Bài 6: Di sản của trào lưu du giáo

Trong khuôn khổ của một sự chuyên nghiệp hóa giáo dục vận hành bình thường, quan hệ THẦY/TRÒ (cung, kẻ có tri thức/cầu, kẻ cần tri thức) và việc dạy học lấy THÙ LAO thời nay không còn là món kiêng kị nữa. Nhà giáo cũng phải có lương để sống, như mọi người. Đấy là thành công lớn, di sản lớn thứ nhất của trào lưu du giáo trong tổ chức giáo dục  ngày nay ở mọi quốc gia.

1/ Quan hệ thầy – trò

So sánh quá nghiêm khắc, nếu không muốn nói là cực đoan, của Socrates xưa – “kẻ bán kiến thức cho bất kỳ ai trả giá gọi là sophistês, y hệt như người ta gọi kẻ bán nhan sắc cho bất cứ ai muốn mua là đĩ điếm” (Xenophon, Memorabilia, t. I, ch. VI) chỉ có thể hiểu nổi trong tổ chức chính trị – xã hội thành Athens vào thế kỷ thứ V tCn: tham gia vào sự nghiệp xây dựng đời sống chung trong polis cần được nhìn nhận như một nghĩa cử mà mọi công dân đều phải vui lòng cáng đáng không cầu mong lợi lộc, và còn gì quan trọng hơn là việc dạy bảo con em thành quốc? Nhưng nếu đòi hỏi phải dạy miễn phí là khả thi đối với giới quý tộc, kẻ có thể bỏ hết thời gian cho việc công – được xem là đặc trưng (proprium = property, attribute) của con người tự do so với thành viên của các bộ lạc mọi rợ, bởi vì việc kinh tế đã có nô lệ lo, còn việc nhà đã có đàn bà đảm đương! –, thì nó lại là bất khả thi đối với phần lớn công dân khác. Tất nhiên, dù không thuộc thành phần đại gia, Socrates vẫn có thể triết lý quên cả ăn uống, ngủ nghê; và tùy quan điểm, đấy có thể là một kỳ tích đáng ca ngợi hoặc thói ba hoa đáng phỉ nhổ, song chắc chắn là không phải ai cũng theo đuổi được.

2/ Trường lớp chuyên biệt

Thành công lớn, đồng thời là di sản thứ hai của trào lưu du giáo là sự công nhận một MÔI TRƯỜNG CHUYÊN BIỆT cho việc giáo dục ở khắp nơi trên thế giới. Ngày nay, mọi nền giáo dục đều diễn ra dưới hình thức những trường lớp được điều hành bởi các thầy cô chuyên nghiệp đã trải qua một thời gian đào tạo nghiêm túc. Thật ra, sự tiến hóa của mô hình chung này đã có nhiều bước trung gian ngay từ thời cổ đại, với sự xuất hiện từ thế kỷ thứ IV của hai ngôi trường là Akademeia (Academy) của Plato và Lykeion (Lyceum) của Aristoteles. Ta sẽ trở lại hai thiết chế này khi bàn về triết lý giáo dục của Plato và Aristoteles; hiện giờ chỉ cần ghi nhận đôi ba điều liên quan đến ý niệm một môi trường học chuyên biệt: khởi đầu Akademeia (Academy) là một học hội hay câu lạc bộ nghiên cứu (được xây dựng như một cộng đồng người sống và sinh hoạt chung kiểu như ở giáo phái Pythagoras8), với vài thành viên là những nhân vật đã thành danh và có khả năng tự túc, chỉ về sau mới có sự phân biệt tuổi tác, nghĩa là rốt cuộc trình độ hiểu biết, giữa các thành viên với nhau; Lykeion (Lyceum) giống một đại học ngày nay hơn, nhờ sự hỗ trợ của Alexander Đại đế (vốn là học trò của Aristoteles), về tài chính (khoảng 4 triệu USD ngày nay theo ước lượng của một tài liệu) cũng như phương tiện (sách để lập thư viện; cây, trái, thú lạ để nghiên cứu). 

