Xóa tan hiểu lầm trong bức tranh của Vermee

Các nhà khoa học đã có những khám phá giúp loại bỏ những hiểu lầm tồn tại cả thế kỷ trong kiệt tác "Mistress and Maid" của danh họa Hà Lan thế kỷ 17 Johannes Vermeer.

Mistress and Maid (Cô chủ và người hầu gái). Vermeer. Nguồn: Wikipedia

Những câu hỏi

Giữa nhiều bức họa của Vermeer, Mistress and Maid (Cô chủ và người hầu gái) nổi bật lên bởi sự khắc họa những hình ảnh lớn trên nền tranh phẳng lặng và tối sẫm: hai người phụ nữ, một là cô chủ tao nhã và người hầu gái của cô, cùng nhìn vào bức thư tình trong tay cô chủ. Được vẽ vào năm 1666–1667, bức họa cho thấy người phụ nữ trẻ khoác áo choàng màu vàng viền lông thú sang trọng, ánh xanh lam tỏa ra từ khăn trải bàn bằng lụa và cái tạp dề của cô hầu. Hai người phụ nữ ở bên bàn, đang trong hoạt động thường ngày của họ. Ánh sáng trong bức tranh này tỏa rạng từ bên trái, hắt qua khuôn mặt của cô hầu rồi chiếu thẳng lên toàn bộ gương mặt cô chủ và soi rọi làn da trắng mịn như đá cẩm thạch. Tuy chỉ nhìn thấy một nửa khuôn mặt của cô, người ta vẫn thấy cái nhìn có phần dò xét, nghi ngại, đôi môi hé mở và những ngón tay xinh xinh tì nhẹ lên cằm như muốn dò hỏi điều gì. Có thể nội dung có phần khó hiểu và mơ hồ của bức thư từ người tình nhân khiến cô cảm thấy khó hiểu. Các phần sáng của tấm áo khoác vàng sáng càng nổi bật trên cái nền tăm tối. Những viên ngọc trai, một biểu tượng quan trọng về sự giàu có và xa hoa trong thời kỳ này, lấp lánh trên cổ của cô chủ.

Tất cả cho thấy đây thực sự là một bức họa mang đặc trưng của Vermeer. Các dấu ấn của ông thể hiện khắp nơi nơi, từ gam màu ưa thích là màu vàng và màu xanh lam đến đối tượng ông phản ánh – những cô gái ở không gian quen thuộc là trong nhà. Sinh hoạt đời thường là chủ đề ưa thích của Vermeer, như các bức The Milkmaid (Người rót sữa), Woman Holding a Balance (Người phụ nữ cầm cân)…

Bức họa Cô chủ và người hầu gái mô tả mối quan hệ có phần khăng khít của cô chủ và người hầu gái trong một hành động ưa thích của thế kỷ 17-18 là viết thư và nhận thư – những chủ đề được ưa thích của văn học nghệ thuật thời kỳ này. Nó cũng cho thấy kỹ thuật vẽ vô cùng điêu luyện của Vermeer: ​​những nét vẽ xuất sắc tô điểm nếp gấp của chiếc áo choàng màu vàng sáng và nếp gấp của khăn trải bàn; những đường cọ ngắn tô đậm độ tương phản ánh sáng và bóng tối làm nổi lên tia nhấp nháy của ánh sáng phản chiếu trên các món đồ thủy tinh trên bàn; và các chấm của nghệ thuật vẽ impasto điểm ánh sáng lung linh của những viên ngọc trai.

Vào năm 1919, Henry Clay Frick, một nhà công nghiệp, nhà tài chính và người bảo trợ nghệ thuật người Mỹ, đã mua bức họa này, bổ sung vào bộ sưu tập ba bức tranh của Vermeer và sau mang tên bộ sưu tập Frick, khi ông hiến cho bảo tàng Met ở New York. Tuy nhiên, sáng tác tương đối đơn giản này đã trở thành một nguồn cơn tranh cãi cho các học giả trong vòng nhiều thập kỷ. Nhiều người đề xuất là trong cái khung nền tối sẫm và trống rỗng, thấp thoáng một tấm màn ở đó, có thể chỉ dấu rằng bức họa này đã tồn tại trong xưởng vẽ của Vermeer và danh họa không kịp hoàn thành nó do qua đời vì bệnh tim ở tuổi 37 và rút cục được một bàn tay khác hoàn thiện để có thể bán được giá. Tuy nhiên một giả thuyết khác đã được nêu vào năm 1809 với ý kiến của họa sĩ, nhà buôn tranh và sưu tầm nghệ thuật Jean-Baptiste-Pierre Lebrun là thực ra chẳng có bức rèm nào xuất hiện ở đó cả.

