Ấn Độ: Hậu quả không thể tránh của việc mở cửa trong giáo dục đại học

Bộ trưởng Bộ Phát triển Nguồn Nhân lực Ấn độ, Kapil Sibal, đã hứa sẽ mở cửa thị trường giáo dục đại học Ấn cho các trường đại học nước ngoài và đẩy mạnh đầu tư tư nhân trong giáo dục đại học. Cần  biết rằng trước đây những chính sách trong quá khứ đã tỏ ra hoài nghi về sự tham gia của nước ngoài trong giáo dục đại học Ấn độ. Vì Ấn độ đang bắt đầu dấn bước vào hướng đi mới của giáo dục đại học,  thật rất đáng phải xem xét những hậu quả rất có thể xảy ra của việc mở cửa, dựa trên kinh nghiệm của các quốc gia khác.   

Nếu ông Sibal ngỡ rằng sự tham gia của nước ngoài sẽ trợ giúp Ấn độ nhanh chóng cải thiện sự lạc hậu trong giáo dục đại học, thì ông đã lầm.  Trừ một số rất ít ngoại lệ, các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục nước ngoài chỉ muốn thu lợi nhuận nhanh chóng bằng cách mở ra các ngành đào tạo thu hút được  nhiều người học và không quá tốn kém.  Trên toàn thế giới, có vô số những chương trình liên kết hợp tác với nước ngoài trong các ngành công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh và những ngành liên quan.  Phần lớn các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục nước ngoài này không phải là các trường đỉnh mà là các trường ở hạng trung hạng thấp hoặc trong thang bậc tôn ti ở nước họ. Một số trường gặp khó khăn về tài chính hoặc về việc tuyển sinh và muốn giải quyết những vấn đề này bằng cách mở chi nhánh đào tạo ở nước ngoài. Một số khác là những trường  “dưới đáy”, những trường sẽ mang đến thứ sản phẩm giáo dục dưới chuẩn cho Ấn độ. Một sự mở cửa thực sự sẽ cho phép cả những thứ sâu bọ gây hại lẫn những người khách được chào đón bước vào. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng “thị trường” phát hiện ra chất lượng kém một cách rất chậm- và dường như nói gì thì nói họ cũng vẫn là khách quen của chất lượng thấp.

Một số ít các trường đỉnh sẽ quan tâm đến Ấn độ vì vài lý do kết hợp với nhau- để kiếm tiền và đồng thời xây dựng những quan hệ dài hạn với những trường tốt nhất của Ấn, cũng như tạo dựng cơ sở để chiêu mộ những giảng viên và sinh viên xuất sắc nhất của Ấn độ.

 

Nâng cao chất lượng thông qua sự tham gia của nước ngoài?

Một số người cho rằng phải thừa nhận là hệ thống giáo dục đại học đang hấp hối của Ấn độ sẽ nhận được liều thuốc cần thiết nhờ sự cải cách và nâng cấp từ các chương trình liên kết với nước ngoài. Đây có vẻ như là một chẩn đoán không lấy gì làm chắc chắn. Những người Ấn có suy nghĩ sâu sắc biết những trục trặc của hệ thống, những yêu cầu ở mức độ cao, kể cả lộ trình cải cách mà Ủy ban Kiến thức đưa ra. Hơn thế nữa, rất nhiều người Ấn đã được đào tạo tại những trường đại học tốt nhất ở nước ngoài và hiểu rõ cách vận hành của những trường như thế. Việc nâng cao chất lượng sẽ phải đến từ bên trong chứ không phải từ một trường nước ngoài hoạt động ở Ấn,đó là điều không tránh khỏi. Hơn nữa, các chương trình đào tạo nước ngoài sẽ không tập trung vào cải cách giáo dục đại học Ấn mà thay vào đó là cạnh tranh với các trường địa phương. Cũng không có người nước ngoài nào mang đầy đủ bộ đồ lề phức tạp và đắt đỏ của trường họ vào Ấn độ, trái lại,họ sẽ mang những ngành đào tạo cụ thể và những phương tiện cần thiết đủ để kiếm được lợi nhuận ở Ấn. Chỉ khi nào nước chủ nhà trả giá đầy đủ, như các nước Trung Đông, thì họ mới xây dựng đầy đủ cơ sở vật chất và đào tạo những ngành tốn kém như trường hợp Trường Y thuộc Đại học Cornell ở  Qatar.

 

Khó khăn của việc duy trì hoạt động

Nếu Bộ trưởng Sibal tin rằng ông có thể dễ dàng có các trường chất lượng cao và hoạt động tốt được mở ra nhanh chóng ở Ấn độ, thì ông đã lầm. Nhiều khả năng là những nhà cung cấp dịch vụ giáo dục vì lợi nhuận như Laureate và Apollo, sẽ quan tâm đến Ấn độ nhiều nhất. Những trường này đã hoạt động thành công ở nhiều quốc gia nhưng không hề được coi là những trường có uy tín. Những trường liên kết thường trải nghiệm nhiều trục trặc trong những vấn đề hậu cần. Một thách thức đối với họ là thuyết phục giáo sư và cán bộ quản lý của mình ra nước ngoài làm việc. Thực ra điều này vẫn thường được xem là gót chân Asin của các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục nước ngoài, trong hầu hết mọi trường hợp, họ kết thúc vấn đề bằng cách thuê mướn giảng viên tại chỗ để dạy. Đối với người Ấn, học trong một trường có vẻ như trường nước ngoài với những giảng viên địa phương có thể xem là đủ, sinh viên sẽ kết thúc việc học với tấm bằng nước ngoài nhưng không có bao nhiêu trải nghiệm quốc tế.  Điều quan trọng là nếu một trường nước ngoài không kiếm được lợi nhuận một cách nhanh chóng, họ sẽ cuốn gói rất nhanh hoặc sẽ giảm chi phí bằng cách hạ thấp chất lượng.  

