Bản chất xã hội hóa giáo dục

Xã hội hóa giáo dục (XHHGD) đang bị lạm dụng và bóp méo, dẫn đến tình trạng lạm thu và đẩy gánh nặng tài chính cho dân. Vì thế, nhìn lại bản chất của xã hội hóa giáo dục, từ đó có những chấn chỉnh thích hợp là việc làm cần thiết.

Nhiệm vụ của giáo dục (GD) là tạo ra những công dân có chất lượng cho xã hội, đồng thời vun đắp những giá trị mà xã hội theo đuổi. Sự phát triển cũng như trình độ phát triển của một đất nước được thúc đẩy và quyết định bằng chính những công dân của đất nước đó. Do tầm quan trọng sống còn như thế, GD cần được quan tâm một cách đặc biệt. Mỗi chính sách GD cần được xem xét dựa trên bản chất xã hội của GD.

Chồng lấn do bản chất

Xã hội có thể được xem như sự hợp thành của bốn thành phần: Nhà nước, Thị trường, Gia đình và Tổ chức dân sự. Nhìn vào cấu trúc của xã hội thì thấy, GD nằm trong vùng chồng lấn của cả bốn thành phần này. Vì thế, GD không phải là công việc của riêng ai, mà đòi hỏi sự gánh vác của toàn xã hội. Nói cách khác, XHHGD là tất yếu, nhưng cách thức tiến hành thế nào, ở nội dung và mức độ nào, còn là vấn đề cần thảo luận. Nếu không, một chủ trương đúng dễ bị lạm dụng vì lợi ích cục bộ và khó trở thành hiện thực. Nhìn vào bản chất chồng lấn của GD (hình trang 15) thì thấy: GD không phải và không thể 100% thuộc bất cứ thành phần nào. Cho nên, đa dạng hóa các loại hình cung cấp dịch vụ GD và huy động sự đóng góp của tất cả các thành phần vào GD là cần thiết và tất yếu.

Tuy nhiên, do vai trò điều hành và quản lý xã hội của Nhà nước cũng như do nguồn lực vượt trội so với các thành phần khác, Nhà nước phải là người cung cấp dịch vụ GD chính và chịu trách nhiệm về những phân khúc quan trọng nhất, đòi hỏi nhiều nguồn lực nhất. Đầu tư cho GD khi đó phải được coi là đầu tư cho hạ tầng quốc gia trong một tầm nhìn tổng thể, dài hạn. Nếu không, sẽ dẫn đến tình trạng Nhà nước thả nổi GD và đẩy gánh nặng GD cho dân như tình trạng lạm thu đã xuất hiện ở nhiều nơi.

Không chỉ là tài chính

Sự tham gia của các thành phần ngoài Nhà nước vào GD không chỉ đơn thuần ở khía cạnh đóng góp tài chính, mà phải ở toàn bộ nội dung và phương thức GD.
Gia đình cần phối hợp cùng Nhà trường GD con em cả về tri thức lẫn đạo đức chứ không thể giao khoán cho Nhà trường mọi việc. Do đó, gia đình phải được tham gia việc hình thành và điều chỉnh nội dung GD trong Nhà trường thông qua những cơ chế hợp lý, như Hội đồng trường chẳng hạn.

Thị trường, cụ thể là các công ty, với tư cách là người sử dụng các tri thức và kĩ năng của sản phẩm GD, phải tham gia tư vấn, thiết kế một phần nội dung GD, nhất là với GD đại học và dạy nghề. Nếu không, chương trình GD dễ lạc hậu và xa rời thực tế, những tri thức và kĩ năng mà nhà trường trang bị cho người học không đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lao động.
Các tổ chức dân sự, hội nghề nghiệp tham gia vào GD với chức năng bồi dưỡng nghiệp vụ, tư vấn chương trình sao cho nội dung GD đáp ứng được những đòi hỏi của đời sống thực bên ngoài nhà trường.

Đó mới là nội dung đúng của XHHGD. Nhưng thật đáng buồn, điều này đã ít nhiều bị hiểu sai và bóp méo. Việc huy động sự đóng góp của các thành phần ngoài Nhà nước, chủ yếu là gia đình vào GD chỉ tập trung vào khía cạnh đóng góp tài chính, một phần rất nhỏ trong tổng thể GD, lại là phần Nhà nước cần phải chịu trách nhiệm chính dưới sự ủy nhiệm thông qua việc đóng thuế của người dân, dẫn đến tình trạng lạm thu và đẩy gánh nặng tài chính cho gia đình như báo chí phản ánh1.

