Bài 7: Di sản của Socrates
Nhược điểm của trào lưu du giáo dẫn ta tới cái tương phản với nó, đồng thời là cái di sản đầu tiên và thắng lợi huy hoàng nhất của truyền thống giáo dục mà khởi điểm là Socrates.
1/ “Không biết và cũng không tưởng là mình biết”
Tưởng rằng mình biết luôn luôn là một chướng ngại cho sự hiểu biết. Tuy nhiên, đối với các nhà khoa học đương đại, ngay cả những tri thức có giá trị nhiều khi cũng vẫn là một trở ngại cho sự hiểu biết sâu hơn, rộng hơn, khác hơn. Hãy nhìn vào lịch sử của vài bộ môn khoa học. Vật lý của Newton và hình học của Euclid đều là những mảnh đất vững chãi của hiểu biết. Thế nhưng nếu ai cũng sùng bái Newton như vị sứ giả có một không hai mà Thượng đế gửi xuống để khai trí con người10, thì có lẽ ta đã không bao giờ vượt qua được vật lý của thế giới trung mô, để tìm hiểu vật lý của thế giới vĩ mô và thế giới vi mô. Nếu ai cũng tin rằng Euclid là “không thể vượt qua”, thì có lẽ ta đã không bao giờ xây dựng được những mô hình hình học phi-Euclid. Hơn bao giờ hết, ta cần luôn luôn tự nhủ: hiểu biết tuyệt đối, cũng như chân lý vĩnh hằng, là đường chân trời mời mọc hay ám ảnh ở tít đằng xa, không bao giờ là chốn bồng lai vây bọc quanh ta. Và nếu cái thái độ cởi mở trước sự học này đã không bắt nguồn từ chính Socrates, thì ít ra nó cũng có nhiều liên hệ với một truyền thống khoa học không xa lạ với Triết gia.
Bởi vì ở Socrates, ý thức “không biết”, song song với sự “không tưởng rằng mình biết”, cùng dẫn đến động thái tích cực là sự dấn thân đi tìm cái biết đúng, thực (được xem là đặc trưng của triết gia philo-sophos = kẻ yêu-hiểu biết – với định nghĩa này thì tất cả chúng ta đều là triết gia), chứ không phải là sự buông xuôi chịu đựng họa dốt nát. Và sự dấn thân ấy, cái thái độ sapere aude (hãy dám biết) ấy, một mặt, không ai có thể làm thay ta được, kể cả thần thánh (Plato, Symposium, 204a), mặt khác, ta cũng không thể làm một mình được, mà cần có đối tác. Đối với chúng ta ngày nay, đối tác đó chủ yếu là thầy cô – một quan điểm trên / dưới lệ thuộc thừa hưởng được từ trào lưu du giáo. Ở phương Đông, ông cha ta từng tuyên phán: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, dù chỉ hơn có nửa chữ cũng vẫn là thầy. Ở Athens, Socrates từng hoài nghi: “Giá mà qua tiếp xúc, sự hiểu biết có thể được truyền từ người có nhiều hơn sang kẻ có ít hơn, tựa như nước có thể chảy từ ly đầy hơn sang ly vơi hơn qua mảnh len, thì tốt biết bao!” (Plato, Symposium, 175a); và sự ngờ vực này không chỉ giới hạn vào loại hiểu biết đạo đức hay chính trị, mà còn lan ra cả nhiều lĩnh vực khác. Thế nên, do Ông không tự nhận là thầy của bất cứ ai, và cũng không công nhận ai thực sự là thầy, Socrates bất ngờ thiết lập một quan hệ mới giữa những người cùng đi tìm hiểu biết, nghĩa là cùng học dựa vào nhau: quan hệ đối tác bình đẳng.
