Bài 4: SOCRATES (469-399)

Phải chăng Socrates cũng là một sophistês, song có xu hướng khác với bốn nhóm du giáo trên? Cả hai giải đáp khẳng định và phủ định đều có người bênh vực, suốt từ thời cổ đại cho đến nay.

Giữa Socrates với giới sophistai có nhiều điểm giống nhau. Trước hết, cả hai bên đều thiết tha với giáo dục; thứ hai, cả hai đều nhất trí trên quan điểm rằng cứu cánh của giáo dục là sự hiểu biết; thứ ba, cả hai đều sử dụng và  đều xem ngôn từ, đàm thoại là phương tiện nhập thế chính yếu; và cuối cùng, cả hai đều dẫn người nghe đến những quan điểm học hỏi nặng tính cách mạng so với nền giáo dục truyền thống.

Tuy nhiên, giữa Socrates với trào lưu du giáo biện sĩ thực ra vẫn có những khác biệt sâu sắc hơn số điểm tương đồng rất nhiều. Chưa kể bản thân Ông và các “học trò” đều luôn thiên về phê phán hơn là ca ngợi họ, đối lập từ căn bản hơn là đồng thuận với họ. Chẳng hạn (nếu dựa vào những đối thoại của Plato):

Theo Socrates:

Theo các nhà du giáo

Có những chuẩn mực phổ quát

Mọi chuẩn mực đều chỉ là quy ước

Phải sống có lý tưởng

Chỉ cần sống sao để thành công

Không bao giờ làm điều xấu ác

Cứu cánh biện minh cho phương tiện

Hiểu biết để phục vụ chân lý, đạo lý

Hiểu biết để dùng ở chính trường, tòa án

1/ Ý thức về sự không biết

Riêng về câu hỏi trước ngưỡng cửa của mọi đề án giáo dục – “hiểu biết là gì” hay “thế nào là hiểu biết”, quan điểm của hai bên hoàn toàn khác nhau. Trước tòa án Heliaía, Socrates phân biệt hai loại hiểu biết: một là thứ hiểu biết trực tiếp liên quan đến con người gọi là “kiến thức”1, mà Ông công nhận “có thể đúng là tôi có, bởi vì ai cũng có khả năng đạt đến”; hai là thứ hiểu biết ở một cấp bậc cao hơn, do kinh nghiệm – học hỏi – suy luận đem lại gọi là “tri thức”, mà Socrates cho là nằm ngoài tầm với của Ông (Plato, Socrates tự biện, 20d-20e). Vì vậy, trong khi các nhà du giáo tự hào là bậc thầy có khả năng trao truyền tri thức cho bất cứ ai chịu trả thù lao, thì ngược lại, Socrates khẳng định “tôi không biết gì cả, và điều tôi không biết, tôi cũng không tưởng là mình biết”, trước khi kết luận rằng Ông không thể, và cũng chưa từng tự nhận là thầy của ai hết. Dù thành khẩn hay mỉa mai, sự khiêm tốn trên của Socrates che giấu một khát vọng: vươn tới sự hiểu biết chân thực mà ý thức về cái không biết chính là bước đầu.    

Như vậy, tuy cùng chia sẻ với các nhà du giáo lý tưởng hiểu biết, ở Socrates đây là thứ hiểu biết hướng đến chân lý và đạo lý – “hiểu biết là đức hạnh”, nói theo một công thức nổi tiếng của Ông, chứ không phải chỉ là những hiểu biết thực dụng. Nói cách khác, nếu cứu cánh của việc giáo dục ở cả hai bên đều có mặt tiếp nối với truyền thống quý tộc cổ xưa ở chỗ đều nhắm tới sự hoàn hảo (aretê = excellence) nơi học viên, thì chương trình giáo dục của trào lưu sophistai thực chất là nhằm đào tạo ra, và đào tạo một cách trực tiếp, những công dân hay viên chức có phẩm chất cũng như năng lực đóng góp vào sự vận hành của loại chế độ dân chủ, trong khi ở Socrates, sự hoàn hảo này luôn luôn hướng đến con người lý tưởng – nghĩa là một con người đã phát huy tất cả phần nhân tính tốt đẹp tiềm ẩn nơi mình – bởi Ông tin rằng, trong bất kỳ loại chế độ nào, chỉ trên cơ sở một con người hoàn hảo như thế mà người công dân hay viên chức hoàn hảo mới có thể xuất hiện.