3/ Hiểu biết bách khoa và thực dụng

Thành công và di sản thứ ba của trào lưu du giáo nói chung được thể hiện trong tính BÁCH KHOA và THỰC DỤNG của cái học. Trong tương quan mật thiết với sự phổ biến và củng cố lý tưởng dân chủ ở Athens, ý hướng đào tạo ra những công dân có hiểu biết pháp luật song song với khả năng phát biểu và tranh luận tại các hội trường thành quốc dần dà trở thành đòi hỏi họ phải đóng góp thiết thực hơn nữa vào sự phát triển xã hội, bằng những hiểu biết ngày một chuyên, một sâu. Thời nay, mọi nền giáo dục quốc gia đều phải bị đánh giá là thất bại, nếu không đào tạo đủ nhân tài để điều hành các guồng máy kỹ thuật đa dạng trong nước; hoặc ngược lại, chỉ đào tạo được những kẻ tốt nghiệp mà không có việc làm tương xứng, thậm chí không tìm ra việc. Hướng phát triển này thường được liên hệ với trào lưu sophistai; sự thật là, trên con đường từ Protagoras- Hippias… đến các trường cao đẳng, đại học ngày nay, đã có rất nhiều cầu nối trung gian, kể cả hai định chế giáo dục cổ đại vừa nhắc tới ở đoạn trên. Mặc dù chương trình học của Akademeia không được biết rõ mấy – có ý kiến cho rằng nó chỉ giới hạn vào triết học và chính trị học – sự kiện câu khuyến dụ “Đừng để ai bước vào đây nếu không phải là nhà kỷ hà học (Let None But Geometers Enter Here)” được ghi ngay tại cổng trường, đã khiến nhiều tác giả nghĩ rằng toán học, và có thể cả một số vấn đề đời nay xếp vào loại khoa học nữa, cũng từng được giảng dạy ở đây. Trường hợp Lykeion còn rõ ràng hơn: Aristoteles là nhà bác học, và không ít sách của ông để lại là những giáo trình đã được soạn để dạy “lịch sử tự nhiên” (khoa học thực nghiệm ngày nay) tại đây.   

4/ Từ nói hay đến hay nói

Ngược lại, di sản thứ tư của trào lưu – thuật HÙNG BIỆN (rhêtorikós) – có duyên số nhập nhằng hơn với giáo dục. Đành rằng đã làm nghề dạy học thì nói hay tốt hơn là nói dở, và được cử tọa lắng nghe tốt hơn là làm cho họ ngủ gật. Đây là một lợi thế không thể chối cãi đối với loại tộc người thích nói và nghe như dân Hy Lạp xưa. Tuy nhiên, ngay từ thời cổ đại, đã nổi lên sự đối lập giữa logos (biểu văn lý tính, được xây dựng trên cái có thực) với muthos (biểu văn hoang tưởng, được xây dựng trên huyền thoại, dù có vẻ như thật). Người ta đi học để hiểu biết – và hiểu biết nhất thiết phải có nghĩa là biết cái gì là thật (đúng) và tại sao nó là thật (đúng) – chứ không phải chỉ để có ý kiến – nếu không có cái gì là thật (đúng) cả, thì mọi ý kiến đều có giá trị bằng nhau, đi học làm gì? Sự kiện có nhiều triết gia từ bỏ ý niệm “Chân lý (Alêthéia)” hay “Hiểu biết (Sophia)” trong thế kỷ thứ V vì quá thất vọng trước loại kết luận bất nhất, mơ hồ của các học thuyết trước đấy là điều hiểu được. May thay, vẫn còn có những người không cam chịu với sự bi quan đó, và tiếp tục tìm cho bằng được một giải đáp thỏa đáng trước loại câu hỏi: “x là gì?”, “tại sao x lại như thế?” – nghĩa là, vô tình đi trước thời đại của mình: họ không nhìn chân lý như chốn bồng lai, mà như đường chân trời, luôn có mặt đấy, song cũng đồng thời luôn lùi lại mỗi khi ta có cảm tưởng đã tiến được đến gần hơn đôi chút. Nhờ họ, ngày nay chúng ta mới được sống bao bọc trong tiện nghi của bao sản phẩm do khoa học mang lại.

