Bỏ “đọc – chép” – Liệu có trị bệnh từ ngọn?

Theo chỉ thị của Bộ GD&ĐT, thì “trong vòng 2 năm bắt đầu từ năm học 2009-2010, chấm dứt việc dạy học chủ yếu qua “đọc - chép” ở Trung học cơ sở (THCS) và Trung học phổ thông (THPT)”1. Vấn đề đặt ra là, trong vòng 2 năm ngắn ngủi, liệu chúng ta có thể “chấm dứt” được cách dạy học “chủ yếu qua đọc chép” đã tồn tại hàng trăm, hàng ngàn năm? Và rằng, quan trọng hơn, bỏ “đọc - chép” có phải là một phương pháp hiệu quả để cải cách phương pháp dạy và học ở các cấp phổ thông, hay thực tế chỉ là một cách chữa bệnh nan y không phải từ căn nguyên của nó?

Phải thừa nhận rằng, hiện nay không thiếu những giáo viên, với hàng ngàn lý do từ việc lười suy nghĩ, sợ giảng sai, sợ “cháy” giáo án,… đã lựa chọn giải pháp “an toàn” là đọc những gì được ghi trong giáo án mẫu. Và thế là học sinh chỉ còn cách gò lưng chép lại những gì thầy cô giáo “đọc” và về nhà học thuộc lòng. Việc “đọc – chép” theo cách đó là hiện tượng đang tồn tại phổ biến trong các trường phổ thông ở ta (thậm chí nhiều trường đại học hiện nay vẫn còn cách dạy và học như vậy!). Cách dạy và học này đương nhiên sẽ làm cùn mòn sự chủ động và sáng tạo trong việc truyền thụ cũng như nắm bắt tri thức. Việc dạy của giáo viên sẽ chỉ đơn giản là đọc sao cho đúng và hết giáo trình, còn việc học của học sinh sẽ chỉ còn là nghe – chép và học thuộc. Hiện tượng này đương nhiên sẽ là mối nguy hại thực sự đối với bất kỳ nền giáo dục nào trên thế giới chứ không phải chỉ riêng Việt Nam.
Vấn đề đổi mới phương pháp giảng dạy, như thế, là chuyện không thể không làm. Tuy nhiên, dù theo cách nào, công việc trên mọi giảng đường vẫn là truyền thụ và tiếp nhận tri thức. Nhiệm vụ của bất cứ người giáo viên nào khi lên lớp bằng mọi cách phải truyền thụ và hướng dẫn học sinh nắm bắt được tri thức. Phía học sinh, công việc chính là làm cách nào để tiếp nhận và hiểu tri thức do giáo viên truyền thụ. Công việc truyền thụ và tiếp nhận tri thức đối với độ tuổi học sinh THCS và THPT càng trở nên quan trọng khi ở lứa tuổi này, nhiệm vụ của các em vẫn chủ yếu là tiếp nhận tri thức chứ không phải là sáng tạo tri thức. Theo đó, giáo viên khi lên lớp không thể, dù dưới hình thức nào, bỏ được việc “đọc” và học sinh không thể bỏ được việc “ghi chép”.
Nhiệm vụ quan trọng nhất của giáo dục giai đoạn THCS và THPT là cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản nhất trong các lĩnh vực tự nhiên, xã hội. Do đó, như đã nói ở trên, ở giai đoạn này, công việc của học sinh chưa phải là sáng tạo tri thức mà là tiếp thu tri thức. Và cũng theo đó, nhiệm vụ của giáo viên là phải làm sao, theo cách dễ hiểu nhất truyền thụ cho học sinh những kiến thức tối cơ bản, khả dĩ giúp các em có đủ hành trang bước vào cho những cấp học cao hơn. Nhiệm vụ đó sẽ là “bất khả thi” nếu như giảng viên lên lớp không dùng phương pháp truyền thống là “khẩu truyền”. Đã có ý kiến về việc nhiều nơi, để chấm dứt nạn “đọc – chép” và thực hiện việc vận dụng công nghệ vào giảng dạy, giáo viên đã biến từ việc “đọc – chép” truyền thống thành việc “nhìn – chép” khô khan hay “hỏi – trả lời” nặng nề.