2/ “Đỡ đẻ” trí tuệ

Và sự phát huy tất cả phần nhân tính tiềm tàng ấy chỉ tùy thuộc nơi mỗi cá nhân. Thần linh, nhà nước, gia đình hay nhất là những kẻ tự cho rằng mình hiểu biết hơn người hoàn toàn không có khả năng mang lại hiểu biết cho bất cứ ai. Hiểu biết là một quá trình mà mỗi cá nhân phải tự trải nghiệm, trước tiên bằng cái ý thức về sự ngu dốt của chính mình, rồi sau đó bằng cái ý chí đi tìm điều mình chưa có là sự hiểu biết. Thần linh và “thầy giáo” nhiều lắm chỉ giữ vai trò “bà đỡ” – như thần Apollo đã khiến Socrates sửng sốt vì lời khen nghịch lý của Ngài, như Socrates đã khiến bao kẻ đối thoại phải sững sờ khi phát hiện ra sự thông thái rởm của bản thân họ.

Socrates chỉ đối thoại với những cá nhân trưởng thành ở nơi công cộng, và không tự xem mình là bậc thầy của bất cứ ai, nhưng thật ra, trong cách nhận thức mới mẻ nhất của thời nay, Ông chính là nhà giáo đầu tiên của một mô hình giáo dục độc đáo: một mặt, Socrates đã chỉ ra vì sao ta phải TỰ HỌC, và trong điều kiện nào việc tự học có thể đạt đến hiệu quả cao nhất; mặt khác, Ông cũng đồng thời chỉ ra rằng, mặc dù tự học là chính, ta cũng cần phải có ĐỐI TÁC. Bởi vì, xuất phát từ ý tưởng là sự hiểu biết chân lý vốn đã tiềm ẩn trong tinh thần con người do điều kiện bẩm sinh của lý tính, và vì thế, bất cứ ai cũng có thể tự mình tìm đến chân lý nếu được hỗ trợ bằng phương pháp thích hợp, Socrates cho rằng nhiệm vụ của Ông chỉ là giúp cho kẻ khác tìm đến chân lý bằng một hình thức tương tự như ở các bà đỡ. Bằng một số động thái, bà đỡ giúp cho thai nhi rời lòng mẹ; bằng những câu hỏi thích hợp, Triết gia khiến chân lý thoát ra từ trí não kẻ đối thoại:

“Vâng, thuật hộ sinh của tôi cũng giống như nghệ thuật của các bà đỡ trong những nét chính, chỉ khác ở chỗ là tôi đỡ đẻ cho đàn ông chứ không phải đàn bà, và trong khi họ vật vã sinh hạ, tôi chú trọng đến phần hồn chứ không phải phần xác; thành tựu của thuật này là khi tôi xét nghiệm được thấu đáo xem ý tưởng mà chàng trai đã đẻ ra là một thành kiến sai lầm hoặc một sinh nở cao quý, chân thực. Giống như các bà đỡ, tôi không sinh đẻ được, và lời thiên hạ thường chê trách rằng tôi chỉ đặt câu hỏi cho người khác chứ không có đủ khôn ngoan để tự trả lời là rất đúng – lý do là vì thần bắt tôi đỡ đẻ mà không cho phép tôi sinh sản. Vì thế mà bản thân tôi không khôn ngoan, và cũng chẳng có gì để trưng bày như phát kiến hay sản phẩm do tâm hồn mình sinh ra, nhưng bất kỳ ai chuyện trò với tôi đều được lợi. Vài người lúc đầu có vẻ khờ khạo, nhưng sau đó, khi sự trao đổi giữa chúng tôi đã chín muồi, và nếu Thần cũng thuận tình phù hộ, họ đều làm nổi những tiến bộ đáng ngạc nhiên, như cả kẻ bàng quan lẫn bản thân họ đều nhận thấy. Thật rõ ràng là họ chưa bao giờ học được bất cứ điều gì từ tôi cả, và nhiều phát hiện hay đẹp mà họ thấy gắn bó thiết thân đều do công phu của họ. Nhưng họ nợ tôi và Thần sự hộ sinh ra chúng” (Plato, Theaetetus, 150b-d).