Sự phát triển của các thiết bị phân tích vi mô góp phần đem lại nhiều thông tin hơn. Tuy nhiên, mắt người cũng là một công cụ phân tích đầy hiệu quả, vì vậy việc nhìn vào thế giới nghệ thuật bằng con mắt chuyên gia và con mắt của một kính hiển vi điện tử có thể đem lại những điều khác biệt.

Dẫu vậy, việc một bức tranh có phông nền không có gì nổi bật vẫn là điều bất thường với thể loại tranh cảnh sinh hoạt đời thường của Vermeer, bởi cũng có những bức có nền tương tự trong nhiều bức họa khác, ví dụ, Cô gái đeo hoa tai ngọc trai, vẽ năm 1665–1667, nay thuộc bộ sưu tập Maurithuis, The Hague, và Chân dung một thiếu nữ, vẽ năm 1665–1667, nay thuộc Met. Khi những bức họa này được phục chế và bảo tồn vào năm 1952, nhà bảo tồn nghệ thuật William Suhr đưa thêm một quan điểm vào cuộc tranh cãi là liệu bức họa đã hoàn thành? Bằng chứng ông đưa ra là cảm quan của một chuyên gia mách bảo ông là “khuôn mặt và cổ, tay trái và bàn tay của cô chủ còn mới chỉ được vẽ lót, đôi mắt thì hoàn toàn trống rỗng”. Ngoài ra, Suhr còn đi với một đánh giá nữa là “nền bức tranh đúng là một tấm màn” và có màu nâu sẫm, dẫu nó chưa bao giờ được họa sĩ hoàn thiện. Ông cũng quan sát thấy “một số lọn tóc và dải ruy băng trên dây chuyền ngọc trai của cô chủ đã được vẽ nổi trên cái nền màu nâu đó”.

Câu chuyện này chỉ dừng lại khi các nhà khoa học như Silvia Centeno và Dorothy Mahon ở Phòng bảo tồn tranh và Phòng nghiên cứu khoa học (Bảo tàng Met) xuất bản công bố “Johannes Vermeer’s Mistress and Maid: new discoveries cast light on changes to the composition and the discoloration of some paint passages” (Bức ‘Cô chủ và người hầu gái’ của Johannes Vermeer: các khám phá mới rọi ánh sáng vào những thay đổi trong tác phẩm và sự biến màu) trên tạp chí Heritage Science.

Các kỹ thuật không xâm lấn tiên tiến bậc nhất hiện nay đã giúp họ giải đáp thắc mắc này.

Căn phòng chỉ có hai người?

Tình ái bí mật và những bức thư là chủ đề xuyên suốt nhiều tác phẩm văn học lãng mạn. Không có gì kích thích óc tưởng tượng hơn những câu chuyện giấu giếm và những mối quan hệ bất thường. Có thể chủ đề này đã gợi mở cho Vermeer, người họa sĩ mong muốn thu vào mặt toan của mình những hoạt cảnh đời thường và những sắc thái tình cảm phong phú, về chủ đề của Cô chủ và người hầu gái.

Các phép phân tích trên MA-XRF cho chúng ta nhiều thông tin chi tiết về bức họa. Ảnh: Silvia Centeno và Dorothy Mahon