Tuy nhiên, ngay trong thế kỷ 21 sCn này, vẫn còn không ít người nghĩ như Gorgias hay Protagoras xưa, và cứ mỗi lần một bộ môn khoa học nào đó rơi vào khủng hoảng, thì lại thấy xuất hiện những lời bài bác giễu cợt “cái gọi là chân lý”! Vô tình hoặc cố ý, họ chủ trương một thứ biểu văn khoa học không khao khát bóc trần hiện thực mà chỉ muốn vuốt ve mơn trớn tâm hồn, không muốn chuyên chở cái đúng mà chỉ mong truyền đạt cảm xúc, và cảm xúc càng được nhiều người chia sẻ thì tính chính đáng của nó càng được củng cố. Do đó, nhà giáo có thể (và tất nhiên là có nhiệm vụ) “biến một biểu văn yếu thành biểu văn mạnh”, nghĩa là giúp cho một biểu văn được ít người ủng hộ thành một biểu văn được nhiều kẻ tán đồng hơn, vừa bằng tài nói hay xưa kia (thuật hùng biện), vừa bằng thói hay nói đời nay (nhồi sọ, tuyên truyền). Giá trị của một nền giáo dục được xây dựng trên loại nguyên lý ấy sẽ dẫn ta đến đâu, trong sử học chẳng hạn? Trường hợp khá nhất: đến sự tưởng cái có vẻ thật là thật; trường hợp tệ nhất: đến sự chấp nhận dối trá là chân lý. Với cùng một hậu quả là chẳng ai còn muốn học sử nữa cả.

Về cái đúng và cái có vẻ đúng, người ta có thể vô tình nhầm hay cố ý đánh đồng lừa với ngựa, vì lừa có dáng dấp giống ngựa. Nhưng “khi một nhà hùng biện không phân biệt nổi đúng / sai nói chuyện với một cử tọa cũng dốt như ông ta về vấn đề này, và nhờ biết rõ tâm lý đám đông, xui khiến được đồng bào của mình chọn điều sai thay vì cái đúng, chứ không chỉ đơn giản là lừa thay vì ngựa nữa, thì liệu thuật hùng biện sẽ gặt hái được gì, sau khi đã gieo thứ hạt giống ấy”? (Plato, Phaedrus, 260a-d). Câu cật vấn trên của Plato đã lột trần được nhược điểm của trào lưu sophistai – cái điểm yếu có tác động tiêu cực lên cả mục đích lẫn phương pháp luận giáo dục – đã khiến cho những đóng góp tích cực khác của họ rơi vào lãng quên trong hơn 20 thế kỷ, bởi sự đối kháng quyết liệt triết gia (philosophos) / biện sĩ (sophistês) mà chính Plato – dù không hoàn toàn trung lập, nghĩa là cũng mang đâu đó ít nhiều tính chất… biện sĩ – đã có đủ cơ sở để dựng lên, từ chính một số phát biểu và hành tung của nhiều sophistai.



8 Pythagoras (khg 570-495), nhà toán học và triết gia có khuynh hướng huyền bí (ông đề xướng thuyết luân hồi). Tập hợp đệ tử do ông đứng đầu vừa là triết phái, vừa là hội kín tín hữu, vừa là tổ chức chính trị có ảnh hưởng lớn trong nhiều lãnh vực ở Croton (Nam Ý). Cơ sở này bị địch thủ đốt vào khoảng năm 450. Pythagoras có thể đã bỏ mình trong cuộc hỏa hoạn; một số đệ tử của ông quay về Hy Lạp chính địa, lập học hội ở Phliús (Peloponnese) và Thebes (Boeotia)

Đọc thêm:

Bài 1: Từ xã hội hóa đến giáo dục
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&News=5888&CategoryID=6

Bài 2: Chế độ dân chủ
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=5892

Bài 3: Trào lưu du giáo
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=5895

Bài 4: SOCRATES (469-399)
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=5947

Bài 5: Tóm tắt ba quan điểm giáo dục
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=5955

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)