So với thao tác chăn dắt truyền thống của tầng lớp quý tộc xây dựng trên quan hệ tuổi tác (lớn bảo trẻ nghe), hay ý muốn thuyết phục đặt trên quan hệ thầy trò cao thấp (người biết nhiều trao truyền tri thức cho kẻ không biết) vừa được giới du giáo đưa vào xã hội, chiến lược “đỡ đẻ” trí tuệ (maieutikê = maieutics)2 của Socrates mở ra kỷ nguyên của quan hệ bình đẳng trong giáo dục giữa hai cá nhân cùng đi tìm chân lý trong tư cách đối tác. Do đó, đúng như triết gia Kierkegard (1813-1855) từng nhận định, Socrates phải được xem là nhà triết lý giáo dục tương tác đầu tiên, bởi vì chủ trương cách mạng của Ông đã thay đổi toàn bộ quan hệ thầy – trò theo chiều hướng tùy thuộc lẫn nhau: “Làm thầy không phải là ban phát những khẳng định dứt khoát, hay các bài học… làm thầy thực ra là làm học trò. Sự dạy dỗ bắt đầu khi ông bạn, người thầy, học ở học trò, khi ông bạn đứng vào vị thế đã hiểu những gì và hiểu như thế nào của học trò… Học trò là cơ hội để người thầy tự tìm hiểu, đồng thời người thầy cũng là cơ hội để kẻ đi học tự hiểu mình”. (S. A.  Kierkegaard, trích dẫn bởi P. Hadot, Eloge de Socrate, tr. 29-30)

3/ Biện chứng pháp

Tuy nhiên, dù là tự học hay học với đối tác, thì cứu cánh của cái học vẫn luôn luôn là để hiểu, để biết. Nhưng thế nào là hiểu, là biết, thế nào là hiểu biết? Dựa trên cuộc truy tìm người hiểu biết hơn mình mà Socrates đã bỏ hết  thời gian, tâm trí theo đuổi nhằm chứng minh rằng ý kiến của thần Apollo về Ông là sai (Plato, Socrates Tự Biện, 21b-22e), ta có thể suy ra rằng, đối với Triết gia, hiểu biết không phải là có nhiều ý kiến về một đối tượng x nào đó, mà là có một ý kiến đúng về nó, và đúng có nghĩa là trùng hợp với bản chất hay thực chất của nó, nói đơn giản là với cái nó vốn như thế. Và thứ thao tác hoàn toàn nhắm đến việc tiếp cận thực thể (nói tổng quát hơn là chân lý) thông qua tiến trình hỏi đáp qua lại với đối tác này còn được Ông gọi là “biện chứng pháp” (dialektikê)3.

4/ Khảo hạch ba hồi elenchos

Dựa trên hai động tác này, trò chơi vấn đáp trở thành một cuộc “khảo hạch” ba hồi (chất vấn, xem xét và phản bác) gọi là elenchos (hay elegkhos, còn viết là elenchus), nghĩa là một biện chứng vấn đáp nhằm bác bỏ cái sai, nhằm phát hiện ra những mâu thuẫn ngay trong luận điệu của kẻ đối thoại bằng một cuộc đối chất trực tiếp (cross-examination), đầy nghiêm túc song cũng đầy mỉa mai (eirônia, xuất phát từ từ eiron = người giả vờ). Chiến thuật elenchos thuộc lĩnh vực ngôn ngữ và luận lý. Một elenchos điển hình thường gồm có các giai đoạn sau: 1) kẻ đối thoại X khẳng định quan điểm của mình trong chính đề A; 2) Socrates tìm sự tán đồng của X trên một số tiên đề khác, thí dụ như các mệnh đề B và C; 3) sau đó, Triết gia lập luận và, có khi sau một vài đợt điều chỉnh, khiến X phải công nhận rằng cả B lẫn C đều mâu thuẫn với chính đề A, bởi vì nó hoặc dẫn đến phản đề không-A, hoặc dẫn đến một kết luận vô lý. Cuối cùng, Triết gia kết luận, với sự công nhận của X, rằng hoặc quan điểm của X là sai, hoặc cả hai đang đứng trước một nan đề (aporia) hay một vấn đề cho tới lúc ấy vẫn chưa tìm ra giải đáp.