Những cơ sở cung cấp dịch vụ giáo dục, nếu nhân danh xã hội hóa giáo dục để lạm thu thì đó là sự mạo danh. Vì về bản chất, xã hội hóa giáo dục không nhằm huy động tài chính của dân, mà nhằm thu hút sự tham gia của tất cả các thành phần trong xã hội – Nhà nước, gia đình, thị trường và các tổ chức dân sự – tham gia tư vấn, thiết kế về nội dung và triển khai chương trình, cách thức giáo dục cùng với Nhà trường để tạo ra  những công dân tốt hơn.

Một biểu hiện lệch lạc khác của việc bóp méo XHHGD là xu hướng thị trường hóa GD. Nhà trường có nguy cơ trở thành nơi kinh doanh thu lợi. Các trường đua nhau mở ra, chạy theo số lượng mà bỏ rơi chất lượng2. Kế hoạch cổ phần hóa các trường đại học, dù chỉ mới ở dạng dự thảo3, cũng là con đẻ của tư duy XHHGD méo mó. Hệ quả của việc hiểu sai, cố tình hiểu sai, hoặc bóp méo bản chất tích cực của XHHGD đã biến một chủ trương đúng đắn thành một gánh nặng cho người dân.

Xã  hội hóa không gian và quyền tham gia giáo dục

XHHGD trước hết phải là XHH không gian và quyền tham gia GD, tham gia quản lý Nhà trường, thiết kế chương trình và triển khai các hoạt động GD của tất cả các thành phần trong xã hội. Quyền học tập của mọi công dân phải được đảm bảo và mở rộng. Từ đó hình thành những chính sách phù hợp để hỗ trợ những trẻ em khó khăn vẫn có thể đến trường. Quyền tự chủ của Nhà trường, quyền lựa chọn nội dung và phương thức giảng dạy của giáo viên cũng cần được tăng cường. Biểu hiện rõ ràng của điều này là quyền tự chủ của các trường đại học về chương trình, nhân sự; quyền lựa chọn sách giáo khoa dựa trên khung chương chình chuẩn của các trường phổ thông; quyền được điều tiết nội dung và cách thức giảng dạy tùy thuộc vào đặc điểm cụ thể của người học, vùng miền hoặc nội dung đào tạo…

Các loại hình GD khác nhau và khác với GD truyền thống, như GD trực tuyến, GD di động, cũng cần được sử dụng để mở rộng không gian học tập sao cho phù hợp với nhiều đối tượng cụ thể.

Không gian GD sẽ không chỉ gói gọn ở  trong Nhà trường, mà cần mở rộng về  đến Gia đình, Thị trường (các công ty), Tổ chức dân sự (Hội nghề nghiệp). Vì thế, một cơ chế cho phép tất cả các thành phần này tham gia tích cực vào hoạt động GD là cần thiết và cần được khuyến khích.

Thay lời kết

Chất lượng của xã hội và sự giàu mạnh của đất nước, suy cho cùng, được quyết định bởi chất lượng của chính những công dân tạo ra xã hội đó. Do vậy, huy động mọi nguồn lực để phát triển GD là một chính sách đúng. Nhưng chỉ chú ý đến huy động tài chính thì đó là sự bóp méo nội dung của XHHGD và phần nào là thiếu trách nhiệm, đẩy gánh nặng tài chính cho người dân. Cách thức XHHGD, với đặc điểm nổi bật là huy động tài chính của dân, là lệch lạc về bản chất, vì thế cần được chấn chỉnh để trả lại sự trong sáng và tích cực vốn có của khái niệm này.

————–
1 Loạn thu nhân danh xã hội hóa giáo dục, báo Tiền Phong, ngày 4-6/12/2009.
2 Mở trường đại học: Càng nhiều càng kém?, báo Người Lao động, ngày 15/4/2008.
3 Dự thảo thí điểm chuyển trường học thành công ty cổ phần, Bộ Tài chính, 2009.

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)