lên điều này.
Hiện tượng giàu quyền lực khá nổi bật ở chỗ khả năng “lobby” của các TĐ và TCT rất lớn không kiểm soát được, tác thành đáng kể vào nhiều quyết định kinh tế quan trọng – điển hình là việc cho phép ra đời một số ngân hàng riêng của các TĐ và việc mang về cho đất nước ngày càng nhiều công trình kinh tế lớn của đầu tư từ Trung Quốc dưới dạng chìa khóa trao tay (hợp đồng EPC) với công nghệ hạng 2, 3 gì đó, tiêu hao nhiều nguyên liệu và năng lượng, không thân thiện với môi trường, gây lãng phí lớn… (ví dụ một số nhà máy nhiệt điện, nhà máy luyện đồng Sinh Quyền, nhà máy alumin đang xây dựng..; Bộ Công thương đưa ra một nhận xét khái quát: Tiêu thụ năng lượng để làm ra một đơn vị sản phẩm ở nước ta cao gấp đôi so với Thái Lan, Malaysia, vv…)! Chính hiện tượng giàu quyền lực của các TĐ và TCT đã trực tiếp thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển theo xu thế trọng về số lượng và coi nhẹ chất lượng. Hơn thế nữa, sau gần 3 thập kỷ phát triển công nghiệp mà nước ta vẫn còn phải nhập vào quá nhiều công trình của đầu tư nước ngoài dưới dạng chìa khóa trao tay, mọi thứ đều được nhập khẩu từ A đến Z (thậm chí có nơi là cả cái hố xí bệt!), với công nghệ lạc hậu như vậy là điều không thể chấp nhận được. Kéo theo các công trình chìa khóa trao tay này là hiện tượng lao động Trung Quốc ồ ạt nhập cư trái phép với nhiều hệ quả khôn lường. Trong khi đó công nghiệp nước ta đã làm ra hoặc xuất khẩu những sản phẩm công nghiệp có công nghệ tiên tiến hơn! Báo chí nhức nhối về chuyện các nhóm lợi ích.
Nếu lấy Vinashin và một số đơn vị tương tự khác làm ví dụ, còn có thể đi đến kết luận: Sự giàu có về quyền lực của TĐ và TCT thường tỷ lệ nghịch với sức mạnh kinh tế của bản thân những đơn vị kinh tế ấy. Nếu thực hiện được công khai minh bạch, bức tranh về sự giàu có quyền lực của các TĐ và TCT chắc sẽ rõ nét hơn. Bài học về sự lũng đoạn của các Cheabol dẫn tới sự sụp đổ của kinh tế Hàn Quốc năm 1997 vẫn còn nguyên vẹn giá trị thời sự với nước ta.
Hiện trạng của các TĐ và TCT Nhà nước cho thấy: Ưu tiên lúc này không phải là xây dựng Nghị định về TĐ kinh tế Nhà nước một cách miễn cưỡng và cứ tiếp tục cho ra đời các TĐ mới thuộc sở hữu Nhà nước. Đúng hơn ưu tiên lúc này là phải đẩy mạnh cải cách các TĐ và TCT thuộc sở hữu Nhà nước để thực hiện nghiêm túc Luật doanh nghiệp. Sự nghiệp xây dựng đất nước không đòi hỏi phải có các TĐ và TCT giàu quyền lực, nhưng lại rất cần có các TĐ kinh tế mạnh, dù trong hay ngoài quốc doanh, được hình thành không phải theo mô hình hành chính hay mô hình bành trướng, mà hình thành trong quá trình phát triển tất yếu của sản xuất kinh doanh, đủ sức làm những động cơ mạnh thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển. 1
————
1 Tham khảo thêm: Nguyễn Trung, bài Mô hình tập đoàn Nhà nước và mối lo vượt tầm kiểm soát http://www.tuanvietnam.net/vn/ sukiennonghomnay/4756/index.aspx và bài Cải cách tập đoàn Nhà nước và một chữ “Dám”.
http://www.tuanvietnam.net/vn/sukiennonghomnay/4757/index.aspx, trên Tuần Việt Nam, ngày 9 và ngày 10-09-2008.