Mục đích của elenchos là làm cho kẻ đối thoại phải giật mình xấu hổ vì tưởng là mình biết điều mình không biết, và từ đó, ở vào trạng thái tinh thần của người muốn đi tìm sự thật (nghĩa là triết gia, bởi vì triết lý bắt đầu bằng sự kinh ngạc, rồi hiếu kỳ), muốn tìm hiểu thêm trước một nan đề.

5/ Thái độ mỉa mai eirôneia

Khác với elenchos, chiến thuật eirôneia thuộc lĩnh vực tâm lý. Trong một cuộc đối thoại hàng ngày, có thể hai kẻ trò chuyện đôi khi cũng tâng bốc nhau là tài giỏi, thông thái, đức hạnh, v. v… mà không thực sự tin như thế, thậm chí còn nghĩ ngược lại. Nhưng đấy chỉ là lối mỉa mai đểu cáng thường tình; ở Socrates, eirôneia vượt quá thói thường này để đóng vai trò của một biện pháp kích động tư duy đối với cả Ông lẫn kẻ đối tác, rồi dần dà hóa thân thành một phong cách hành xử riêng, gắn liền với nhân cách độc đáo của Triết gia: thói quen chất vấn kẻ đối thoại như thể là Ông không có chút hiểu biết nào – “điều duy nhất tôi biết là tôi không biết gì cả”! “Bằng những câu hỏi, Socrates giả vờ muốn kẻ trò chuyện truyền cho Ông tri thức hay sự hiểu biết của y; nhưng sự thực là, qua trò vấn đáp, kẻ trò chuyện này khám phá ra rằng y không có tri thức gì hay hiểu biết nào để dạy cho Socrate hết cả; thế là y theo học Socrate, thực ra là từ nay y muốn được dẫn dắt bởi ý thức về sự không biết” (Pierre Hadot, Eloge de Socrate, tr. 43).

Trong sự tương tác với các chiến thuật khác, eirôneia vừa là mặt bổ túc cho elenchos, vừa có mặt đối lập với maieutikê. Thao tác maieutikê được áp dụng cho những người không biết là mình biết, và nhằm giúp cho sự hiểu biết tiềm tàng từ bên trong đối tác đó thoát ra; trái lại, eirôneia được sử dụng cho những kẻ tưởng là mình có hiểu biết, tuy thực ra chẳng biết gì cả, và nhằm làm cho đương sự lúng túng, bàng hoàng trước sự ngu dốt chưa từng được phát hiện của mình. Nó là một chiến thuật đỡ đẻ đích thực khi ta chấp nhận quan điểm của Socrates: biết rằng không biết chính là bước đầu của cái biết!

6/ Sống là suy xét

Socrates thực sự nghĩ gì về đối tượng của cuộc đàm luận? Socrates là người không biết gì cả như Ông tự nhận, hay là người không ai hiểu biết hơn trên đời, như lời phán của vị thần ở đền Delphi? Trước kẻ đối thoại đương thời và độc giả của bao đời sau, Ông lần lượt ẩn hiện và được nhận diện như tên hành khất lắm lời, như tấm gương soi hồn kẻ trò chuyện, như chiếc mặt nạ, như pho tượng Silenus, như nhân dương Marsyas, hay như con cá đuối điện4 … Bản thân Triết gia cũng đã từng tự cho rằng dường như Thần đã trói Ông vào thành quốc như “một con ruồi trâu trên lưng ngựa, để thức tỉnh, quở trách, và thuyết phục mỗi công dân thành quốc, bất kỳ lúc nào và bất cứ ở đâu, không ngừng không nghỉ” (Plato, Socrates Tự biện, 30e-31a), rằng “phải tự xét mình và xét người, bởi vì sống không suy xét không đáng gọi là sống” (Plato, Socrates Tự biện, 38a).