 

Những ví dụ quốc tế

Ấn độ có thể học hỏi từ kinh nghiệm của các nước khác với những chi nhánh nước ngoài và những hoạt động hợp tác quốc tế. Một số nước đã mở rộng cửa với rất ít quy định nhận thấy rằng hầu hết các trường nước ngoài bước vào thị trường đều là những trường dưới chuẩn. Tiêu biểu cho điều này là trường hợp Israel. Tình trạng thiếu cơ hội tiếp cận giáo dục trong nước khiến nhà nước mở cửa cho các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục nước ngoài. Hầu hết các trường nước ngoài đến Israel là những trường hoạt động một cách kém cỏi và ở bên lề hệ thống giáo dục đại học của nước họ. Thế là cánh cửa bèn đóng sập lại. Người mất mát nhiều nhất chính là sinh viên, những người đã trả giá cao cho một chất lượng thấp.

Phần lớn những nước có kinh nghiệm tương đối tích cực với các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục nước ngoài đều có những quy định rõ ràng để kiểm soát ai có thể bước vào thị trường và những điều khoản, điều kiện phải đáp ứng để có thể hoạt động. Chẳng hạn nhà nước Trung Quốc đòi hỏi các trường nước ngoài phải liên kết với một đối tác Trung Quốc và được nhà nước Trung Quốc chấp thuận. Tuy vậy, cũng có những người có thẩm quyền ở cấp địa phương đã sai lầm khi phê chuẩn các đối tác nước ngoài.

Khi bộ trưởng Sibal khẳng định rằng nhiều nước khác không duy trì những cơ chế điều chỉnh mạnh như Ủy ban Tài trợ các trường Đại học hay Hội đồng Đào tạo Công nghệ Ấn độ, quan điểm này có vẻ không đúng với thực tế. Nhiều nước vận hành bằng những cơ chế điều chỉnh mạnh và hoạt động rất tốt. Singapore, với lịch sử thành công trong hợp tác quốc tế, điều chỉnh các nhà cung cấp dịch vụ giáo dục nước ngoài một cách nghiêm ngặt và  đang mong muốn đóng cửa những chương trình như chương trình liên kết với Johns Hopkins University United States, mà người Singapore cảm thấy là những chương trình đã không thực hiện đúng như lời hứa hẹn. Bộ Giáo dục hoặc cơ quan tương đương ở Hàn Quốc, Nhật Bản hay vài nước châu Á khác đang điều chỉnh một cách thận trọng ai có thể bước vào thị trường địa phương và quy định về hoạt động của họ.

Bảo đảm chất lượng là một mối quan tâm hàng đầu, và chỉ có rất ít quốc gia gỉai quyết được vấn đề này. Một số ít quốc gia có thể giám sát tiêu chuẩn trường đại học của họ một cách hiệu quả và các trường nước ngoài tạo ra thêm những thách thức cho họ. Các chi nhánh nước ngoài của các trường đại học Hoa Kỳ được các tổ chức kiểm định Hoa Kỳ giám sát, dù các tổ chức kiểm định này cũng thấy rằng họ thật khó mà hoàn thành được nhiệm vụ ấy. Các cơ quan kiểm định chất lượng của Ấn độ thực hiện chức năng của họ không lấy gì làm hiệu quả. Giám sát và đánh giá vô số những chương trình hợp tác liên kết đào tạo với nước ngoài có lẽ là một nhiệm vụ vượt quá năng lực của hệ thống kiểm định này.

 

Có thể làm được gì?

Bộ trưởng Sibal đã nói đúng rằng Ấn độ không thể mãi mãi đóng chặt cánh cửa thị trường đào tạo. Ấn độ, nói cho cùng, ngày càng trở thành một phần trọng yếu của thế giới toàn cầu hóa. Tuy vậy, mở cửa một cách thình lình sẽ là một sai lầm nghiêm trọng. Ấn độ, như những quốc gia đang phát triển khác, cần một chính sách và những quy tắc điều chỉnh rõ ràng và minh bạch. Có những lý do gì thuyết phục cho việc tham gia vào tiến trình toàn cầu hóa giáo dục đại học? Những trường nào, những hình thức đầu tư nào của nước ngoài là thích hợp cho Ấn độ? Đâu là tiêu chuẩn lựa chọn, giám sát, và đánh giá các trường nước ngoài?Khôngc ó câu trả lời cho những câu hỏi này và một bộ khung chính sách đi kèm với những câu trả lời ấy thì việc mở cửa sẽ chỉ tạo ra những vấn đề trục trặc lâu dài cho hệ thống đào tạo của Ấn độ.

Phạm Thị Ly dịch

Nguồn:  http://www.bc.edu/bc_org/avp/soe/cihe/newsletter/Number56/p6_Altbach.htm

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)