Ngoài ra, bên cạnh tri thức, ở lứa tuổi THCS và THPT, là giai đoạn học sinh đang phát triển và định hình nhân cách, người giáo viên còn phải dạy cho học sinh phương pháp tiếp thu và vận dụng tri thức, dạy cho các em từ cách ứng xử, cho đến cách rung cảm, xúc động trước mọi vấn đề của cuộc sống. Đó là điều mà không có chiếc máy tính, hay máy chiếu điện tử nào thay thế được ở một người thầy. Và xét cho cùng, những gì được giáo viên trình bày trên lớp cũng là một cách “đọc”. Họ đang “đọc” những tri thức đã được họ tích lũy và nghiền ngẫm để học sinh nghe và hiểu vấn đề, họ đang “đọc” những kinh nghiệm, cảm xúc của chính họ để truyền thụ cho học sinh cách ứng xử trong cuộc sống. Tất nhiên, việc “đọc” này sẽ trở thành một “vấn nạn” thực sự nếu như người thầy chỉ biết rập khuôn máy móc những gì được ghi trong các giáo án mẫu. Chính vì thế, ở đây, nếu phải bỏ, phải “chấm dứt” thì trước hết là ở sự thay đổi nhận thức và năng lực của đội ngũ giáo viên, vì vậy họ cần phải được đào tạo một cách tương xứng và phải là những người được chuẩn hóa đầu tiên, chứ không phải là bỏ hay không việc “đọc – chép”.
Năm 1981, Barnatt, một nhà tâm lý học người Mỹ đã tiến hành nghiên cứu thực nghiệm về ảnh hưởng của việc ghi chép trên giảng đường đối với kết quả học tập của học sinh. Kết quả thực nghiệm cho thấy, thành tích học tập của những học sinh chủ động ghi chép trọng tâm của bài giảng một cách thường xuyên khi lên lớp cao hơn hẳn so với hai nhóm những học sinh chỉ nghe giảng, dẫu cho họ có nắm được trọng tâm của bài giảng hay không. Trên thực tế, trí nhớ của con người là có hạn, đặc biệt là trong thời đại bùng nổ thông tin và tri thức như ngày nay, người ta không thể biết và nhớ được tất cả mọi thứ. Việc ghi chép trên lớp, do đó, sẽ giúp học sinh khắc phục được những giới hạn của trí nhớ. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng, việc chủ động ghi chép những điểm trọng tâm của bài giảng sẽ giúp cho học sinh tập trung tốt hơn, tăng cường hiệu quả của việc nghe từ đó giúp các em nắm bắt và vận dụng kiến thức dễ dàng hơn. Hơn nữa, có ghi chép, có nắm bắt được trọng tâm của bài giảng, người học mới có thể tham gia thảo luận, trao đổi với học sinh khác hay với ngay cả giáo viên của mình. Như thế, việc ghi chép của học sinh mỗi khi lên lớp là một việc làm rất quan trọng, nếu như không muốn nói rằng, học sinh lên lớp không thể không “ghi chép”.
Hiện nay, ở Trung Quốc, đất nước có truyền thống văn hóa, trong đó có giáo dục, khá gần gũi với Việt Nam, thì vấn đề sôi động nhất trên các diễn đàn giáo dục của họ không phải là việc có hay không việc tiến hành ghi chép trên giảng đường mà là vấn đề học sinh làm cách nào để ghi chép sao cho hiệu quả nhất khi lên lớp. Bên cạnh đó, việc ghi chép của học sinh không phải đến hiện nay, trong nền giáo dục hiện đại mới được tiến hành mà đã có cách đây từ hàng ngàn năm. Rất nhiều các tác phẩm của các nhà giáo, nhà trí thức lớn của Việt Nam và trên thế giới từ trước tới nay đều được xuất bản nhờ những cuốn vở ghi chép trên lớp học của các sinh viên.
Như vậy, giải pháp cho vấn đề “đọc – chép” ở ta có lẽ không phải ở việc bỏ hay không bỏ “đọc – chép”, mà là “đọc” và “chép” như thế nào cho có hiệu quả? Vì rằng, ngay cả khi “đọc – chép” mà cả hai phía, thầy và trò đều là những người chủ động thì hiệu quả còn khả quan hơn rất nhiều so với việc đổi mới một cách cứng nhắc và theo phong trào. Điều quan trọng nhất của giáo dục Việt Nam, như nhiều người đã nói, có lẽ vẫn là làm sao phát huy được tính trách nhiệm, chủ động, sự sáng tạo của cả người dạy và người học đồng thời đưa ra được những chiến lược mang tính toàn diện, lâu dài và phù hợp với nhu cầu thời đại, chứ không phải là những “mục tiêu ngắn hạn” như nội dung “chấm dứt đọc – chép trong vòng 2 năm” vừa được ban hành.
—————-
1 Xem Từ 2009, chấm dứt đọc chép ở phổ thông, báo điện tử Vietnamnet
(http://www.vietnamnet.vn/giaoduc/2009/08/861767/)

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)