Trong quan hệ đó, người này “đỡ đẻ” cho người kia. Như thần Apollo “đỡ đẻ” cho Socrates. Thần phán: “Không có ai hiểu biết hơn Socrates trên đời này cả”; nhưng nếu Socrates kiêu hãnh xem đấy là chân lý thay vì kinh ngạc bởi tự biết rằng mình không biết chi hết, rồi tìm cách chứng minh là câu thần dụ ấy sai, thì chẳng đời nào Ông ngộ ra được ý thần: “Hỡi con người, kẻ thông thái nhất trong số các anh sẽ là ai tự biết rằng hiểu biết của mình không là gì cả, như Socrates vậy”, nghĩa là Socrates hiểu biết hơn người, chính vì ông ta biết rằng mình không biết chi hết (Plato, Socrates tự biện, 23b). Như Socrates “đỡ đẻ” cho bất cứ ai trò chuyện cùng Ông. Socrates chỉ hỏi “x là gì”, đôi khi còn mớm cho họ một ý, nhưng chính kẻ đối thoại phải động não để tìm ra câu trả lời thích đáng, có khi còn khiến Ông phải đổi hướng trò chơi hỏi đáp. Trong quan hệ này, đâu có ai dạy ai. Cho nên Socrates mới kết luận: “Thật rõ ràng là họ chưa bao giờ học được bất cứ điều gì từ tôi cả, và nhiều phát hiện hay đẹp mà họ thấy gắn bó thiết thân đều do công phu của họ” (Plato, Theaetetus, 150d). Kierkegaard bình: “Cách hiểu Socrates tốt nhất chính là hiểu rằng chẳng ai mắc Ông món nợ nào cả, đấy là điều Ông thích hơn hết, và có thể ưa thích như vậy thì quả là đẹp” (S. A. Kierkegaard, trích dẫn bởi P. Hadot, Eloge de Socrate, tr. 29-30).
2/ Quan hệ đối tác: kẻ “đỡ”, người “đẻ”
Trong quan hệ đối tác bình đẳng đó, người này “đỡ” song người kia cũng phải “đẻ”. Socrates cho rằng: “thần bắt tôi đỡ đẻ mà không cho phép tôi sinh sản” (Plato, Theaetetus, 150c); đây là một kiểu nói nhằm vừa xác định vai trò “bà đỡ” của Ông như một thiên chức, vừa xác lập là bất cứ ai khác (trừ loại “bà đỡ” như Ông) cũng có thể sinh sản, dù giá trị của sản phẩm ra đời có thể không đồng đều về phẩm chất. Nghĩa là ai cũng có lý trí, hay nói cách khác, lý tính là bẩm sinh ở mỗi người. Và với lý tính bẩm sinh này, ai cũng có thể đạt được những tri thức đúng đắn, nếu được cật vấn đúng phương pháp. Thần linh hay người khác không có vai trò nào ở đây. Ngày nay, có thể ta ít bi quan hơn Socrates: nhất định là thầy cô có thể dạy học trò biết nhiều thứ, cho dù phải nhắc đi nhắc lại rằng “tri phải đi đôi với hành”. Tuy nhiên, cũng cần nhớ lại rằng, ở Socrates, chữ hành đi xa hơn chuyện thực tập nhiều: nó là sự vận dụng toàn bộ trí năng của chính mình để tự suy nghĩ xem xét, tự trải nghiệm khám phá, và ngay từ bước đầu tiên.
Và dù ở Socrates xưa, thứ hiểu biết được đem ra bàn luận thường là hiểu biết đạo lý: đức hạnh là khoa học chân chính, trước hết vì nó là khoa học về bản thân ta, nhưng cũng vì vậy mà nó luôn luôn vuột khỏi tầm tay của bao kẻ tuy thông minh mà không hề nghĩ suy gì về mình. Nhưng ngày nay không ai cấm ta mở rộng lĩnh vực áp dụng, và nhận thức rằng mọi khoa học chân chính đều không thể được tiếp thu từ bên ngoài mà phải được (tái) phát hiện từ bên trong, dưới ảnh hưởng của sự kinh ngạc trước một vấn đề, bất cứ là vấn đề gì. Đóng góp lớn thứ hai của Socrates cho giáo dục thời nay là tinh thần TỰ HỌC. Dù có cắp sách đến trường, ta cũng phải tự mình học, nghĩa là tự suy nghĩ xem xét, tự trải nghiệm khám phá, chứ có ai làm hộ mình đâu? Như vậy, tại sao ta lại không nuôi dưỡng ý thức tự học này ngay từ đầu, để đề phòng hoặc đối phó với những thời nhân tai (có thể xảy ra ở khắp nơi!), khi nền giáo dục quốc gia bị lũng đoạn, thậm chí tiêu vong, vì đủ thứ tệ hại chính trị, xã hội, kinh tế, đạo đức do con người gây ra đã cùng tác động song song để đẩy trình độ hiểu biết của cả nước xuống cấp?