Mặt khác, nếu đấy là toàn bộ những vũ khí tư tưởng mà Socrates vận dụng để chữa bệnh thông thái rởm và kích thích người đời “hãy tự biết mình”, thì từ các xác minh kể trên, khuyến dụ này không còn có thể bị đánh đồng với hình thức nội tỉnh chủ quan quen thuộc trong tâm lý học, như một khuynh hướng triết lý từ Hegel trở đi vẫn luôn nhầm lẫn. Bởi vì “một trong những mục tiêu chính của triết lý kiểu Socrates– sự tự biết mình – có nghịch lý sau là nó cần tới trung gian của tha nhân”: không có trao đổi với kẻ đối thoại, sẽ không có sự phản tỉnh; không có cố gắng nhìn lại vào bên trong của chính mình, chắc chắn không thể có cái ý thức “tôi không biết gì cả”, để cất bước lên đường tìm học. “Khác xa với sự tìm tòi đơn độc mà ta có thể dấn vào trong sự tĩnh lặng của thú đọc sách hay viết lách, với Socrates, triết lý là một hành trình tìm tòi được chia sẻ với kẻ khác qua đối thoại”5. Thế nên, với Socrates, sự chia sẻ ấy còn lan ra cả đến nỗi bối rối và buồn bã trong thất bại. Khi Meno so sánh Ông với con cá đuối điện, Triết gia trả lời: “Nếu con cá đuối điện cũng bị tê điếng khi nó chích kẻ khác, thì đúng tôi là con cá ấy, bằng không thì không phải; bởi vì khi tôi làm người khác bối rối, đâu phải vì tôi trong sáng, mà chính vì tôi cũng hoàn toàn bối rối như họ” (Plato, Meno, 80c)

7/ Cải thiện con người để cải tạo thành quốc

Bằng phong cách sống và tư duy độc đáo đến mức trở thành lạ lùng trong mắt người đương thời như trên, Socrates dấn thân vào một dự phóng cũng đồng thời là sự nghiệp suốt đời và muôn đời của Ông: cải tạo thành quốc bằng cách cải thiện con người, nghĩa là dấn vào con đường chính trị thông qua giáo dục. Tại sao lại có sự tương tác giữa ba mặt này? Vì đối với người Hy Lạp xưa, con người tự nhiên là con người sinh ra, lớn lên và chết đi bên trong một cộng đồng – gia đình, thị tộc, bộ tộc, và ở vào mức phát triển của thế kỷ thứ V tCn, thành quốc (polis). Thế nên, một mặt, con người tự nhiên chỉ có thể là con người tập thể, thành viên của một tập hợp nào đấy, và do đó được gọi là politès (con dân của polis) để đối lập, một mặt với thú vật, mặt khác với thần linh, mà họ gộp chung dưới nhãn hiệu idiotès (bởi vì chỉ có hoặc thiên thần, hoặc súc vật mới không cần đến đời sống cộng đồng, và do đó, có thể vừa sống bên trên hay bên ngoài xã hội, vừa không màng tìm hiểu hay luận bàn về sự tồn tại của thành quốc với những vấn đề liên hệ); mặt khác, do “con người là một sinh vật chính trị” (Aristoteles) như thế, nên không có một kích thước nào của chính trị, dù mang tên politika (công việc của polis), politikê (loại kiến thức liên quan đến polis) hay politeia (sự tổ chức polis) mà lại không liên quan đến, thậm chí bắt rễ từ con người. Làm thế nào cải tạo thành quốc (polis), cải tổ chính sự (cả 3 góc độ trên) mà lại không bắt đầu bằng việc cải thiện, nghĩa là bằng biện pháp giáo dục, mỗi người?    

Tựu trung, cánh cửa của thành quốc chính là ngõ vào triết lý nhân sự, đồng thời cũng là triết lý giáo dục của Socrates. Nó là cái lăng kính xuyên qua đấy Ông nhận diện và xác định không những chỉ con người, mà ngay cả mọi giá trị nhân bản như sự hiểu biết, sùng tín, công chính, dũng cảm, tiết độ, nói chung là đức hạnh hay sự hoàn hảo, v. v… Điều này không có nghĩa là Socrates hờ hững với chính trị theo nghĩa chính quyền và là kẻ bài xích luật pháp nhà nước cùng với chế độ dân chủ – là một misodêmos. Số phận run rủi, Triết gia đã từng chấp chính hai lần, và cả hai lần đều hành xử hoàn toàn xứng đáng như người lãnh đạo, trong tinh thần trách nhiệm và công chính (Socrates Tự biện 32b-32e).