Nhưng có thật là trong bức họa này chỉ có hai người? Liệu bức họa này còn ẩn giấu những điều gì mà họa sĩ muốn gửi gắm? Thông thường, các nhà phê bình nghệ thuật sẽ căn cứ vào bút pháp nghệ thuật, cách dùng màu hoặc khai thác những văn bản liên quan đến bức họa của chính tác giả. Trong trường hợp này, hai nhà nghiên cứu Silvia Centeno và Dorothy Mahon cho rằng, khó có thể trả lời được những câu hỏi như vậy chỉ bằng phân tích các kỹ thuật hội họa, thậm chí cả các kỹ thuật hỗ trợ thông thường. Tuy nhiên không vì thế mà các nhà khoa học lại không có cách giải quyết. “Thi thoảng, có những mẫu được trích xuất từ tranh tồn tại hàng thập kỷ trong kho lưu trữ đã được tái sử dụng bằng những phương pháp phân tích vi mô mới được phát triển. Sự phát triển và cải thiện của chúng góp phần đem lại nhiều thông tin hơn từ những mẫu vật vi mô đó. Tuy nhiên, mắt người cũng là một công cụ phân tích đầy hiệu quả, vì vậy việc nhìn vào thế giới nghệ thuật bằng con mắt chuyên gia và con mắt của một kính hiển vi điện tử có thể đem lại những điều khác biệt”, họ viết như vậy trong Heritage Science.

Nhưng đây không phải là câu trả lời cuối cùng. Điểm mấu chốt nhất là liệu dưới các lớp màu của Vermeer còn có gì khác không? Với sự hỗ trợ của kính hiển vi MA-XRF, hai nhà khoa học đã lập được bản đồ phân bố nguyên tố calci, chì, sắt, đồng và kali. Bản đồ phân bố nguyên tố tiết lộ, ban đầu, Vermeer đã đưa rất nhiều hình ảnh vào nền của bức tranh Cô chủ và người hầu gái, ít nhất là bốn người, nhưng sau đó ông đã loại đi. Có lẽ, đây không phải là những nhân vật có thực mà là hình ảnh trong một bức tranh thảm được treo trên tường phía sau cô chủ và người hầu gái.

Với sự đầy đủ của các nét vẽ nền và tô hoàn tất, không thể nói Vermeer đã bỏ lửng tác phẩm và nó chỉ được hoàn thành sau khi ông qua đời.

Bức họa này sẽ trở nên khác hẳn đi nếu như Vermeer giữ lại bức tranh thảm này, có thể nó làm mất cảm giác riêng tư, hoặc ngụ ý là điều mà hai người còn chưa rõ đang được nhiều người săn đón? Không rõ thực chất vì sao Vermeer quyết định như vậy nhưng quyết định loại các nhân vật phụ bằng việc phủ lên họ một lớp nền màu sẫm và bằng phẳng khiến người xem tập trung hơn vào tương tác của hai nhân vật chính. Việc Vermeer phủ lên tấm màn khiến những ánh mắt tập trung vào nội dung bức thư.

Vermeer có thói quen tô điểm cho bức họa của mình những đồ nội thất như các bản đồ, gương, bức tranh và các tấm thảm phương Đông. Ví dụ, trong Người phụ nữ cầm cân, vẽ năm 1663–1664, nay được treo ở Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Mỹ ở Washington, hành động cầm cân của người phụ nữ tương phản với bức họa Last Judgment (Sự phán xét cuối cùng) được treo ở bức tường phía sau. Trong trường hợp khác, Girl with a Red Hat (Cô gái đội mũ đỏ), hiện cũng treo tại Washington, được vẽ ngay sau bức Cô chủ và hầu gái, đã cho thấy sự hiển thị của một tấm thảm.

Phát hiện này đã xác nhận nghi ngờ của các chuyên gia, đồng thời cho thấy việc giám định nghệ thuật ngày nay vẫn cần phải nhờ cậy vào kiến thức và độ nhạy cảm của chuyên gia chứ không thể phó thác cho những cỗ máy.

Vermeer đã thực sự hoàn tất bức họa?