Trở lại với phương Đông và lời căn dặn “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Nghĩa là dù chỉ dạy được có nửa chữ cũng là thầy, và do đó, phải được kính trọng trong tư cách là thầy 100%, chứ không phải chỉ trong giới hạn của 1/2 chữ. Vâng, về tình nghĩa thì đúng thôi! Với điều kiện là nó không sinh ra thứ đầu óc nô lệ. Muốn tránh tình cảnh này, từ nay, hãy xem thầy – cô như bà đỡ theo nghĩa của Socrates: cứ đường hoàng cật vấn, phản biện. Hãy xem bạn học như đối tác: cứ thân tình hỏi, đáp, tranh luận. Hãy xem sách như bà đỡ: ở phương Đông, ta cũng hay nói: “Không thầy, đố mày làm nên”; từ nay, nên tự nhủ: “Không sách, đố thầy làm nên”; hãy đọc thật nhiều để có vốn mà suy tư, và nhất là đừng cho phép bất cứ ai cấm mình đọc sách. Hãy xem Internet như đối tác: ngày nay, mọi thông tin khoa học đều được truyền tải trên mạng, không ai còn lấy thúng úp voi được nữa; hãy học thật giỏi ngôn ngữ của một xứ sở tự do và văn minh, rồi lên Internet tự tìm lấy thông tin, hiểu biết – vì đấy là một quyền không thể chuyển nhượng của con người.
3/ “Xét mình, xét người”
Điều này dẫn ta tới đóng góp lớn thứ ba của Socrates cho giáo dục thời nay. Đấy là khuyến dụ: “XÉT MÌNH, XÉT NGƯỜI”. Thoạt nghe, có vẻ như đây chỉ đơn thuần là một đòi hỏi đạo lý; thật ra, ở Socrates, yêu cầu “tu dưỡng tâm hồn với đức hạnh” luôn luôn cặp đôi với một mệnh lệnh khác bao trùm tất cả là “trau dồi hiểu biết” (Plato, Socrates tự biện, 29e), bởi vì theo Triết gia, “chỉ có một thiện căn, đó là sự hiểu biết, và chỉ có một ác căn, ấy là sự ngu muội” (D. Laërtius, Life of Socrates, t. 2 – đ. 14). Để rồi sự tin tưởng tuyệt đối rằng lý trí có thể hoàn toàn chế ngự được cả lĩnh vực đạo đức này, cuối cùng, đã dẫn Ông tới kết luận “không ai cố ý làm điều bất chính”, được diễn đạt một cách khái quát qua công thức trứ danh “hiểu biết là đức hạnh” mà đời sau gọi là “nghịch lý Socrates” (“the Socratic paradox”). Ở đây, Triết gia dường như đã bỏ qua một hiện tượng hiển nhiên mà người Hy Lạp gọi là akrasia: mặc dù biết một điều gì đó là không nên làm, người đời rốt cuộc vẫn cứ làm, chỉ vì thiếu ý chí để tự kiềm chế.
a/ Óc phê phán
Dù sao, để xét mình, xét người (như trong khuyến dụ trên), xét cả mọi hiện tượng, sự vật, sự việc… (vì cuộc sống luôn đòi hỏi), nhất thiết vừa phải có phần lý tính bẩm sinh gọi là tinh thần phê phán (ý muốn cùng với khả năng phân biệt đúng / sai, thật / giả, phải / trái, xấu / đẹp,…), vừa phải có chỗ dựa (một hệ thống tư tưởng hay giá trị nào đấy) để phê phán. Và không có gì thiết yếu cho sự hiểu biết hơn là óc phê phán, trong giáo dục cũng như trong đời sống hàng ngày.