8/ “Tên hành khất”
6 và “bà đỡ” thành Athens

Mang dự phóng ấy, Socrates bôn ba khắp mọi nẻo đường thành quốc, với một “chương trình giáo dục” thoạt trông khá đơn giản. Xenophon đã kể lại một ngày của Socrates như sau: “Sáng sớm, Ông đến những nơi dạo chơi hay các bãi đánh vật; buổi trưa Ông xuất hiện ở chỗ nào đông người tại Agora7; rồi đến khi ngày sắp tàn thì Ông tới nơi nào có nhiều người tụ họp nhất, phần lớn để trò chuyện với những ai chọn đứng lại nghe” (Xenophon, Memorabilia, t. I – ch. 1). Cuộc chuyện trò, với một hay nhiều người, như vậy đều diễn ra nơi công cộng, và trên những vấn đề liên quan đến đời sống hàng ngày của mỗi công dân trong thành quốc: thế nào là tham lam, thế nào dối trá, thế nào là can đảm, thế nào là thân tình, luật pháp là gì, công lý là gì, sùng tín là gì, hiểu biết là gì, tiết độ là gì, thế nào là đức hạnh, thế nào là làm người? Nghĩa là, về cả hình thức lẫn nội dung, Socrates không hề đi chệch ra ngoài cả truyền thống sunousia lẫn yêu cầu cọ xát với những vấn đề thiết yếu của thành quốc. Thế nhưng hai cái bình cũ ấy lại chứa rượu mới. Triết gia không chăn dắt trẻ thiếu niên; Ông ưa tranh luận với người lớn, nhất là những kẻ tiếng tăm hơn. Triết gia không ngửa nhìn thần linh để noi hay nêu gương, mà lôi các vị ra khảo sát rồi đánh giá. Để giải đáp băn khoăn x là gì?, Ông không dừng lại ở ý kiến của người đời về mỗi đối tượng, hoặc sự liệt kê những ví dụ về nó, mà đòi hỏi phải phát hiện ra chính “cái khiến cho nó là nó” trong một định nghĩa bản chất…

Thế nên loại câu hỏi “ngô nghê” của Socrates đã khiến bao nhà thông thái rởm ngỡ ngàng, khi nhìn thấy cái lâu đài tưởng là hiểu biết của họ sụp đổ. Nó cũng đã khiến bao lĩnh tụ bất tài vô hạnh của cái đảng Dân chủ đã biến chất ở Athens thấp thỏm: sau thần linh liệu sẽ đến lượt ai phải minh bạch về hạnh kiểm của mình đây? liệu đòi hỏi “phải tự xét mình” sẽ dừng lại chăng trước ngưỡng cửa của quyền lực? liệu những “onomata kala” (lời hoa mỹ) về tài đức và về các chủ trương chính sách mị dân của họ sẽ rơi rụng tựa lá nho chăng, trước những cặp mắt từ nay sẽ tinh tường hơn của bọn ngu dân, do đã biết tư duy theo kiểu triết gia? Để trừ hậu hoạn, bọn họ đã bắt tay nhau nhằm nhổ đi cái gai trước mắt. Đó là ý nghĩa của phiên tòa, bản án tử hình, và cái chết của Socrates năm 399 tCn.  

