Xem xét thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm KH&CN Quốc gia

Sau Quỹ Phát triển KH&CN (Nafosted), Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ Khởi nghiệp KH&CN, Bộ KH&CN tiếp tục nghiên cứu mô hình Quỹ đầu tư mạo hiểm nhằm tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp mới thành lập đầu tư phát triển công nghệ cao, công nghệ mới.

Tại buổi làm việc vào chiều ngày 3/6 do Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh chủ trì, Viện Chiến lược chính sách KH&CN đã trình bày những kinh nghiệm thành công của mô hình Quỹ Đầu tư mạo hiểm ở nước ngoài, đặc biệt tại Mỹ, Israel, Trung Quốc…, qua đó gợi mở nhiều ý tưởng về mô hình, cách vận hành Quỹ cũng như những đối tượng chính thụ hưởng ưu đãi về vốn từ Quỹ tại Việt Nam.

Trên thực tế, Việt Nam chưa có chính sách cụ thể nào quy định về việc khuyến khích thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm, tuy bắt đầu có những Quỹ đầu tư hoạt động theo phương thức mạo hiểm như IDG Venture, Mekong Capital, Vina Capital. Tuy nhiên do các quỹ này thường hướng tới đối tượng chính là các công ty đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán, hoạt động từ hai năm trở lên và chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực bất động sản, thương mại điện tử, truyền thông giải trí, mạng xã hội. Rất hiếm hoi các dự án về công nghệ cao, công nghệ mới ở giai đoạn khởi nghiệp nhận được đầu tư từ các quỹ này. Vì vậy việc thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia được coi là một trong những giải pháp quan trọng giúp huy động nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp KH&CN, nhất là khi các doanh nghiệp này có cơ hội tiếp cận vốn vay để đầu tư trực tiếp vào các công nghệ mới và công nghệ cao.

Tuy nhiên theo phân tích của ông Tạ Doãn Trịnh, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách KH&CN, vốn của nhà nước chỉ mang tính chất xúc tác, tạo cú hích để doanh nghiệp đầu tư vào phát triển công nghệ chứ không phải để sinh lời. Ở nhiều nước, đặc biệt là Mỹ, người lập ra các Quỹ đầu tư mạo hiểm là tư nhân nhưng ở một số nước khác như Trung Quốc, Israel…, chính phủ đóng vai trò thành lập và rót vốn ban đầu, bên cạnh việc tạo dựng môi trường đầu tư, chính sách chung.

Với trường hợp của Việt Nam, vai trò đầu tư ban đầu của nhà nước là không thể thiếu, tuy nhiên, để Quỹ hoạt động hiệu quả, cần phải làm rõ cơ chế vận hành, vai trò giám sát của nhà nước đối với công tác điều hành, thực hiện đầu tư nhằm kịp thời khắc phục những vấn đề phát sinh, ảnh hưởng đến môi trường hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Học tập kinh nghiệm thành công của quốc tế, ông Tạ Doãn Trịnh cho biết, để hạn chế rủi ro mất vốn đầu tư, Quỹ Đầu tư mạo hiểm ở cấp quốc gia của Việt Nam cần hoạt động với hai hình thức là đồng đầu tư (nhà nước và doanh nghiệp cùng bỏ vốn) và quỹ trong quỹ, trong đó đầu tư vào những dự án đã được quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân lựa chọn. 

Theo những đề xuất ban đầu, đối tượng thụ hưởng của những ưu đãi về vốn vay từ Quỹ Đầu tư mạo hiểm sẽ là doanh nghiệp tư nhân mới thành lập từ sáu đến 18 tháng có ý tưởng đầu tư vào phát triển công nghệ mới, công nghệ cao và những doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển công nghệ thuộc định hướng ưu tiên của quốc gia.

Từ những nghiên cứu và tổng hợp kinh nghiệm quốc tế này, Viện Chiến lược chính sách KH&CN sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện văn bản để tham mưu cho Bộ KH&CN đề xuất với Chính phủ ban hành chính sách nhằm khuyến khích tư nhân thành lập hoặc liên kết với nhà nước để thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm phát triển công nghệ mới, công nghệ cao, dự kiến vào cuối năm 2015. Trước đó, Viện Chiến lược Chính sách KH&CN sẽ tiếp tục mời các chuyên gia quốc tế tư vấn, trao đổi kinh nghiệm về thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm, đồng thời lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành có liên quan.

 

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)