Chẳng hạn như, một trong những đòi hỏi của đời sống hằng ngày hiện nay trong một cộng đồng người là văn hóa ứng xử. Thứ văn hóa này đòi hỏi bức thiết khả năng phân biệt thiện/ác, phải/trái, tốt/xấu, giữa những kẻ cùng chia sẻ một tinh cầu, một quốc gia, một mái trường… Đây là một vấn đề luôn được xem là thuộc lĩnh vực luân lý. Và từ thời sophistai, tính tương đối của các hệ thống luân lý đã trở thành câu khẳng định đầu lưỡi của nhiều thế hệ, đến nỗi đã có tác giả đề nghị thay luân lý học bằng phong tục – tập quán học. Và thực tế là, ở nhiều quốc gia tiên tiến, môn luân lý đạo đức đã biến mất trong chương trình trung học, vì bị xem là vấn đề riêng tư (như tôn giáo, và do đó) thuộc thẩm quyền gia đình và cá nhân hơn là học đường, lúc đầu còn được thay thế bởi môn công dân giáo dục, nhưng về sau ngay cả môn học này cũng biết mất. Kết quả là sự tràn lan ngày nay của loại công dân tốt nghiệp có tri thức nhưng nguy hiểm, ngay ở tầng lớp cao cấp nhất. Một y sĩ chẳng hạn, với tri thức chuyên môn của mình, có thể trở thành tên sát nhân, nếu không phải là người tốt. Việc thành lập bác sĩ đoàn, luật sư đoàn, hay những tổ chức tương đương trong một số ngành nghề hoạt động, với các bộ “đạo lý tác nghiệp” ít nhiều hiệu lực, biểu thị song song một khoảng trống từ cơ sở học đường và một nhu cầu bức bách trong xã hội.
b/ Từ luân lý đến công dân giáo dục
Ở phương Tây, Socrates là người đầu tiên đã tách rời luân lý ra khỏi tôn giáo (thời đó là thần thoại) để đặt nó trên một nền tảng khác là lý tính. Và trên con đường tìm hiểu thế nào là một con người hoàn hảo (aretê, con người đúng với cái ý nghĩa và giá trị NGƯỜI của mình), Ông đã lần lượt phát hiện ra, ngoài hiểu biết (sophía), những phẩm chất người gọi là đức hạnh khác: đấy là công chính (dikaiosunê), dũng cảm (ándreía) và tiết độ (sôphrosunê). Rồi, trong hoàn cảnh đảo điên của đời sống chính trị ở Athens (định chế chồng chéo, luật pháp như mớ bòng bong, lãnh đạo mị dân, dân tình phân tán…), với hệ quả là sự sa đọa song song của xã hội (mê tín, bói toán, kiện cáo, làm tiền…), Triết gia đã bôn ba khắp các nẻo đường thành quốc trong hy vọng cải tạo thành quốc không chân chính bằng cách cải thiện bất cứ ai gặp gỡ trên đường thành những con người chân chính. Bởi vì “sự không chân chính này của hiện trạng thành quốc không thể được cải thiện bằng loại hành động hoành tráng, cho dù là dưới hình thức chính quyền nào – dân chủ, quý tộc hay bá vương. Không chế độ nào có thể cải thiện được gì, trừ phi mỗi cá nhân chịu tự giáo dục lấy mình, trừ phi bản chất con người tiềm ẩn bên trong hắn được vực dậy trước thực tại, thông qua một cảm thức đồng thời cũng là hành động nội tâm, một kiến thức cũng đồng thời là đức hạnh. Cứ trở nên con người chân chính, tự khắc sẽ trở thành công dân chân chính” (K. Jaspers, Socrates, tr. 17). Trong mắt Karl Kaspers, đấy là dự án mà Socrates đã mang cả cuộc đời Ông ra đánh cược.