Trở lại với câu hỏi ở đầu phần IX trên, có lẽ ta nên tách Socrates khỏi trào lưu du giáo, bởi vì thật ra có nhiều dị biệt hơn là tương đồng giữa Ông với trào lưu sophistai đương thời. Tuy nhiên, nhìn dưới khía cạnh giáo dục, cả hai bên đều đã không hẹn mà cùng góp phần thực hiện một cuộc cách mạng vĩ đại ở Athens xưa, và đã để lại hai truyền thống vẫn còn tác động mạnh mẽ lên hệ thống giáo dục trên toàn thế giới cho đến nay.
—————
1  Kiến thức, “những điều thấy và biết” theo định nghĩa trong Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, chỉ cái biết trực tiếp do cảm thấy, nhìn thấy.
2 Maieutikê hay maieutikos (thuật đỡ đẻ, đến từ maia = bà đỡ). Về nguồn gốc, một mặt, từ này có thể liên hệ đến Maia (con của thần Atlas với Pleione, mẹ của thần Hermès), thường được xem là hộ thần của sự sinh sản và bà đỡ; mặt khác, nó cũng có thể ít nhiều liên hệ đến giáo phái gọi là orphism (xuất phát từ huyền thoại Orpheus trở lại được dương thế sau khi xuống địa ngục Hades), bởi vì thời đó, theo sự tin tưởng của giáo phái này, maieutikê hay maieutikos là nghệ thuật làm cho tinh thần sản sinh ra những tri thức đã tích tụ được từ nhiều kiếp trước.
3 Xuất phát từ dia (giữa, qua) + legein (nói), và từ dialektos (cuộc nói chuyện, diễn từ), đồng thời nằm trong cùng một hệ từ với dialektikos (người tranh biện giỏi) và dialegomai (tham dự vào một cuộc nói chuyện), dialektikê lúc đầu đơn giản chỉ nghệ thuật đối thoại. Ở Socrates, nó chỉ có nghĩa nguyên thủy này, và chỉ nghệ thuật trao đổi tư tưởng qua vấn đáp như một phương pháp tiếp cận chân lý. Chỉ từ Plato, dialektikê mới có thêm ý nghĩa là khoa học về chân lý, trước khi cao hứng đi bằng đầu với G. W. F. Hegel trong gia đình thần thánh duy tâm, rồi sau lại chạy bằng chân với Karl Marx trong một gia đình thần thánh duy vật khác.
4 Tất cả những so sánh trên đều nhằm hiển thị: một mặt, sự tương phản giữa hình thù với tâm hồn của Socrates; mặt khác, ảnh hưởng của lời nói của Triết gia trên kẻ đối thoại. Socrates luôn luôn tự nhận mình không biết gì, nhưng phải chăng đây chỉ là chiếc mặt nạ che giấu bao hiểu biết chân chính đáng quý? Người đương thời không ngần ngại so sánh thân xác ông với pho tượng đất lão Silenus xấu xí (sói, phệ, lùn, mũi tẹt, môi dày, mắt lồi) mà trong bụng lại chứa đầy tượng thần con bằng bạc, và lời lẽ ông với tiếng sáo thiên thai của nhân dương Marsyas mà tác dụng có thể làm cho người nghe tê điếng như khi chạm vào loại cá đuối điện.
5 L.-A. Dorion, Pour la philosophie, un père libérateur, tr. 68. Trg: Socrate, un maitre à vivre, Magazine Littéraire, no 487, Juin 2009, tr. 64-89.
6 Lời phỉ báng Socrates trong một hài kịch của Eupolis (khg 446-411): “Tôi cũng ghét Socrates, tên hành khất lắm lời, kẻ đã nghĩ đến đủ thứ chuyện, trừ việc kiếm đâu ra miếng ăn”. Danh hiệu “hành khất” có lẽ xuất phát từ thói quen lang thang khắp Athens trong lối ăn mặc đạm bạc, thậm chí lôi thôi của Triết gia: chỉ một tấm himátion hay tribôn (loại áo khoác bằng vải hay len thô) đơn sơ trên người, bất kể thời tiết. 
7 Agora liên hệ đến 2 từ: agoreuein (nói) và agoreuzein (mua bán), do đó, chỉ nơi người ta đến để trao đổi lời nói, hàng hóa, tiền bạc; đây là nơi tập trung mọi sinh hoạt công cộng,  với các kiến trúc và địa điểm chính liên quan đến mọi lĩnh vực sinh hoạt của thành quốc.

Đọc thêm:

Bài 2: Chế độ dân chủ
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=5892

Bài 1: Từ xã hội hóa đến giáo dục
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&News=5888&CategoryID=6

Bài 3: Trào lưu du giáo
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=5895

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)