Việc nghiên cứu bức họa còn giúp các nhà bảo tồn trả lời được câu hỏi này. Trong các mẫu mà hai nhà khoa học phân tích có ba mẫu được TS. Hermann Kühn trích xuất từ năm 1965. Nay với các công cụ mới, họ đã thu được nhiều thông tin hữu ích mà trước vốn không thể: từ trên xuống dưới, một lớp màu đen nâu chứa hỗn hợp than xương và calci carbonat, và có một lượng nhỏ màu vàng từ chì thiếc, màu trắng từ chì và màu đỏ hồ (chứa nhôm, kali, lưu huỳnh) – các chất màu hồ là một dạng chất màu hữu cơ được tạo ra bằng cách kết tủa thuốc nhuộm với một chất kết dính trơ, thường là một muối kim loại. Lớp vẽ màu vàng sáng ở áo của cô chủ thực ra là một hỗn hợp vàng chì thiếc và chất nhuộm hữu cơ của hợp chất calci carbonat với nhôm, kali, clo, lưu huỳnh, phốt pho. Cũng trong lớp này, hai nhà khoa học tìm thấy dấu vết của màu xanh biển, than xương, thổ hoàng, đỏ son, thạch cao và chì trắng. Khi đưa mẫu vào một độ phóng đại cao hơn, cụ thể là ánh sáng tia cực tím, họ thấy dấu hiệu của sự nhạt màu.

Silvia Centeno và Dorothy Mahon phân tích bức tranh. Nguồn: Met

Ở đây phải nói rằng các màu hồ là những màu Vermeer yêu thích và trở thành màu nhận diện của ông. Nó giúp ông tô bóng đổ ở nhiều khu vực trong các bức tranh và khiến cho những màu tối cũng trở nên rực rỡ. Tuy nhiên các màu hồ quan trọng trong bảng màu của họa sĩ Hà Lan thế kỷ 17 này lại có xu hướng nhạy sáng và dễ bị nhạt màu theo thời gian. Trong mờ và đỏ đậm, màu đỏ hồ thường được sử dụng để làm tăng độ đậm của các màu được tô đè lên lớp màu khác, cho phép tạo ra chiều sâu và độ sắc cho các bóng sẫm và các khu vực khác trên bức tranh. Màu vàng hồ thường được sử dụng theo một cách kín đáo hơn, trong các hỗn hợp để giúp tạo màu xanh lá hoặc làm tăng sức sống cho màu vàng tối như vàng đất. Tuy nhiều màu phổ biến trong thời gian này là nguồn khoáng chất, ví dụ như xanh biển đắt đỏ (ultramarine) được tạo ra từ khoáng chất lazurite xanh sáng, nhưng màu hồ lại là hữu cơ nên khó bền.

Mặt khác, lớp đen nâu ở các mẫu của Kühn giúp chúng ta hiểu được phần nào quá trình sáng tạo của Vermeer, thường bắt đầu với các tông màu tối trung gian. Tuy nhiên đáng chú ý là không có lớp véc ni trung gian hay bụi bẩn giữa lớp màu tối đó với lớp màu vẽ sau trên tấm màn, ngụ ý là cả hai quá trình vẽ này của Vermeer đều trong quá trình phát triển và biến đổi của sáng tác.

Sự hiện diện của một lớp màu tối trên cả ba mẫu trích xuất từ phía trên bức tranh cho thấy tấm thảm được vẽ trên nền tối quen thuộc trước khi họa sĩ thay đổi suy nghĩ và quyết định vẽ bức rèm rộng khắp toàn bộ mặt toan. Bản đồ phân bố calci, chì, sắt, đồng và sắt cho thấy nó đã được ấn định và rõ ràng không thể thiếu với bức họa. Việc kiểm tra và so sánh tiến trình thời gian cho thấy tấm rèm đã được vẽ trước khi họa sĩ thực hiện những nét cọ cuối cùng ở hai nhân vật, ví dụ như tóc của cô nhân tình được hoàn thiện cuối cùng. Vậy tại sao tấm rèm lại có vẻ nhỏ đi và sẫm lại? Bản đồ phân bố đồng cho thấy màu ban đầu có lẽ là màu xanh lá. Kiểm tra bề mặt bằng kính hiển vi soi nổi cho thấy các hạt kết tụ giữ lại màu xanh lá trong mờ điển hình của các sắc tố xanh lá chứa đồng, chẳng hạn như xanh đồng hoặc đồng. Việc phân tích ba mẫu được lấy từ nền cho thấy nó chứa indigo (chàm), xanh đồng, với nhôm, calxi, lưu huỳnh và phốt pho, calxi carbonat ở dạng bột, một gypsum, chì trắng. bức rèm màu xanh sẫm và mờ. Việc nó chuyển sang mà nẫu sẫm là do sự mất màu của màu sanh chứa đồng. Hỗn hợp ban đầu được tạo ra là xanh đồng bổ sung màu chàm và một lượng nhỏ chì trắng đủ để bao phủ các nhân vật trong lớp vẽ bên dưới, dẫn đến kết quả là thu nhỏ lại bức rèm.