Để rồi chính cái chết của Ông đã khiến đời sau không ngừng băn khoăn về mối quan hệ biện chứng giữa cá nhân với tập thể: tập thể phải được tổ chức như thế nào để cá nhân có thể phát huy hết cá tính và nhân phẩm của mình; và ngược lại, cá nhân phải có những phẩm hạnh nào để tập thể có thể tiến hóa tốt đẹp hoặc không rơi vào cảnh đảo điên? Và lịch sử chính trị – xã hội – văn hóa của loài người chính là cuộc hành trình đầy sóng gió nhằm tìm giải đáp cho hai câu hỏi trên. Về câu hỏi thứ nhất, sau nhiều cuộc cách mạng với hai cuộc thế chiến, câu trả lời chính là bản Tuyên ngôn Nhân quyền, được công bố vào năm 1948: con người chỉ có thể phát huy được hết nhân phẩm trong điều kiện những quyền con người căn bản của hắn được tôn trọng, dưới một nhà nước cộng hòa, tự do và dân chủ. Về câu hỏi thứ hai, sự phát triển của xã hội về mọi phương diện làm nổi bật và củng cố hai giá trị con người là sự hiểu biết (nghĩa là sự trân trọng chân lý), và công lý (hay công chính), bên cạnh những giá trị cộng đồng khác như tự do và bình đẳng. Tất cả những giá trị đó đều do con người dựng lên để tự phân biệt mình với súc vật, đều lấy con người làm gốc, nên được gọi là những giá trị nhân bản – theo nghĩa là nếu chúng không được tôn trọng, con người không còn xứng đáng làm người và sẽ rơi trở xuống điều kiện súc vật.
c/“Xét mình, xét người” dựa trên những quy tắc nào?
Văn hóa ứng xử trong xã hội ngày nay không chỉ giới hạn vào lãnh vực luân lý mà còn bao gồm cả pháp luật nữa. Và trong điều kiện cả thế giới đã trở thành một cái làng toàn cầu (planetary village) nói theo khái niệm của nhà xã hội học Mac Luhan (1911-1980), thì bộ quy tắc ứng xử mà con người ở khắp nơi phải dựa vào để “xét mình, xét người”, ngoài loại đòi hỏi luân lý, cũng phải bao gồm cả những quy định của luật quốc tế, và cụ thể là bộ luật về nhân quyền nay đã được cả thế giới xem như một thứ luật nền tảng. Nói chung, yêu cầu luân lý đương đại vẫn tập trung trên sự tôn trọng tính người, và thật ra không xa lạ gì với những đòi hỏi đạo giáo xưa11, một khi đã gỡ bỏ cái vỏ bọc tôn giáo hoặc cái trật tự phong kiến (“không quân thần phụ tử đếch ra người”) đã lỗi thời đi kèm. Con người tốt trong thế kỷ 21 phải là kẻ biết tôn trọng những giá trị nhân bản như chân lý, công chính, thiện hảo, song song với những giá trị cộng đồng như tự do, bình đẳng, và quyền con người của chính mình cũng như của kẻ khác. Và đấy chính là điều mà một nền giáo dục chân chính phải hướng tới, song song với những hiểu biết chuyên môn.
KẾT LUẬN
Để kết luận, có thể khẳng định rằng cả hai truyền thống giáo dục mà cổ Hy Lạp để lại đã tác động lâu bền lên nền giáo dục của đời sau trên khắp thế giới. Sự tổ chức giáo dục ở mọi nơi, với cấu trúc trường lớp, chức năng thầy cô, quan hệ thầy – trò, hệ thống lương bổng… là phần di sản mà ta phải nhận nợ từ các nhà du giáo. Sự chuyên môn hóa ngày càng tăng, với hệ quả là sự phát sinh mỗi ngày một nhiều các môn học mới, ngày càng chuyên sâu và càng tinh tế, là một món nợ di sản khác từ trào lưu sophistai này mà ta cũng phải công nhận (bởi dấu ấn của nó còn đọng lại trên các từ nước đôi sophisticated = sophistiqué, sophistification trong Anh và Pháp ngữ, do danh hiệu “biện sĩ” phũ phàng mà Plato gán cho họ!). Hai món nợ lớn trên đã làm cho người phương Tây có vẻ như đã quên mất cái truyền thống thứ hai từ Socrates trong một thời gian khá dài, qua sự xao lãng cả luân lý học lẫn công dân giáo dục ở nhà trường, nghĩa là sự thờ ơ với một vấn đề căn bản của giáo dục là phải đào tạo con người song song với việc đào tạo chuyên gia. Nhưng làm sao có thể có chuyên gia, có cán bộ, có lãnh đạo… tốt trên cơ sở những kẻ bất lương, bất hảo, nói tóm lại là bất nhân hay chưa thành người? Thế nên, đào tạo con người trước hết là phải đánh thức tinh thần phê phán vẫn tiềm ẩn trong mỗi cá nhân, để hắn luôn luôn nhớ: một mặt, rằng học hỏi thực chất là một quá trình tích cực tự suy nghĩ xem xét, tự trải nghiệm khám phá, chứ không phải chỉ là sự thụ động tiếp thu; mặt khác, rằng học là “tập sống trong tinh thần tự xét mình và xét người” trên nền tảng những giá trị đã khiến con người không phải hay không còn là thú vật nữa. Và đấy là phần di sản chúng ta vĩnh viễn nợ Socrates; từ ngàn xưa và bất kỳ ở đâu, truyền thống giáo dục này vẫn luôn âm ỉ như than hồng trong bếp lửa gia đình, Tổ quốc, và chỉ bùng lên thành ngọn lửa thiêng những lúc hữu sự – nghĩa là vào những thời điểm mà nền giáo dục quốc gia cũng đang ngả nghiêng xuống dốc theo vận mạng chao đảo của đất nước.
—
9 “Gnôthi se autón” hay “Gnôthi seautón” (“Know thyself = Hãy tự biết mình”). Thật ra, lời mời gọi này đã được người đương thời gán cho ít nhất là 6 nhân vật: Chilon thành Sparta, Heraclitus xứ Ephesus, Pythagoras ở Samos, Socrates và Solon thành Athens, và Thales xứ Miletus; có nguồn cho là xuất phát từ thần Apollo. Dù sao, nó đã được ghi lại trên cổng đền Delphi trong một câu văn dài hơn, được dịch nghĩa như sau: “Know thyself and thou shalt know all the mysteries of the gods and of the universe” = “Connais-toi toi-même, et tu connaîtras l’univers et les dieux” = “Hãy tự biết mình, tự khắc sẽ biết hết những bí mật của cả vũ trụ lẫn thần thánh”. Tự biết mình là bước đầu của mọi hiểu biết.
10 Kiểu câu thơ ca tụng Newton của Alexander Pope: “Nature and nature’s laws lay hid in night, God said “Let Newton be”, And all was light” = “Tự nhiên và quy luật của tự nhiên ẩn trong đêm tối, Thượng đế phán “Hãy đưa Newton tới”, Và ánh sáng tràn ngập khắp nơi”.
11 Một mặt, trí (hiểu biết), dũng đều có mặt trong nhiều bộ giá trị luân lý cạnh tranh, dù với cấp bậc khác biệt; mặt khác, nhiều giá trị như tín nghĩa hay tiết chế, dù không được ghi lại trong tất cả các bảng giá trị, đều có thể được chấp nhận bởi tất cả không mấy khó khăn. Hơn nữa, sự đối xử với kẻ khác trong tình người cũng cùng có mặt trong nhiều bộ quy tắc ứng xử, dù với những tên gọi và điểm nhấn khác nhau (bác ái, từ bi, nhân nghĩa).
—
Đọc thêm:
Bài 1: Từ xã hội hóa đến giáo dục
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&News=5888&CategoryID=6
Bài 2: Chế độ dân chủ
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=5892
Bài 3: Trào lưu du giáo
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=5895
Bài 4: SOCRATES (469-399)
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=5947
Bài 5: Tóm tắt ba quan điểm giáo dục
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=5955
Bài 6: Phần di sản của trào lưu du giáo
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&CategoryID=6&News=5959