Quá trình sáng tác này của Vermeer cũng được ghi dấu ấn bằng những thay đổi về màu sắc. Đôi mắt của các nhà nghiên cứu đổ dồn vào tấm khăn trải bàn màu lam và đặt câu hỏi là liệu nó có phải màu nguyên bản? Kết quả phân tích cho thấy màu xanh tươi sáng dọc theo mép khăn, màu lục ngả nâu của phần bóng tô trên khăn và màu xanh lá chứa đồng chỉ dấu ban đầu họa sĩ định vẽ cái khăn này có màu xanh lá cây. Màu xanh lam hiện tại là do các hỗn hợp xanh biển chứa chì trắng và có thể là do sự phai màu của màu vàng hồ trong lớp phủ cuối cùng – lớp phủ này cũng chứa màu xanh biển. Sự thay đổi màu sắc này có thể là do tác động của thực tế: Vermeer đúng là có một chiếc khăn trải bàn màu xanh lá thật. “Thật thú vị, kho tài sản của Vermeer cũng bao gồm một chiếc khăn trải bàn màu xanh lá cây và ông là một nghệ sĩ rất quan tâm đến việc quan sát trực tiếp nên rất có thể ông đã mô phỏng các yếu tố của bố cục tranh này theo những đồ vật mà ông sở hữu. Đây cũng là một khía cạnh khác giúp chúng ta hiểu rõ hơn về nghệ sĩ tuyệt vời này”, hai nhà nghiên cứu viết.

Họ cũng cho rằng, đã đến lúc cần khép lại nghi vấn vào năm 1952 của nhà bảo tồn nghệ thuật William Suhr về việc Vermeer chưa hoàn tất bức tranh. Họ phân tích, dẫu màu vàng của tấm áo choàng và dải băng vẫn còn rõ màu nhưng phân tích trên kính hiển vi điện tử, có những chỉ dấu cho thấy đó vẫn là màu sắc ban đầu nhưng đã bị giảm sắc độ do màu vàng hồ trên bề mặt. Về tổng thể, màu sắc còn được giữ lại là nhờ chì trắng và vàng hồ có trong các lớp tô bên dưới. Ở đây, người ta vẫn có thể thấy được phần nền sẫm quen thuộc của Vermeer ở lớp vẽ đầu tiên của cái áo choàng của cô nhân tình. Với sự đầy đủ của các nét vẽ nền và tô hoàn tất, không thể nói Vermeer đã bỏ lửng tác phẩm và nó chỉ được hoàn thành sau khi ông qua đời.

Sự bóc tách quá trình sáng tác của Vermeer của hai nhà nghiên cứu tạo cho người ta cảm giác được ngồi vào cỗ máy thời gian để trở lại thành Delft, Hà Lan ở thế kỷ 17 và bước vào xưởng vẽ của ông. Danh họa đang cầm bảng màu nổi tiếng của ông, với những màu vàng hồ, đỏ hồ và màu xanh ultramarine huyền thoại, xóa đi các nhân vật trên bức tranh thảm và nghiêng đầu tô những nét vẽ lên tấm áo choàng của cô nhân tình… Bằng cách đó, ông đã hướng cái nhìn của người xem lên nhân vật nổi bật này và khiến họ nhớ mãi vẻ lộng lẫy sang chảnh của cô. Khoảnh khắc sáng tạo kỳ diệu này của Vermeer đã được khoa học tái hiện và giờ đây trở nên bất tử. □

Tô Vân tổng hợp

Nguồn: https://heritagesciencejournal.springeropen.com/articles/10.1186/s40494-020-00375-2#Fig3

https://blogs.biomedcentral.com/on-physicalsciences/2020/05/07/recent-scientific-discoveries-in-johannes-vermeers-mistress-and-maid-put-perennial-misunderstandings-about-the-masterpiece-to-rest/

https://www.nationalgallery.org.uk/research/about-research/the-meaning-of-making/vermeer-and-technique/fading-of-yellow-and-red-lake-pigments

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)